Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Thúc đẩy chuyển dịch năng lượng bền vững tại Đông bằng sông Cửu Long

  |   Viết bởi : Huỳnh Văn Xĩ/ VUSTA

Đó là chủ đề hội thảo do Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID – đơn vị trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) tổ chức ngày 19/6/2020 tại TP. Cần Thơ. Gần 50 đại biểu đại diện Sở Công thương, Trung tâm Khuyến công, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, thành phía Nam (Cần Thơ, Tiền Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp…), các nhà đầu tư, chuyên gia về lĩnh vực năng lượng tái tạo tham dự.

Description: C:\Users\Dell\Desktop\Ảnh 3. TS. Trần Hữu Hiệp....jpg

TS. Trần Văn Hiệp – Chuyên gia độc lập về NLTT phát biểu tổng kết hội thảo.

Tại hội thảo, chuyên gia GreenID giới thiệu và phân tích 3 kịch bản nguồn điện nhằm thúc đẩy chuyển dịch năng lượng bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm: (1) Công suất phát điện dự kiến tăng từ 4.930 MW lên 55.660 MW, tỷ trọng của than, khí đốt giảm từ 49% và 30% vào năm 2018 xuống còn 36% và 5% vào năm 2050, trong đó, năng lượng tái tạo (NLTT) tăng từ 3,8% vào năm 2018 lên 34,3% vào năm 2030 và 37,9% vào năm 2050; (2) Vào năm 2050, công suất phát điện dự kiến tăng lên 69.029 MW, tỷ trọng than giảm còn 24%, tỷ trọng NLTT tăng lên 47%, điện gió và điện mặt trời được lựa chọn nhiều hơn; (3) Đến năm 2050, công suất phát điện dự kiến tăng lên 75.177 MW, NLTT tăng lên 56% và nguồn điện khí (LNG) đạt 3.680 MW.   

Bên cạnh đó, các chuyên gia, đại diện các tổ chức về ứng dụng và phát tiển NLTT ở trong và ngoài nước đã giới thiệu nhiều mô hình, chính sách thúc đẩy triển khai và phát triển NLTT; trong đó, có năng lượng mặt trời (NLMT), gồm: Hỗ trợ khởi nghiệp cho dự án ứng dụng NLTT, NLMT; cung cấp nguồn tài chính ưu đãi cho hoạt động đầu tư NLTT (thẻ Xanh); giới thiệu, chuyển giao một số mô hình ứng dụng NLMT trong lĩnh vực nông nghiệp (Agrisolar); thông tin về nhu cầu của nhà đầu tư ở trong nước và nước ngoài về thuê mái (nhà kho, nhà xưởng có diện tích từ 7.000 mtrở lên) để đầu tư, lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái…

Một nội dung thiết thực được Ban tổ chức đưa ra tại hội thảo là thành lập Nhóm đối tác về chuyển dịch năng lượng ở Đồng bằng sông Cửu Long với các thành viên gồm đại diện các sở, ngành tỉnh (Liên hiệp Hội, Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công…), các chuyên gia về NLTT, NLMT… Hoạt động chính của nhóm đối tác là phối hợp truyền thông về phát triển năng lượng bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long; triển khai chương trình triệu ngôi nhà xanh; nghiên cứu, đầu tư và phát triển công nghệ điện mặt trời phục vụ sản xuất…    

Theo VUSTA - Tác giả: Huỳnh Văn Xĩ