Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Năng lượng xanh An Giang - 3 năm một chặng đường

  |   Viết bởi : Thanh Huyen

Cho đến nay, GreenID đã nhận được các phản hồi tích cực về mô hình. Người dân thực sự hài lòng bởi hệ thống điện đã đáp ứng được phần nào nhu cầu cơ bản. Trẻ em có điện để học bài vào buổi tối. Đời sống tinh thần của các hộ gia đình được nâng cao khi họ sử dụng điện cho các thiết bị ca nhạc giải trí. Đội thợ kỹ thuật năng lượng địa phương được nâng cao năng lực, có thêm một khoản thu nhập thông qua việc họ chủ động hỗ trợ người dân địa phương lắp đặt, bảo trì mô hình.

Trong 36 tháng xuyên suốt từ (01/2016 – 12/2018), dự án NĂNG LƯỢNG XANH AN GIANG được hỗ trợ tài chính bởi tổ chức Bánh mì cho thế giới, triển khai tại 3 xã An Hảo, Tân Lợi, Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Dự án được tiến hành với mục tiêu “Tăng cường tiếp cận năng lượng cho các cộng đồng nghèo chưa tiếp cận với điện lưới ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thông qua các giải pháp năng lượng xanh, bền vững.”

Các kết quả cụ thể được đặt ra trong dự án

  • Tất cả 2.288 hộ gia đình chưa có lưới điện ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang được cung cấp thông tin về lợi ích và chi phí của các giải pháp năng lượng tái tạo bền vững vào cuối năm 2018.
  • Ít nhất 05 công nghệ năng lượng bền vững (ví dụ mô hình pin năng lượng mặt trời, năng lượng gió, hệ thống điện mặt trời và năng lượng gió kết hợp, khí hóa sinh khối) được giới thiệu và cung cấp, đem lợi ích tới ít nhất 100 người dân, và vận hành tốt trong 3 cộng đồng chưa nối lưới điện tại hiện Tịnh Biên ở giai đoạn cuối của dự án.
  • Thực tiễn tốt và khuyến nghị chính sách về các giải pháp năng lượng tái tạo bền vững phi tập trung được gửi tới các nhà hoạch định chính sách năng lượng ở cấp huyện, cấp tỉnh và cấp quốc gia để thảo luận và thực hiện.

Tiến trình thực hiện

Theo đó, từ tháng 3/2016, GreenID tiến hành thành lập văn phòng dự án và cán bộ hiện trường, tổ chức hội thảo định hướng và lập kế hoạch tại Tịnh Biên, đồng thời thành lập nhóm Năng lượng địa phương (LET) tại 3 xã của dự án. Năm đầu tiên, các chuyên gia của GreenID tập trung vào quá trình thử nghiệm, khảo sát hơn 1200 hộ dân trên địa bàn 3 xã, nghiên cứu tính khả thi của dự án và triển khai các chương trình tập huấn cho nhóm Năng lượng Xanh tại địa phương. Nối tiếp hoạt động năm 2016, năm 2017 là chuỗi các chương trình hội thảo lập kế hoạch năng lượng địa phương (LEP), tập huấn kỹ thuật, kỹ năng truyền thông, chia sẻ kinh nghiệm kết nối cộng đồng xanh và các hoạt động giám sát, hỗ trợ tài chính để ứng dụng giải pháp ở cấp cộng đồng.

Các mô hình đã được ứng dụng tại 3 xã, huyện Tinh Biên, tỉnh An Giang bao gồm: đèn xách tay năng lượng mặt trời, mô hình pin năng lượng mặt trời 200Wp, Bếp đun cản tiến và bếp sạch 3G, Biogas, Bình nước nóng Năng lượng mặt trời, Đèn LED.

Từ tháng 12/2017, GreenID tiến hành hỗ trợ các mô hình năng lượng bền vững: lắp đặt đèn LED cho ủy ban xã, lắp đặt 2 hộ biogas composite tại xã Tân Lợi, hỗ trợ mô hình NLMT 2 đợt với tổng 98 Mô hình Pin Năng lượng mặt trời, 150 hộ dân tiếp cận đèn xách tay, lắp đặt hệ thông 2040Wp cho trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm và hỗ trợ trường bộ kít 22Wp dạy học.

Trong năm 2018, hướng đến đối tượng thế hệ trẻ, GreenID khởi động chương trình Trường học Xanh, triển khai Chiến dịch Mùa hè Xanh cho gần 1500 học sinh trên địa bàn 3 xã An Hảo, Tân Lợi, Vĩnh Trung; Tập huấn “Trại thủ lĩnh Khí hậu Việt Nam 2017”, xây dựng công trình thư viện xanh, mô hình sân chơi xanh ở trường mầm non tại xã Vĩnh Trung, Ngày hội đọc sách tại trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm…

Các hoạt động diễn ra liên tiếp, tạo môi trường thuận lợi để học sinh, sinh viên tỉnh An Giang và khối đoàn cơ sở phát huy sáng kiến về năng lượng bền vững và các giải pháp bảo vệ môi trường tại cồng đồng.

Thư viện Xanh trong Chiến dịch Mùa hè Xanh, An Giang

Lợi ích của việc ứng dụng mô hình năng lượng tái tạo tại tỉnh An Giang là gì?

Cho đến nay, GreenID đã nhận được các phản hồi tích cực về mô hình. Người dân thực sự hài lòng bởi hệ thống điện đã đáp ứng được phần nào nhu cầu cơ bản. Trẻ em có điện để học bài vào buổi tối. Đời sống tinh thần của các hộ gia đình được nâng cao khi họ sử dụng điện cho các thiết bị ca nhạc giải trí. Đội thợ kỹ thuật năng lượng địa phương được nâng cao năng lực, có thêm một khoản thu nhập thông qua việc họ chủ động hỗ trợ người dân địa phương lắp đặt, bảo trì mô hình.

Chị Tím, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang chia sẻ về việc sử dụng điện từ hệ thống lắp đặt năng lượng mặt trời: “Bây giờ chị có thể làm đũa vào buổi tối để bán và tăng thêm thu nhập cho hộ gia đình”.

Hệ thống năng lượng tái tạo là mô hình xanh, lí tưởng để cung cấp điện cho các hộ nghèo, xa xôi hẻo lánh. Chúng tôi mong rằng mô hình này sẽ được nhân rộng đến các khu vực khác để có thêm nhiều cộng đồng được hưởng lợi hơn.

Xem thêm tại video: https://www.youtube.com/watch?v=9VXCQ64kjBM