Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Nhiệt điện than và sinh mạng con người

  |   Viết bởi : Trích dẫn tại http://www.thesaigontimes.vn/133234/Nhiet-dien-than-va-sinh-mang-con-nguoi.html

TBKTSG Online – Những xung đột giữa nhiệt điện than và cuộc sống đã từng bước bộc lộ, mà một điểm nhấn là chuyện người dân ở Bình Thuận mới ...

TBKTSG Online – Những xung đột giữa nhiệt điện than và cuộc sống đã từng bước bộc lộ, mà một điểm nhấn là chuyện người dân ở Bình Thuận mới đây kéo ra đường phản đối ô nhiễm gây ra bởi nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2.

Nhưng câu chuyện ô nhiễm ở Vĩnh Tân 2 có lẽ mới chỉ là một “khúc dạo đầu” của một “vũ điệu tử thần” khi mà nhiệt điện than mới chỉ ở trong giai đoạn đầu phát triển tại Việt Nam. Viễn cảnh của 10 hoặc 15 năm tới mới thật sự là “mịt mù tro bụi” nếu không có sự điều chỉnh, đổi thay ngay từ lúc này.

Những người quan tâm hẳn là phải thảng thốt giật mình trước những dữ liệu được nêu ra tại hội thảo “Cơ hội và thách thức phát triển nguồn điện ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” được tổ chức ngày 17-7 tại Cần Thơ.

Các nhà máy chết chóc

Bà Hoàng Thanh Bình thuộc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (Green ID) cảnh báo tại hội thảo rằng việc phát triển các nhà máy nhiệt điện than ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến môi trường và đời sống của người dân, và nhấn mạnh rằng “việc phát triển các nhà máy nhiệt điện than tác động đến hệ sinh thái, sản xuất nông nghiệp, các công trình xây dựng, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.”

Số liệu được Green ID công bố cho thấy việc phát triển các nhà máy nhiệt điện than sẽ thải ra một lượng tro xỉ khồng lồ, ước khoảng 14,8 triệu tấn mỗi năm từ năm 2020 và lên đến 29,1 triệu tấn mỗi năm từ năm 2030. Đó là một vấn nạn môi trường khổng lồ.

Ông Trần Đình Sính, Phó giám đốc Green ID, dẫn báo cáo Công trình nghiên cứu của nhóm mô hình hóa học khí quyển thuộc Trường Đại học Harvard, cho thấy số người chết sớm liên quan đến nhiệt điện than vào năm 2010 trên toàn thế giới là 3,2 triệu người, trong đó ở Việt Nam là 31.000 người và riêng ĐBSCL là 8.000 người.

Nếu con số định lượng này được xác thực, thì số người chết vì nhiệt điện than hàng năm cao gấp hơn ba lần số người chết vì tai nạn giao thông, chưa kể kèm theo đó là chi phí y tế khổng lồ do suy giảm về sức khỏe nơi các nạn nhân.

Nhiệt điện than đang là một vấn đề toàn cầu, và giải pháp ở các nước phát triển là từng bước loại bỏ chúng vì những thiệt hại quá lớn so với lợi ích.

Ngay tại Mỹ, nước có trình độ khoa học - kỹ thuật hàng đầu và các biện pháp chế tài nghiêm khắc đối với tình trạng gây ô nhiễm, nhiệt điện than vẫn đang gây ra khá nhiều hệ lụy.

Một báo cáo của Nhóm Công tác về Khí quyển Hoa Kỳ (Clean Air Task Force) ước tính rằng riêng tại nước này, ô nhiễm không khí do nhiệt điện than trong năm 2010 gây ra 13.000 cái chết sớm, 20.000 người mắc bệnh tim, mất 1,6 triệu ngày công do ốm đau, và tổng thiệt hại tính bằng tiền là hơn 100 tỉ đô-la Mỹ hàng năm. (http://www.rmi.org/RFGraph-health_effects_from_US_power_plant_emissions)

Ở một góc nhìn khác, ông James Hansen, nguyên Giám đốc Viện nghiên cứu Không gian Goddard thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), cảnh báo rằng nhiệt điện than là một tác nhân lớn gây biến đổi khí hậu, và cần phải sớm đóng cửa các nhà máy chết chóc này. Trong một bài báo đăng trên tờ The Guardian của Anh, nhà khoa học này nhấn mạnh rằng khí hậu đang đi đến điểm mất cân bằng, và các hậu quả do các nhà máy nhiệt điện than gây ra sẽ vượt ngưỡng phục hồi nếu không có giải pháp tức thời. “Than là mối đe dọa đơn lẻ lớn nhất đối với nền văn minh và toàn bộ sự sống trên trái đất,” ông viết trên bài báo của mình nhằm kêu gọi mọi người – trước hết là những nhà chính trị - thay đổi nhận thức để tránh thảm họa đang đến.

