Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

THƯ KIẾN NGHỊ GÓP Ý LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG SỬA ĐỔI

  |   Viết bởi : GreenID Vietnam

Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) gửi Thư kiến nghị lần 1 góp ý Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi.

THƯ KIẾN NGHỊ LẦN 1

Kính gửi:           - Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trưởng ban soạn thảo dự thảo Luật BVMT sửa đổi;

                           - Ông Nguyễn Văn Tài – Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường

                           - Vụ Chính sách, Pháp chế và Thanh tra - Tổng cục Môi trường , Cơ quan soạn thảo dự thảo Luật BVMT sửa đổi;

Đồng kính gửi: - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) là một tổ chức phi lợi nhuận của Việt Nam được thành lập dưới Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) theo quyết định số 840/QĐ-LHH ngày 27/12/2011. GreenID hoạt động để góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững cho Việt Nam và khu vực Mê Công. Từ khi thành lập đến nay, GreenID đã phối hợp với Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), Liên Hiệp các hội KHKT Việt Nam (VUSTA) tham gia đóng góp ý kiến cho các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về các chính sách như Luật Điện Lực sửa đổi 2012, Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia VII sửa đổi (QHĐVII), Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi năm 2014, Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC), Chiến lược Tăng trưởng Xanh,...

GreenID rất QUAN TÂMỦNG HỘ nỗ lực của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như Ban soạn thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi trong việc xây dựng và tổ chức tham vấn ý kiến chuyên gia và công chúng cho Dự luật quan trọng này. Chúng tôi đã nghiên cứu kĩ các tài liệu đăng trên Cổng thông tin điện tử của Quý bộ và tổng hợp kết quả từ quá trình nghiên cứu thực tế tại nhiều địa bàn cũng như các hội thảo chuyên đề liên quan tới ô nhiễm không khí, quản lý tro xỉ nhiệt điện than và sự tham gia của người dân trong các dự án phát triển tại cộng đồng, xin gửi tới Ban soạn thảo và Quý Bộ những góp ý như sau:Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) là một tổ chức phi lợi nhuận của Việt Nam được thành lập dưới Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) theo quyết định số 840/QĐ-LHH ngày 27/12/2011. GreenID hoạt động để góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững cho Việt Nam và khu vực Mê Công. Từ khi thành lập đến nay, GreenID đã phối hợp với Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), Liên Hiệp các hội KHKT Việt Nam (VUSTA) tham gia đóng góp ý kiến cho các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về các chính sách như Luật Điện Lực sửa đổi 2012, Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia VII sửa đổi (QHĐVII), Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi năm 2014, Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC), Chiến lược Tăng trưởng Xanh,...

Đề xuất 1: Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi cần quy định thêm nội dung về quản lý và hợp tác giữa các tỉnh thành trong việc quản lý Chất lượng Không khí theo khu vực. Dự luật mới nên quy định trong trường hợp các quy chuẩn chất lượng không khí bị vi phạm trên một khu vực rộng lớn. Như trường hợp chất lượng không khí bị ô nhiễm nặng toàn bộ khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ có thẩm quyền ưu tiên thiết lập khu vực quản lý chất lượng không khí liên tỉnh nhằm hạn chế cấp phép cho các nguồn thải mới và tăng cường các biện pháp để giảm tối đa lan truyền chất ô nhiễm từ các nguồn thải chính trong khu vực. Dựa trên những kinh nghiệm thực tiễn việc áp dụng điều này rất quan trọng với các thành phố có dân số lớn như Hà Nội, những khu vực phát triển công nghiệp hay các nơi tập trung dân cư lớn khác.

Đề xuất 2: Bổ sung thêm nội dung ”đánh giá sức chịu tải của môi trường” vào Kế hoạch Quản lý Chất lượng Không khí.

Đề xuất 3: Tăng cường sự tham gia của người dân trong công tác xây dựng, quản lý và thực thi các quy định pháp luật

- Cần phải có sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội hoặc cần một cơ chế khác làm cho người dân nắm rõ được các thông tin cần thiết trong Đánh giá Tác động Môi trường (ĐTM). Bởi người dân là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp của các dự án đầu tư nhưng họ lại bị hạn chế về khả năng tiếp cận thông tin đặc biệt ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó, các tổ chức phi chính phủ/các nhóm công tác xã hội lại có nhiều thông tin, có phân tích, học tập kinh nghiệm quốc tế nên hoàn toàn chủ động cung cấp thông tin và đẩy mạnh sự tham gia của cộng đồng trong các vấn đề được tham vấn ĐTM.

