“Thời gian qua, dù đã có nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra về giá điện, công bố đều đúng quy trình nhưng dư luận vẫn bức xúc. Nguyên nhân cốt lõi bởi mới chỉ công bố được tổng doanh thu tính theo giá điện bình quân, chưa công bố tổng doanh thu điện sinh hoạt được tính theo từng bậc”. Đây là ý kiến của chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm tại Tọa đàm “Giá điện sinh hoạt - bao nhiêu bậc thì hợp lý và minh bạch?” do Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) và Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam tổ chức sáng 28.7.
“Vừa đá bóng vừa thổi còi”?
TS. Ngô Đức Lâm - Chuyên gia năng lượng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn kỹ thuật và môi trường, Bộ Công thương cho biết, từ năm 2012, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực đã quy định chuyển sang cơ chế thị trường. Căn cứ xác định giá điện được quy định đầy đủ trong Luật Điện lực 2004, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực năm 2012, Luật Giá năm 2012, Quyết định 69/2013/QĐ-TTg và hiện đang áp dụng theo Quyết định 24/2017/QĐ-TTg quy định cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, mức giá này đã bao gồm đầy đủ chi phí đầu vào như phát điện, dịch vụ phụ trợ, truyền tải, phân phối, bán lẻ, quản lý chung, điều độ… nhằm bảo đảm ngành điện có lãi để tái đầu tư, thực hiện phúc lợi xã hội, hoạt động ổn định và lâu dài.
Dư luận bức xúc bởi ngành điện chưa công bố tổng doanh thu điện sinh hoạt được tính theo từng bậc. Nguồn: ITN
So với Quyết định 69, Quyết định 24 có một số điểm mới như tính thêm dịch vụ phụ trợ, điều độ… song cũng có mặt hạn chế hơn. Cụ thể, đối với chi phí phát điện - giá mua điện từ các nhà máy điện BOT không có sự thay đổi cũng như không có cạnh tranh; ưu tiên mua điện của các nhà máy thị trường (tỷ trọng lớn vẫn thuộc về các nhà máy của EVN), sau đó mới đến các nhà máy "ngoài thị trường" như thủy điện nhỏ, điện mặt trời, năng lượng tái tạo, khiến nhiều nhà máy thủy điện nhỏ bức xúc.
Đặc biệt, việc tính chi phí điều tiết vào trong giá điện bình quân là điều “cần kiểm tra lại”, ông Lâm nhấn mạnh. Trước đây đã có đề nghị đưa hai loại chi phí vào tính giá điện bình quân dưới dạng phí là phí điều độ và phí điều tiết điện lực song đến năm 2015, cơ quan quản lý khẳng định không có chuyện tính chi phí điều tiết vào giá điện bình quân bởi điều tiết thuộc về Bộ Công thương, không nằm trong EVN.
Giá điện chỉ tăng, không bao giờ giảm
Cũng theo ông Lâm, chính sách giá điện bậc thang đã áp dụng từ thời bao cấp (7 bậc) và trải qua 18 lần thay đổi, hiện còn 6 bậc (Bộ Công thương đang đề xuất giảm còn 5 bậc). Tuy nhiên, dù đã nhiều lần sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt lũy tiến song vẫn không làm hài lòng người dân, thậm chí khiến dư luận bức xúc trong nhiều năm nay.
Trên thực tế, biểu giá sinh hoạt lũy tiến từ trước đến nay chỉ có lên mà không khi nào xuống “thể hiện sự không minh bạch, lập lờ, thiếu công bằng, bất hợp lý, có thể có lợi cho ngành điện và bất lợi cho người dùng điện”. Nguyên nhân bởi chưa tuân thủ nguyên tắc lẽ ra phải làm là tổng doanh thu điện sinh hoạt được tính theo từng bậc cho khách hàng (T2) phải cân bằng với tổng doanh thu tính theo giá điện bình quân (T1). Nếu T2 lớn hơn T1 chứng tỏ ngành điện đã thu thêm ngoài giá điện bình quân (lạm thu).
Mặt khác, cách tính giá điện bậc thang như hiện nay đang bộc lộ nhiều bất cập. Theo đó, khách hàng sử dụng từ bậc 3 trở lên đã phải chịu giá lớn hơn giá điện bình quân nên khiều khả năng T2 lớn hơn T1. Nếu trời càng nắng nóng thì khoảng cách này càng lớn và ngành điện sẽ có doanh thu càng cao. Rõ ràng, "giá điện sinh hoạt tính theo bậc thang luỹ tiến đã khiến ngành điện lạm thu mà lẽ ra họ không được phép. Đây là nguyên nhân chính khiến người dân kêu ca dù đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra. Mấu chốt vấn đề là thanh tra mới công bố T1 mà chưa chỉ ra được T2 ở từng bậc thang là bao nhiêu. Chỉ khi công bố được con số này mới bảo đảm tính minh bạch".
“Giá bình quân đã có lãi, sao vẫn thu thêm trên giá này?”
Bộ Công thương đang lấy ý kiến về cách tính giá điện. Các chuyên gia đề xuất, việc áp dụng giá điện mới cần bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng, đúng các quy định; tách hoàn toàn quản lý nhà nước với doanh nghiệp; bảo đảm cho doanh nghiệp vận hành trơn tru và có lãi để tái đầu tư; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Tại tọa đàm, các chuyên gia đề xuất 2 phương án: Dùng một giá trên cơ sở tính theo giá bình quân, trong đó có việc thành lập quỹ bình ổn sẽ bảo đảm được các yêu cầu trên; hoặc theo bậc thang luỹ tiến điều hòa (3 bậc) gồm nhóm bậc thấp cần có trợ giá, nhóm bằng giá bình quân (từ bậc 2 đến bậc 4 hiện nay) và nhóm bậc cao để điều hòa giá cho bậc thấp thay vì luỹ tiến tăng mãi.
PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng, ĐBQH Khóa XIII đặt câu hỏi: “Với mức giá bình quân đã bảo đảm ngành điện có lãi rồi, vậy tại sao vẫn có biểu giá để thu thêm trên giá bình quân?”. Theo bà An, cần minh bạch các thông tin giá điện, có quỹ bình ổn giá điện để hỗ trợ người nghèo, hộ chính sách. Bên cạnh đó, do điện là ngành còn độc quyền nên EVN cần công khai lương, thưởng của cán bộ nhân viên. Đồng thời, cần sớm đẩy nhanh lộ trình thị trường điện cạnh tranh, giảm bớt thế độc quyền, thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển ngành năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo Đại biểu Nhân Dân
Đan Thanh