Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Thư kiến nghị góp ý Quy hoạch điện VIII (lần 3)

  |   Viết bởi : VSEA

Kiến nghị của Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) cho Quy hoạch điện VIII

THƯ KIẾN NGHỊ

Kính gửi: Lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ và các Bộ, ngành

Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA)[1] gồm các tổ chức khoa học hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, sức khỏe, môi trường, y tế, truyền thông. Chúng tôi đặc biệt quan tâm tới nhiệm vụ xây dựng Quy hoạch điện Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (QHĐ VIII). 

Trong thời gian qua, VSEA đã tích cực tham gia đóng góp cho các quy hoạch điện quốc gia từ QHĐ VII điều chỉnh tới QHĐ VIII thông qua các hoạt động nghiên cứu độc lập, tọa đàm khoa học và thư kiến nghị. Ngày 02/03/2021, VSEA đã gửi thư kiến nghị góp ý cho dự thảo QHĐ VIII[2] với đề xuất “không phát triển thêm các dự án điện than mới, đặc biệt là trong giai đoạn 10 năm tới, thay vào đó ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo trong Quy hoạch điện VIII.”

Kiến nghị này của VSEA giống như ý kiến của nhiều địa phương và các đối tác phát triển đã được Bộ Công thương giải trình trong văn bản trình Chính phủ. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy rằng dự thảo QHĐ VIII hiện chưa phản ánh và nắm bắt hết được những cơ hội và rủi ro mới từ những thay đổi rất lớn trong hai tháng qua trên bình diện quốc tế cũng như trong nước. Do đó dự thảo QHĐ VIII chưa thể hiện được tính đột phá.

VSEA khẩn thiết kiến nghị QHĐ VIII ưu tiên thực hiện ngay các giải pháp chính sách đột phá về phát triển lưới điện, đẩy nhanh hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh, xóa bỏ độc quyền để giải phóng đầu tư tư nhân cho phát triển năng lượng bền vững, đồng thời kiên quyết loại bỏ ra khỏi quy hoạch các dự án điện than không được các địa phương ủng hộ, tính khả thi thấp, và rủi ro cao (chi tiết được trình bày tại phụ lục). VSEA trân trọng gửi tới Lãnh đạo Nhà nước, Chỉnh phủ và các Bộ, ngành những phân tích tổng hợp từ các hội thảo và nghiên cứu khoa học làm cơ sở cho kiến nghị này:

1. Hạn chế phát triển điện mặt trời trong 10 năm tới là sự lựa chọn bất hợp lý, hoàn toàn đi ngược với xu thế của thế giới, bỏ lỡ cơ hội thu hút dòng đầu tư mới.

  • Các dự báo và khuyến nghị mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) chỉ ra rằng điện mặt trời sẽ tiếp tục được đầu tư phát triển mạnh trong thập kỷ tới, với mức bổ sung hàng năm là 630GW, gấp bốn lần năm 2020.[3] 
  • Việt Nam có tiềm năng điện mặt trời phân tán và kết hợp rất lớn và đây là loại hình năng lượng huy động được rất tốt nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp tư nhân và người dân. Điều này phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng: “Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền… cái gì người dân, doanh nghiệp, xã hội làm tốt hơn thì để người dân, xã hội, doanh nghiệp làm.” Ngoài ra, loại hình này cũng phù hợp với điều kiện lưới điện hiện tại của nước ta như Viện Năng lượng đã phân tích trong bản thuyết minh của dự thảo. Vì vậy, QHĐ VIII cần đưa ra chính sách để phát triển mạnh loại hình này thay vì kìm hãm chỉ phát triển 2GW trong 10 năm tới.
  • QHĐ VII Điều chỉnh đã không dự báo được xu thế phát triển ngoạn mục của điện mặt trời, dẫn tới sự phát triển nóng của điện mặt trời, không đồng bộ giữa thị trường và chính sách, giữa nguồn với lưới điện. Nếu chọn kìm hãm điện mặt trời sẽ dẫn tới vừa lãng phí nguồn tài nguyên, vừa lặp lại bài học đắt giá từ Quy hoạch Điện VII điều chỉnh về sự chậm trễ trong chính sách.

2. Quy hoạch cần ưu tiên tháo gỡ khó khăn về lưới điện và tăng tính linh hoạt của hệ thống điện đi kèm đẩy nhanh thực hiện thị trường điện cạnh tranh.