-  Cần phải có thêm quy định về tần suất cung cấp thông tin. Ví dụ đối với dữ liệu hiện trạng chất lượng không khí từ các trạm đo cần phải công bố trong thời gian thực và được thống kê theo từng tháng, từng năm. Minh bạch dữ liệu về chất lượng không khí và dữ liệu phát thải nhằm cho phép phân tích một cách khách quan các nguồn gây ô nhiễm không khí. Tất cả dữ liệu được thu thập cần công khai qua Trung tâm Quan trắc Môi trường và công khai cho người dân. Khi có đầy đủ thông tin minh bạch thì người dân mới có thể tham gia đóng góp và thực thi chính sách hiệu quả.

-  Cần phải làm rõ đối tượng liên quan tiếp nhận thông tin. Không chỉ quy định đó là người dân nói chung mà cần xác định rõ các cộng đồng chịu ảnh hưởng là đối tượng chính trong việc công khai minh bạch thông tin vì đây mới là đối tượng sẽ bị ảnh hưởng bởi các dự án. Họ có quyền được biết và được tham gia đóng góp ý kiến theo quy định của Hiến pháp.

-  Bổ sung thêm điều khoản về sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ, các cộng đồng, các nhóm công tác xã hội trong quá trình tham vấn, thực thi và giám sát chính sách.

Đề xuất 4: Bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài nguyên Môi trường trong rà soát và đưa ra lộ trình thắt chặt các quy chuẩn, tiêu chuẩn phát thải đối với các nhà máy nhiệt điện than và tiêu chuẩn không khí xung quanh.

Đề xuất 5: Tro xỉ từ nhiệt điện than và từ hoạt động đốt than là chất thải cần phải được quản lý và xem xét cẩn trọng. Các quy định trong Dự luật và văn bản dưới luật liên quan cần xem xét để đảm bảo quản lý được rủi ro từ tro xỉ và giảm tác động đối với môi trường.

Đề xuất 6: Không nên để phụ lục chi tiết trong văn bản luật.

Đề xuất 7: Gia hạn thời gian lấy ý kiến tham vấn thêm 30 ngày để tạo điều kiện tham gia cho cộng đồng và các tổ chức có quan tâm đóng góp ý kiến đảm bảo tính thực thi của bộ luật khi đi vào thực tế.

Đề xuất 8: Ban soạn thảo chia sẻ thông tin cập nhật tiến trình xây dựng luật và tham gia các hội thảo tham vấn cộng đồng do GreenID và liên minh tổ chức trong thời gian tới để tiếp nhận các ý kiến đóng góp cho Dự luật.

Những góp ý kiến nghị trên được đưa ra dựa trên các cơ sở sau đây:

1. Về nguyên tắc tiếp cận khi GreenID xem xét góp ý cho dự Luật:

-  Nhất quán với Hiến pháp: Mục đích cuối cùng của Luật nhằm phục vụ người dân, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin, quyền giám sát và quyền được sống trong môi trường trong lành trong lành như trong Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quy định.

-  Đảm bảo tính khả thi: Các quy định phải phù hợp và dễ dàng áp dụng trong thực tế.

-  Đảm bảo trách nhiệm giải trình: Đảm bảo trách nhiệm của doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước trong việc công khai, minh bạch, đầy đủ, kịp thời cung cấp làm rõ các thông tin môi trường cho người dân.

-  Đảm bảo sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng Luật: Việc xây dựng Luật cần được thực hiện thận trọng với sự tham gia của cộng đồng và các nhóm đối tượng khác nhau.

