Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Các công ty bảo hiểm lớn trên thế giới đồng lòng tuyên bố thoái vốn khỏi than

  |   Viết bởi : Thanh Huyen

Năm 2018, phong trào thoái vốn (divestment) khỏi than liên tiếp nhận được tin vui. Ngày 04/05/2018, AlizanZ, công ty bảo hiểm có tài sản lớn nhất thế giới tại nước Đức đã tuyên bố thắt chặt chính sách cung cấp bảo hiểm cho các dự án khai thác than và sản xuất điện than. Cùng thời điểm đó, công ty bảo hiểm lớn thứ hai tại Nhật Bản là Dai-ichi cũng vừa tuyên bố thoái vốn khỏi các dự án điện than được đầu tư ngoài nước.

THOÁI VỐN LÀ GÌ?

Thoái vốn trái ngược với đầu tư, là khi các nhà đầu tư cá nhân hoặc tổ chức rút vốn đầu tư của mình.Thoái vốn ngành nhiên liệu hóa thạch là khi nguồn tài chính được đầu tư theo hướng phát triển phát thải thấp khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thoái vốn nguyên liệu hóa thạch sẽ chấm dứt nguồn tài trợ để duy trì và phát triển nguồn nguyên liệu này, hạn chế hoạt động của các công ty nhiên liệu hóa thạch, và góp phần đòi lại công bằng cho những cộng đồng chịu tổn hại nặng nề nhất trong thời điểm khủng hoảng của biến đổi khí hậu và hiệu ứng nhà kính.

Tác động của Nhiệt điện than tại Việt Nam

PHONG TRÀO THOÁI VỐN KHỎI THAN CỦA CÁC CÔNG TY BẢO HIỂM LỚN NHẤT THẾ GIỚI

Năm 2018, phong trào thoái vốn (divestment) khỏi than liên tiếp nhận được tin vui. Ngày 04/05/2018, Alizanz, công ty bảo hiểm có tài sản lớn nhất thế giới tại nước Đức đã tuyên bố thắt chặt chính sách cung cấp bảo hiểm cho các dự án khai thác than và sản xuất điện than.

Cụ thể là từ năm 2015, công ty này đã tuyên bố không đầu tư cho các công ty có trên 30% doanh thu từ than. Năm nay, chính sách này được thắt chặt hơn với tuyên bố không đầu tư cho các công ty có kế hoạch xây dựng trên 500 MW điện than (một nhà máy điện than thông thường công suất là 1200 MW). Công ty này cam kết tới năm 2040 sẽ loại bỏ hoàn toàn các công ty liên quan tới than ra khỏi danh mục đầu tư.

Không chỉ tại Đức, công ty bảo hiểm lớn thứ hai của Nhật Bản là Dai-ichi cũng vừa tuyên bố thoái vốn khỏi các dự án điện than được đầu tư ngoài nước (theo tờ Asahi Shimbun). 

Như vậy, tính từ năm 2017, trên toàn thế giới đã có 5 công ty bảo hiểm lớn tuyên bố thoái vốn khỏi nhiệt điện than bao gồm AXA, Zurich, SCOR, Allianz và Dai-ichi.

Dưới đây là thông cáo báo chí của hai công ty bảo hiểm Allianz và Dai-ichi tuyến bố thoái vốn khỏi than.

----                                               

Thứ sáu, ngày 4 tháng 5 năm 2018

CÔNG TY BẢO HIỂM LỚN NHẤT THẾ GIỚI ALLIANZ TUYÊN BỐ THOÁI VỐN KHỎI THAN

Các nhà hoạt động xã hội hoan nghênh quyết định này, đồng thời kêu gọi các ngành công nghiệp có hành động tương tự.

Hôm nay Allianz, công ty bảo hiểm có tài sản lớn nhất thế giới đã tuyên bố sẽ không cung cấp bảo hiểm độc lập cho các nhà máy điện than hoặc mỏ than nữa. Hãng bảo hiểm của Đức này cũng thông báo sẽ loại khỏi danh mục đầu tư của mình tất cả các công ty có kế hoạch xây dựng trên 500 MW điện than mới. Bước đi táo bạo này đã củng cố sự chuyển dịch đầu tư của ngành bảo hiểm ra khỏi ngành than và tăng áp lực thúc ép các ngành công nghiệp dừng đầu tư vào than.

