Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Mô hình Biogas xử lý rác thải hữu cơ hộ gia đình, góp phần giảm ô nhiễm môi trường (bếp sạch & môi trường trong lành)

  |   Viết bởi :

Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh phối hợp với Công ty Cổ phần Phát triển Năng lượng Sơn Hà đã lắp đặt thí điểm 15 mô hình biogas cho các gia đình ở xã Yên Sở.

Mô hình biogas có lẽ không còn quá xa lạ với nhiều người, nhất là những người dân sống ở nông thôn hoặc các khu vực ngoại thành. Đã có rất nhiều mô hình biogas được ứng dụng thành công, cả trong quy mô hộ gia đình và sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về cách thức hoạt động, cũng như hiệu quả của mô hình để có thể áp dụng cho gia đình mình. Vẫn còn rất nhiều những băn khoăn về độ an toàn và cách sử dụng của mô hình này. Vì vậy, qua buổi truyền thông trực tiếp tại xã Yên Sở của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh phối hợp với Công ty Cổ phần Phát triển Năng lượng Sơn Hà, người dân đã được tiếp cận và hiểu rõ hơn về mô hình biogas xử lý rác thải hữu cơ hộ gia đình. Sau buổi truyền thông đã có 15 hộ gia đình trong xã Yên Sở đồng ý tiếp nhận thí điểm mô hình này.

Biogas hay còn gọi là khí ga sinh học được sản xuất từ quá trình ủ rác, phân hữu cơ, bùn cống rãnh, … Với quy mô hộ gia đình, biogas tạo nguồn chất đốt phục vụ cho việc nấu nướng, thay thế cho các loại nhiên liệu truyền thống (gas, điện, than…). Ứng dụng mô hình biogas là một phương pháp xử lý rác thải hữu cơ hiệu quả, không gây ô nhiễm môi trường, lại tiết kiệm chi phí cho gia đình so với sử dụng bình gas hay than để đun nấu.

Ông Lê Văn Đông sống tại thôn 4 xã Yên Sở, là một trong số 15 gia đình tại xã Yên Sở nhận hỗ trợ 100% chi phí lắp đặt thí điểm mô hình biogas. Gia đình ông Đông có 5 khẩu, mỗi ngày có khoảng 6kg chất thải hữu cơ. Hàng ngày, ông tách riêng chất thải hữu cơ, chất thải có thể phân hủy được bỏ vào bình biogas. Với lượng 6kg chất thải hữu cơ, mỗi ngày bình biogas có thể sản sinh ra lượng ga dùng trong khoảng 2 tiếng. Trước đây mỗi tháng gia đình ông dùng hết một bình ga với giá khoảng 330.000 đồng, bây giờ mỗi tháng chỉ dùng hết 60% bình ga, tiết kiệm được khoảng 120.000 đồng/tháng. Theo ông Đông, mô hình này nếu được nhân rộng thì rất tốt, vừa bảo vệ môi trường (như nhà ông đã giảm thiểu được 50% lượng chất thải so với trước), lại vừa có ga sử dụng cho đun nấu.

Ông Lê Văn Đông chia sẻ về hiệu quả của mô hình biogas xử lý rác thải hữu cơ hộ gia đình, góp phần giảm ô nhiễm môi trường

Cũng là một hộ gia đình nhận được hỗ trợ từ dự án, gia đình bà Nguyễn Thị Trâm ở thôn 4 xã Yên Sở đã sử dụng mô hình biogas được 2 tháng và nhận thấy những hiệu quả rõ rệt về giảm thiểu rác thải hữu cơ xả ra môi trường, cũng như tiết kiệm chi phí sử dụng bình ga thông thường. Bà Trâm cho biết: “Gia đình tôi chỉ có 3 người lớn, 2 trẻ em, nên lượng rác hữu cơ còn ít, tôi phải thu gom thêm rác hữu cơ từ các hộ bên cạnh để bỏ vào bình biogas. Trước kia một bình ga gia đình tôi đun được 2 tháng, giờ bình ga đun được 3 tháng nên đỡ được hẳn 1 tháng tiền ga. Sau khi gia đình tôi sử dụng bình biogas, tôi thấy ở địa bàn xã Yên Sở cũng có rất nhiều gia đình có mong muốn lắp đặt mô hình này.”

Bà Nguyễn Thị Trâm tận dụng rác thải hữu cơ để làm nguyên liệu chính cho bình biogas

Ga sinh ra từ bình biogas là nhiên liệu đun nấu hàng ngày

Như vậy, nếu được truyền thông hiệu quả và sử dụng đúng yêu cầu kĩ thuật, mô hình biogas là một giải pháp xử lý rác hữu cơ tạo nhiên liệu đun nấu hữu ích, thích hợp cho các hộ gia đình có diện tích đất vườn hoặc sân rộng ở nông thôn và ngoại thành thành phố. Vừa giúp tận dụng được nguồn rác thải hữu cơ trong sinh hoạt hàng ngày, lại vừa tiết kiệm tiền ga, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Bà Trâm nhận thấy nhiều gia đình ở xã Yên Sở cũng có nhu cầu ứng dụng mô hình biogas

Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) cũng đã hỗ trợ người dân ở các tình thành ở đồng bằng sông Cửu Long như An Giang, Cà Mau ứng dụng mô hình biogas và đã đạt được hiệu quả cả về kinh tế lẫn môi trường, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người dân. Kết quả thành công của mô hình cũng đã lan tỏa đến các tỉnh, thành khác, ngày càng nhiều địa phương mong muốn hợp tác ứng dụng mô hình này.

Với hiệu quả truyền thông tích cực, chúng tôi tin rằng mô hình biogas sẽ ngày càng được ứng dụng nhiều hơn trên địa bàn Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.