Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Tuyên bố Hà Nội của các Liên minh kiến nghị dừng triển khai xây dựng các nhà máy nhiệt điện than MỚI trên lãnh thổ Việt Nam

  |   Viết bởi :

TUYÊN BỐ CHUNG CỦA CÁC LIÊN MINH TỔ CHỨC XÃ HỘI NGHỀ NGHIỆP HOẠT ĐỘNG TRONG CÁC LĨNH VỰC BẢO VỆ QUYỀN – SỨC KHỎE – MÔI TRƯỜNG - NĂNG LƯỢNG – PHÁP LÝ VỀ VIỆC XÂY DỰNG CÁC NHÀ MÁY NHIỆT ĐIỆN THAN TRÊN LÃNH THỔ VIỆT NAM

CHÚNG TÔI, những người đứng đầu và đại diện cho các Liên minh, Mạng lưới, Nhóm công tác của các Tổ chức xã hội và các tổ chức NGO, gồm:

  • Liên minh Phòng chống bệnh không lây nhiễm Việt Nam - Vietnam Non-communicable Diseases Prevention Alliance
  • Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam - Vietnam Sustainable Energy Alliance
  • Nhóm Công lý, Môi trường và sức khỏe - Action Group of Justice, Environment and Health
  • Liên minh Truyền thông và Quyền của những người dễ bị tổn thương - Coalition for Right to access to information and Media for Vulnerable group
  • Mạng lưới Sông ngòi - Vietnam Rivers Network
  • Liên minh hành động vì Khí hậu Việt Nam (VCCA)
  • Và các tổ chức xã hội khác trong danh sách ký tên

Đã nhóm họp tại Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2019, để thảo luận về lộ trình và mục tiêu thực hiện phát triển bền vững (SDGs, 2030) mà Việt Nam đã cam kết tham gia và là một thành viên tích cực. Trong đó đã phân tích ý kiến đề xuất của Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi và ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) tại Hội nghị tổng kết ngành công thương tổ chức tại Hà Nội ngày 27 tháng 12 năm 2019.

GHI NHẬN và đánh giá cao ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là “cần tiếp tục đẩy mạnh các dự án đang làm, nhưng nếu tiếp tục phát triển các dự án điện than mới dư luận không đồng tình. Phát triển mới phải theo hướng năng lượng xanh”. Kết luận này của Thủ tướng Chính phủ cũng là câu trả lời cho phát biểu của Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi trước đó, đã “đề nghị Thủ tướng chỉ đạo một số tỉnh phía Nam không được phản đối một số dự án nhiệt điện than bố trí tại địa phương mình”.

Chúng tôi cũng ghi nhận các tỉnh Bạc Liêu, Long An, Huế, Tiền Giang đã mạnh dạn bác bỏ các dự án nhiệt điện than bố trí tại địa phương theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh (do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký năm 2016) để thay thế bằng các nguồn năng lượng sạch hơn.

TUÂN THỦ các nguyên tắc, mục tiêu, giá trị và quy định chung được nêu trong Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc; Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản có liên quan.

ĐỒNG THUẬN về nguy cơ hủy hoại môi trường, sức khỏe con người, đe doạ sự ổn định về an ninh chính trị, kinh tế, xã hội, pháp lý của việc duy trì và xây dựng mới các nhà máy nhiệt điện than theo Quy hoạch Điện 7 (điều chỉnh) đối với Việt Nam và khu vực.

Đồng thuận về các nguồn năng lượng mới có thể thay thế bảo đảm cho phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Trên thế giới đang xuất hiện trào lưu rút vốn khỏi các nguyên liệu hóa thạch với số lượng ngân hàng thoái vốn khỏi các dự án nhiệt điện than ngày một nhiều để chuyển sang tài trợ cho các dự án năng lượng sạch và năng lượng bền vững.

BẰNG TUYÊN BỐ NÀY

ĐỀ XUẤT

(i) Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho tạm dừng triển khai các nhà máy nhiệt điện than trong danh sách kèm theo để rà soát, đánh giá toàn diện tính khả thi về tài chính, các tác động về sức khỏe, môi trường, an ninh, trật tự xã hội của các dự án này;

(ii) Chỉ đạo thực hiện ngay các giải pháp về kỹ thuật và kinh tế để tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo.

(iii) Bảo đảm thực thi các quy định nêu trong Hiến pháp 2013 và các văn bản có liên quan về dân chủ cơ sở trong việc tham vấn ý kiến người dân và các tổ chức đại diện cho người dân trong triển khai các dự án năng lượng, ngay từ khâu lập kế hoạch.

(iv) Yêu cầu các nhà máy nhiệt điện công khai dữ liệu quan trắc môi trường (nước thải và khí thải) tới người dân và công chúng để đảm bảo công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình.

 

                                                                                        Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2019

Chữ ký Đại diện các Liên minh, Mạng lưới, Nhóm công tác của các Tổ chức xã hội

 

Danh sách gửi kèm:

1. Danh mục các dự án nhiệt điện than đề nghị dừng triển khai

Tỉnh thành

Nhà máy

Thực trạng

Công suất (MW)

Long An

Long An 1

Lãnh đạo tỉnh thành phản đối

1200

Long An 2

1600

Quảng Ninh

Quảng Ninh 3

Tỉnh thành dự định

đổi sang năng nượng xanh

1200

Cẩm Phả 3

440

Tiền Giang

Tân Phước 1

Lãnh đạo tỉnh thay đổi từ nhà máy nhiệt điện sang khí đốt

1200

Tân Phước 2

1200

Nghệ An

Quỳnh Lập 1

Người dân địa phương phản đối

1200

Quỳnh Lập 2

1200

Bình Thuận

Vĩnh Tân 3

Người dân địa phương phản đối

1980

Hà Tĩnh

Vũng Áng 3

1200

Sóc Trăng

Long Phú 1

Bị trì hoãn 8 năm

1200

Long Phú 2

Chưa xác định được nhà đầu tư

1320

Long Phú 3

1800

Bắc Giang

An Khánh

Cộng đồng và người dân địa phương phản đối

650

   

Tổng

17390

2. Danh sách các liên minh, tổ chức tham gia Tuyên bố Hà Nội:

  • Liên minh Phòng chống bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN)
  • Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA)
  • Nhóm Hành động vì Công lý, Môi trường và sức khỏe (JEH
  • Liên minh Truyền thông và Quyền của những người dễ bị tổn thương (RiM)
  • Liên minh Hành động vì Biến đổi khí hậu (VCCA)
  • Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam  (VRN)
  • Qũy Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng Sống bền vững (Sống Foundation)
  • Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD)
  • Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ sức khỏe cộng đồng (CCHS)
  • Tổ chức CARE Việt Nam
  • Tổ chức Oxfam in Việt Nam
  • Trung tâm hỗ trợ Sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI)