Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Trường học xanh của GreenID khác biệt thế nào?

  |   Viết bởi : GreenID Vietnam

Mô hình Trường học xanh đang được triển khai tại nhiều địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, chương trình Trường học xanh do GreenlD thiết kế lại có nhiều khác biệt so với các chương trình đã có.

Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenlD) là một tổ chức phi lợi nhuận của Việt Nam. Những hoạt động của GreenlD đang góp phần thực hiện mục tiêu phát triển năng lượng bền vững, sử dụng hiệu quả các giải pháp xanh và thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan vào các quá trình ra quyết định tại Việt Nam và khu vực đồng bằng sông Mê Kông.

Chương trình Trường học xanh của GreenID sẽ tập trung vào chủ đề sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả và nếp sống xanh. Chương trình này được kế thừa từ chương trình giáo dục 50/50 của châu Âu, áp dụng cho các trường học, nhằm góp phần sử dụng năng lượng hiệu quả và thực hiện nếp sống xanh cho học sinh, sinh viên.

Chương trình bao gồm 2 nhóm chủ đề chính là Năng lượng xanh và Nếp sống xanh. Mỗi nhóm chủ đề sẽ bao gồm các hợp phần khác nhau và được thực hiện song song với các bước tiến hành tương đối giống nhau.

Chủ đề Năng lượng xanh cung cấp thêm kiến thức về năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đồng thời giới thiệu các giải pháp tiết kiệm năng lượng mới, thông qua thay đổi thói quen của học sinh và giáo viên trong việc sử dụng các công trình công cộng.

Trong khi đó, chủ đề Nếp sống xanh tập trung vào các hành vi và thói quen của học sinh, sinh viên cần được thay đổi nhằm hướng đến lối sống thân thiện với môi trường và giảm phát rác thải, khí thải ra môi trường.

Trường học xanh được thực hiện theo phương pháp thúc đẩy sự tham gia của học sinh, sinh viên và sự hỗ trợ của ban giám hiệu nhà trường, cơ quan quản lý và các chuyên gia về lĩnh vực năng lượng.

Trường học xanh tập trung thay đổi hành vi của người sử dụng

Chương trình Trường học xanh của GreenID nhấn mạnh việc sử dụng những phương pháp giúp các trường học tìm hiểu về năng lượng và sử dụng năng lượng tiết kiệm thông qua việc thay đổi hành vi của người sử dụng.

Theo đánh giá của GreenID, việc thực hiện dự án tiết kiệm năng lượng tại các trường học sẽ là một cơ hội lớn để kết hợp việc dạy và học những môn học cụ thể với những trải nghiệm thực tiễn và các cách tiếp cận nhiều ngành học một lúc.

Mục tiêu chương trình là nâng cao nhận thức và thúc đẩy niềm đam mê của học sinh và giáo viên về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường; Thúc đẩy các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả và sống xanh, kiểm toán năng lượng cho trường học và các ý tưởng, sáng kiến của học sinh liên quan đến việc sử dụng năng lượng hiệu quả, bảo vệ môi trường trong nhà trường; Hỗ trợ việc ứng dụng các giải pháp năng lượng bền vững vào trường học.

Bên cạnh đó, chương trình Trường học xanh cũng sẽ giúp các trường kết nối với các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư và tăng cơ hội đầu tư trang thiết bị lẫn các giải pháp xanh.

Chương trình được thực hiện theo phương pháp thúc đẩy sự tham gia của học sinh, sinh viên và sự hỗ trợ của ban giám hiệu nhà trường, cơ quan cấp quản lý và các chuyên gia quốc tế về lĩnh vực năng lượng.

Chương trình Trường học xanh không chỉ cung cấp kiến thức về năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả mà còn tập trung vào thay đổi hành vi và thói quen của học sinh, sinh viên.

Để thực hiện các chủ đề xanh tại trường học, GreenID đã đề xuất việc thành lập câu lạc bộ Sao Xanh để truyền thông, khảo sát tình hình sử dụng năng lượng, xây dựng ý tưởng và ứng dụng các giải pháp năng lượng xanh, nếp sống xanh tại trường. Trong đó, quỹ Mái trường xanh sẽ được thành lập để hỗ trợ các sáng kiến xanh của học sinh, sinh viên như thu gom rác thải, làm đồ tái chế...

GreenID kỳ vọng sẽ có ít nhất 10 trường học tham gia vào mạng lưới Trường học xanh. Mỗi trường sẽ tiết kiệm được các chi phí năng lượng để tái đầu tư trang thiết bị dạy học và các thiết bị tiết kiệm năng lượng hơn.

Hiện tại, GreenlD đã triển khai thí điểm chương trình này tại các tỉnh An Giang, Đắk Lắk, Cà Mau, Hà Nội và đang tiếp tục nhân rộng trên các địa bàn khác nhau, bao gồm cả khu vực nông thôn và thành thị.

Nguồn: Báo Xây Dựng