2. Phân tích những điểm còn tồn tại của Dự thảo luật hiện tại:

Dựa trên các nguyên tắc trên, chúng tôi đã rà soát bản Dự luật này kết hợp với các nghiên cứu trước đó về hiện trạng ô nhiễm không khí, nghiên cứu về tác động của nhiệt điện tới môi trường, kinh nghiệm thực tiễn làm việc với địa phương, các tổ chức cộng đồng; đồng thời tham khảo ý kiến chuyên gia, mạng lưới và kinh nghiệm quốc tế. Qua quá trình nghiên cứu chúng tôi nhận thấy Dự luật hiện tại vẫn còn nhiều vấn đề cần được phân tích kỹ lưỡng hơn trước khi Luật hóa như trong kiến nghị của các mạng lưới, liên minh, tổ chức, nhà khoa học gửi tới Quý cơ quan. Chúng tôi xin chỉ ra một số điểm tồn tại và có những đề xuất như sau:

Điểm tồn tại chính 1: Phạm vi tiếp cận của Dự luật đối với vấn đề Quản lý Chất lượng Không khí vẫn đang bị bó hẹp trong một tỉnh/thành, cách tiếp cận này sẽ làm hạn chế các biện pháp cải thiện chất lượng không khí và gây khó khăn trong công tác quản lý chất lượng không khí sau này.

-  Ô nhiễm không khí hiện nay đang là vấn đề bức xúc tại nhiều khu đô thị trong khi các quy định hiện tại chưa đủ mạnh để giải quyết các nhu cầu trong quản lý chất lượng không khí. Chương V, mục 2 về Quản lý Chất lượng Không khí quy định yêu cầu bắt buộc đối với các địa phương phải lập Kế hoạch Quản lý Chất lượng Không khí nhưng chưa xem xét tới ô nhiễm không khí theo diện rộng. Bởi vì, trên thực tế, ô nhiễm không khí là vấn đề khu vực, các chất gây ô nhiễm có khả năng phát tán qua các tỉnh thành phố. Đơn cử như thành phố Hà Nội, ô nhiễm không khí ở Hà Nội là tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau trong đó không loại trừ các nguồn theo hướng gió từ địa phương khác đưa vào. Trong Báo cáo Chất lượng Không khí 2018, chúng tôi đã có phân tích mô hình hóa đưa ra nhận định các chất ô nhiễm từ khu công nghiệp, các nhà máy nhiệt điện than khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng đóng góp chất gây ô nhiễm ảnh hưởng tới Hà Nội.[1] Ngoài ra, tại một số thời điểm khi chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức cao, các ứng dụng theo dõi chất lượng không khí hiện nay (PAM Air[2]) cũng cho thấy có sự ô nhiễm theo vùng, cụ thể có nhiều thời điểm ô nhiễm xảy ra trên diện rộng các tỉnh phía Bắc (Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình,…)

-  Hướng tiếp cận quản lý chất lượng không khí theo tải lượng ô nhiễm giống như kinh nghiệm của một số quốc gia OECD như Hàn, Nhật đã được đưa vào trong Luật (Điều 71, khoản 2): ”Việc xem xét, quyết định đầu tư dự án và hoạt động có phát thải khí phải căn cứ vào sức chịu tải của môi trường không khí, bảo đảm không có tác động xấu đến con người và môi trường”. Tuy nhiên việc đánh giá sức chịu tải của môi trường lại chưa được đề cập trong nội dung của Kế hoạch Quản lý Chất lượng Không khí của địa phương. Câu hỏi đặt ra là nếu đã đề cập đến sức chịu tải môi trường thì cần phải có thêm quy định cho nó, như vậy mới đưa vào thực thi được. Ngoài ra cũng nên xem xét tiếp cận theo hướng sức chịu tải của toàn vùng vì ô nhiễm là vấn đề không có biên giới như đã đề cập phía trên.

Điểm tồn tại chính 2: Dự luật hiện hành chưa hiện thực hóa được các quy định về sự tham gia của người dân cho các vấn đề có liên quan. Hiện vẫn chỉ mang tính lý thuyết, thực thi chưa hiệu quả.

