Theo dữ liệu mới của Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh (GreenID), 91% số ngày trong ba tháng đầu năm 2018, mức độ ô nhiễm không khí của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)
Theo dữ liệu mới của Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh (GreenID), 91% số ngày trong ba tháng đầu năm 2018, mức độ ô nhiễm không khí của Hà Nội vượt tiêu chuẩn cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)[1].
Cơ sở dữ liệu chất lượng không khí của WHO mới cập nhật chỉ ra rằng khoảng 90% số người trên thế giới đang phải tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm vượt quá giới hạn cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và có tới khoảng 7 triệu người tử vong mỗi năm do phơi nhiễm với các hạt bụi siêu nhỏ trong không khí.
Trong khi tất cả các khu vực trên thế giới đều bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí, nhưng người dân ở các thành phố thu nhập thấp bị ảnh hưởng nhiều nhất. Khu vực có mức ô nhiễm không khí cao nhất là phía Đông Địa Trung Hải và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Dựa trên cơ sở dữ liệu của WHO, GreenID phân tích và chỉ ra rằng người dân Hà Nội đang phải tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm xếp thứ hai trong số 23 thành phố được khảo sát ở một số quốc gia Đông Nam Á (bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Indonesia).
“Chúng tôi đã phân tích chất lượng không khí ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh dựa trên dữ liệu quan trắc công khai trong suốt ba năm qua và luôn kiến nghị lắp đặt thêm các trạm quan trắc để có bức tranh đầy đủ về chất lượng không khí ở Việt Nam”, Nguyễn Thị Anh Thư, nghiên cứu viên GreenID cho biết, “Chúng tôi cũng đang sử dụng nguồn dữ liệu hiện có để đưa ra những cảnh báo về hiện trạng chất lượng không khí để người dân có thể chủ động bảo vệ sức khỏe gia đình khi ô nhiễm ở mức cao."
Hiện tại Hà Nội chỉ có 13 trạm quan trắc không khí và thành phố Hồ Chí Minh chỉ có 01 trạm công bố số liệu trực tuyến cho người dân.
GreenID cũng đã tiến hành một cuộc khảo sát công khai với 1.000 người, kết quả chỉ ra rằng: Giao thông vận tải, công nghiệp và sản xuất năng lượng được cho là ba nguồn ô nhiễm không khí hàng đầu tại các thành phố.
"Tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam khó có thể cải thiện khi Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch xây dựng thêm khoảng 40 nhà máy điện than từ nay tới năm 2030." Bà Ngụy Thị Khanh – Người Việt Nam đầu tiên được trao giải thưởng môi trường Goldman nhận định.
Bà Khanh nhấn mạnh: “GreenID kiến nghị chính phủ nhanh chóng tăng cường giám sát và kiểm soát ô nhiễm không khí thông qua các biện pháp như thúc đẩy ban hành đạo luật không khí sạch đồng thời thắt chặt các tiêu chuẩn phát thải của giao thông và các nhà máy nhiệt điện than."
Thông tin tham khảo:
Truy cập cơ sở dữ liệu của WHO 2018 tại: http://www.indiaenvironmentportal.org.in/content/454533/who-global-urban-ambient-air-pollution-database-update-2018/
Truy cập Báo cáo chất lượng không khí năm 2017 tại: http://bit.ly/BCLCKK2017
Truy cập số liệu chất lượng không khí Qúy 1, 2018 tại: http://bit.ly/CLKKVNQ12018
[1] Dựa trên dữ liệu thu thập tại trạm quan trắc chất lượng không khí của Đại sứ Quán Mỹ tại Hà Nội