(HanoiTV) - Thuỷ điện có công suất trên 30MW không còn là lựa chọn số một để thoả mãn nhu cầu năng lượng tương lai, cho dù nguồn năng lượng ...
(HanoiTV) - Thuỷ điện có công suất trên 30MW không còn là lựa chọn số một để thoả mãn nhu cầu năng lượng tương lai, cho dù nguồn năng lượng trên đang đóng góp trên 50% tổng công suất phát điện của cả nước.
“Thuỷ điện lớn sẽ khai thác hết trong thập kỷ này”, chuyên gia năng lượng Nguyễn Tiến Long, phó giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (CEWAREC) cho biết tại Toạ đàm “Thuỷ điện dưới góc nhìn phát triển bền vững” vào ngày 30/8.
Thuỷ điện - ác mộng của dân địa phương
Chính phủ đang rà soát quy hoạch và mạnh tay loại bỏ những dự án có nguy cơ gây ra nhiều vấn đề bất cập về môi trường, xã hội và phát sinh các chi phí tiền tỷ. “Đến nay, 338 dự án đã bị loại bỏ và không xem xét 169 vị trí tiềm năng”, ông Lê Quang Huy, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội cho biết. “Khoảng 40% dự án thuỷ điện nhỏ phải loại bỏ hoặc không được quan tâm”. Thuỷ điện nhỏ đề cập đến những công trình có công suất dưới 30MW.
Như vậy, số dự án bị loại bỏ chiếm khoảng 27% theo quy hoạch. Tuy nhiên, con số 899 dự án còn lại rất có thể bị thu hẹp khi gần 30% (266) trong số đó vẫn đang nghiên cứu và 18% (162) chưa có chủ trương, theo người phụ trách giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển thuỷ điện của Quốc hội.
“Đến nay, 338 dự án đã bị loại bỏ và không xem xét 169 vị trí tiềm năng”, ông Lê Quang Huy, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội cho biết
Việc giảm phát triển ồ ạt các nhà máy thuỷ điện bắt nguồn từ một phần từ gánh nặng chi phí, bất ổn xã hội do các nhà máy thuỷ điện gây ra. Chẳng hạn như hiện tượng thấm nước tại thuỷ điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) đã khiến tổng chi phí thực hiện dự án đội lên 100%. “Trong thực tế, các chi phí để vận hành thuỷ điện Sông Tranh 2 là 10.000 tỷ đồng”, bà Lê Kim Thái, tác giả chính của nghiên cứu “Thuỷ điện sông Tranh 2: Bài toán về chi phí môi trường và xã hội” cho biết. “Tuy nhiên, dự kiến ban đầu là chi khoảng 5.000 tỷ đồng”.
Không chỉ đội lên về chi phí, công trình thuỷ điện ở Quảng Nam đã kích hoạt các trận động đất liên tiếp từ 11/2010 đến nay.
Và thực tế trên đã gây tâm lý bất an của người dân. “Vất vả, cực khổ mấy cũng không sợ nhưng từ khi có thuỷ điện ở đây, chúng tôi rất hoang mang, sợ hãi”, một người dân 67 tuổi ở thôn 2, xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My.
Do đó, hoàn toàn dễ hiểu khi lãnh đạo huyện Bắc Trà My buộc phải chứng kiến các cơ hội phát triển đang rời bỏ địa phương. “Nhiều nhà đầu tư quay về Tam Kỳ và không muốn đầu tư cơ sở trên địa bàn huyện”, theo một đại diện lãnh đạo huyện. “Nhiều cán bộ giỏi đã chuyển công tác về Tam Kỳ”.
Thuỷ điện Bình Điền đi vào hoạt động được bốn năm, tuy nhiên, cuộc sống của người dân từng sống tại đây vẫn chưa ổn định.
Một ví dụ khác là thực tế thất nghiệp và tái nghèo ở thuỷ điện Bình Điền (Thừa Thiên Huế).Công trình thuỷ điện có công suất 40MW khởi công năm 2006 và đi vào hoạt động từ năm 2009.
Bảy năm sau ngày trao đất sản xuất và cư trú cho chủ đầu tư, những người dân ở thôn Bồ Hòn vẫn mỏi mòn đợi chủ đầu tư thực hiện lời hứa. “Họ hứa cấp 2ha đất sản xuất nhưng chưa có tấc đất nào”, ông Nguyễn Văn Thương, trưởng thôn Bồ Hòn, xã Bình Thành, thị xã Hương Trà cho biết. Toàn bộ 55 hộ dân (257 người) không còn thu nhập từ nông nghiệp, nhiều gia đình buộc phải li tán do một số thành viên lao động chân tay ở các địa phương khác. Bản thân gia đình trưởng thôn cũng có bốn người con đang làm thuê ở thành phố Hồ Chí Minh và Huế.
“Cuộc sống như trước khi có thuỷ điện là giấc mơ đối với họ”, bà Lâm Thị Thu Sửu, điều phối viên Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho biết.
Trong khi đó, lợi ích từ nhà máy Bình Điền đối với kinh tế địa phương có nguy cơ suy giảm. “Trong những năm vừa qua, diễn biến thời tiết không thuận lợi nên ảnh hưởng đến việc thu hồi vốn dự án...” và “phần nào khó khăn trong việc sản xuất điện”, ông Lê Thanh Tâm, trưởng phòng Quản lý Điện năng – Sở Công Thương Thừa Thiên Huế.
