Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức (từ cả bên trong và bên ngoài), đặc biệt là đại dịch Covid-19 hoành hành, thiên tai bão lũ khốc liệt, căng thẳng thương mại vẫn leo thang, cạnh tranh địa chính trị phức tạp... nhưng nền kinh tế nước ta vẫn duy trì được sự ổn định, kiểm soát tốt lạm phát và chỉ số giá tiêu dùng, đạt mức tăng trưởng 2,91% vào loại cao nhất thế giới. Trong kỳ tích to lớn đó của nền kinh tế nước nhà có sự đóng góp quan trọng của các phân ngành Năng lượng Việt Nam. Sau đây là 10 sự kiện tiêu biểu trong năm 2020 của ngành Năng lượng Việt Nam do Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam bình chọn:
1/ Ban hành Nghị quyết 55 ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về “Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045”. Nghị quyết đề ra quan điểm, mục tiêu, định hướng nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển ngành năng lượng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mục tiêu tổng quát là: Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Ngành năng lượng phát triển hài hoà giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN. Xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Chủ động sản xuất được một số thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng; nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại.
2/ Triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng “Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” theo Quyết định số 1743/QĐ-TTg ngày 03/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ, và “Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” (QHNL). Trong năm 2020 Bộ công Thương đã cho triển khai lập QHNL và hiện dang hoàn thiện các nội dung cuối cùng để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong đầu năm 2021.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam lập một quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia, trong đó xem xét phát triển hài hòa các phân ngành năng lượng: Than - Dầu khí - Điện lực và Năng lượng tái tạo.
3/ Hoàn thành Báo cáo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, có xét tới năm 2045 (QHĐ VIII). Với định hướng của Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, QHĐ VIII đã được thực hiện khẩn trương trong năm 2020 và hiện đang được trình Bộ Công Thương để thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. QHĐ VIII đã thể hiện sự chuyển dịch mạnh mẽ từ các nguồn điện truyền thống sang năng lượng tái tạo (NLTT) với các mục tiêu tối thiểu hóa chi phí xã hội, sử dụng tiết kiệm năng lượng, giảm ô nhiễm, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vê môi trường và phát triển bền vững.
Theo đó, tới năm 2030 và 2045, tỷ lệ NLTT chiếm tới 46,9% và 52,9% tổng công suất nguồn điện tương ứng, trong đó nguồn NLTT (phi thủy điện) lên tới 28,8% và 43,7% tương ứng. Nhiệt điện than sẽ giảm tỷ trọng từ khoảng 33% hiện nay xuống 27,2% vào năm 2030 và còn 18% vào năm 2045.
4/ Phát hiện mới về mỏ khí Kèn Bầu tại Lô 114 nằm ở ngoài khơi thềm lục địa phía Bắc Việt Nam, thuộc Bể Sông Hồng, cách đất liền gần nhất thuộc tỉnh Quảng Trị 65 km, cách Đà Nẵng khoảng 86 km, cho thấy tích tụ hydrocarbon đáng kể, ước tính từ 7 đến 9 nghìn tỷ feet khối khí tự nhiên (Tcf) tại chỗ và khoảng từ 400 đến 500 triệu thùng condensate.
Đây là phát hiện lịch sử của ngành Dầu khí Việt Nam cho đến thời điểm năm 2020. Trong giai đoạn đến năm 2030, sau khi có những khẳng định chắc chắn về trữ lượng, mỏ khí Kèn Bầu được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng về tự chủ cung cấp năng lượng trong bối cảnh các mỏ dầu khí hiện hành của chúng ta đang suy giảm sản lượng.
5/ Bổ nhiệm nhân sự cấp cao tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Ngày 16/11/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1819/QĐ-TTg về việc điều động, bổ nhiệm ông Hoàng Quốc Vượng, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Công Thương giữ chức Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
6/ Cập nhật chiến lược phát triển PVN giai đoạn 2020 - 2025 định hướng đến năm 2035. Trong giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2035, PVN sẽ hướng tới mục tiêu trở thành tập đoàn năng lượng, phát triển đồng bộ với lĩnh vực cốt lõi là thăm dò, khai thác dầu khí (E&P), tiếp tục góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giữ vững vị thế tập đoàn kinh tế trụ cột của đất nước.