Heffa Schuecking, Giám đốc điều hành của Urgewald, một tổ chức hoạt động về môi trường và nhân quyền của Đức, nhận định: “Ngành than là nguyên nhân số 1 gây ra biến đổi khí hậu và việc xây dựng các nhà máy điện than mới không phù hợp với các mục tiêu của Hiệp định Paris. Chúng tôi hoan nghênh quyết định của Allianz, đây là một bước quan trọng góp phần khiến ngành công nghiệp than ngày càng rủi ro và thậm chí là không thể đầu tư được”.
Peter Bosshard, điều phối viên của chương trình Unfriend Coal quốc tế, chia sẻ: “Ngành bảo hiểm có vai trò đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy quá trình chuyển dịch khỏi than. Hiện tại đã có bốn công ty bảo hiểm toàn cầu quyết định không đầu tư vào than nữa. Chúng tôi kêu gọi Munich Re, Generali, AIG và các công ty khác sẽ ngừng cung cấp bảo hiểm và đầu tư vào các dự án liên quan tới than.”

Theo chính sách được công bố ngày hôm nay, Allianz sẽ không cung cấp bảo hiểm độc lập cho hoạt động xây dựng và vận hành của các mỏ than và nhà máy điện đốt than. Ngoại trừ trường hợp đặc biệt, công ty bảo hiểm này cũng sẽ không gia hạn hợp đồng đối với các dự án than đang triển khai. Mặc dù Allianz vẫn sẽ tiếp tục một số chính sách hỗ trợ đối với các công ty than, nhưng họ cam kết sẽ hoàn toàn rút khỏi ngành than vào năm 2040.

Regine Richter, một chuyên gia về tài chính của Urgewald, chia sẻ: “Việc công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới đặt mục tiêu thoái vốn toàn bộ khỏi than là một bước đi rất quan trọng, tuy nhiên, Allianz cần đưa ra cam kết tham vọng hơn mốc 2040. ”
Allianz cũng đã công bố các biện pháp nhằm tăng cường chính sách thoái vốn than của mình. Ngoài các công ty có doanh thu hơn 30% từ than mà Alizan tuyên bố thoái vốn từ năm 2015, năm nay công ty bảo hiểm này sẽ dừng đầu tư vào các công ty có kế hoạch xây dựng hơn 500 MW điện than mới. Chính sách này đã nâng mức tiêu chuẩn thắt chặt đầu tư vào điện than. Allianz cũng thông báo rằng họ có kế hoạch thắt chặt chính sách hơn nữa bằng việc điều chỉnh ngưỡng 30% xuống còn 20% trong những năm tới.

Lucie Pinson, điều phối viên châu Âu của chiến dịch Unfriend Coal, khẳng định: “Chiến lược thoái vốn của Allianz là một ví dụ tiêu biểu cho các nhà đầu tư lớn khác như Aviva và Prudential làm theo. Tuy nhiên, giống như các công ty bảo hiểm hàng đầu khác, Allianz cần thoái vốn 1 nghìn tỷ đô tài sản công ty này đang quản lý cho bên thứ 3.  
Kể từ năm 2017, AXA, Zurich, SCOR và bây giờ là Allianz đã quyết định ngừng cung cấp bảo hiểm cho một số hoặc tất cả các dự án than mới, và Swiss Re cũng đã tuyên bố sẽ sớm áp dụng chính sách tương tự. Cho đến nay đã có 16 công ty bảo hiểm thoái vốn khỏi than với tổng tài sản ước tính 22 tỷ đô la.

Đầu tuần này, Hội đồng thành phố Paris đã kêu gọi ngành công nghiệp bảo hiểm (các CEO của ngành này dự kiến tổ chức cuộc họp thường niên tại Paris dưới danh nghĩa của Hiệp hội Geneva vào cuối tháng này) "Rút sự hỗ trợ cho các dự án và các công ty trong ngành than, đặc biệt là ở Liên minh châu Âu và cụ thể là ở Ba Lan." Quyết định của Allianz hôm nay sẽ tạo thêm áp lực cho các CEO của ngành bảo hiểm để họ đảm bảo các hoạt động của doanh nghiệp tương thích với các mục tiêu của Hiệp định Paris và tách khỏi ngành than.

