Bài toán năng lượng quốc gia trong Dự thảo Quy hoạch Điện VIII vừa được trình Thủ tướng Chính phủ vẫn còn nhiều vấn đề cần xem xét lại, đặc biệt với kế hoạch tiếp tục phát triển nhiệt điện than ở mức độ cao.
Hình ảnh khói thải bay ra từ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân. Ảnh tư liệu: Báo Tuổi Trẻ
Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (viết tắt Quy hoạch Điện VIII) vào ngày 19.3.2021 dự kiến sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ. Đây là kết quả sau một năm nhiều lần lấy ý kiến, góp ý, thảo luận giữa nhiều cơ quan ban ngành, tổ chức liên quan. Có thể thấy nhiều điểm mới trong dự thảo này nhằm góp phần tháo gỡ những vấn đề còn “tắc nghẽn”, như: chú trọng hơn đến xây dựng đường truyền tải, tất cả các nguồn năng lượng sơ cấp đều được xem xét, gồm thủy điện, than, khí, gió, mặt trời, biomass, rác thải, địa nhiệt, sóng, điện khí sinh học…
Riêng đối với nhiệt điện than, về tổng quan, so với Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, Quy hoạch Điện VIII trước ngày 19.3 tại mốc 2030 đã có một số thay đổi lớn: loại bỏ 5.000 MW điện than, 29.8000 MW điện than còn lại được phát triển từ 2021 kéo dài tới 2045. Dù vậy, điều chỉnh này vẫn còn gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn và xã hội. Nhưng dù vấn đề trên chưa được giải đáp thỏa đáng, thì Dự thảo Quy hoạch Điện VIII ngày 19.3.2021 dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ lại cho thấy tổng công suất nhiệt điện than tiếp tục được tăng thêm, còn điện mặt trời lại bất ngờ giảm so với bản thảo Quy hoạch VIII trước đó.
Cụ thể, Tổng công suất nhiệt điện than bổ sung trong giai đoạn 2021 – 2045 theo Dự thảo trình Thủ tướng cao hơn 400 MW so với bản thảo Quy hoạch Điện VIII. Đồng thời, so với Dự thảo ngày 22.2.2021, thì công suất điện mặt trời trong Dự thảo ngày 19.3 đến năm 2030 giảm 500 MW, và đến năm 2045 giảm 15.500 MW.
Dự thảo dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ ngày 19.3 cũng nêu rõ là “tiếp tục triển khai các dự án nhiệt điện than đã được phê duyệt trong Quy hoạch Điện VII điều chỉnh”.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu độc lập và góp ý cho Quy hoạch điện VIII thời gian qua của Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), Liên minh Phòng chống các Bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) và Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) cho thấy: việc nhiệt điện than vẫn được ưu tiên tăng mạnh, đặc biệt trong 10 năm tới (2021 – 2030) sẽ nguy cơ tiếp tục gây nhiều rủi ro về cả mặt môi trường, xã hội lẫn hiệu quả kinh tế.
Các báo cáo cho thấy, việc phát triển nhiệt điện than ở giai đoạn trước (2016 - 2020) đã gặp rất nhiều khó khăn về huy động vốn, người dân và chính quyền địa phương không ủng hộ… dẫn tới chỉ đạt được khoảng 57,6% kế hoạch theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh. Trong giai đoạn 5 năm vừa qua, chỉ có khoảng 7.000 MW điện than vào vận hành, trong đó riêng năm 2020 chỉ có duy nhất 1 tổ máy (600 MW) vào vận hành. Dự báo, những khó khăn này tại Việt Nam sẽ tiếp tục trong tương lai, dẫn tới nguy cơ tiếp tục chậm tiến độ của các dự án điện than.
Theo tính toán của chuyên gia, để thu xếp được khoảng 13 tỷ USD/năm theo Dự thảo Quy hoạch, khả năng thu xếp của tập đoàn trong nước vào khoảng 3 tỷ USD/năm. 77% còn lại phải huy động từ đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp và hộ dân trong nước. Trong khi đó, các chính phủ, chủ đầu tư, tổ chức tài chính và phi tài chính quốc tế đang thoái vốn khỏi điện than, doanh nghiệp tư nhân trong nước không đủ tiềm lực đầu tư cho các dự án lớn, tính khả thi huy động vốn cho phát triển điện than là rất thấp.
Vì vậy, rủi ro Việt Nam đứng trước nguy cơ phải phụ thuộc vào nguồn cấp vốn duy nhất là Trung Quốc là cao. Đây là một thực tế gần và khó tránh khỏi. Như gần đây nhất, vào tháng 2.2021, Tập đoàn Nhật Bản Mitsubishi đã quyết định rút khỏi dự án nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 3 (đã được quy hoạch tại Bình Thuận và dự kiến đi vào hoạt động năm 2024) trong bối cảnh quốc tế ngày càng lo ngại về biến đổi khí hậu. Thay vào đó, theo ông Phan Xuân Dương, Phó tổng giám đốc Công ty CP năng lượng Vĩnh Tân 3, công ty đã báo cáo Chính phủ để chuyển dự án cho nhà đầu tư mới là công ty lưới điện Phương Nam (Trung Quốc), cũng là chủ đầu tư của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1.
