Ông Biden cũng đồng thời hủy bỏ việc xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL và đã ra lệnh cho các cơ quan liên bang bắt đầu quá trình khôi phục lại các quy định về môi trường bị đảo ngược dưới thời chính quyền của ông Trump.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp về việc Mỹ tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu
Tổng thống Joseph R. Biden Jr. vào hôm thứ Tư đã đưa Hoa Kỳ trở lại vào hiệp định Paris về biến đổi khí hâu, đồng thời ông Biden đã ra lệnh cho các cơ quan liên bang bắt đầu xem xét và khôi phục lại hơn 100 các quy định và chính sách về môi trường đã bị làm suy yếu hoặc xóa bỏ bởi cựu tổng thống Donald J. Trump.
Các động thái này thể hiện bước đầu tiên trong việc hàn gắn một trong những rạn nứt sâu sắc nhất giữa Hoa Kỳ và phần còn lại của thế giới sau khi ông Trump thẳng thừng từ chối hiệp định Paris và dường như muốn chính quyền của ông thúc đẩy làm suy yếu hoặc hủy bỏ các chính sách khí hậu trong nước.
Ông Biden đã lựa chọn việc giải quyết vấn đề về biến đổi khí hậu là một trong số các ưu tiên cao nhất của ông. Ngoài việc ứng phó với biến đổi khí hậu, ông còn tuyên bố sẽ chấm dứt đại dịch COVID, phục hồi lại nền kinh tế và giải quyết những bất bình đẳng về chủng tộc còn đọng lại. Đó sẽ là các tập trung chính của chính quyền Biden.
“Chúng ta sẽ chống lại biến đổi khí hậu theo cách mà chúng ta chưa từng làm,” Ông Biden phát biểu tại Phòng Bầu Dục vào tối thứ Tư, trước khi ký lệnh hành pháp. Tuy vậy, ông cũng nhấn mạnh rằng: “Các sắc lệnh này chỉ là các lệnh điều hành. Chúng quan trọng nhưng chúng ta sẽ cần có thêm các khung pháp lý và chính sách cho những việc chúng ta sẽ làm trong thời gian tới.”
Các nhà lãnh đạo nước ngoài ca ngợi những động thái đầu tiên của ông Biden như một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy Hoa Kỳ, quốc gia lớn nhất trong việc gây ra biến đổi khí hậu, sẽ dự định khởi động lại việc nỗ lực giảm thiểu mức ô nhiễm và khôi phục lại trật tự quốc tế mà đã bị ông Trump thay đổi. “Chào mừng trở lại với hiệp định Paris!” phát biểu bởi tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, trên Twitter.
Theo hiệp định Paris, gần 200 quốc gia đã cam kết giảm lượng khí thải để ngăn chặn những hậu quả thảm khốc nhất của biến đổi khí hậu. Một bức thư gửi tới Liên Hợp Quốc do ông Biden ký hôm thứ Tư chính thức bắt đầu quá trình 30 ngày để đưa Hoa Kỳ trở lại hiệp định.
Nhưng các nhà phân tích cũng cảnh báo rằng hành động của ông Biden vào ngày đầu tiên nhậm chức phải được nhanh chóng theo sau là một loạt các chính sách khí hậu tích cực trong nước nhằm giảm đáng kể lượng phát thải của Hoa Kỳ từ các ống thải, ống khói và giếng dầu khí.
Cũng trong ngày thứ Tư, ông Biden đã hủy bỏ giấy phép xây dựng đối với đường ống dẫn dầu Keystone XL, vốn sẽ vận chuyển dầu nặng carbon từ các bãi cát dầu của Canada đến bờ vịnh (Gulf Coast). Trước đó, TC Energy – một công ty của Canada, cho biết họ cũng đang tạm dừng dây chuyền sản xuất.
Tuy nhiên, quy trình pháp lý sẽ mất nhiều thời gian để thay đổi được các trở ngại được tạo ra dưới nhiệm kỳ của ông Trump và thay thế chúng bằng các quy định mới có thể mất nhiều năm khi đảng Cộng hòa hoặc các nhóm lợi ích kinh tế không đồng tình.
