Một báo cáo phân tích độc lập của khoa học quốc tế với Dự án Nhiệt điện than Vũng Áng 2 vừa được công bố, cảnh báo cần có sự thay đổi rõ ràng hơn trong bối cảnh Việt Nam đang sửa đổi bổ sung Luật Bảo vệ Môi trường và thực hiện Quy hoạch Điện 8.
Mới đây, một báo cáo phân tích độc lập được công bố bởi Liên minh Luật Môi trường Toàn cầu (Environmental Law Alliance Worldwide - ELAW) về Nhiệt điện than Vũng Áng 2 cho thấy: các khía cạnh chính trong đánh giá tác động môi trường và xã hội về dự án này đã không đáp ứng các tiêu chuẩn được quốc tế chấp nhận, và đề nghị dừng Vũng Áng 2.
Báo cáo của ELAW được thực hiện bởi nhóm nhà khoa học kinh nghiệm trên 20 năm trong đánh giá báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) các dự án nhiệt điện than thế giới và sinh thái biển. Báo cáo cho thấy, ĐTM của Vũng Áng 2 (được Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam phê duyệt năm 2018) có rất nhiều vấn đề cần xem xét lại.
Nhà máy nhiệt điện than Vũng Áng 1, ảnh chụp tháng 5.2018. Ảnh: Lê Quỳnh
Cụ thể, dự án đã lựa chọn sai mô hình phân tán chất ô nhiễm không khí trong đánh giá, do không tính đến các vấn đề địa hình phức tạp, đồi núi xung quanh, trong khu dân cư… Điều này đã đưa ra những dự đoán vô nghĩa về tác động chất lượng không khí.
Vũng Áng 2 cũng áp dụng tiêu chuẩn khí thải yếu hơn tiêu chuẩn quốc tế, cho phép tiếp tục xử lý tro ướt trái với hướng dẫn quốc tế, được phép xả nước thải vượt quá hướng dẫn quốc tế và loại bỏ nhiều tác động xấu với sinh vật biển.
Báo cáo cho thấy, ĐTM dự án không xem xét các giải pháp thay thế cho điện than để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Nhóm tác giả nhận định đây là một thất bại, lỗ hổng nghiêm trọng trong bối cảnh đang có sự chuyển dịch và tiềm năng năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Chưa kể sự phụ thuộc vào nhập khẩu than đang trở thành gánh nặng – như Bộ Công thương từng thừa nhận.
Báo cáo của ELAW cũng cho thấy, việc ĐTM Vũng Áng 2 bỏ qua giải pháp thay thế cho nhiệt điện than còn vi phạm hướng dẫn của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) trong xem xét dự án đầu tư.
Vũng Áng 2 dự kiến được xây dựng trên diện tích hơn 42ha, tổng mức đầu tư gần 2,2 tỷ USD, công suất 1.200MW, đầu tư theo hình thức BOT. Công ty One Energy Asia được thành lập từ liên doanh giữa Tập đoàn Mitsubishi Nhật Bản và Tập đoàn CLP (Hồng Kông), mỗi bên nắm giữ 50% cổ phần dự án.
Đáng nói, Vũng Áng 2 nằm sát bên Nhà máy Nhiệt điện than Vũng Áng 1 đang hoạt động và trong Khu Kinh tế Vũng Áng, là khu vực - theo đánh giá của Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Tĩnh, khí thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh phát sinh chủ yếu tại đây với các dự án lớn như Khu Liên hợp gang thép Formosa, Nhiệt điện than Vũng Áng 1...
Vũng Áng 2 hiện đang được lên kế hoạch tài trợ bởi JBIC và một tập đoàn của các ngân hàng Nhật Bản, bao gồm Tập đoàn tài chính Mizuho, Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ và Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui.
Lauri Myllyvirta, nhà phân tích chính sách, Trung tâm nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (Centre for Research on Energy and Clean Air) đặt vấn đề: Nếu các tiêu chuẩn khí thải được sử dụng cho Vũng Áng không được chấp nhận với Nhật Bản, tại sao chúng lại được chấp nhận với Việt Nam? Bằng cách phớt lờ các tập quán của Nhật Bản và quốc tế, các ngân hàng Nhật Bản có nguy cơ làm hại cộng đồng Việt Nam.
Bản đồ các nhà máy nhiệt điện than 2030. Nguồn: GreenID, Change/350.org, Lotte Chemical, Korea Green Foundation.