- Quyền về môi trường trong các dự án ĐTM

Quyền môi trường (QMT) lần đầu tiên được Việt Nam ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013, được hiến định tại Điều 43: “Mọi người đều có quyền sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ BVMT”. QMT có mối liên hệ mật thiết với các quyền con người cơ bản khác, nghĩa là không thể được thực hiện nếu tách rời các quyền con người cơ bản khác, bao gồm quyền sống (được quy định tại điều 19 của Hiến pháp 2013), quyền tiếp cận thông tin (Điều 25 Hiến pháp 2013), quyền về sức khỏe (Điều 20, 38 Hiến pháp 2013), quyền an sinh xã hội (Điều 34, Hiến pháp 2013)… Tuy nhiên, việc thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và thực hành dân chủ cơ sở trong dự Luật vẫn còn hạn chế. Cụ thể, người dân chưa được tiếp cận đầy đủ với những thông tin về ĐTM cũng như tham gia trực tiếp, hiệu quả vào quá trình ĐTM, không chỉ đối với những dự án phát triển kinh tế-xã hội nói chung, mà đặc biệt đối với dự án tác động trực tiếp đến môi trường, tính mạng, tài sản, sinh kế và sự phát triển của cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng. Chẳng hạn, dự án xây dựng các nhà máy thủy điện như Thủy Điện Sông Tranh (Bắc Trà My, Quảng Nam) là ví dụ điển hình về sự tham gia còn nhiều hạn chế của người dân vào quá trình tiếp cận với thông tin ĐTM cũng như tham gia vào ĐTM. Mặc dù Dự luật có quy định người dân có quyền được biết thông tin về dự án và được tham gia quá trình thực hiện ĐTM. Tuy nhiên, thực tế cho thấy số lượng người dân biết đến dự án trước khi xây dựng không nhiều, thậm chí chỉ các đơn vị quản lý mới có thông tin[3]. Điều 17, khoản c Dự luật quy định: “Việc tham vấn cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp bởi các vấn đề môi trường của dự án quy định tại điểm b khoản này được tiến hành dưới hình thức họp cộng đồng dân cư do chủ dự án và Ủy ban nhân dân các xã nơi thực hiện dự án đồng chủ trì với sự tham gia của những người đại diện cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ dân phố, thôn, bản. Ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp phải được thể hiện đầy đủ, trung thực trong biên bản họp cộng đồng”. Khoản này được hiểu rằng tham vấn do UBND và các người đại diện cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội chủ trì. Trong thực tế tham vấn, người dân hoàn toàn không hiểu hoặc nắm được thông tin gì về dự án đang xây dựng và tác động của dự án như thế nào. Các cán bộ xã cùng mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội cũng không nắm được ngoài những lời hứa của Chủ Đầu tư. Nói chung việc tham vấn chỉ là hình thức để thông qua ĐTM.

- Quyền tham gia của người dân trong công tác quản lý chất lượng không khí

Theo quy định của Hiến pháp 2013, vai trò của người dân được phát huy lớn hơn trong việc tham gia vào quá trình chính sách nói chung và thực hiện quyền môi trường nói riêng. Điều 43, Hiến pháp 2013 đã quy định: “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”. Do vậy, người dân có quyền lên tiếng, tố cáo các hành vi vi phạm môi trường, có quyền tham gia vào quá trình xây dựng, hoạch định chính sách, có quyền được biết các thông tin về quy hoạch đất đai, nguồn nước, quản lý chất lượng không khí,…để kịp thời phát hiện các sai phạm và kiến nghị xử lý. Một số sự cố môi trường gần đây như sự cố cháy nhà máy Rạng Đông, sự cố dầu thải bẩn làm ô nhiễm nước sông Đà, vấn nạn ô nhiễm không khí ở thành phố lớn,… mặc dù rất nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân nhưng họ lại là đối tượng được biết thông tin sau cùng, khi sự cố xảy ra mới có cảnh báo, và bản thân người dân cũng không biết nên gọi đến cơ quan, đơn vị nào để xác minh vấn đề. Các thông tin nhiễu cũng làm ảnh hưởng đến người dân bởi không biết nên tin nguồn nào. Rõ ràng, đó là do thiếu công khai, minh bạch thông tin để người dân, các tổ chức xã hội có thể cùng tham gia vào giải quyết các vấn đề phát sinh. Do vậy, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt tâm lý và niềm tin[4]. Mặt khác, thực tế cho thấy, một số tổ chức nghiên cứu về chất lượng không khí, khi thiếu thông tin đã có đề nghị được cung cấp thông tin từ cơ quan quản lý nhưng lại không nhận được phản hồi tiếp nhận hay không.

Điểm tồn tại chính 3: Dự luật hiện hành chưa đề cập tới lộ trình thắt chặt mức quy chuẩn/tiêu chuẩn của Việt Nam sánh ngang với tiêu chuẩn quốc tế.