HẾT

Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ:

Regine Richter, regine@urgewald.org, +49 170 293 0725

Will Aitchison, william.aitchison@greenhousepr.co.uk, +44 7412 872 453

David Mason, david.mason@greenhousepr.co.uk, +44 7799 072 320
Urgewald là một tổ chức phi chính phủ về môi trường và nhân quyền của Đức. Được thành lập vào năm 1992, Urgewald giám sát hoạt động của các ngân hàng và công ty châu Âu trên toàn thế giới đồng thời hỗ trợ các cộng đồng bị tác động bởi các dự án.
Chương trình Unfriend Coal là tập hợp của mạng lưới các tổ chức phi chính phủ và phong trào xã hội toàn cầu kêu gọi các công ty bảo hiểm thoái vốn khỏi than và thúc đẩy chuyển dịch sang năng lượng sạch.

----

TỔ CHỨC TÀI CHÍNH NHẬT BẢN ĐẦU TIÊN THOÁI VỐN KHỎI THAN

Các tổ chức môi trường hưởng ứng tuyên bố hạn chế tài chính cho các nhà máy nhiệt điện than của Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi - Tổ chức tài chính Nhật Bản đầu tiên thoái vốn khỏi than

Ngày 9 tháng 5 năm 2018, Tokyo Nhật Bản, hưởng ứng tuyên bố của Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai- ichi về thắt chặt tài chính cho các nhà máy nhiệt điện than, các tổ chức môi trường gồm  Japan Center for a Sustainable Environment and Society (JACSES), Friends of the Earth Japan (FoE Japan), Kiko Network, 350.org Japan, Greenpeace Japan và Rainforest Action Network đưa ra tuyên bố sau:

“Chúng tôi hoan nghênh quyết định của Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi về việc chấm dứt cung cấp tài chính cho các dự án nhiệt điện than mới ở nước ngoài (1). Theo chúng tôi biết đây là lần đầu tiên một tổ chức tài chính Nhật Bản công bố chính sách như vậy. Điều này cho thấy sự khởi đầu hướng tới thoái vốn khỏi than ở Nhật Bản. Chúng tôi ủng hộ hành động tiên phong này của Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi.

Tuy nhiên, khoa học đã chứng minh rằng chúng ta không thể cho phép bất kỳ nhà máy nhiệt than mới nào được xây dựng nếu muốn đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 2oC và ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu cực đoan. Vì vậy, chúng tôi kêu gọi Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi tiến một bước xa hơn nữa bằng việc hạn chế tài chính cho các dự án điện than trong nước.

Các công ty bảo hiểm lớn của châu Âu như AXA và Allianz đang là những nhân tố tiên phong với chính sách thoái vốn khỏi các doanh nghiệp tham gia vào các dự án mở rộng nhà máy điện than quy mô lớn. Chúng tôi nhận định rằng xu hướng này sẽ lan tỏa ra toàn bộ ngành tài chính.

Tờ Nikkei cũng vừa cho biết Công ty Bảo hiểm nhân thọ Nippon cũng đang xem xét đưa ra chính sách hạn chế tương tự đối với các nhà máy nhiệt điện than mới.

Các tổ chức tài chính Nhật Bản, bắt đầu từ các tập đoàn tài chính như Mitsubishi UFJ, Mizuho và Sumitomo Mitsui – nên noi theo Công ty bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi và hành động phù hợp bằng cách áp dụng các chính sách hạn chế các khoản vay và đầu tư vào các dự án nhiệt điện than, cũng như các công ty tham gia vào phát triển than trong nước và quốc tế và tiến dần tới thoái vốn khỏi ngành than”

Chú thích: Chúng tôi đã xác nhận chi tiết của thông báo với phòng công vụ của Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi.

Thông tin liên lạc:

Yuki Tanabe, Japan Center for a Sustainable Environment and Society (JACSES)

Email: tanabe@jacses.org Tel: +81-3-3556-7325
Shin Furuno, 350.org Japan
Email:shin@350.org