Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

LỢI ÍCH KÉP VỚI MÔ HÌNH KẾT HỢP SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP VỚI ĐIỆN MẶT TRỜI

  |   Viết bởi : GreenID

Lễ khánh thành mô hình kết hợp sản xuất nông nghiệp với điện mặt trời tại An Giang.

Sáng ngày 16/4/2021, tại ấp An Hòa, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn tỉnh An Giang Ban Quản lý Dự án phát triển năng lượng bền vững (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang) phối hợp với Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh (GreenID) và Công ty TNHH Ý Thức Khí Hậu (CS) đã diễn ra lễ khánh thành mô hình kết hợp sản xuất nông nghiệp với điện mặt trời.

Lễ khánh thành có sự tham gia của Sở nông nghiệp tỉnh An Giang, Hậu Giang, đại diện chính quyền, phòng nông nghiệp xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, đại diện các xã ở huyện Tịnh Biên và Tri Tôn và đông đảo người dân tại ấp An Hòa quan tâm đến mô hình kết hợp sản xuất nông nghiệp với điện mặt trời. 

Lễ cắt băng khánh thành mô hình kết hợp

Mô hình được thiết kế theo tiêu chuẩn của điện mặt trời áp mái được lắp trên công trình xây dựng, nhà màng trồng cây theo quy định và hướng dẫn của EVN với công suất 45kwp lắp đặt trên diện tích 400m2, phía dưới là nhà màng trồng cây. Các tấm quang năng được thiết kế với độ giãn cách phù hợp, đảm bảo khả năng sinh trưởng của giống cây trồng.

Mô hình kết hợp nhìn từ trên cao

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trương Tấn Thọ, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết: “Mô hình sản xuất nông nghiệp với điện mặt trời tại ấp An Hòa, xã Châu Lăng là mô hình đúng đắn, cả về hướng tiếp cận và vùng đất thực hiện. Mô hình này đã chứng minh cho lợi ích kép trong sản xuất nông nghiệp kết hợp với điện mặt trời. Lợi ích kép ở đây là sản xuất nông nghiệp trên một miếng đất khô cằn, kết hợp thương mại hóa với điện mặt trời, mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn cho người nông dân. Với lợi thế về bức xạ năng lượng mặt trời và kết quả đã được minh chứng, tôi hi vọng ngành nông nghiệp An Giang và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tìm thấy được một mô hình hiệu quả hỗ trợ cho bà con nông dân, trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay.”

Ông Trương Tấn Thọ, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang

Theo bà Ngụy Thị Khanh, giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID): "Đây là mô hình GreenID đã ấp ủ trong bối cảnh điện mặt trời bùng nổ ở trên thế giới và Việt Nam với những mâu thuẫn về đất đai, gây khó khăn cho chính quyền địa phương và người dân trong việc ổn định và đảm bảo đủ quỹ đất cho sản xuất điện và canh tác nông nghiệp. Với mô hình kết hợp sản xuất nông nghiệp với điện mặt trời, các nhà đầu tư nhỏ như các hộ nông dân cũng có thể tham gia trong câu chuyện thúc đẩy năng lượng sạch công bằng, bền vững, Mô hình cũng là bằng chứng cho thấy chúng ta có thể vừa sản xuất điện sạch, vừa có cơ hội cải thiện sinh kế cho người nông dân và đóng góp vào câu chuyện phát triển nông thôn mới."

Bà Khanh và đại diện các bên đi thăm vườn dưa chuột dưới hệ thống năng lượng mặt trời

Cũng tại buổi lễ, ông Châu Hon - chủ hộ nông dân đang ứng dụng mô hình chia sẻ: “Tôi xin cảm ơn tất cả các cơ quan, đơn vị đã giúp đỡ gia đình tôi có kết quả hôm nay. Đó là Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) đưa Công ty TNHH Ý thức Khí hậu (Công ty CS) về đầu tư điện mặt trời. Đặc biệt là ngành nông nghiệp địa phương cử cán bộ đến hướng dẫn gia đình tôi kỹ thuật trồng cây, hệ thống tưới nước để có năng suất cao”.

Ông Chau Hon phát biểu tại buổi lễ

Ông Koss Neefijes - Giám đốc Công ty CS cũng bày tỏ: “Đây là mô hình ban đầu nên chi phí đầu tư còn cao, chúng tôi đã rút được kinh nghiệm để đảm bảo các hệ thống sau sẽ giảm. Những bài học kinh nghiệm chúng tôi sẵn sàng phổ biến, mong nhiều nhà đầu tư đến với các hộ nông dân để phát triển mô hình rộng rãi, đem lại lợi ích ngày càng nhiều”.

Ông Koss Neefijes - Giám đốc Công ty CS

Nhóm dự án cho biết, tiếp tục phối hợp với viện nghiên cứu để tính toán mức độ sinh trưởng của nhiều loại cây trồng dưới các tấm quang năng. Từ đó, phân tích các phương án kỹ thuật và tài chính kết hợp điện mặt trời với trồng rau màu, chăn nuôi, thủy sản). Kết quả nghiên cứu sẽ được tài liệu hóa để chia sẻ với các bên liên quan và thúc đẩy quá trình ban hành chính sách phát triển.