Trong khi đó, Dự thảo Quy hoạch Điện VIII cho thấy, năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, tích trữ năng lượng với nguồn vốn được cho là khá đa dạng, từ thị trường trong đến ngoài nước) chưa được chú trọng phát triển trong 10 năm tới so với tiềm năng và cơ hội hiện có, và cũng chưa thể hiện được sự đột phá chính sách với lĩnh vực mới này.
Ngoài ra, các giải pháp thực hiện Quy hoạch còn nhiều hạn chế như: chưa có phương án huy động vốn cụ thể, và đề xuất xem xét cấp bảo lãnh chính phủ cho các dự án BOT là không hợp lý; lộ trình phát triển thị trường điện cạnh tranh tiếp tục bị đẩy lùi...
Còn về mặt môi trường, sức khỏe, theo chính Báo cáo thuyết minh Dự thảo Quy hoạch Điện VIII, với cơ cấu nguồn điện đề xuất thì tổng lượng phát thải bụi ô nhiễm tăng liên tục từ 9,5 nghìn tấn vào năm 2020 tới trên 42 nghìn tấn năm 2035 (tăng khoảng 4 lần). Lượng phát thải này tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm không khí, tác động đến môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng. Lượng phát thải này được xác định chủ yếu từ các nhà máy nhiệt điện than có trong quy hoạch và đã được tính toán thành chi phí. So sánh từng nguồn nhiên liệu riêng biệt cho thấy, chi phí thiệt hại liên quan đến than là cao hơn cả và có tốc độ tăng nhanh chóng theo tốc độ tăng của nguồn điện này.
Còn nghiên cứu mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), đánh giá tác động của các nhà máy nhiệt điện than ở 10 địa phương dự kiến bổ sung các dự án mới theo dự thảo QHĐ VIII, và tác động tới các địa phương trên cả nước cũng cho thấy những bất lợi khác. Cụ thể, nếu 16 dự án điện than mới (với tổng công suất khoảng 22GW) được xây dựng và vận hành theo dự thảo QHĐ VIII, những dự án này sẽ gây ra gần 1.000 ca tử vong sớm ở Việt Nam. Tổn thất kinh tế cho xã hội do chi phí y tế, giảm năng suất lao động và tuổi thọ ước tính vào khoảng 270 triệu USD hàng năm. Tính theo vòng đời 30 năm của những dự án này, tổng số ca tử vong sớm ước tính khoảng 46.000. Tổn thất kinh tế cộng dồn sau 30 năm lên tới 8 tỷ USD.
Ngoài ra, nghiên cứu nêu trên của Trung tâm CREA cũng chỉ ra rằng các địa phương có nhà máy chỉ chịu ảnh hưởng khoảng 7%, khoảng 93% tác động của những nhà máy này rơi vào các tỉnh/thành lân cận trên cả nước. Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đồng Nai, và Bình Dương là những địa phương bị ảnh hưởng lớn nhất.
Thực tế những năm qua đã cho thấy, những tỉnh có nhiệt điện than như (Bình Thuận, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Dương…) do ô nhiễm môi trường đã khiến người dân khiếu kiện, biểu tình kéo dài, từ đó xuất hiện mâu thuẫn nội bộ.
Kiến nghị mới đây của VSEA, NCDs-VN, VRN đã cho rằng không nên phát triển thêm các dự án điện than mới, đặc biệt trong giai đoạn 10 năm tới. Thay vào đó là ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời phân tán và điện gió.
Kiến nghị trên có thể tạo nhiều băn khoăn với người ra quyết định chính sách trong bối cảnh vẫn còn những rủi ro có thể có trong việc tập trung phát triển năng lượng tái tạo, chủ yếu đến từ lý do kỹ thuật.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào bối cảnh quốc tế hiện nay đang ngày càng có nhiều thay đổi trong công nghệ năng lượng tái tạo, cùng với nhiều cam kết cho mục tiêu “không phát thải”, việc thực thi cấm sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại nhiều thành phố lớn,… có thể thấy rằng: bài toán tiếp tục “giữ vững” mục tiêu phát triển nhiệt điện than ở mức độ cao của Việt Nam vào thời gian tới là một nguy cơ rất lớn trong chính sách, và có thể gây nhiều hệ lụy không thể sửa đổi khi nó được triển khai trong thực tế.
Lê Quỳnh
Theo báo Người đô thị