Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Ủng hộ Quốc hội lùi thời gian bấm nút thông qua Luật bảo vệ môi trường sửa đổi 2020

  |   Viết bởi :

Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 2020 – Hôm qua, Quốc hội thông báo điều chỉnh chương trình của kỳ họp thứ 10, lùi lịch biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) từ chiều 11/11 đến chiều ngày 17/11

Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 2020 – Hôm qua, Quốc hội thông báo điều chỉnh chương trình của kỳ họp thứ 10, lùi lịch biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) từ chiều 11/11 đến chiều ngày 17/11, các Liên minh bao gồm Nhóm Hành động vì Công lý – Môi trường – Sức khoẻ (JEH), Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), Liên minh Phòng Chống các bệnh Không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN), Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) (sau đây gọi tắt là Nhóm) hoan nghênh Quốc hội Việt Nam đã lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, người dân. Để từ đó ra quyết định, biện pháp cần thiết nhằm giúp cho Dự Luật BVMT 2020 có cơ hội tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện một cách tốt nhất trước khi quyết định thông qua.

Trong thời gian qua, Nhóm đã nhiều lần gửi góp ý cho Luật BVMT. Ngày 2/11 vừa qua, nhóm đã gửi kiến nghị đề nghị Quốc hội hoãn thông qua Luật BVMT với các lý do:

- Cần có quy định cụ thể về công khai thông tin môi trường;

- Mở rộng đối tượng tham vấn trong đánh giá tác động môi trường bao gồm cả những cộng đồng không nằm trong khu vực dự án nhưng vẫn chịu tác động từ dự án và những tổ chức, cá nhân có quan tâm tới dự án;

- Bổ sung quy định về quyền giám sát trực tiếp của người dân;

- Cần có khung chính sách toàn diện, căn cơ về kiểm soát ô nhiễm không khí;

- Quy định lại chủ thể có trách nhiệm công khai; làm rõ thời hạn công khai, hình thức công khai và phương thức công khai Báo cáo ĐTM;

- Bỏ Điều 111 khoản 3 về tổ chức, cá nhân tham gia quan trắc, đo đạc chất lượng môi trường xung quanh và cung cấp thông tin;

- Mở rộng đối tượng có thể đại diện người bị ảnh hưởng ô nhiễm môi trường khởi kiện.

Gần đây nhất, ngày 10/11, NCDs-VN đã gửi thư kiến nghị đến Quốc hội và Chính phủ với mong muốn hoãn thông qua Luật BVMT (sửa đổi) tại kì họp này để có thêm thời gian hoàn thiện. Trong thư kiến nghị của Liên minh này có chỉ 3 tồn tại lớn của Dự thuật luật lần này:

- Dự luật rơi vào tình trạng mất cơ bản nền tảng khoa học bảo vệ môi trường;

- Dự luật hiện tại gắn nối rất yếu với các hệ thống luật môi trường quốc tế;

- Thiếu tính logic và mất cân đối trong cấu trúc dự luật; thiếu rõ ràng tầm nhìn và mục tiêu phát triển môi trường bền vững, thiếu cụ thể những điểm có thể và phải cụ thể về quyền và trách nhiệm của mỗi chủ thể trong bảo vệ môi trường...

Theo ông Đặng Đình Bách -  Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD) cho biết “Dự Luật BVMT - giống với Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân; Luật Trẻ em; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - là một bộ luật có đối tượng bảo vệ cụ thể, ở đây là môi trường. Theo quan điểm của các nhà khoa học, môi trường bao gồm các yếu tố xung quanh con người (như không khí, đất, nước,…) và hệ sinh thái cộng sinh với con người (động thực vật). Chính vì vậy, triết lý lớn nhất của Luật BVMT chính là ngăn chặn và kiểm soát tất cả các hành vi tác động tới các đối tượng cần được bảo vệ. Tuy nhiên, trong hiện tại, dự luật này chưa được thiết kế như vậy dẫn đến thiếu hẳn nhóm động thực vật cộng sinh với con người. Một trong những hậu quả gần nhất và khủng khiếp nhất chính là thiên tai đã và đang xảy ra ở miền Trung”.

Vì vậy, nhóm mong muốn Ban soạn thảo dự thảo Luật BVMT lấy con người, thiên nhiên môi trường làm trung tâm xuyên suốt bộ luật, để bộ luật có thể chống lại và ngăn cản các hành vi của con người gây tác động xấu đến môi trường. Nhóm đại diện cho các nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực môi trường, năng lượng, sức khỏe và pháp lý tại Việt Nam đang chờ đợi một dự thảo như thế được thông qua để có thể bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân và thực hiện cam kết của Việt Nam đối với quốc tế, đơn cử như Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đã được ký Thủ tướng đưa vào kế hoạch hành động quốc gia từ năm 2017./.

------------------------------

THÔNG TIN LIÊN HỆ:

Văn phòng Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA)
Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID)
Địa chỉ liên hệ gửi về: Nhà C1X3, ngõ 6, Trần Hữu Dực, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Nguyễn Thị Hằng - Điều phối VSEA
Điện thoại: 0098 4649567, Email: nthang@greenidvietnam.org.vn

 

Văn phòng Liên minh Phòng Chống các Bệnh Không Lây Nhiễm Việt Nam
Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD)
Số 39, Ngõ 255 Phố Vọng, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Nguyễn Hồng Hạnh, Cán bộ truyền thông;
Điện thoại: 0936261993; Email: hanh.nguyen@rtccd.org.vn