Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Ngân hàng đã rót khoảng 84.000 tỷ đồng vào năng lượng tái tạo

  |   Viết bởi : Minh Hoàng

Tính đến tháng 6/2020, tổng dư nợ "tín dụng xanh" dành cho năng lượng tái tạo đạt khoảng 84 ngàn tỷ đồng (tăng khoảng 30 ngàn tỷ so với thời điểm cuối tháng 12/2019).

Thông tin được đưa ra tại hội thảo tập huấn “Ngành Ngân hàng trên con đường dịch chuyển dòng vốn sang năng lượng xanh” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) tổ chức vừa qua tại Hà Nội.

Hội thảo được tổ chức kết hợp giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến, nhằm mục tiêu cung cấp thông tin và xây dựng năng lực cho các tổ chức Tài chính, ngân hàng tại Việt Nam để có thể chủ động tham gia vào tài chính xanh phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới. Bên cạnh đó, hội thảo cũng giúp thúc đẩy sự kết nối, dẫn dắt và tạo cơ hội cho đối thoại giữa ngân hàng, các tổ chức tài chính khác cùng với các bên liên quan, hướng tới việc giảm nguồn vốn đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện, đồng thời thúc đẩy và nhân rộng đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Minh Hoàng

Xu hướng dịch chuyển "tín dụng xanh"

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Đào tạo (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) cho biết, báo cáo về xu thế đầu tư toàn cầu cho năng lượng tái tạo năm 2019 cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2019 đã có hơn 2.600 tỷ USD rót vào lĩnh vực này, trong đó năng lượng mặt trời thu hút đầu tư nhiều nhất (chiếm khoảng 52%), tiếp đến là năng lượng gió (chiếm khoảng 41%), năng lượng sinh khối và chất thải là 4%, trong khi địa nhiệt và đại dương thu hút đầu tư thấp nhất. Khối ngân hàng và tư nhân đang đi đầu trong việc đầu tư vào năng lượng tái tạo và việc đầu tư này cũng mang đến nhiều cơ hội về kinh tế.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Đào tạo (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam)

Theo ông Sơn, tiếp cận với nguồn năng lượng bền vững là bước ngoặt mang tính đột phát cho những nước kém và đang phát triển bằng cách mở ra cánh cửa đến với phát triển bền vững, đóng góp cho sự phát triển của mọi tầng lớp trong xã hội. Việt Nam đã ban hành hàng loạt chính sách ưu tiên khuyến khích phát triển  năng lượng tái tạo để thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, ngân hàng như ưu tiên cung cấp tín dụng, miễn/giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuế đất, sử dụng “hợp đồng mua bán điện mẫu”…Với các chính sách nhất quán và các cơ chế hỗ trợ cụ thể, đang có làn sóng đầu tư trong nước và quốc tế vào năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Ông Sơn cho biết, năm 2019, theo các báo cáo, đầu tư vào năng lượng tái tạo vươn lên đứng vị trí thứ ba, sau lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) và giáo dục. Trong khi đó năm 2018, lĩnh vực này chỉ đứng vị trí thứ 10 trong xếp hạng các lĩnh vực đầu tư hấp dẫn nhất cả nước.

Về phía ngành Ngân hàng, thực hiện Đề án phát triển Ngân hàng xanh tại Việt Nam theo Quyết định số 1604/2018/QĐ-NHNN, tính đến hết tháng 6/2020, tổng dư nợ tín dụng xanh dành cho năng lượng tái tạo tính đến thời điểm tháng 6/2020 đạt khoảng 84.000 tỷ đồng (tăng khoảng 30.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối tháng 12/2019).

Tuy nhiên theo ông Sơn, bất chấp những cơ hội ngày một tăng của tài chính bền vững, ngân hàng và các tổ chức tài chính ở khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều rào cản để nhân rộng các dự án bền vững trong khu vực trong thời gian ngắn hạn và trung hạn.

Chuyên gia Phùng Thanh Xuân, Tư vấn - Giám đốc Phát triển Khối doanh nghiệp (MCG Việt Nam)

Chuyên gia Phùng Thanh Xuân, Tư vấn - Giám đốc Phát triển Khối doanh nghiệp (MCG Việt Nam) cho biết, với tiềm năng năng lượng tái tạo lớn, Việt Nam là một trong những thị trường điện tiềm năng nhất tại Đông Nam Á với tỷ lệ điện khí hoá trong nước đạt 99%. Bên cạnh đó, phát triển năng lượng tái tạo nhận được sự hỗ trợ lớn từ Chính phủ Việt Nam thông qua cải cách chính sách và cải thiện môi trường đầu tư. Việt Nam mở rộng cửa đối với các khoản đầu tư vào sản xuất năng lượng điện gió, điện mặt trời và các loại năng lượng tái tạo khác nhằm thúc đẩy phát triển thị trường cac-bon thấp và tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Bà Xuân cũng lưu ý các tổ chức tài chính, ngân hàng cần tăng cường năng lực phân tích và quản lý rủi ro môi trường, khí hậu, giảm hỗ trợ đầu tư nhiệt điện than và giải phóng nguồn lực để tạo điều kiện phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, cần cải thiện cơ chế đánh giá rủi ro đối với các dự án năng lượng tái tạo cũng như tận dụng mạng lưới các tổ chức phi chính phủ quốc tế để tiếp cận các dự án điện năng lượng tái tạo tiềm năng, sử dụng nguồn lực chuyên gia của họ để thực hiện đánh giá rủi ro dự án một cách hiệu quả.

Nguồn: MCG Việt Nam

Châu Á cần khoảng 5.000 tỷ USD “tài chính xanh” mỗi năm

Ở góc nhìn nhà đầu tư, TS. Hoàng Giang - Phó Tổng Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam cho rằng đang có triển vọng ngành và nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư. Cho đến năm 2030, thị trường dự án năng lượng tái tạo sẽ cần khoảng 23,7 tỷ USD vốn đầu tư và dư địa khoảng 15,2 GW điện năng lượng tái tạo (42% tổng điện năng). Ngoài ra, các nhà đầu tư sẽ được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như miễn thuế 4 năm và giảm 50% trong 2 năm tiếp theo.

Tuy nhiên, ông Giang cũng cho rằng sẽ có nhiều thách thức đối với các nhà đầu tư nhất là các nhà đầu tư nước ngoài ở thị trường tiềm năng này. Theo đó, sẽ không có quy trình M&A tiêu chuẩn và rõ ràng (như giới thiệu dự án, thôngtin... Biên bản ghi nhớ, mô hình tài chính, thiếu tài liệu dự án dễ tiếp cận bằng tiếng Anh). Thậm chí COVID-19 có thể khiến quy trình đầu tư bị chậm trễ. Bên cạnh đó, điều khoản PPA (Hợp đồng mua bán điện) không có khả năng thanh toán. Các dự án lớn chậm trễ do khuôn khổ pháp lý phức tạp. Đối với điện mặt trời thì cơ chế đấu giá chưa được hướng dẫn rõ ràng; biểu giá điện năng FIT dài hạn của năng lượng gió vẫn chưa hoàn thành.

TS. Hoàng Giang - Phó Tổng Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam

Đối với các tổ chức tài chính, ngân hàng, ông Hoàng Giang khuyến nghị các ngân hàng địa phương cần đa dạng sự lựa chọn, cân nhắc cung cấp các lựa chọn khác nhau cho bên vay (Tài trợ ngắn hạn ~ LC360, kỳ hạn khác nhau và kéo dài kỳ hạn lên hơn 10 năm) cũng như các loại hình bảo lãnh/phương thức khác nhau để đa  dạng hóa lựa chọn (Bảo lãnh, ECA,...). Ngoài ra, cần đề xuất mức lãi suất hấp dẫn hơn bởi lãi suất trong nước hiện khá cao so với các khoản vay từ nước ngoài, đồng thời cần ưu đãi đặc biệt cho các chủ đầu tư như cung cấp khoản vay không truy đòi để khuyến khích các nhà phát triển địa phương

Ông Giang cũng đề xuất cần thay đổi cơ cấu tài trợ vốn và sẵn sàng cung cấp khoản vay theo nhu cầu cụ thể bằng cách mời/hợp tác với các bên cho vay nước ngoài để giảm rủi ro và đưa ra lãi suất tốt hơn; Nâng cao hiệu quả hoạt động và cải thiện xếp hạng tín dụng cho doanh nghiệp với nhiều nhà tài trợ/cho vay nước ngoài “lớn hơn”.

Ông Anders Nordheim, đại diện WWF Singapore nhận định, tài chính bền vững sẽ đóng góp vào ngân hàng bền vững bởi hệ thống tài chính tạo điều kiện cho mọi loại hình hoạt động kinh tế và huy động dòng vốn là hoạt động kinh doanh cốt lõi của ngân hàng. Vì vậy, có các cân nhắc cần thiết về môi trường và xã hội khi ra  những quyết định tài chính sẽ làm tăng nguồn tài chính cho các hoạt động lâu dài và bền vững.

Ông Anders Nordheim ước tính mỗi năm tại châu Á sẽ cần khoảng 5.000 tỷ USD “tài chính xanh” và tạo ra 230 triệu việc làm mới ở các lĩnh vực như giảm thiểu rác thải thực phẩm (260 Tỷ USD); Công nghệ tại các trang trại quy mô nhỏ (55 Tỷ USD); Nuôi trồng thủy sản bền vững (85 tỷ USD)… phát triển năng lượng tái tạo và hệ thống lưu trữ năng lượng (380 tỷ USD); phương tiện chạy điện và hybrid (145 tỷ USD)…

MINH HOÀNG

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