Trở lại với cuộc hội thảo tại Cần Thơ nói trên, ông Lâm Thanh Hùng, Phó giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang, đặt vấn đề: “Nhiệt điện than tuy có điều kiện phát triển, nhưng qua phân tích của một số nhà chuyên môn, nó là mối đe dọa, thế giới đang bỏ dần. Như vậy, tại sao chúng ta lại đi theo điện than mà không tìm giải pháp phát triển điện khí, điện sinh khối, điện gió hay điện mặt trời?”

Câu trả lời có vẻ là “đã đâm lao phải theo lao.”

Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm năng lượng thuộc Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), cho rằng sau khi xem xét các vấn đề có liên quan và cả dự báo giá than nhập khẩu thời gian tới, thì nhiệt điện than vẫn là ưu tiên.

Theo Tổng sơ đồ điện VII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 7-2011 thì trong cơ cấu năng lượng của Việt Nam, nhiệt điện than được quy hoạch ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn. Cụ thể, nhiệt điện than sẽ có tổng công suất là 36.000MW vào năm 2020, chiếm tỷ trọng 46,8%, nhưng sẽ tăng lên 75.000MW vào năm 2030, với tỷ trọng 56,4%.

Viễn cảnh này được ông Trần Đình Sính, Phó giám đốc Green ID, cảnh báo tại hội thảo rằng “số người chết sớm sẽ còn tăng rất nhanh, nếu các nhà máy nhiệt điện than khác nằm trong quy hoạch được xây dựng lên.”

Nhưng viễn cảnh đó có vẻ khó thay đổi khi ông Cường của Bộ Công Thương khẳng định rằng “chúng ta phải phát triển nhiệt điện than bởi không có cách nào khác.”

Có còn lựa chọn nào khác?

Khai thác thủy điện ở Việt Nam, theo nhiều nhà khoa học, đã tới ngưỡng, và khó có thể gia tăng trong những năm tới, và một lựa chọn khác hiện nay là phát triển các nhà máy điện hạt nhân với hai dự án đầu tiên đang được xúc tiến tại Ninh Thuận. Về các nguồn năng lượng tái tạo như điện sinh khối, điện gió, năng lượng mặt trời…, ông Cường cho rằng không khả thi vì chi phí cao.

“Đối với điện mặt trời, lắp đặt 1MW cần khoảng 15-18 héc ta đất, rất tốn kém,” ông dẫn chứng, và nói thêm rằng với điện gió thì hiện mới có ba dự án với công suất 32 MW, cho nên nếu đi theo hướng này sẽ không thể nào đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế được.

Căn cứ theo Tổng sơ đồ điện VII nêu trên, điện sinh khối và điện gió đến năm 2020 được quy hoạch với công suất lần lượt là 500MW và 1.000MW và đến năm 2030, các con số tương ứng cũng chỉ dừng ở mức khiêm tốn là 2.000MW và 6.200MW. Rõ ràng, điện gió cộng với điện sinh khối, vốn được xem là có tiềm năng lớn ở Việt Nam, đã gần như bị “loại khỏi cuộc chơi” trong Tổng sơ đồ điện VII, khi chỉ chiếm tỷ trọng chung khiêm tốn là 6% vào năm 2030 do “chi phí cao.”

Tuy nhiên, thực tế ở một số nước phát triển cho thấy điện gió đang ngày càng rẻ và có thể cạnh tranh song phẳng với nhiệt điện, tùy cách làm và cách nhìn.

Chi phí đầu tư ban đầu của điện gió là khá cao do phải đầu tư đồng bộ nhiều loại thiết bị đắt tiền như turbine, cánh quạt gió, trụ điện… nhưng nhìn tổng thể chiều dài dự án trên 20 năm, thì chi phí lại không quá lớn vì không hao tốn nhiên liệu, trong khi chế độ bảo trì cũng ít tốn kém hơn các nhà máy nhiện điện chạy khí hay chạy than.

Ở các nền kinh tế có mức lãi suất ổn định ở mức thấp thì việc tìm kiếm nguồn tín dụng dài hạn đầu tư cho điện gió không phải là vấn đề. Lãi suất thương mại ở Việt Nam cao, nhưng thiết nghĩ vẫn có thể tìm kiếm các nguồn tài trợ từ nước ngoài thông qua một cơ chế huy động vốn và bảo lãnh phù hợp.

Giá thành điện gió tại New Zealand chẳng hạn dao động từ 6,5 xu Mỹ (US cent) tới 12 xu/kWh tùy vùng nhiều gió hay ít gió, khoảng cách đến khu dân cư…, và được xem là một trong những loại hình phát điện rẻ nhất ở đất nước này, và chi phí này được dự báo sẽ càng xuống thấp do công nghệ điện gió phát triển (http://www.windenergy.org.nz/the-cost-of-wind-energy).

Trong khi đó, tại Mỹ, phát triển điện gió hiện nay đã rẻ hơn so với điện từ khí đốt, từ than hoặc từ năng lượng hạt nhân, theo một báo cáo năm 2014 của tập đoàn đầu tư Mỹ Lazard (http://windfacts.ca/affordable-power). Theo Báo cáo thị trường công nghệ điện gió 2012 của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, giá điện gió căn cứ vào các hợp đồng mua bán điện đã giảm xuống chỉ còn 4 cent/kWh, một mức giá hoàn toàn cạnh tranh đối với thậm chí mặt bằng giá ở Việt Nam (http://www.awea.org/Resources/Content.aspx?ItemNumber=5547).

Báo Newsweek trong một bài ý kiến ngày 21-4-2015 nhận định rằng điện gió là một lĩnh vực công nghệ, và trong lĩnh vực công nghệ, chi phí sẽ ngày càng giảm, trong khi trong những ngành khai thác tài nguyên (như nhiệt điện than), chi phí sẽ ngày càng tăng do tài nguyên ngày càng khan hiếm.

Cần mạnh dạn điều chỉnh quy hoạch

Tiềm năng điện gió ở Việt Nam được các chuyên gia đánh giá là rất cao, trong khi tài nguyên như than thì ngày càng cạn kiệt và sẽ phải lệ thuộc vào nhập khẩu.

Tại một hội thảo vào tháng 5-2015 về năng lượng, các chuyên gia và nhà đầu tư đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều thuận lợi nhất trong khu vực để phát triển nguồn năng lượng tái tạo từ sức gió, năng lượng mặt trời, rác thải... Về gió, Việt Nam có gần 3.400km bờ biển có thuận lợi lớn, trong khi nguồn năng lượng mặt trời với lượng bức xạ nắng trung bình 5 kWh/mét vuông/ngày trên khắp cả nước. Tổng tiềm năng lượng sinh khối của Việt Nam vào khoảng 73 triệu tấn/năm, và nếu tận dụng các nguồn sinh khối này để phát điện thì công suất điện ước tính có thể lên tới 5.000MW.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), tiềm năng năng lượng gió tại Việt Nam cao hơn rất nhiều quốc gia khác tại khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, và Campuchia.

Một cuộc khảo sát, đo đạc, phân tích và xác minh của WB cho biết Việt Nam có năng lực để sản xuất đến hơn 513.000 MW điện gió hàng năm. Thế nhưng, như đã đề cập ở trên, Tổng sơ đồ điện VII chỉ đề ra chỉ tiêu khai thác 6.200MW vào năm 2030, và nếu thế thì Việt Nam đang lãng phí một nguồn tài nguyên tái tạo lớn với chi phí khai thác đang ngày càng rẻ.

Nếu quy hoạch là nhằm vạch ra một lộ trình cho phát triển, thì điều chỉnh quy hoạch là nhằm làm cho quá trình phát triển bám sát với thực tiễn, hạn chế đến mức thấp nhất những xung đột có thể xảy ra trong quá trình phát triển. Điều chỉnh lại Tổng sơ đồ điện VII, thiết nghĩ, là một yêu cầu chính đáng, nhằm tìm giải pháp tăng tối đa nguồn điện gió, đồng thời hạn chế các tác hại khủng khiếp sẽ xảy đến từ nhiệt điện than. Không thể vì sự dễ dàng trước mắt của nhiệt điện than mà bỏ qua sự an toàn đối với cuộc sống của con người.
Trích dẫn tại http://www.thesaigontimes.vn/133234/Nhiet-dien-than-va-sinh-mang-con-nguoi.html