Bên cạnh các tổn thất kinh tế, xã hội, nguy cơ mất rừng và đa dạng sinh học cũng là một trong những nguyên nhân khiến các dự án thuỷ điện không còn nằm trong danh sách ưu tiên phát triển năng lượng.
“Các dự án thuỷ điện chiếm dụng vĩnh viễn và làm ngập các diện tích rừng và đất rừng”, TS Phạm Hữu Khánh, Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên – nơi đang nóng với thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A. “Thuỷ điện làm mất vùng sống của các loài bản địa và đặc hữu”.
Riêng 37 dự án thuỷ điện vừa và lớn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chiếm gần 37.000ha đất rừng, theo Uỷ ban KHCN&MT của Quốc hội. Trong khi đó, tỷ lệ trồng rừng thay thế do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công bố cho thấy tốc độ diễn ra rất chậm (2,08%).
Tuy nhiên, việc trồng lại rừng không thể khôi phục lại các giá trị rừng đã mất. “Đó là trồng cây, không phải trồng rừng”, ông Huy cho biết. “Tôi khẳng định là chất lượng rừng hạn chế”.
Năng lượng tái tạo "lên ngôi"
Biến đổi khí hậu cũng là yếu tố làm giảm lợi thế của thuỷ điện khi lượng mưa được dự báo là sẽ suy giảm dần từ nay đến năm 2099.
“Thuỷ điện hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn “nhiên liệu” thiên nhiên là mưa”, TS. Đào Trọng Tứ, chuyên gia từng ủng hộ phát triển thuỷ điện cho biết: “Tuy nhiên, thay đổi lượng mưa theo chuẩn thiết kế nhất định sẽ làm thay đổi chế độ vận hành của tất cả các nhà máy thuỷ điện riêng lẻ”.
Bên cạnh đó, thuỷ điện cũng góp phần làm tăng phát thải khí nhà kính – nhân tố chính gây ra biến đổi khí hậu. “Các hồ chứa thuỷ điện có thể sản sinh ra một lượng khí nhà kính – khí mêtan và CO2”, ông Tứ, giám đốc CEWAREC cho biết. “Các hồ thuỷ điện hình thành trên các con đập làm ngập các khu rừng nhiệt đới, làm mất đi những bể chứa CO2 hữu hiệu, làm tăng phát thải CO2 vào khí quyển”.
Do đó, từ những kinh nghiệm và thực tiễn phát triển thuỷ điện Việt Nam trong những thập kỷ qua, thuỷ điện không phải là “nguồn năng lượng sạch và rẻ”, theo TS. Tứ, nguyên Phó tổng thư ký Uỷ ban sông Mêkông Việt Nam.
Chuyên gia Nguyễn Tiến Long (thứ nhất từ trái sang) trình bày kế hoạch sử dụng năng lượng tái tạo với các đồng nghiệp tại xã Nam Cường
Biến đổi khí hậu đã thúc đẩy nhiều chính phủ trên thế giới như Mỹ, Đức, Trung Quốc... ban hành các chinh sách thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng năng lượng tái tạo. Các chính sách trên đã đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu và cho ra đời các sản phẩm ứng dụng với giá thành giảm dần.
Trong đó, nhiều dự án năng lượng tái tạo đã được tài trợ để ứng dụng rộng rãi tại Việt Nam. "Tất cả các tỉnh miền núi và hải đảo đều được lắp đặt sử dụng các hệ thống pin mặt trời để cung cấp điện", ông Long cho biết. "Hầu hết các trạm đèn biển và đèn sông đều được ứng dụng các hệ thống pin mặt trời". Ngoài ra, 42 nhà máy đường đã sử dụng bã mía làm chất đốt để phát điện với tổng công suất là 150MW. Đối với năng lượng khí sinh học, đã có hơn 150.000 thiết bị khí sinh học được lắp đặt sử dụng cho các hộ gia đình và các trại chăn nuôi, theo thống kê của CEWAREC.
Bốn tấm pin năng lượng mặt trời tại xã Nam Cường, huyện Tiền Hải, Thái Bình đã sản xuất 5MW/ngày, cung cấp điện để chạy trạm sản xuất nước sạch và một số hoạt động của UBND xã.
Do đó, năng lượng tái tạo (thuỷ điện nhỏ, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, sinh khối, khí sinh học....) được dự đoán là một trong những giải pháp năng lượng tương lai cho Việt Nam.
Bởi nước ta có tiềm năng khai thác đối với những nguồn năng lượng trên, đặc biệt là năng lượng sinh khối (trấu, bã múa, rơm rạ, gỗ và gỗ vụn...). “Tổng tiềm năng năng lượng sinh khối là khoảng 60 triệu tấn/năm.”, ông Long – chuyên gia năng lượng cho biết: “Hai vùng đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long có diện tích lúa lớn nhưng sử dụng rất khiêm tốn. Đó là sự lãng phí vô cùng”.
Thuý Bình
Trích dẫn tại: http://hanoitv.vn/Sang-kien-xanh/Thuy-dien-lon-bi-that-sung/32193.htv