SGTT.VN - Bộ Tài nguyên và môi trường đang hoàn thiện và tiến hành lấy ý kiến các bộ ngành cho dự thảo về nghị định quy định về các ...
SGTT.VN - Bộ Tài nguyên và môi trường đang hoàn thiện và tiến hành lấy ý kiến các bộ ngành cho dự thảo về nghị định quy định về các loại hình sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm cần cấm hoặc hạn chế đầu tư trên địa bàn các lưu vực sông trong cả nước. Theo nhiều chuyên gia, đây là chủ trương phù hợp và cần thiết trong tình trạng ô nhiễm sông ngòi hiện nay, nhưng cần tính toán kỹ hơn đến nhiều giải pháp đi kèm.
Nhiều nơi không còn khả năng tiếp nhận nguồn thải:
Sông Thị Vải từng bị ô nhiễm nặng nề do Vedan, đến nay vẫn còn ô nhiễm, gây ảnh hưởng
lớn đến đời sống mưu sinh đánh bắt của người dân tại đây. Ảnh:
Việt Nam có ba lưu vực sông lớn gồm lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ – sông Đáy, và lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Nhưng theo kết quả điều tra, đánh giá thực tiễn, kết quả công tác quản lý môi trường ba lưu vực sông của tổng cục Môi trường, tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường ở nhiều nơi của ba lưu vực này ngày càng tăng, có nơi ở mức báo động. Nhiều khu vực đã không còn khả năng tiếp nhận nguồn thải.
Như trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, ngoại trừ vùng thượng lưu sông Đồng Nai đến cửa xả thuỷ điện Trị An, và thượng lưu sông Sài Gòn đến chân đập hồ Dầu Tiếng còn khả năng tiếp nhận nguồn thải tốt, những vùng còn lại chỉ tiếp nhận nguồn thải ở mức độ trung bình đến thấp. Báo động nhất là sông Thị Vải và hệ thống mặt nước kênh rạch thuộc khu vực nội thị TP.HCM và TP Biên Hoà, đã không còn khả năng tiếp nhận nguồn thải…
Đánh giá cho thấy, nguyên nhân gây ô nhiễm chính là do các nguồn thải công nghiệp, sinh hoạt, làng nghề, y tế, tác động của các hoạt động thuỷ điện, thuỷ lợi và khai khoáng. Dự báo, với xu thế phát triển kinh tế – xã hội như hiện nay, trong tương lai không xa, các lưu vực sông liên tỉnh khác cũng bị rơi vào tình trạng ô nhiễm như ba lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ – sông Đáy, và lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.
Theo dự thảo, một số ngành nghề cần hạn chế đầu tư sản xuất, kinh doanh trên một số địa bàn thuộc lưu vực sông lớn bao gồm: sản xuất sắt, thép, gang; gia công cơ khí; xử lý và tráng phủ kim loại; sản xuất mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa, làm bóng và chế phẩm vệ sinh; thuộc da, sơ chế da; sơ chế và nhuộm da lông thú; sản xuất bột giấy, giấy và bìa; giết mổ gia súc tập trung; sản xuất tinh bột và các sản phẩm từ tinh bột; sản xuất sợi, vải dệt thoi và hoàn thiện sản phẩm dệt có công đoạn nhuộm; sản xuất hoá chất cơ bản; chăn nuôi heo (lợn), trâu, bò tập trung…
Cần nhiều giải pháp song hành
Trao đổi với báo Sài Gòn Tiếp Thị, bà Nguỵ Thị Khanh, giám đốc trung tâm Sáng tạo và phát triển xanh (GreenID), thành viên ban vận động chính sách Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, cho biết hoàn toàn ủng hộ vấn đề này về mặt chủ trương, định hướng. Đây là hành động cụ thể hoá cho chiến lược bảo vệ môi trường và phát triển xanh, tăng cường kiểm soát về công nghệ và nguồn xả thải. Tuy nhiên, bà Khanh cho rằng, cần xem xét và cân nhắc kỹ hơn về cách làm, cụ thể là cần có tham vấn với các bên liên quan cũng như với cộng đồng người dân địa phương; vì nó liên quan đến vấn đề kinh tế của người lao động và việc phát triển kinh tế của địa phương.
Theo bà Khanh, có rất nhiều quy định, nghị định được triển khai nhưng trong thực tế thì bên dưới địa phương không thực thi được. Một đánh giá quản trị về môi trường của GreenID chỉ ra nguyên nhân do khi thực hiện các quy định về pháp luật liên quan nó còn liên quan đến vấn đề tình làng, nghĩa xóm, tiếp cận thông tin pháp luật, công nghệ… “Đã đến lúc cần thay đổi quan điểm ưu tiên phát triển kinh tế hơn môi trường, nếu không thì mãi mãi không bao giờ cải thiện được tình trạng môi trường hiện nay. Nhưng về chính sách, cần sự tham gia nhiều hơn của các bên để có giải pháp phù hợp, song hành, chứ không chỉ đưa ra những danh sách những ngành nghề cấm, hạn chế”, bà Khanh nói.
GS.TS Lâm Minh Triết, viện trưởng viện Nước và công nghệ môi trường TP.HCM, cũng cho rằng việc cần cấm hoặc hạn chế một số ngành nghề sản xuất trên lưu vực sông là cần thiết, nhất là phải đảm bảo việc xử lý tại nguồn và những khu vực lấy nước thô cung cấp cho nước sinh hoạt địa phương. Tuy nhiên, việc cấm hoặc hạn chế ngành nghề sản xuất này phải được cân nhắc kỹ, bởi công nghệ xử lý ô nhiễm hiện nay đã tương đối rồi, vấn đề là quản lý như thế nào, không thể vì anh không quản lý được mà cấm.
Còn theo ông Võ Văn Chánh, phó giám đốc sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Đồng Nai, tuỳ theo yêu cầu của từng thời điểm của tình trạng chất lượng nước sông mà cần hạn chế hoặc cấm những ngành nghề nguy cơ ô nhiễm cao. Ông cho biết, cách đây ba năm, trước thực trạng sông Thị Vải đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, Đồng Nai đã chủ động hạn chế, không cấp phép đầu tư nhiều ngành nghề trên dòng sông này như dệt nhuộm, các ngành hoá chất. Ngoài ra, tỉnh cũng có phân vùng trên sông Đồng Nai, từ đó làm cơ sở cho việc rà soát, xét duyệt cấp phép đầu tư các ngành nghề trên sông này; thậm chí có những khu vực doanh nghiệp muốn làm thì phải đảm bảo điều kiện nước xả thải đạt loại A…
BÀI VÀ ẢNH: LÊ QUỲNH
Trích dẫn tại: http://sgtt.vn/Thoi-su/174053/Se-cam-han-che-mot-so-nganh-nghe-tren-luu-vuc-song.html