Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Tôi kể bạn nghe câu chuyện Hệ sinh thái

  |   Viết bởi : Thanh Huyen

Hiểu về hệ sinh thái, vị trí của con người trong hệ sinh thái là bài học cuối chúng tôi chọn lựa để khép lại chuỗi đào tạo kiến thức về chủ đề Không khí, Năng lượng cho các bạn học sinh trường THCS Pascal, và cũng là mở đầu cho chuỗi đào tạo kiến thức cho trường THCS Yên Sở.

Chúng tôi nhận định: việc nhìn nhận một bức tranh tổng quan về hệ sinh thái chung quanh là điều cần thiết hơn cả, để các bạn học sinh “hướng về bên trong mình”, suy tư về điều chúng ta vẫn hay nhắc nhở nhau “hành xử” với môi trường sao cho đúng. Chúng ta đang ở đâu trong hệ sinh thái? Con người đã “kiêu ngạo” mà làm xoay chuyển thế giới như thế nào? Những nỗi đau của đất, của nước, của không khí và sinh vật khác có phải cho đến năm 2019 mới hiện diện? Quá trình tự đặt câu hỏi, khám phá và giải đáp từng câu hỏi đó trong mỗi cá nhân các em sẽ mở ra một miền đất màu mỡ bao la trong các em, mà ở đó tinh thần tiên phong thay đổi và sẵn sàng tạo nên sự thay đổi đang nhú chồi non biếc.  

Chúng mình hàng ngày vẫn cần đất để sinh nhai, cần không khí để hít thở, nước để sinh tồn, và chúng mình cũng cần sống chan hòa với các loài sinh vật xung quanh. Nhận thức được con người là cá thể trong hệ sinh thái, không giữ vai trò độc tôn, là điều căn cốt để gợi mở tâm thế các bạn nhỏ hiểu về về những ảnh hưởng của quá trình tiêu dùng của chúng mình đến môi trường, nhìn nhận về trách nhiệm giảm thiểu tối đa “dấu chân sinh thái” của bản thân. 

Nghe mấy đứa nhỏ chia sẻ về quá trình nỗ lực, đôi khi bất lực, rồi những hi vọng ngập tràn trong quá trình thuyết phục gia đình, những người xung quanh bớt một cọng rác, bớt một cái túi ni lông, tắt đèn trước khi ra khỏi phòng, uống hết nước trong cốc đã rót ra; chúng tôi thực sự biết ơn các em thật nhiều. Những giọt nước mắt khi xem clip kể về những tổn thương của môi trường, sinh vật; những trăn trở làm thế nào để kiên định hơn trong quá trình thuyết phục sự thay đổi từ người thân của mình, những cái nắm tay nhau trong một vòng tròn lớn để tiếp nhau thêm sức mạnh…. Quá trình chứng kiến mấy đứa cười ròn tan khi chơi trò “Tôi chứa bao nhiêu?”, khi tất cả lớp cùng cố gắng giữ lấy nhau để đứng trên một tờ báo khổ A0 bé nhỏ -  tượng trưng cho đất liền chúng ta sinh sống… rồi ngắm nhìn mấy đứa trầm tư khi ngồi nghĩ về việc phát triển thần tốc của con người gây nên những tác động tiêu cực đến trái đất (như việc làm tờ báo bị rách, bị nhăn sau trò chơi vừa rồi). Những đứa nhỏ đã tự dạy nhau, và kể cho chúng tôi nghe bài học về việc “tiết giảm nhu cầu”, về việc “liên kết hợp sức cùng cố gắng”… Quá trình lớn lên và trưởng thành của mấy đứa nhỏ trong nhận thức đó, thật may mắn thay khi chúng tôi được là những người anh người chị chứng kiến, gợi mở, kể chuyện và kết nối.

“Hãy làm tốt việc của mình” là điều chúng tôi hay thủ thỉ với nhau, thủ thỉ cùng mấy đứa nhỏ. Hành trình thay đổi để chung sống chan hòa với hệ sinh thái có thật nhiều khó khăn, song cũng có thật nhiều những giải pháp, từ cá nhân đến tập thể, với các mức độ khác nhau. Và mỗi cá nhân đều có những xuất phát điểm khác nhau trên hành trình dài rộng ấy. Hành trình ấy không cần thêm những trách cứ, những đổ lỗi; mà thay vào đó là thêm tôn trọng sự đa dạng, thêm cảm thông chia sẻ, và cần nhiều hơn nữa những tương trợ để bền bỉ hướng đến điểm đích.