- Nhiệt điện than là một trong những ngành đóng góp đáng kể vào ô nhiễm không khí[5], tuy nhiên những quy chuẩn/tiêu chuẩn phát thải hiện tại của các nhà mày nhiệt điện than ở Việt Nam “nới lỏng” hơn nhiều so với một số nước trên thế giới như Nhật Bản[6].

- Liên quan đến vấn đề không khí, đạt được môi trường sống khỏe mạnh cho mọi người dân là mục đích cuối cùng của việc quản lý chất lượng không khí, bao gồm cả việc đáp ứng các khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đây là một quá trình lâu dài và cần có những mục tiêu cụ thể, Bộ TNMT cần xem xét và có lộ trình cho việc việc nâng dần các quy chuẩn chất lượng không khí tiệm cận với Hướng dẫn của WHO. Vẫn biết rằng Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển kinh tế nên chưa áp dụng được những Khuyến nghị của WHO, tuy nhiên để đảm bảo sức khỏe người dân, vẫn cần có một lộ trình để thắt chặt các tiêu chuẩn trên.

Điểm tồn tại 4: Tro xỉ chưa được coi là “chất thải rắn” mà vẫn được coi là tài nguyên.

Tro xỉ nhiệt điện than là một loại chất thải rắn trong sản xuất điện từ nhiệt điện đốt than và khối lượng thì tro xỉ lớn gấp nhiều lần các loại chất thải của các ngành khác. Theo Bộ Công thương, nếu không có biện pháp xử lý khác như tái sử dụng làm vật liệu xây dựng, đến năm 2030 sẽ có tổng cộng 420 triệu tấn và mỗi năm tăng thêm 32 triệu tấn . Tác động của tro xỉ đến môi trường, xã hội và sức khỏe là một vấn đề lớn đối với những nước sử dụng than. Ngay cả ở một nước tiên tiến như Mỹ, sự cố vỡ đê bao của bãi chứa tro xỉ của nhà máy TVA Kingston Fosil Plant gây thiệt hại ước tính gần 1 tỷ đô la.

Cho đến nay việc quản lý và sử dụng tro xỉ của nhiệt điện than vẫn còn nhiều vướng mắc: một số tro xỉ ở miền Bắc được sử dụng tự phát làm vật liệu xây dựng như gạch không nung,…. Ở miền Trung và miền Nam tro xỉ hầu như chưa được sử dụng mà chủ yếu là chôn lấp. Nguyên nhân chủ yếu là chính sách chưa rõ ràng, các quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật còn thiếu nên các doanh nghiệp sử dụng tro xỉ còn gặp khó khăn. Tro xỉ chưa được coi là chất thải mà vẫn được coi là tài nguyên, do đó nhà máy phải mất công đổ ra bãi chứa trong khi đó doanh nghiệp lấy thì lại phải trả tiền.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước trên thế giới đều gặp những vấn đề về quản lý tro xỉ. Để giải quyết vấn đề tro xỉ, ở Trung Quốc và Thái Lan coi tro xỉ là chất thải và các doanh nghiệp sử dung tro xỉ được trả tiền khi sử dụng tro xỉ nên khối lượng tro xỉ ở Trung Quốc được sử dụng lên đến 67% (năm 2010). Trong khi đó ở Ấn Độ cũng vì chưa có chính sách rõ ràng nên lượng tro xỉ chỉ sử dụng tái chế được khoảng 10%. Ở Mỹ tỷ lệ tái chế khoảng 40%.

Điểm tồn tại chính 5: Một số nội dung đang quy định quá chi tiết so với tầng Luật.

Đây là lần đầu tiên trong Luật có Phụ lục, Phụ lục ở đây quy định chi tiết các dự án phải lập đánh giá tác động môi trường chiến lược (ĐMC), đánh giá tác động môi trường (ĐTM), danh mục sản phẩm phải thực hiện thu hồi, sản phẩm phải thải bỏ; danh mục các nguồn thải khí thải lưu lượng lớn. Điều này đang quá chi tiết chưa được phù hợp để đặt trong Luật. Trong bối cảnh công nghệ phát triển và thay đổi nhanh như hiện tại, trong tương lai gần có thể sẽ phát sinh những ngành mới gây ô nhiễm môi trường cần được đưa vào theo thời gian, không nên bị cố định trong Luật. Trừ khi trong trường hợp chỉnh sửa Luật 2-3 năm/lần mà điều này là khó khả thi.