  • Về truyền tải, chính phủ nên đưa ra chính sách khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư xây dựng lưới điện để giải tỏa công suất năng lượng tái tạo và giảm gánh nặng đầu tư cho nhà nước. Để đảm bảo an ninh hệ thống, khâu vận hành và quản lý lưới vẫn do Nhà nước đảm trách.
  • Để tăng tính linh hoạt cho hệ thống điện, quy hoạch cần đưa pin tích trữ vào triển khai ngay trong giai đoạn này như kiến nghị của EVN vì đây là công nghệ có khả năng điều tần rất nhanh, điều chỉnh công suất tốt, phủ đỉnh, giảm tắc nghẽn hệ thống truyền tải và phân phối, hạn chế cắt giảm công suất năng lượng tái tạo. Ngoài ra hiện nay chi phí sản xuất điện từ pin tích trữ tương đương với thủy điện tích năng. Theo NREL, giá pin tích trữ giảm rất nhanh, từ 2010 đến 2020 giảm khoảng 80%, dự báo đến năm 2030, sẽ giảm còn khoảng 55% hiện nay và đến năm 2050 chỉ còn khoảng 40% so với hiện nay.[4] 
  • Về thị trường điện cạnh tranh: QHĐ VIII cần xác định tiến độ và mốc hoàn thành thị trường bán lẻ cạnh tranh là năm 2023 theo như quyết định về thị trường điện cạnh tranh do Thủ tướng đã phê duyệt. Đồng thời chúng tôi cũng đề xuất hiệu chỉnh lại các mốc thời gian tiến độ về tái cấu trúc đơn vị NSMO phù hợp với các mốc hình thành thị trường cạnh tranh bán lẻ là năm 2023.  

3. Tiếp tục phát triển các dự án điện than mới là đi ngược xu hướng của thế giới và rất khó khả thi

  • Xu hướng thế giới ngày nay là cắt giảm ngay và chấm dứt nhiệt điện than. Tại nhiều diễn đàn quốc tế của Liên hợp quốc, đặc biệt Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu 2021 - COP26, Tổng thư ký Liên hợp quốc, Chủ tịch Hội nghị COP26 đã kêu gọi ngừng sử dụng nhiệt điện than, đa số các quốc gia đã hưởng ứng và cam kết thực hiện việc thay thế nhiệt điện than bằng các nguồn năng lượng tái tạo.
  • Mặc dù đã được hưởng cơ chế đặc thù, nhưng 16/34 dự án điện than vẫn không đi vào vận hành đúng tiến độ [5], và tiếp tục bị đẩy lùi thêm nhiều năm nữa trong dự thảo QHĐ VIII. Thực tế cho thấy trong giai đoạn qua hệ thống vẫn đảm bảo cung ứng điện năng nhờ linh hoạt bổ sung nguồn năng lượng tái tạo. Điều này đặt dấu hỏi lớn về tiêu chí lựa chọn công trình được ưu tiên trong QHĐ VIII, và tính phù hợp của nguyên tắc kế thừa.
  • Tiếp cận tài chính của các dự án điện than đã khó nay càng khó hơn. Hàn Quốc[6] và Nhật Bản[7], hai trong số ba quốc gia còn lại đầu tư cho nhiệt điện than ở Việt Nam đã chính thức tuyên bố dừng cấp vốn cho các dự án điện than mới.[8] Tại Đông Nam Á, Philippines cũng đã ban hành chính sách dừng phát triển điện than mới từ tháng 11 năm 2020[9] và Indonesia tuyên bố ngưng dự án điện than mới sau năm 2023.[10] Áp lực cấp vốn sẽ đặt lên vai các ngân hàng trong nước, đe dọa sự phát triển bền vững của hệ thống tài chính quốc gia khi tiếp tục yêu cầu các ngân hàng thương mại Việt Nam cấp tín dụng cho một khách hàng vượt 15% vốn tự có hoặc một nhóm khách hàng có liên quan vượt 25% vốn tự có.
  • Nhiệt điện than ngày càng đắt đỏ với các chính sách tăng cường bảo vệ môi trường đang được xây dựng và sắp được ban hành như Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn phát thải thắt chặt hơn.

4. Tiếp tục phát triển điện than gây ra hàng loạt hệ lụy với xã hội và nền kinh tế:

  • Tăng thêm gánh nặng bệnh tật cho người dân và áp lực cho hệ thống y tế. Minh chứng cụ thể qua một nghiên cứu mẫu nhỏ tại vùng ven Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân cho thấy tỷ lệ tử vong do ung thư, tai biến và đột quỵ ở khu vực gần trung tâm này tăng lên rất nhanh từ khi trung tâm này đi vào vận hành (chiếm 33% năm 2010, tăng lên 64,6% năm 2015 và 69,6% năm 2020 trên tổng số tử vong toàn xã).[11] Tình trạng này càng đáng báo động hơn khi ô nhiễm không khí có mối liên quan mật thiết tới gia tăng nguy cơ tử vong của bệnh nhân mắc Covid-19. [12] 
  • Gây bất lợi về năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu sang các thị trường chủ chốt như EU, Mỹ, Nhật Bản và ngay cả Trung Quốc khi các nước trên đều đồng thuận đánh thuế các bon lên hàng hóa của các nước sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch. Đây là vấn đề có tính chiến lược mà các bộ ngành quản lý, trong đó có Bộ Công Thương có trách nhiệm tính toán và tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
  • Tạo ra xung đột với ngành nuôi trồng thủy hải sản và du lịch vì hầu hết các dự án điện than được xây dựng ở gần biển hoặc sông lớn với đặc thù sử dụng một lượng nước làm mát rất lớn và tuần hoàn ngược lại ở nhiệt độ cao.
  • Kế hoạch tập trung phát triển điện than mới ở miền Trung là không hợp lý vì khu vực này hiện đang có tỷ lệ dự phòng rất cao lên đến 389% so với 35% của miền Bắc và 80% của miền Nam.

