Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Tham quan mô hình điện mặt trời kết hợp với sản xuất nông nghiệp tại Ninh Thuận

  |   Viết bởi :

Ngày 25-28/7/2020 GreenID đã phối hợp với Ban quản lý dự án Giải pháp Xanh tỉnh An Giang tổ chức buổi tham quan mô hình điện mặt trời kết hợp với sản xuất nông nghiệp tại hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Dương.

Nhằm nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn dự án về các mô hình năng lượng bền vững, các mô hình ứng dụng các giải pháp năng lượng tái tạo gắn với sản xuất nông nghiệp góp phần tăng hiệu quả sử dụng đất, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu tác động đến môi trường, ngày 25-28/7/2020 GreenID đã phối hợp với Ban quản lý dự án Giải pháp Xanh tỉnh An Giang tổ chức buổi tham quan mô hình điện mặt trời kết hợp với sản xuất nông nghiệp tại hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Dương.

Chuyến tham quan học tập kinh nghiệm có sự góp mặt của 36 thành viên bao gồm: các cán bộ của GreenID, Đại diện Ban quản lý dự án, Đại diện UBND và Phòng Nông nghiệp Tri Tôn - Tịnh Biên, Đại diện các xã dự án: An Tức, Ô Lâm, Châu Lăng, An Hảo, Đại diện Nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn huyện Tri Tôn và Tịnh Biên.

Trong ngày đầu tiên 25/7, đoàn đã tham quan Mô hình trồng xen canh các loại cây ăn trái theo hướng hữu cơ tại Bình Dương với tổng diện tích canh tác là 13ha. Một trong những điểm đặc biệt tại đây là cây phát triển rất tốt, các loại cây trong vườn đã đạt từ  5-6 năm tuổi và đang trong giai đoạn thu hoạch.  Vườn được canh tác theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học thay vào đó là các loại thuốc sinh học, bón phân hữu cơ ( phân gà Nhật ), dùng bẫy dính, bẫy đèn bắt côn trùng. Anh Khanh - chủ vườn cho biết “Việc sử dụng phân hữu cơ đã giúp cây phát triển tốt hơn và đem lại năng suất tốt, ổn định, hạn chế được sâu bệnh, vào những năm trước 1ha cây ăn trái của anh đem lại lợi nhuận xấp xỉ 1 tỷ đồng/năm”. 

Điểm hạn chế của mô hình này là anh chỉ làm theo hướng hữu cơ tự phát của hộ mà không theo tiêu chuẩn, với mong muốn góp phần đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không theo bất kỳ tiêu chuẩn nào nên sản phẩm vẫn bán với giá như thị trường, trong thời gian tới, anh cũng đang hướng tới thực hiện theo các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp hiện nay để giá trị đầu ra được nâng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường và người tiêu dùng.

Ngày thứ hai, đoàn tham quan học tập mô hình Pin năng lượng mặt trời kết hộp với sản xuất nông nghiệp của anh Đông thuộc tỉnh Ninh Thuận. Hệ thống pin được lắp đặt từ năm 2019 trên diện tích 1ha chia làm 5 dãy chính với công suất 1MWp. Anh Đông cho biết hệ thống này được lắp đặt với chi phí tầm 20 tỷ/ha Pin, dự kiến 6 – 8 năm sẽ lấy lại vốn, hiện tại, anh đang thử nghiệm rất nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp dưới hệ thống Pin này: chăn nuôi cừu, trồng hành, trồng nha đam, trồng xương rồng, rau mầm (đều trồng theo dạng thủy canh) tuy nhiên vẫn chưa xác định được mô hình nào mang lại hiệu quả vì vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Hệ thống pin được đặt cách mặt đất khoảng 4 – 5m có thể chăn nuôi động vật lớn như bò.

Hạn chế của mô hình ở cách thiết kế hệ thống Pin: do nhu cầu xây dựng cho kịp giá FIX nên hệ thống pin được lắp đặt như một mái nhà, che hết lượng nắng nên chỉ thích hợp cho các loại cây ưa bóng, một số loại cây ưa nắng ít vẫn không thử nghiệm được.

Qua tham quan mô hình thực tế, các nông dân cũng cho thấy 2 mô hình có thể đem về địa phương áp dụng đó là chăn nuôi cừu và trồng cỏ vôi bên dưới hệ thống Pin. 

Ngày 27/07/2020 đoàn tham quan mô hình trồng nho của hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An, tại ấp Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.Được biết HTX được thành lập đi vào hoạt động từ đầu năm 2018 đến nay. HTX có 17 hộ thành viên, tham gia hoạt động với mục tiêu liên kết sản xuất các cây trồng đặc thù của địa phương như nho, tỏi theo tiêu chuẩn VietGAP. Với mục tiêu thân thiện, chất lượng, an toàn, HTX đáp ứng tốt các hoạt động tham quan vườn nho, mua sắm sản phẩm của nhiều đoàn du khách từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Mỗi năm canh tác vụ chính đông-xuân và vụ phụ hè-thu, với giá bán trung bình 100 - 120 ngàn đồng/kg, người trồng nho NH 01-152 có lãi ròng 700 - 800 triệu đồng/ha. Nông dân mở rộng diện tích trồng nho giống mới NH 01-152 theo tiêu chuẩn VietGAP thay thế dần các giống cũ đã thoái hóa.

Qua chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm, đoàn đã được tham quan trải nghiệm mô hình thực tế nhất và có định hướng trong việc tiếp cận ứng dụng mô hình tại địa phương, qua đó có cái nhìn tổng thể bao quát về xu hướng sản xuất nông nghiệp kết hợp với năng lượng tái tạo, đưa ra được các đấnh giá khách quan về tính khả thi ứng dựng mô hình tại địa phương, tập trung tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến các câu hỏi đại biểu đặt ra liên quan đến việc đấu nối hòa lưới trong việc áp dụng thực tế tại địa phương.