Điểm tồn tại 6: Thời điểm lấy ý kiến tham vấn công chúng chưa phù hợp để tạo điều kiện cho sự tham gia có ý nghĩa của cộng đồng vì:

-  Thời gian tham vấn do Quý cơ quan đưa ra bị trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên Đán và thời điểm diễn ra dịch Corona nên hạn chế cơ hội họp hành, thảo luận giữa các bên;

-  Luật Môi trường liên quan tới nhiều đối tượng, nhiều vấn đề rộng, phức tạp, cần thêm thời gian để các bên nhất là cộng đồng có thời gian nghiên cứu, thảo luận để đóng góp ý kiến, đảm bảo tính khả thi và mục tiêu của Dự luật. GreenID mong muốn sẽ tiếp tục đóng góp ý kiến cho các bản Dự luật tiếp theo trong thời gian tới.

Hiện tại vẫn còn nhiều tổ chức, cộng đồng địa phương có quan tâm và mong muốn đóng góp ý kiến cho Dự luật. Dự kiến trong thời gian tới các tổ chức cộng đồng ở miền Trung và miền Nam có kế hoạch lấy ý kiến cộng đồng cho dự Luật, rất mong tới đây GreenID cùng các tổ chức cộng đồng sẽ có cơ hội để trực tiếp trao đổi với ban soạn thảo.

Trên đây là một số đề xuất và góp ý của chúng tôi, GreenID mong muốn sẽ được tiếp tục đóng góp ý kiến cho các bản Dự luật tiếp theo trong thời gian tới.

Chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của Quý cơ quan, Quý lãnh đạo Bộ và Tổng cục Môi trường về những nội dung góp ý chỉnh sửa và lộ trình tiếp theo của quá trình xây dựng Dự luật quan trọng này trong vòng 10 ngày tới.

Trân trọng./.

TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN SÁNG TẠO XANH

* Ảnh minh họa: Ảnh từ cuộc thi "Bắt nét không khí, phơi màu ô nhiễm" do CHANGE tổ chức.


[1] Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), Báo cáo Chất lượng Không khí 2018. http://www.greenidvietnam.org.vn/view-document/5d19c2c76dae2aae63895721

[2] PAM Air là một dự án của Công ty CP Tư vấn và Tích hợp Công nghệ D&L, cung cấp diễn biến chất lượng không khí (CLKK) và cảnh báo ô nhiễm không khí (ONKK) theo thời gian thực trên lãnh thổ Việt Nam. PAM Air bao gồm dữ liệu từ một mạng lưới mạng lưới thiết bị cảm biến do PAM Air sản xuất, lắp đặt và vận hành và tham khảo dữ liệu từ các trạm quan trắc CLKK tự động cố định. (https://pamair.org/#/dashboards)

[3] 80% người dân được khảo sát ở khu vực xây dựng nhà máy nhiệt điện Thái Bình cho rằng họ không có thông tin về nhà máy trước khi xây dựng:  https://bit.ly/2vsZNPu

[4] Khắc phục sự cố dầu bẩn ảnh hưởng nguồn nước sạch: Lo ngọn, bỏ gốc?https://www.vietnamplus.vn/khac-phuc-su-co-dau-ban-anh-huong-nguon-nuoc-sach-lo-ngon-bo-goc/600749.vnp

[5] Trong năm 2015, nhiệt điện than và các khu công nghiệp ngoài Hà Nội đóng góp khoảng 20% vào ô nhiễm không khí tại Hà Nội – theo báo cáo Dự báo chất lượng Không khí tại Hà Nội và khu vực phía Bắc Việt Nam, Viện Phân tích Hệ thống Ứng dụng Quốc tế (IIASA), Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam (VAST). (https://www.iiasa.ac.at/web/home/research/researchPrograms/air/news/Du_bao_chat_luong_khong_khi_Ha_Noi_VN.pdf)

[6] Các nhà máy điện than do Nhật Bản đầu tư ở nước ngoài (trong đó có Việt Nam) thải ra lượng khí ôxit nitơ (NOx​) cao gấp 13 lần, lưu huỳnh điôxit (SO​2​) cao gấp 33 lần và lượng bụi cao gấp 40 lần so với các nhà máy được xây dựng ở Nhật Bản. (https://storage.googleapis.com/planet4-japan-stateless/2019/08/d8d87182-double_standard_report_a4_web.pdf)