Thư kiến nghị thay thế các dự án nhiệt điện than Quỳnh Lập 1&2 bằng các nguồn năng lượng sạch
| Viết bởi :
Thư kiến nghị của các tổ chức phi lợi nhuận về thay thế các dự án nhiệt điện than Quỳnh Lập 1&2 bằng các nguồn năng lượng sạch.
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2020
THƯ KIẾN NGHỊ
V/v: Thay thế các dự án nhiệt điện than Quỳnh Lập 1&2 bằng các nguồn năng lượng sạch
Cơ quan nhận kiến nghị:
Văn phòng Chính phủ
Bộ Công Thương
Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)
Cơ quan gửi kiến nghị:
Trung tâm Khuyến viên và dịch vụ nghề vườn Việt Nam (Trung tâm Vị nông)
Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA)
Chúng tôi là các tổ chức phi lợi nhuận hoạt động khoa học công nghệ trong các lĩnh vực năng lượng, phát triển nông thôn, sức khỏe, môi trường, và truyền thông. Chúng tôi đặc biệt quan tâm và ủng hộ chủ trương ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo đồng thời cắt bỏ hoặc đẩy lùi ra sau 2030 khoảng 17.000 MW điện than trong bản thảo Quy hoạch điện VIII (QHĐ VIII) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ Công thương chủ trì và định hướng phát triển công nghệ sạch và năng lượng tái tạo của tỉnh Nghệ An. Sau khi nghiên cứu bản dự thảo QHĐ VIII được đưa ra tại hội thảo tham vấn vào ngày 8/7/2020 và 28/9/2020, đồng thời trực tiếp trao đổi với đại diện lãnh đạo và người dân tỉnh Nghệ An, UBND thị xã Hoàng Mai, UBND xã và đại diện người dân Quỳnh Lập trong chuyến công tác ngày 9-10/11/2020 vừa qua của VSEA[1], chúng tôi kính gửi tới Quý đơn vị kiến nghị sau:
TÓM TẮT NỘI DUNG KIẾN NGHỊ:
Nội dung kiến nghị: Đề nghị chuyển đổi các dự án nhiệt điện than Quỳnh Lập 1 và 2 sang loại năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) hoặc điện khí.
Kiến nghị này được đưa ra căn cứ vào bằng chứng thực tiễn, bằng chứng khoa học và bằng chứng pháp lý được trình bày dưới đây:
Bằng chứng thực tiễn:
Ngày 9 và 10/11/2020 đoàn công tác của Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam đã có chuyến công tác tại Nghệ An, trao đổi với các cơ quan chính quyền và người dân địa phương về phát triển năng lượng trên địa bàn. Kết luận từ chuyến công tác:
Gần như 100% người dân đề xuất dừng triển khai dự án điện than, chuyển đổi sang dạng năng lượng sạch khác do lo ngại ô nhiễm môi trường và tác động xấu tới sức khỏe của họ và con cháu mai sau.
Nhu cầu điện hiện không cao như dự báo ở thời điểm Quy hoạch điện VII do tiến độ phát triển của Khu kinh tế Đông Nam đình trệ, tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp thấp, hiện mới đạt khoảng 10%. Nhiều nhà máy sản xuất công nghiệp nặng ví dụ như Nhà máy Thép Kobe, gạch không nung được quy hoạch nhưng sau 10 năm không triển khai.
Đã có một số chủ đầu tư đang thực hiện khảo sát và phát triển dự án năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) trên địa bàn, tức là có giải pháp thay thế.
Dự án có tính khả thi thấp, kể cả đẩy lui sang giai đoạn sau 2030 như dự thảo Quy hoạch điện VIII: do chưa có sẵn cơ sở hạ tầng cảng, chính quyền các cấp ở địa phương và người dân không đồng tình với quy hoạch điện than tại Quỳnh Lập, người dân kiên quyết không di dời, tiếp cận nguồn tài chính càng ngày càng khó khăn.
2. Bằng chứng khoa học
Tác động nhãn tiền của các dự án nhiệt điện than đang vận hành và dự báo rủi ro của các dự án trong tương lai
Giá sản xuất điện mặt trời và điện gió giảm mạnh trong 10 năm qua tương ứng các mức 82% và 30% đồng thời được dự báo sẽ tiếp tục đà giảm giá trong giai đoạn tới (báo cáo IRENA 2020).
Giá xây dựng của điện than giảm ít, thậm chí còn tăng lên do phải áp dụng loại công nghệ tiên tiến hơn, đáp ứng các tiêu chuẩn về đảm bảo môi trường, tăng từ 1.500.000 USD/MW lên tới 5.340.000 USD/MW giai đoạn 2020-2045 (Cẩm nang công nghệ sản xuất điện Việt Nam, 2019, Cục ĐL và NLTT)
Điện mặt trời mái nhà lắp đặt ở các khu công nghiệp trong tỉnh có thể là một trong những giải pháp đáp ứng nhu cầu điện tại chỗ cho các cơ sở sản xuất vào ban ngày.
3. Bằng chứng pháp lý
Luật đất đai 2013: thu hồi các dự án sau 24 tháng không triển khai. (Dự án nhiệt điện than Quỳnh Lập 1 khởi động đến nay đã trên 5 năm).
Nghị quyết 55-NQ/TW về ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo thay thế tối đa nhiên liệu hóa thạch
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX: thu hút đầu tư các dự án năng lượng tái tạo
Từ 03 bằng chứng trên, cùng với ý kiến của gần 100% nhân dân Quỳnh Lập, Trung tâm Vị nông và VSEA đề nghị:
Dừng triển khai ngay dự án nhiệt điện than Quỳnh Lập 1 và 2 và thông báo rõ bằng văn bản cho người dân biết để họ yên tâm phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và các vấn đề an sinh xã hội khác.
Nếu để đảm bào năng lượng điện cho khu công nghiệp Đông Hồi, cần đưa cụm nhà máy nhiệt điện than Quỳnh Lập ra khỏi Quy hoạch điện VIII; thay vào đó cần tính toán chuyển sang loại hình năng lượng sạch hơn như điện gió, mặt trời, vv.
Trên đây là kiến nghị của chúng tôi đối với quy hoạch của hai dự án nhiệt điện than Quỳnh Lập 1&2. Chúng tôi mong muốn sẽ được tiếp tục đóng góp ý kiến cho kế hoạch phát triển năng lượng của tỉnh Nghệ An nói riêng và Quy hoạch Điện VIII của cả nước nói chung. Để luận giải chi tiết cho kiến nghị, chúng tôi xin gửi kèm Phụ lục để quý cơ quan tiện theo dõi.
Chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của Quý cơ quan về những nội dung góp ý trên.
Trân trọng.
Nơi nhận:
Như trên
Ban Tuyên giáo tỉnh Nghệ An
Văn phòng Tỉnh ủy Nghệ An
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An
Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An
Sở Công thương tỉnh Nghệ An
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An
Sở Y tế tỉnh Nghệ An
Văn phòng xây dựng Nông thôn mới tỉnh Nghệ An
Ủy ban nhân dân thị xã Hoàng Mai
Ủy ban nhân dân xã Quỳnh Lập
Bộ Tài nguyên và Môi trường
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương
Viện Năng lượng
Cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương
[1] Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), Trung tâm Truyền thông Giáo dục cộng đồng (MEC), Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng (IRECO), Trung tâm nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững (LPSD), Trung tâm Khuyến viên và dịch vụ nghề vườn Việt Nam (Trung tâm Vị nông).