Ngay cả trước khi ông Biden nhậm chức vào thứ Tư, một số đảng viên đảng Cộng hòa đã công kích chống lại định hướng chính sách mới của ông.
Thượng nghị sĩ Shelley Moore Capito của West Virginia cho biết: “Các chính sách của Tổng thống mới đắc cử từ ngày đầu tiên đã gây tổn hại cho người lao động Mỹ và nền kinh tế của chúng ta.”
Một dấu hiệu khác về những khó khăn mà ông Biden có thể sẽ phải đối mặt tại Quốc hội, Thượng nghị sĩ Steve Daines, một đảng viên Cộng hòa ở Montana, cho biết ông dự định đưa ra một nghị quyết yêu cầu tổng thống tìm kiếm lời khuyên và sự đồng ý của Thượng viện về Hiệp định Paris, và một nghị quyết riêng sẽ cho phép Quốc hội thông qua việc cho phép xây dựng đường ống dầu Keystone trước sự phản đối của ông Biden.
Phòng vận động hành lang kinh doanh lớn nhất Hoa Kỳ và Phòng thương mại Hoa Kỳ, nơi phản đối phần lớn chương trình nghị sự về môi trường của cựu Tổng thống Barack Obama, tuy ủng hộ việc tái gia nhập hiệp định Paris, nhưng cũng phản đối việc hủy bỏ dự án Keystone.
"Điều quan trọng là Hoa Kỳ phải khôi phục vai trò lãnh đạo của mình trong các nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết các thách thức của biến đổi khí hậu", Marty Durbin, chủ tịch Viện Năng lượng Toàn cầu của Phòng thương mại Hoa Kỳ cho biết. Nhưng khi nói về dự án Keystone, ông cho biết: “Việc dừng dự án này sẽ gây hại cho người tiêu dùng và khiến hàng nghìn người Mỹ trong lĩnh vực xây dựng sẽ không có việc làm."
Ông Biden đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng cho Hoa Kỳ là loại bỏ khí thải CO2 khỏi ngành điện vào năm 2035 và khỏi toàn bộ nền kinh tế vào năm 2050. Tuy nhiên, rất khó để chắc chắn rằng Hoa Kỳ có thể đạt được những mục tiêu đó mà thiếu sự thiếu sự đồng thuận cho những chính sách mới từ Quốc hội. Sẽ là một viễn cảnh khó khăn cho chính quyền tổng thổng Biden dựa trên số ghế kiểm soát khá khiêm tốn của Đảng Dân chủ tại Thượng viện.
Các nhà khoa học cho rằng, điều đó có nghĩa là ông Biden sẽ cần phải ban hành những quy định cứng rắn hơn những quy định dưới thời ông Obama và bị gạt bỏ bởi ông Trump.
Michael Oppenheimer, giáo sư khoa học địa chất và các vấn đề quốc tế tại Đại học Princeton cho biết: “Vẫn còn một việc rất lớn phải hoàn thành.” Ông lưu ý rằng các báo cáo khoa học về khí hậu của Liên hợp quốc đã kêu gọi mức phát thải toàn cầu phải bằng không vào năm 2050.
Ông Biden hôm thứ Tư đã chỉ đạo các cơ quan liên bang xem xét lại tất cả các quyết định của chính quyền dưới thời ông Trump trong 4 năm qua mà “có hại cho sức khỏe cộng đồng, gây hại cho môi trường, không được hỗ trợ bởi nền khoa học tốt nhất hiện có, hoặc không vì lợi ích quốc gia”.
Điều đó bao gồm việc khôi phục lại các quy định bị ông Trump gỡ bỏ về hạn chế phát thải nhà kính từ ống xả ô tô và rò rỉ khí mê-tan từ các giếng dầu và khí đốt, cũng như thay thế các tiêu chuẩn hiệu quả năng lượng cho các thiết bị và tòa nhà.
Tiến sĩ Oppenheimer lưu ý rằng việc đảo ngược và thay thế các biện pháp đó sẽ mất rất nhiều thời gian. “Chúng ta vừa mất bốn năm,” ông nói. Và các quy tắc mới “cần phải mạnh hơn các quy tắc trước đó, nếu không, thời gian mà chính quyền Trump đã đánh mất sẽ không thể lấy lại được,” theo tiến sĩ.