Các khuyến nghị rút vốn khỏi nhiệt điện than không chỉ đứng ở khía cạnh bảo vệ đạo đức xã hội hay cam kết về các chính sách ngày càng phù hợp với Thỏa thuận Khí hậu Paris, mà còn từ lăng kính kinh tế. Mới đây, cựu thống đốc Ngân hàng Anh Mark Carney đã cảnh báo thị trường vốn toàn cầu sắp có một cơn sóng thần do tổn thất tài sản bị mắc kẹt bởi nhiên liệu hóa thạch. Khả năng lên tới 20 nghìn tỷ USD, nếu thế giới không tuân thủ Thỏa thuận Khí hậu Paris.
Tháng 4.2020, Nhật Bản bắt đầu có một bước thay đổi trong quá trình rút khỏi điện than, dù muộn. Nhiều tập đoàn lớn của Nhật đã công bố các chính sách ngừng cung cấp tài chính cho phát triển nhà máy điện đốt than mới, trong đó có các tổ chức đang lên kế hoạch tài trợ cho Vũng Áng 2: Tập đoàn Ngân hàng Sumitomo Mitsui và Tập đoàn Tài chính Mizuho. Là nhà tài trợ tư nhân lớn nhất thế giới của các nhà đầu tư phát triển nhiệt điện than, quyết định từ Mizuho đặc biệt đáng chú ý.
Các tổ chức tài chính Nhật Bản đang phải đối diện với sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế do kế hoạch tài trợ cho Nhiệt điện than Vũng Áng 2.
Còn trong nước, Việt Nam đang ngày càng phải đối diện nhiều hơn với mối lo ngại môi trường xuống cấp và nhu cầu bảo vệ môi trường. Thực tế cũng đang đòi hỏi chúng ta cần mở rộng quyền khởi kiện và yêu cầu bồi thường môi trường cho các cá nhân và cộng đồng, vì họ là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Mẹ con chị Dương Thị Cảnh, nhà sát Nhiệt điện than Vũng Áng 1. Cũng như các gia đình khác ở thôn Hải Phong, chị Cảnh không còn dám dùng nước mưa cho ăn uống vì sợ bị ung thư. Đứa con 6 tuổi của chị bị mẩn ngứa, ho hen thường xuyên. Vài năm trở lại đây, nước giếng cũng không dám xài vì thấy màu nước lạ. Ảnh chụp tháng 5.2018. Ảnh: Lê Quỳnh
Cách đây hai năm, phóng viên Người Đô Thị có một chuyến thực tế dài ngày vào các khu dân cư có nhà máy nhiệt điện than. Một đặc điểm chung ở những vùng này, ghi nhận từ các trạm y tế xã: các bệnh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn có xu hướng thuyên giảm nhưng các bệnh không lây nhiễm (NCDs) gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là các bệnh tim mạch, đột quỵ, hô hấp khó thở, mẩn ngứa dị ứng và ung thư.
Không chỉ vậy, theo bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo Phát triển cộng đồng, tỉ lệ ung thư tại đây ghi nhận cao hơn mức trung bình của Việt Nam và thế giới, chiếm 30-40% tổng số ca chết mỗi năm, có năm chiếm gần 45%.
Một thực tế khác được ghi nhận tại các địa phương có nhà máy nhiệt điện than hoạt động như xã Kỳ Lợi (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), xã Hải Hà (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa)… là sự mâu thuẫn trong xác định ô nhiễm. Người dân nói “ô nhiễm”, chính quyền địa phương xác nhận “cảm nhận được ô nhiễm”, nhưng khi cơ quan chức năng cấp cao hơn xuống kiểm tra thì thường luôn là “các chỉ số ô nhiễm đạt quy chuẩn cho phép”.
Tháng 4 vừa qua, trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ Môi trường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhấn mạnh: “Cần rà soát những cam kết quốc tế về môi trường trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), gần đây nhất là EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam), nhằm tạo hành lang pháp lý để phát triển đất nước phù hợp với các cam kết quốc tế lẫn đáp ứng yêu cầu trong nước”.
Rõ ràng là Việt Nam đã bắt đầu chịu sự giám sát độc lập và cụ thể hơn từ cộng đồng quốc tế trong hành động, cam kết bảo vệ môi trường của mình. Câu chuyện quốc tế kêu gọi thoái vốn với Nhiệt điện than Vũng Áng 2 chỉ là một ví dụ, cho một đòi hỏi thay đổi thực chất, cụ thể và triệt để.
Tác giả: Lê Quỳnh
Theo Nguoidothi.net.vn