THÔNG CÁO BÁO CHÍ Hà Nội, ngày 24 tháng 10 năm 2016 10 kiến nghị giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường từ nhiệt điện than Liên minh Năng lượng bền vững Việt ...
THÔNG CÁO BÁO CHÍ
Hà Nội, ngày 24 tháng 10 năm 2016
10 kiến nghị giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường từ nhiệt điện than
Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) và Liên minh Phòng chống Bệnh Không Lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) đưa ra 10 kiến nghị giúp Việt Nam giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường do nhiệt điện than, góp phần ngăn chặn sự gia tăng gánh nặng bệnh tật và chi phí y tế tại các khu dân cư quanh khu vực nhà máy nhiệt điện than.
Đây là kiến nghị của Liên minh các tổ chức khoa học công nghệ, phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng bền vững, chăm sóc sức khỏe cộng đồng đưa ra sau khi Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ban hành chỉ thị số 11/CT-BCT ngày 19/10/2016 về việc bảo vệ môi trường trong toàn ngành công thương.
Các nhà máy nhiệt điện than chiếm khoảng 50% trong nhóm các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc có những tồn tại trong chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường cần giám sát đặc biệt theo chỉ thị nêu trên. Chúng tôi đánh giá cao công bố của vị tư lệnh ngành công thương đã “nhìn thẳng vào sự thật” đau lòng này. Trong hai năm qua, VSEA đã thực hiện nhiều nghiên cứu liên quan đến các tác động môi trường, xã hội và sức khỏe của cộng đồng từ hoạt động khai thác than và nhiệt điện than. Báo cáo tổng hợp về tác động môi trường và xã hội của than và nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam của VSEA chỉ ra rằng các nhà máy Hải Phòng I&II, Quảng Ninh, Thái Bình I&II, Mạo Khê, Vĩnh Tân II, Vũng Áng I &II, và Duyên Hải I đang là nguồn gây ô nhiễm không khí, nước và ảnh hưởng tới sinh kế của người dân địa phương. Các cộng đồng dân cư xung quanh các nhà máy nhiệt điện than đang phải đối mặt hàng ngày với những lo lắng về ô nhiễm môi trường sống, ảnh hưởng tới sinh kế, thậm chí bức xúc khiếu kiện. Ngoài ra, chính quyền và người dân địa phương không được cung cấp đầy đủ thông tin về các tác động môi trường và kế hoạch quản lý môi trường của các nhà máy. Chính quyền, các tổ chức xã hội và người dân không thể tham gia giám sát việc thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường của các dự án này.
Hơn 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành đã cho thấy mối nguy hiện hữu cho môi trường, sức khỏe của người dân và gây áp lực cho các nhà quản lý. Mối lo này sẽ còn lớn hơn nữa nếu có thêm khoảng 40 nhà máy nhiệt điện than trong Quy hoạch điện VII Điều chỉnh được xây dựng trên cả nước vào năm 2030. Cũng theo quy hoạch, vào năm 2030 tại đồng bằng sông Cửu Long, nơi vốn đang chịu tổn thương nặng nề do biến đổi khí hậu và tác động của việc dùng nước trên thượng nguồn, sẽ có tới 14 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất lắp đặt hơn 18,000 MW. Đây sẽ là hiểm họa khôn lường cho hệ sinh thái nước và nguồn lợi thủy sản của khu vực này. Nhận thức rõ được rủi ro từ nhiệt điện than, gần đây lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đã chủ động đề xuất rút nhiệt điện than Cái Cùng ra khỏi quy hoạch điện VII “để đảm bảo môi trường cho nuôi trồng thủy sản trong bối cảnh tỉnh có tiềm năng phát triển điện gió”.
Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) và Liên minh Phòng chống Bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) ủng hộ yêu cầu của ngài Bộ trưởng về các biện pháp quản lý tro xỉ và hoàn thiện hệ thống quan trắc tự động mà các chủ đầu tư dự án nhiệt điện than phải tuân thủ. Giám sát và tăng cường quản lý đặc biệt các nhà máy nhiệt điện than đang vận hành là một bước đi kịp thời và cần thiết. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giải pháp tình thế để khắc phục hậu quả. Điều mà các tổ chức khoa học và người dân mong đợi là các giải pháp chiến lược ngăn chặn ô nhiễm môi trường từ nguồn xây dựng theo khoa học dự phòng bảo vệ sức khỏe cộng đồng và an toàn môi trường. Điều này sẽ làm được nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với người dân và các tổ chức bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng từ giai đoạn quy hoạch cho tới giám sát thực thi các nhà máy sản xuất điện năng nói chung và nhà máy nhiệt điện than nói riêng. Chúng tôi tin rằng sự hợp tác này sẽ giúp huy động tổng lực để ngăn chặn sớm “các vi phạm và tội ác gây hủy hoại môi trường sống”.
Với tinh thần đó, chúng tôi kiến nghị như sau:
1. Chính phủ xem xét, đánh giá lại một cách cẩn trọng Quy hoạch điện VII Điều chỉnh theo nguyên tắc không đánh đổi môi trường và sức khỏe cộng đồng lấy dự án, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiệt điện than và tham vấn rộng rãi với các bên liên quan để huy động các sáng kiến, giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững;
2. Chính phủ dừng lại các dự án nhiệt điện than trong quy hoạch chưa xây dựng để xem xét kỹ lưỡng hiệu quả lợi ích và tác động, tổn thất đối với toàn xã hội và nền kinh tế;
3. Đánh giá tác động sức khỏe phải bắt buộc thực hiện trong quá trình đánh giá tác động môi trường xã hội và nguy cơ gia tăng bệnh không lây nhiễm của các dự án nhiệt điện đồng thời Bộ Y tế cần có vai trò trong quá trình này;
4. Chính phủ sớm ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế và người dân tham gia phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, đưa lại lợi ích kinh tế, y tế, xã hội, không nguy hại tới môi trường;
5. Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên Môi Trường công bố các chỉ số vượt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về ô nhiễm môi trường của từng nhà máy cụ thể để đảm bảo minh bạch thông tin và giám sát hiệu quả;
6. Thông tin về Kế hoạch quản lý môi trường của dự án, kế hoạch giải quyết vấn đề tro xỉ của nhiệt điện than của các công ty cần được công khai để chính quyền, hội đồng nhân dân, đại biểu quốc hội, các tổ chức khoa học phi lợi nhuận và người dân chủ động tham gia vào hoạt động giám sát việc tuân thủ;
7. Kết quả đo đạc từ hệ thống quan trắc tự động của các nhà máy nhiệt điện than cần phải được công khai và cập nhật hàng ngày để các cơ quan địa phương, tổ chức xã hội và người dân chủ động tham gia vào hoạt động giám sát việc tuân thủ và bảo vệ sức khỏe cộng đồng;
8. Bộ Tài nguyên và Môi Trường cần nâng cấp cập nhật các tiêu chuẩn phát thải của Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế và đưa vào quá trình sửa đổi Luật bảo vệ môi trường;
9. Bộ Công Thương và Bộ Tài Nguyên và Môi trường thành lập đường dây nóng để tiếp nhận và phản hồi thông tin của công dân về việc thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường đối với nhiệt điện nói riêng và các vấn đề nóng về ô nhiễm môi trường nói chung của cả nước.
10. Nếu các công ty nhiệt điện than có tên trong danh sách giám sát đặc biệt của Bộ Công Thương tiếp tục không tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường và các yêu cầu đưa ra trong chỉ thị của Bộ này, cần yêu cầu dừng vận hành nhà máy và không được phép tham gia đầu tư các dự án mới.
Thông tin liên hệ:
1/Văn phòng Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam
Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID)
Phòng 707, Sunrise Building, 90 Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội
Bà Đỗ Minh Tâm, Điều phối Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam
Điện thoại: 0915 558 690
Email: mtam@greenidvietnam.org.vn
Website:http://greenidvietnam.org.vn/notices/gioi-thieu.html
Fanpage: Vietnam Sustainable Energy Alliance
2/Văn phòng Liên minh Phòng Chống các Bệnh Không Lây Nhiễm Việt Nam
Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD)
Số 39, Ngõ 255 Phố Vọng, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Bà Nguyễn Hồng Hạnh, Cán bộ truyền thông;
Điện thoại: 0946261993;
Email: hanh.nguyen@rtccd.org.vn
Website: http://ebhpd.vn/
Fanpage: https://www.facebook.com/ebhpd/