Tính cấp thiết vừa mang tính chính trị vừa mang tính sinh tồn. Nhiều báo cáo khoa học đã kết luận rằng những tác động đầu tiên, không thể đảo ngược của biến đổi khí hậu đã bắt đầu trên toàn cầu, bao gồm mực nước biển dâng cao, cháy rừng kỷ lục và những cơn bão tàn khốc hơn. Trong tháng này, các nhà khoa học đã công bố rằng năm 2020 ngang bằng với năm 2016 là năm nóng nhất được ghi nhận.
Vào tháng 11, đại diện của các quốc gia tham gia hiệp định Paris sẽ gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc ở Glasgow để công bố các mục tiêu mới về giảm lượng khí thải trong nước của họ. Các mục tiêu dự kiến sẽ tham vọng hơn những mục tiêu đầu tiên được đặt ra trong hiệp định Paris 2015.
Ông Obama đã cam kết rằng Hoa Kỳ sẽ cắt giảm lượng khí thải trong nền kinh tế khoảng 28% so với mức năm 2005 vào năm 2025.
Hoa Kỳ hiện chỉ mới đi được khoảng nửa chặng đường để đạt được mục tiêu của ông Obama, nhưng chính quyền của ông Biden sẽ phải chịu áp lực mạnh mẽ và gần như ngay lập tức để tăng cường mục tiêu.
Ngay khi Hoa Kỳ trở lại và đặt các mục tiêu khí hậu mới, sớm nhất là vào tháng 6, chính quyền của ông Biden rất có thể sẽ không dẫn đầu thế giới mà là phải theo sau. Anh và Liên minh châu Âu đã đặt ra các mục tiêu cắt giảm carbon mới, và Trung Quốc đã tuyên bố rằng họ sẽ đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060.
Các chuyên gia về chính sách khí hậu cho biết họ tin tưởng rằng ông Biden - thông qua sự kết hợp của các quy định mới, tăng chi tiêu cho năng lượng tái tạo và hỗ trợ các nỗ lực của nhà nước nhằm rời bỏ sản xuất năng lượng bằng than - có thể đạt được và vượt qua mục tiêu của hiệp định Paris.
Hầu hết đều cho rằng chính quyền Biden có thể đạt được một mục tiêu mới ở khoảng 40% đến 50% dưới mức của năm 2005 vào năm 2030.
Các nền kinh tế lớn khác sẽ theo dõi chặt chẽ chính quyền Biden để xem tổng thống mới vạch ra những bước chính sách cụ thể nào trước cuộc họp ở Glasgow.
Byford Tsang, một nhà phân tích tập trung vào chính sách khí hậu của Trung Quốc tại E3G, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại London, cho biết: “Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu cụ thể nhưng không phải là các bước cụ thể để đạt được mục tiêu đó. Vì vậy, nếu tổng thống Biden đặt ra mục tiêu và thực hiện các bước cụ thể, điều đó có thể gây áp lực lên Trung Quốc”.
Chính quyền Obama, khi đạt được mục tiêu trong thầm lặng, đã đảm bảo không chính xác với các nhà ngoại giao nước ngoài vào năm 2015 rằng chính quyền tiếp theo không thể phá bỏ các chính sách điều tiết nhằm cắt giảm ô nhiễm khí hậu.
Bây giờ, các nhà đàm phán đã nói rằng họ sẽ cẩn trọng hơn đối với Hoa Kỳ và khẳng định chính quyền của ông Biden phải chứng minh là họ có thể làm những gì họ tuyên bố.
Jules Kortenhorst, giám đốc điều hành của Viện Rocky Mountain, một tổ chức nghiên cứu chuyên về chuyển đổi nền kinh tế năng lượng toàn cầu, nói rằng: Sự tin tưởng khó để gây dựng nhưng cũng rất dễ dàng mất đi. Bốn năm vừa qua thế giới đã vắng bóng Mỹ trong một bối cảnh vô cùng quan trọng. Sẽ rất lâu để Biden có thể gây dựng lại sự tín nhiệm của nước Mỹ vốn bị mai một nhanh chóng dưới thời Trump.
Theo The New York Times
Dịch và hiệu đính: GreenID