Theo nhận định của các nhà khoa học thập kỷ này là thập kỷ quyết định vận mệnh của nhân loại và chính sách được ban hành năm nay sẽ quyết định vận mệnh của con người và đất nước Việt Nam trong 10 năm tới. Việt Nam có tạo ra được đột phá trong phát triển năng lượng hay không phụ thuộc vào quyết sách sáng suốt của Chính phủ.

Trân trọng cảm ơn!


Thông tin liên hệ:

Văn phòng Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA)

Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID)

Địa chỉ liên hệ gửi về: Nhà C1X3, ngõ 6 Trần Hữu Dực, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội

Chị Nguyễn Thị Hằng – Điều phối VSEA    

----------------------------------------------------------

Phụ lục

Danh mục các dự án điện than khó khả thi đề xuất đưa ra khỏi Quy hoạch điện VIII

(Ghi chú: Đây là những dự án chưa thu xếp được vốn, hoặc chậm tiến độ nhiều năm, hoặc địa phương không ủng hộ. Hầu hết các dự án được xác định đưa vào vận hành sau năm 2025)

STT

Tên Dự án

Địa bàn xây dựng

Công suất
(MW)

1

Quảng Ninh 3

Quảng Ninh

1200

2

Hải Hà (2, 3&4)

Quảng Ninh

1800

3

Hải Phòng 3

Hải Phòng

1200

4

Fomosa Hà Tĩnh 2

Hà Tĩnh

650

5

Quảng Trạch II

Quảng Bình

1200

6

Quỳnh Lập I

Nghệ An

1200

7

Quỳnh Lập II

Nghệ An

1200

8

Công Thanh

Thanh Hoá

600

9

Quảng Trị I

Quảng Trị

1320

10

Long Phú 1

Sóc Trăng

1200

11

Vĩnh Tân III

Bình Thuận

1980

12

Long Phú II

Sóc Trăng

1320

13

Long Phú III

Sóc Trăng

1800

14

Sông Hậu II

Hậu Giang

2120

15

An Khánh - Bắc Giang

Bắc Giang

650

16

Phả Lại 3

Quảng Ninh

660

17

Bảo Đài

Bắc Giang

600

 

 

Tổng công suất (MW)

20.700

 

[1] Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) được thành lập từ năm 2012, tới nay có 26 thành viên là các chuyên gia, tổ chức khoa học hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, sức khỏe, môi trường, y tế, pháp lý, truyền thông, và cùng chung mục tiêu thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam.

[2] Dự thảo được Bộ Công thương đăng tải trên website ngày 22/2/2021 để lấy ý kiến góp ý của bộ ngành và các bên liên quan

[3] Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Báo cáo Mục tiêu Phát thải bằng 0 vào năm 2050: Lộ trình cho ngành năng lượng toàn cầu. Tháng 5, 2021. Truy cập tại: https://www.iea.org/reports/net-zero-by-2050

[4] Cole, Wesley, and A. Will Frazier. 2019. Cost Projections for Utility-Scale Battery Storage. Golden, CO: National Renewable Energy Laboratory. NREL/TP-6A20-73222. https://www.nrel.gov/docs/fy19osti/73222.pdf.

[5] Quyết định 2414/QĐ-TTg về việc điều chỉnh danh mục, tiến độ một số dự án điện và quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để đầu tư các công trình điện cấp bách trong giai đoạn 2013 – 2020. Truy cập tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Dau-tu/Quyet-dinh-2414-QD-TTg-nam-2013-danh-muc-tien-do-co-che-dau-tu-cong-trinh-dien-2013-2020-215974.aspx

[6] Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố dừng cấp tài chính cho các dự án điện than tại Hội Nghị Thượng đỉnh Khí hậu: South Korea ends aid for coal plants overseas - France 24

[7] https://www.reuters.com/business/energy/g7-countries-agree-stop-funding-coal-fired-power-2021-05-21/

[8] Tuyên bố được đưa ra trong hai sự kiện quốc tế quan trọng là Hội nghị Thượng đỉnh Khí hậu diễn ra vào ngày 22/4 và cuộc họp cấp Bộ trưởng Môi trường và Khí hậu của nhóm các nước G7 diễn ra vào 21/5.

[9] https://www.reuters.com/article/philippines-energy-idUSL4N2HQ1Z9

[10] https://www.pinsentmasons.com/out-law/news/indonesias-pln-to-stop-building-coal-plants-by-2023

[11]  Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Môi trường Sức khỏe (CHERAD). Kết quả ban đầu của nghiên cứu thực trạng sức khỏe môi trường tại hai xã Vĩnh Tân và Phước Thể, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Tháng 5/2021.

[12] Quoc Ba Tran, Nguyen Thi Kim Oanh, Manupat Lohitnavyd, Su Shiung Lam, Tanapon Phenrat, Quyet Van Le. Correlations between air pollutant levels and Covid-19 rates: a systematic review. 2021.