Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Tôi kể bạn nghe hành trình Truyền thông cộng đồng những ngày ở Đăk Lăk

  |   Viết bởi : Thanh Huyen

Có lẽ bởi truyền thông là kết nối, sẻ chia nên GreenID luôn ưu tiên chọn lựa truyền thông làm phương pháp tiếp cận để lan tỏa lợi ích và tính ứng dụng của năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm & hiệu quả đến từng ngôi nhà Việt.

Có lẽ bởi truyền thông là kết nối, sẻ chia nên GreenID luôn ưu tiên chọn lựa truyền thông làm phương pháp tiếp cận để lan tỏa lợi ích và tính ứng dụng của năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm & hiệu quả đến từng ngôi nhà Việt.

Ngày 21-23/10/2018 là một trong chuỗi ngày truyền thông như thế với đối tượng hướng đến các anh chị trong khóa tập huấn Đào tạo Giảng viên nguồn về Năng lượng bền vững. Song đây cũng chính là thời điểm để buôn làng Cư Pui, Krông Bông, Đăk Lăk tiếp cận thông tin về Năng lượng bền vững từ hoạt động “Chia sẻ và lan tỏa tương lai xanh” của các giảng viên nguồn. 3 ngày, 40 anh chị em chúng tôi từ 14 tỉnh thành trên cả nước đã hội ngộ, và cùng nhau trải qua 03 hoạt động truyền thông hết sức ý nghĩa, không chỉ với bà con buôn làng Cư Pui, mà còn là những trải nghiệm thực tế quý báu đối với các giảng viên nguồn tiên phong.

Truyền thông Cộng đồng ở Cư Pui với chúng tôi là Chuỗi ngày “Tập huấn có sự tham gia”!

Đây là hoạt động được khởi xướng và tổ chức bởi GreenID nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng và nâng cao năng lực cho những người tham gia để họ có thể tự triển khai các hoạt động tại địa phương. Trong khóa đào tạo giảng viên nguồn này, GreenID lựa chọn học viên là những cán bộ nòng cốt (UBND, Hội nông dân, Hội liên hiệp khoa học kỹ thuật, đại diện Bộ Công thương, Đại diện hội phụ nữ, đoàn thanh niên hay giáo viên…) - những người có tiềm năng sẽ triển khai lại các khóa tập huấn cho người dân hoặc cán bộ, thành viên khác tại địa phương sau đó. Sau 02 khóa đào tạo (5 ngày về lý thuyết kiến thức, kỹ năng, thái độ tại Tam Đảo Vĩnh Phúc và 03 ngày thực hành truyền thông trực tiếp tại Cư Pui), GreenID chúng tôi tiếp tục lựa chọn ra nhóm các học viên tiềm năng cốt cán nhất, sẵn sàng nhất để trở thành giảng viên nguồn, tiếp tục thực hiện các cuộc truyền thông trên địa bàn cả nước trong giai đoạn 2018-2019.

Chị Võ Thị Xuân Quyên cùng gần 40 học viên khóa tập huấn 

Triển khai tập huấn có sự tham gia cho nhóm người trưởng thành - các đối tượng đa dạng về tuổi tác, địa vị xã hội, vùng miền, ngôn ngữ, giới, thế giới quan… quả thực là một thách thức. Song sẽ là những thành quả ngọt ngào khi người đào tạo gợi mở được không gian để các thành viên cùng kết nối, sẻ chia, tôn trọng sự khác biệt. Lựa chọn hình thức tập huấn để truyền thông về tính ứng dụng năng lượng tái tạo và sử dụng năng lương tiết kiệm hiệu quả như một giải pháp thiết yếu cho nhu cầu năng lượng tại địa phương, chúng tôi luôn lưu tâm đưa chu trình “học tập qua trải nghiệm” vào chương trình đào tạo. Để các thành viên được trải nghiệm thực tế lợi ích các mô hình qua mô hình trực quan, cùng phân tích để đưa ra bài học, từ đó hoàn thiện được thiết kế bài giảng cho các giảng viên chủ động ứng dụng tại địa phương chính là quy trình của phương pháp đào tạo này. Khi thông tin được truyền đi 2 chiều với các nội dung chi tiết cụ thể, người học sẽ dễ dàng hơn với việc tiếp nhận, ghi nhớ. Khi mỗi học viên đều được thúc đẩy tăng cường tham gia thảo luận, thấu hiểu và trải nghiệm về lợi ích của Năng lượng bền vững thì cũng chính là thời điểm dự án đang có những thành công bước đầu!

Truyền thông cộng đồng ở Cư Pui với chúng tôi còn là 04 cuộc truyền thông trực tiếp đến 4 thôn được tổ chức và điều phối bởi nhóm giảng viên nguồn tương lai!

Phương pháp truyền thông mà các giảng viên nguồn của chúng tôi lựa chọn là phương pháp truyền thông nhóm nhỏ trực tiếp. Đơn giản là một buổi trao đổi thông tin nhỏ tại nhà văn hóa thôn, nơi bà con được mời đến tham dự, trao đổi, lắng nghe về các mô hình năng lượng bền vững như một giải pháp về nhu cầu điện nước cho gia đình mình. Trong những buổi truyền thông gặp mặt trực tiếp như vậy, nhóm truyền thông luôn có cơ hội để giải đáp tất cả những thắc mắc cho bà con và chủ động trong việc tạo ra không gian kết nối, tạo động lực để thúc đẩy hành động trực tiếp. Những cuộc truyền thông trực tiếp như này luôn cần thiết hơn bao giờ hết, giúp tăng tiếp cận thông tin, sự tin tưởng, thấu hiểu của dân làng đối với các mô hình năng lượng bền vững.