Bên cạnh đó, PVN hướng đến đóng góp nhiều trong lĩnh vực khoa học công nghệ dầu khí, sẵn sàng trở thành “người mở đường” cho phát triển khoa học công nghệ về dầu khí, về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (đặc biệt là năng lượng gió ngoài khơi) trong tương lai.
7/ Nhập khẩu than đá tăng cao kỷ lục. Chín tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã nhập khẩu 44,6 triệu tấn than đá các loại, trị giá 3,080 tỷ USD, tăng 37,8% về lượng và tăng 5,8% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng than nhập khẩu trong 9 tháng đã vượt cả năm 2019.
Đây là điều đã được dự đoán trước, chứng tỏ Việt Nam sẽ tiếp tục ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu. Ba thị trường nhập khẩu than lớn nhất của Việt Nam là Úc, Indonesia và Nga.
8/ Ngành điện lực đạt dấu mốc mới, đến hết năm 2020, tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện Việt Nam khoảng 61.000 MW, quy mô hệ thống điện đứng thứ hai Đông nam Á và thứ 23 thế giới (trong đó công suất nguồn do EVN sở hữu là hơn 29.600 MW). EVN đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc cải thiện tiếp cận điện năng, với tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện đến năm 2020 là 99,5%, gấp đôi so với 25 năm trước.
Với những thành tích và đóng góp lớn cho đất nước trong nhiều thập kỷ qua, ngày 21/12/2020, EVN đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới trong dịp kỷ niệm 66 năm ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam.
9/ Tiếp tục phát triển bùng nổ nguồn điện năng lượng tái tạo (phi thủy điện). Với các chính sách khuyến khích NLTT của Chính phủ, tính đến cuối năm 2020 tổng công suất lắp đặt điện gió đạt 485 MW, điện mặt trời (ĐMT) đạt 19.400 MWp, tương đương 16.500 MW và chiếm trên 25% tổng công suất nguồn điện toàn quốc, trong đó có 9.296 MWp từ các nguồn điện mặt trời mái nhà; điện sinh khối đạt 327 MW.
Về sản lượng, tính đến hết tháng 9/2020, điện sản xuất từ điện gió đạt 630 triệu kWh, điện sinh khối đạt 303 triệu kWh. Riêng sản lượng điện từ các nguồn ĐMT trong năm 2020 lên tới 10,6 tỷ kWh (trong đó ĐMT mái nhà 1,16 tỷ kWh) chiếm khoảng 4,3% tổng sản lượng điện sản xuất cả nước.
10/ Ngành năng lượng đồng hành cùng cả nước vượt qua đại dịch Covid-19 và thiên tai bất thường trong lịch sử, đảm bảo cung cấp năng lượng, điện năng đáp ứng ứng kịp thời nhu cầu của sản xuất và đời sống, đặc biệt cho các vùng bị đại dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ, sạt lở nghiêm trọng.
Trong bối cảnh đó, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với những nỗ lực cố gắng của tập thể CBCNV lao động, Tập đoàn đã hoàn thành tốt kế hoạch, đảm bảo các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh năm 2020 theo Nghị quyết đã đề ra.
Đối với ngành Dầu khí Việt Nam, PVN đã áp dụng thành công giải pháp ứng phó khủng hoảng kép đại dịch Covid và giá dầu sụt giảm, mang lại hiệu quả cao. Từ đó, giúp tiết giảm chi phí vận hành khai thác dầu khí, giúp PVN trở thành một trong những tập đoàn dầu khí hiếm hoi trên thế giới có lãi, góp phần quan trọng đóng góp vào ngân sách nhà nước và tăng trưởng kinh tế./.
HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM