Được đánh giá có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) tương đối tốt, cùng với Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ (NGOs) cũng đã triển ...
Được đánh giá có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) tương đối tốt, cùng với Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ (NGOs) cũng đã triển khai các mô hình góp phần vào việc phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Sự bắt đầu được nhóm lên từ những bếp gas cháy từ chất thải ở các miền quê.
Lợi và sạch
Có đoàn khách đến thăm nhà, chị Trần Thị Dung (xóm 3, xã Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội) múc đầy ấm nước, xách vào đặt lên bếp gas đun để chuẩn bị pha trà. Chị ra ngoài cửa, vặn các van của đường ống biogas rồi quay vào bếp, bật bếp lên đun nước. Ngọn lửa xanh nhanh chóng lan đều, đun nóng ấm nước. Chưa đầy 15 phút, ấm nước đã sôi. Từ hơn chục năm nay gia đình chị Dung đã sử dụng bếp gas đun nấu. Lượng gas này được tạo ra từ hầm biogas từ chất thải của đàn lợn, hỗ trợ kỹ thuật và 50% kinh phí từ dự án của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cộng đồng nông thôn (CCRD), thuộc Hội làm vườn Việt Nam.
Chị Dung nói: Gia đình tôi chăn nuôi lợn nên trước đây cứ phải gánh chất thải mang đổ đi ở rất xa, rất tốn công sức. Không những thế môi trường sống cũng rất ô nhiễm. Được Hội làm vườn vận động, lại được tổ chức CCRD hỗ trợ kinh phí nên gia đình tôi quyết định làm mô hình biogas. Chi phí làm khi đó là 2,5 triệu. Từ ngày có hầm biogas, chuồng chăn nuôi luôn sạch sẽ. Từ đun nước, nấu cơm cho tới nấu cám cho lợn gia đình tôi đều sử dụng gas để đun. Có những khi lợn hết lứa, chưa mua được đàn mới, không có chất thải cho hầm biogas, nhà tôi phải sử dụng gas công nghiệp. Chưa đến 1 tháng đã dùng hết 1 bình gas. Nếu có biogas thì một tháng gia đình cũng tiết kiệm được 400.000 - 500.000 đồng. Có những hộ gia đình từ Bắc Giang đã tới nhà tôi học kinh nghiệm làm.
Ông Phạm Văn Thành, Giám đốc CCRD cho biết: Mô hình biogas VACVINA do Trung tâm giới thiệu áp dụng công nghệ biogas để xử lý chất thải chăn nuôi, tạo khí đốt phục vụ sinh hoạt và bảo vệ môi trường; sử dụng bã thải biogas để kết hợp với phế thải nông nghiệp để sản xuất phân bón sinh học nhằm sản xuất các nông sản sạch, an toàn.
“Điểm đặc biệt của mô hình này là trên hầm phân hủy là chuồng trại có thể nuôi gia súc nên tiết kiệm được một phần diện tích. Đồng thời, kết hợp xây nhà xí vệ sinh, tiết kiệm toàn bộ chi phí xây bể xí tự hoại. Mô hình biogas này cũng dễ xây dựng, giá thành khoảng 8 triệu đồng. CCRD sẽ đào tạo kỹ thuật cho cán bộ Hội làm vườn ở các vùng dự án. Xây dựng các mô hình thí điểm để người dân đến thăm quan, học hỏi. Từ nguồn tài chính của các nhà tài trợ: Quỹ Toyota, tổ chức ETC của Hà Lan, chương trình EEP Mekong của Phần Lan, KOICA của Hàn Quốc... CCRD hỗ trợ 50% chi phí, 50% là vốn đối ứng của các hộ gia đình”, ông Thành chia sẻ.
Theo ông Thành, hiện đội ngũ kỹ thuật của Hội làm vườn Phù Đổng đã trở thành lực lượng nòng cốt, chuyển giao kỹ thuật thực hiện mô hình biogas VACVINA cho người dân tại các địa phương khác như: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Vĩnh Long... Hiện đã có hơn 10.000 hầm biogas VACVINA ở 30 tỉnh thành trên cả nước.
“Chúng tôi cũng đã chuyển giao công nghệ làm mô hình này cho Campuchia thông qua tổ chức GERES và cho Tanzania thông qua tổ chức TaTEDO”, ông Thành nói.
Nhận thức
Theo khảo sát nhanh của Nhóm làm việc phi chính phủ về biến đổi khí hậu (CCWG) thì NGOs đang thực hiện các mô hình về năng lượng tái tạo là biogas và các thiết bị sử dụng biogas, bếp cải tiến, năng lượng mặt trời, thiết bị không tiêu tốn điện hoặc dầu. Các tổ chức tham gia thực hiện các dự án về năng lượng tái tạo có thể kể đến là CARE, GRET, SNV, CCRD, GreenID... Riêng về dự án biogas thì NGOs đã thực hiện ở tất cả các tỉnh của Việt Nam, trong đó mô hình được nhân rộng nhất là mô hình VACVINA cải tiến.
Bà Lê Kim Thái, đại diện nhóm CCWG cho biết: NGOs đã giới thiệu và thí điểm mô hình NLTT ở quy mô nhỏ là cấp gia đình hoặc cấp xã. Thông qua các dự án của mình, NGOs đã nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng về các mô hình NLTT. NGOs cũng đã thu hút các nguồn tài chính, điều phối chương trình từ các nguồn tài trợ để bước đầu phát triển nguồn NLTT tại Việt Nam. Có những tổ chức đã có “thương hiệu” trong việc phát triển NLTT như Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) có đóng góp quan trọng trong việc phát triển điện gió ở Việt Nam.
“Tuy nhiên, trong quá trình phát triển NLTT, NGOs cũng đối mặt với khó khăn trong việc nhân rộng mô hình. Khi không có sự hỗ trợ tài chính, người dân ít tự bỏ kinh phí để tự mình thực hiện các mô hình. Bên cạnh đó, việc phối hợp với các chương trình của chính phủ như thế nào cũng là một vấn đề mà NGOs cần giải quyết”, bà Thái chia sẻ.
Đề cập đến một số giải pháp để thời gian tới NGOs có thể hoạt động tốt hơn trong việc phát triển NLTT, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID cho rằng: NGOs, đặc biệt nhóm CCWG cần tham gia vào việc vận động chính sách, cụ thể là vận động bỏ trợ giá cho nguyên liệu hóa thạch. Đồng thời, thúc đẩy khung pháp lý cho việc hình thành Luật Năng lượng tái tạo. Có thể lập mạng lưới gồm NGOs, các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp và người dân để có thể kết nối hoạt động của các bên để phát triển NLTT - một lĩnh vực mà Việt Nam còn nhiều tiềm năng. Đặc biệt, cần nâng cao nhận thức cho người dân và chính quyền địa phương giúp họ hiểu thế nào là NLTT, lợi ích của nguồn năng lượng này. Từ đó, họ sẽ tích cực tham gia vào các dự án về lĩnh vực này của NGOs.
Đỗ Hương