Nhóm năng lượng địa phương giới thiệu mô hình đèn xách tay cho bà con tại Thôn Chư Bar, Cư Pui

04 cuộc truyền thông, 200 người tham gia và hơn 50 người dân trực tiếp đăng kí mô hình chính là con số dù nhỏ bé thôi nhưng luôn khiến chúng tôi thấy trân trọng, bùi ngùi khi nghĩ về… Các anh chị đến từ các vùng miền khác nhau trên cả nước, nhưng luôn sẵn lòng lắng nghe những tâm tình riêng, câu chuyện riêng từ địa phương. Sự khác biệt về ngôn ngữ dân tộc như được xóa nhòa khi các anh chị biết phối kết hợp với Nhóm Năng lượng địa phương trong việc truyền tải thông điệp đến bà con. Điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn cũng là lúc để sự linh động trong việc huy động nguồn lực nội tại được phát huy. Hơn ai hết, chúng tôi cảm thấy may mắn khi được chứng kiến cách mà các anh chị mải miết thiết kế bài giảng từ sáng đến tối muộn, cách mà anh chị lắng nghe chăm chú và nhẫn nại với những câu hỏi của từng người dân địa phương dù cho rào cản ngôn ngữ, cách mà anh chị nỗ lực huy động tập hợp các mô hình năng lượng điểm đã được ứng dụng ở các hộ gia đình để làm cơ sở chứng minh cho bà con trong buổi truyền thông…

Buổi truyền thông cộng đồng tại Thôn Ea Bar, Cư Pui

Buổi truyền thông tại thôn Ea Lang, Cư Pui

Buổi truyền thông tại thôn Điện Tân, Cư Pui

Đêm hội Cao Nguyên Xanh – Đêm hội truyền g đại chúng khép lại chuỗi ngày truyền thông tại cộng đồng.

Khi muốn cung cấp thông tin đến đông đảo đối tượng trong cùng một thời điểm, sự kiện như đêm hội Cao Nguyên Xanh chính là chọn lựa đúng đắn nhất. Hơn 400 người dân xã Cư Pui tham gia với đa dạng các đối tượng: từ chính quyền địa phương, cán bộ hội nông dân hội phụ nữ… đến trẻ em, người dân địa phương. Một sự kiện thành công là sự kiện truyền tải được thông đip đến với đối tượng công chúng mục tiêu, song không loại trừ nhóm các đối tượng khác. Và đêm hội Cao Nguyên Xanh là một sự kiện như thế, khi mà cả trẻ em, người già, cả bà mẹ H’mông đến người anh Ê đê, cả người nông dân hay cán bộ xã đều không còn khoảng cách, mà hòa chung vào lời ca tiếng hát, điệu hò cô đố và những vở hài kịch rộn vang tiếng cười.

Sân khấu hóa các nội dung khô khan, các thông điệp về mô hình năng lượng bền vững đã được truyền tải hết sức khéo léo, lại gần gũi chân phương. “Bếp đun cải tiến tốt cho sức khỏe của chị em phụ nữ” “Đèn LED tiết kiệm điện cho mọi nhà…” là những câu nói mà mỗi ai đã tham gia đêm hội đều nhớ đến.   “Lần đầu tiên trong hơn 20 năm nay, mới có buổi truyền thông hiệu quả và hay đến vậy. Bà con đồng bào ở lại đến cuối cùng chẳng ai bỏ về”. Lời chia sẻ của trưởng thôn Điện Tân, Cư Pui đã tiếp thêm cho chúng tôi thật nhiều động lực cho hành trình lan tỏa Tương lai xanh.

Vở hài kịch về Bếp đun cải tiến trong đêm hội

Tiết mục trình diễn thời trang sử dụng giấy tái chế với thông điệp tiết kiệm để bảo vệ môi trường

Tiết mục flashmode mở màn của tất cả các học viên khóa giảng viên nguồn 

Toàn cảnh đêm hội truyền thông tại UBND xã Cư Pui

Truyền thông là hành trình tạo lửa và giữ lửa. Truyền thông cho những giá trị bền vững sẽ luôn tạo được sức lan tỏa cao, chỉ cần chúng ta kiên trì với nó, nỗ lực vì nó và không ngừng đào sâu cải tiến nó. Đặt niềm tin vào những nhóm nhỏ có thể làm nên những giá trị lớn lao, tạo mạng lưới những nhóm cùng chí hướng là điều cần thiết phải duy trì trên hành trình gieo “hạt giống xanh”. GreenID đã gieo mầm xanh lên mảnh đất Tây Nguyên Đăk Lăk, và sẽ tiếp tục hành trình của mình trên khắp các tỉnh thành trên cả nước. Đồng hành cùng chúng tôi, bạn có muốn và sẵn sàng?