Ở các thành phố lớn, phát triển công nghiệp nóng, ô nhiễm không khí luôn trong tình trạng báo động, ảnh hưởng lớn đến đời sống. Các thành phần khí thải trong không khí gây nên các bệnh nghiêm trọng...
Cần nâng quy chuẩn khí thải
PGS.TS Bùi Thị An, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho rằng, ở các thành phố lớn, phát triển công nghiệp nóng, ô nhiễm không khí luôn trong tình trạng báo động, ảnh hưởng lớn đến đời sống. Các thành phần khí thải trong không khí gây nên các bệnh nghiêm trọng. Ngoài hô hấp, ảnh hưởng đến cả tim mạch, gây ra nhiều loại bệnh tật. Nguyên nhân của không khí ô nhiễm không chỉ do giao thông mà do các nguồn phát thải khác như sản xuất công nghiệp. Đã đến lúc phải nâng tiêu chuẩn khí thải lên với mức ngang bằng với thế giới, hội nhập cả về môi trường để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của chính chúng ta. Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường lại không đưa ra nội dung này để sửa đổi. Đây sẽ là thiếu sót rất lớn, lỗ hổng trong quản lý môi trường không khí trong tương lai.
BS Nguyễn Trọng An, Điều phối viên mạng lưới Các Bệnh không lây nhiễm cho biết, ô nhiễm không khí làm giảm tuổi thọ của người dân Việt Nam, số người chết sớm do ô nhiễm không khí ngày một gia tăng. Ô nhiễm không khí gây ra các loại bệnh như ung thư, viêm phổi, các vấn đề tim mạch, rất tốn kém trong điều trị.
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển và Sáng tạo xanh GreenID, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho hay, các nguồn thải lớn là các ngành sử dụng nhiên liệu hóa thạch như nhiệt điện than, sản xuất xi măng, thép, công nghiệp hóa chất… Để kiểm soát nguồn thải lớn này phải xem xét lại tiêu chuẩn và quy chuẩn, đảm bảo các tiêu chuẩn quy chuẩn đó tiệm cận với quốc tế. Ví dụ giới hạn cho phép phát thải của nhiệt điện than với các chất SO2, NO2 cụ thể là bao nhiêu, cần lắp đặt các trạm quan trắc tự động kiểm soát. Tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam được xây dựng từ năm 2009, đã đến lúc cần phải xây dựng lại do trình độ, quy mô nền kinh tế, sức chịu tải môi trường khác nhiều, ưu tiên trong cuộc sống là sức khỏe trên hết.
Khí thải gây ô nhiễm không khí. |
Quy chuẩn thấp hơn 33 lần Hàn Quốc
Bà Ngụy Thị Khanh cũng đưa ra thông tin bất cập về quy chuẩn khí thải nhiệt điện than ở Việt Nam thấp hơn 33 lần Hàn Quốc. Mặc dù các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam cùng sử dụng công nghệ như của Hàn Quốc, cùng do Hàn Quốc đầu tư, nhưng quy chuẩn khí thải đối với các loại khí độc hại như NO, SO2 lại khác nhau. Còn tính nồng độ bụi mịn PM2.5 và PM10 trong không khí cao gấp đôi nồng độ tiêu chuẩn cho phép ở Úc.
Vấn đề đặt ra là quy chuẩn phát thải công nghiệp của Việt Nam đang quá thấp so với quy chuẩn của nhiều nước sẽ gây nên sự quá tải của môi trường. Dự thảo luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi đang được Quốc hội thảo luận để thông qua, nhưng nội dung này lại không được đề cập cụ thể. TS Phạm Đức Bảo, Viện phó Viện Nghiên cứu Chinh sách và Phát triển cho rằng cần phải có các quy định, chế tài bắt buộc những đơn vị xả thải phải chịu trách nhiệm về nguồn thải của mình, đồng thời, phải xiết chặt quy chuẩn, không thể để mức chênh lệch về quy chuẩn lớn như vậy giữa Việt Nam và thế giới.
Trong thời gian cách ly phòng dịch Covid-19 chúng ta thấy rõ rằng phương tiện giao thông không phải là thủ phạm chính gây ô nhiễm. Các nhà máy công nghiệp, đặc biệt là nhà máy nhiệt điện than gây ô nhiễm môi trường lớn mà lại chưa phải là đối tượng hướng đến để điều chỉnh trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường.
Các nhà máy nhiệt điện, sản xuất hóa chất, luyện gang thép, xi măng, dệt… xả ra môi trường bao nhiêu phải khắc phục bấy nhiêu, phải chịu trách nhiệm theo mức độ ô nhiễm mình gây ra. Cần đánh thuế môi trường rất nặng với những cơ sở sản xuất này.
Theo bà Ngụy Thị Khanh, để kiểm soát các nguồn khí thải lớn này cần hạn chế phát triển thêm các nguồn phát thải mới, bằng cách không nên tiếp tục các dự án điện than mới nữa.
Theo báo Khoa học và Đời sống