Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

TRUNG QUỐC VÀ NHẬT BẢN NÊN NGỪNG THÚC ĐẨY CÁC DỰ ÁN ĐIỆN THAN

  |   Viết bởi : Editorial Board

Khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19 không được coi là lý do để ủng hộ các dự án mà có thể làm trầm trọng hơn quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu.

Trung Quốc đã phê duyệt thêm công suất điện than mới cho năm 2020, bằng tổng công suất hai năm trước cộng lại. Nhiếp ảnh gia: Qilai Shen / Bloomberg

Ở thời điểm hiện tại, hiếm quốc gia nào có thể nghĩ điều gì khác ngoại trừ chiến đấu với đại dịch Covid-19 và cố gắng khắc phục ảnh hưởng của nó tới nền kinh tế. Tuy nhiên, điều quan trọng là các nỗ lực giải cứu nền kinh tế của các quốc gia không nên làm trầm trọng thêm một mối nguy hiểm toàn cầu lớn hơn: biến đổi khí hậu. Chính phủ Trung Quốc và Nhật Bản đặc biệt cần ghi nhớ điều này.

Bằng cách tiếp tục đầu tư cho các dự án điện than mới ở cả trong và ngoài nước, hai nước có nền kinh tế lớn nhất Châu Á đang tước đi cơ hội làm chậm sự nóng lên toàn cầu ở dưới 1,5 độ C.

Chính quyền Trung Quốc đang tìm cách khôi phục nền kinh tế và tăng cường an ninh năng lượng bằng cách tăng công suất than với sản lượng trong 6 tháng đầu năm nay nhiều hơn cả sản lượng năm 2018 và 2019 cộng lại. 40GW điện than mới đã được đề xuất, trong khi đó Trung Quốc vẫn tiếp tục cung cấp tài chính cho một phần tư công suất điện than của các nhà máy đang được xây dựng trên thế giới.

Nhật Bản, nhà đầu tư lớn thứ hai sau Trung Quốc gần đây đã cam kết sẽ chỉ đầu tư vào các nhà máy đốt than công nghệ cao ở cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, những nhà máy như vậy vẫn gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Mặc dù những người phản đối than như Bộ trưởng Bộ Môi trường - Ông Shinjiro Koizumi cho rằng đây là một sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách, những người đồng cấp với quyền lực cao hơn được cho là vẫn tiếp tục ủng hộ các dự án điện than mới. Từ giờ trở đi, các quốc gia được Nhật Bản đầu tư sẽ phải đưa ra các kế hoạch dài hạn về việc giảm thiểu khí thải, nhưng sự khác biệt được tạo ra từ cam kết này, nếu có, sẽ là không đáng kể.

Các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh và Tokyo cho rằng đây không phải là thời gian dành cho chủ nghĩa duy tâm. Trong sáu tháng đầu năm, kinh tế Trung Quốc đã giảm 1,6% và Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán sức sản xuất của Nhật Bản sẽ giảm 5,8% trong năm 2020. Các nhà chức trách ở Bắc Kinh đã cố gắng thúc đẩy sử dụng các dạng năng lượng sạch, tuy nhiên chính quyền địa phương coi các nhà máy than mới là nguồn cung cấp việc làm và nhu cầu than trong nước. Nhật Bản lập luận rằng họ không có đủ khả năng để loại bỏ than vì sự phản đối quyết liệt với việc khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân sau thảm họa Fukushima.

Cả hai nước đều đang suy nghĩ trong ngắn hạn. Do chi phí năng lượng tái tạo đang giảm nhanh chóng, các dự án than mới sẽ không còn nhiều ưu thế về mặt tài chính trong tương lai. Cho đến thời điểm hiện tại, đã có hơn một nửa số nhà máy điện than ở Trung Quốc được ước tính đang bị thua lỗ. Một số quốc gia được Trung Quốc và Nhật Bản đầu tư khó có khả năng chi trả cho các dự án điện than của họ, không nói tới những tổn thất mà các nhà máy mới có thể mang lại trong tương lai.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 mang đến cơ hội đảo ngược tiến trình. Do giá nhiên liệu thấp và nhu cầu giảm, chính phủ các nước trên thế giới có thể cắt giảm trợ giá cho nhiên liệu hóa thạch để viện trợ cho đại dịch. Thay vì đề nghị giảm nợ cho các quốc gia đang có các dự án than không bền vững về tài chính, Trung Quốc có thể hủy bỏ chúng hoàn toàn và cung cấp các hỗ trợ cần thiết cho các công nghệ năng lượng mặt trời và gió – đó là điều một nhà lãnh đạo thế giới cần làm.

Không nước nào nên nghĩ họ còn nhiều thời gian. Hội nghị thượng đỉnh khí hậu toàn cầu sắp tới đã bị hoãn lại cho đến tháng 11 năm 2021. Trong khoảng thời gian đó, Bắc Kinh dự kiến sẽ đặt một mục tiêu mới về công suất đốt than trong nước. Nếu Trung Quốc và Nhật Bản muốn các nước khác cùng cam kết thực hiện mục tiêu đầy tham vọng về giảm thiểu khí thải thì họ cần chứng minh rằng họ cũng đang nghiêm túc thực hiện nó. Việc tiếp tục ủng hộ than sẽ làm giảm uy tín và sức ảnh hưởng của cả Trung Quốc và Nhật Bản trong khối quản trị toàn cầu.

Cựu phó tổng thống Joe Biden đã cam kết rằng nếu ông thắng cử vào tháng 11, ông sẽ áp đặt thuế carbon đối với các quốc gia không hoàn thành nghĩa vụ của họ đối với vấn đề khí hậu toàn cầu. Một nguồn năng lượng  quá tốn kém sẽ chỉ có thể trở nên ngày càng đắt đỏ trong tương lai.

Theo Bloomberg

Tác giả: