Ngày 23.11, tại TP Long Xuyên, An Giang diễn ra Hội thảo Chia sẻ kết quả dự án “Tăng cường tiếp cận năng lượng cho người nghèo ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thông qua ứng dụng giải pháp năng lượng xanh và bền vững”, do Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID), Ban quản lý dự án Năng lượng xanh An Giang phối hợp tổ chức.
Tại Hội thảo, hơn 100 đại biểu đại diện các sở ban ngành liên quan của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp... cùng chia sẻ về kết quả và các bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai dự án, lợi ích của các mô hình năng lượng bền vững với đời sống cộng đồng. Dự án “Tăng cường tiếp cận năng lượng cho người nghèo ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thông qua ứng dụng giải pháp năng lượng xanh và bền vững” (Dự án năng lượng xanh An Giang) được triển khai từ tháng 1.2016-12.2018 bởi GreenID và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang, Sở Công thương An Giang, UBND huyện Tịnh Biên và phòng Nông nghiệp huyện Tịnh Biên, dưới sự tài trợ của tổ chức Bánh mì cho thế giới (BFTW). 3 xã dự án là: An Hảo, Tân Lợi, Vĩnh Trung thuộc huyện Tịnh Biên, có phần lớn bà con dân tộc Khmer và số lượng lớn người dân chưa được tiếp cận lưới điện quốc gia.
Sau 3 năm triển khai dự án năng lượng xanh An Giang, các mô hình năng lượng được giới thiệu và ứng dụng, đem lại lợi ích cho người dân như: mô hình đèn LED, hệ thống đèn năng lượng mặt trời trường học, bộ KIT năng lượng mặt trời phục vụ dạy học, đèn đường, bình nước nóng năng lượng mặt trời, sân chơi xanh, thư viện xanh... Đến nay, 5.468 người đã được hưởng lợi trực tiếp từ mô hình năng lượng bền vững, 626 hộ gia đình ứng dụng các giải pháp năng lượng tái tạo bền vững như: đèn mặt trời xách tay, hệ thống điện mặt trời mái nhà, biogas, bình xịt năng lượng mặt trời, đèn LED, bếp đun cải tiến... Đặc biệt, nhiều ấp trong 3 xã có tỉ lệ 100% người dân sử dụng điện từ năng lượng mặt trời, đáp ứng nhu cầu thiết yếu như: thắp sáng, quạt, ti vi... Trưởng ban Phát triển năng lượng xanh An Giang Trần Anh Dũng cho biết: Với việc triển khai dự án, nhiều giải pháp năng lượng bền vững được ứng dụng, hỗ trợ cho cộng đồng, nhất là những người nghèo, cận nghèo ở các địa phương chưa kết nối được với lưới điện quốc gia. Kết quả cho thấy, dự án đã đem lại lợi ích rõ rệt không chỉ về đời sống cho bà con mà còn về kinh tế, môi trường, trật tự an toàn xã hội...
Dự án được thực hiện trên cơ sở lập kế hoạch năng lượng địa phương (LEP) để xác định nhu cầu, mục tiêu ưu tiên và giải pháp với sự tham gia của chính quyền địa phương và người dân. Đây là cách tiếp cận để người dân chủ động quyết định lựa chọn các giải pháp năng lượng bền vững phù hợp với điều kiện của từng gia đình, từng thôn xã, nhằm giúp người dân được hưởng lợi ích nhiều mặt của các giải pháp năng lượng bền vững. Theo Giám đốc GreenID Ngụy Thị Khanh, kinh nghiệm từ việc triển khai dự án nhằm góp phần vào giải pháp năng lượng để tăng cường tiếp cận điện cho khu vực xa xôi, hẻo lánh. Thời gian tới, cần khuyến khích các chủ thể ngoài nhà nước tham gia và đầu tư hưởng lợi từ việc cung cấp các giải pháp năng lượng tái tạo cho cộng đồng chưa có điện lưới cũng như tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân địa phương về việc tận dụng năng lượng xanh.
Nguồn: Thái Minh - Báo Đại biểu Nhân dân