Kiến nghị Quy hoạch điện VIII: Không phát triển thêm các dự án nhiệt điện than mới
Ngày 2/3/2021, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), Liên minh Phòng chống các Bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) và Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) đã gửi Thư kiến nghị góp ý cho Quy hoạch điện Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (QHĐ VIII) đến Bộ Công Thương theo đúng quy trình góp ý. Đồng thời, 3 Liên minh cũng chia sẻ thư kiến nghị đến lãnh đạo của các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành và các tỉnh, thành phố có liên quan tới các dự án điện được quy hoạch trong dự thảo QHĐ VIII.
Ngày 22/2/2021 bản dự thảo QHĐ VIII đã được đăng tải trên website của Bộ Công thương cùng công văn lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương. Việc lần đầu tiên Bộ Công thương công bố công khai đầy đủ các tài liệu của QHĐ VIII là một bước đột phá lớn về minh bạch thông tin của Bộ Công thương so với các kỳ Quy hoạch trước.
Về tổng quan, so với QHĐ VII điều chỉnh, QHĐ VIII tại mốc 2030 đã có một số thay đổi lớn: loại bỏ 5.000 MW điện than, 29.8000 MW điện than còn lại được phát triển từ 2021 kéo dài tới 2045; tăng tỷ trọng đóng góp của năng lượng tái tạo từ 21% lên 32.5%. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu bản dự thảo, các Liên minh nhận định dự thảo quy hoạch vẫn có một số điểm cần được xem xét kỹ lưỡng hơn, cụ thể:
Theo quan điểm chỉ đạo của Nghị Quyết 55 của Bộ Chính tri “ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới”, đồng thời từ bài học của giai đoạn quy hoạch trước, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch bệnh Covid đòi hỏi các quốc gia hướng tới phục hồi Xanh, Quy hoạch điện VIII cần đưa ra những giải pháp khả thi, đột phá, bám sát và khai thác cơ hội từ những xu thế mới để dự báo, định hướng phát triển ngành điện theo hướng bền vững, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tiếp tục phát triển nhiệt điện than sẽ đặt Việt Nam ở chiều ngược lại với xu thế chuyển dịch xanh của thế giới và nỗ lực thực hiện mục tiêu khí hậu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, tăng thêm rủi ro khi Việt Nam đứng trước nguy cơ phải phụ thuộc vào nguồn cấp vốn duy nhất là Trung Quốc. Ngoài ra, việc gia tăng phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu than, khí cho phát điện sẽ đặt ra nhiều rủi ro với an ninh năng lượng quốc gia. Trong khi đó, tiềm năng của năng lượng tái tạo lại chưa được tận dụng đúng mức (tổng công suất huy động của năng lượng tái tạo chỉ chiếm 4% vào năm 2030) và nguồn vốn cho loại hình năng lượng này lại khá đa dạng, từ nhiều thị trường trong và ngoài nước.
Vì vậy, các Liên minh kiến nghị Bộ Công thương không phát triển thêm các dự án điện than mới, đặc biệt là trong giai đoạn 10 năm tới, thay vào đó có các giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh hơn nữa phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời phân tán và điện gió.
Xem toàn văn thư kiến nghị tại: http://bit.ly/Quyhoachdien8
Để cung cấp thêm thông tin và góp nhìn của các chuyên gia về dự thảo Quy hoạch điện VIII, đồng thời tạo diễn đàn mở cho các bên thảo luận, Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) tổ chức tọa đàm trực tuyến góp ý cho Quy hoạch điện VIII với thông tin như sau:
Thời gian: 8h00 – 11h15 sáng ngày 4/3/2021
Hình thức: Trực tuyến qua Zoom. Đường dẫn tham dự sự kiện: https://bit.ly/3swUhTY
Chương trình dự kiến: http://bit.ly/ToadamQHĐ8
--------------------------
Thông tin liên hệ:
Văn phòng Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA)
Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID)
Địa chỉ văn phòng: Nhà C1X3, ngõ 6 Trần Hữu Dực, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Điều phối viên: Chị Nguyễn Thị Hằng
Điện thoại: 098 4649567 | Email: nthang@greenidvietnam.org.vn