(TBKTSG Online) - Các dự án thủy điện trên sông Mekong sẽ đe dọa mất cân bằng nguồn nước, nguồn cá, nguồn phù sa và làm suy giảm hệ sinh ...
(TBKTSG Online) - Các dự án thủy điện trên sông Mekong sẽ đe dọa mất cân bằng nguồn nước, nguồn cá, nguồn phù sa và làm suy giảm hệ sinh thái vùng ĐBSCL.
Nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giờ đã cảm nhận được khó khăn trong tính toán đầu tư sản xuất, khi nguồn lợi thủy sản tiếp tục giảm thêm; phù sa ít cơ hội về với đồng ruộng nên chi phí phân bón trong sản xuất tăng lên…Những đập thủy điện trên dòng Mekong đã và đang gây ra không ít khó khăn cho người dân vùng này.
Tại hội thảo chuẩn bị tham vấn dự án đập thủy điện Donsahong trên dòng chính Mekong (thuộc Nam Lào) tổ chức tại Cần Thơ (trong hai ngày 21 – 22-8), nông dân Nguyễn Văn Hiệp ở huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp), than phiền: “hồi xưa nước chảy tự nhiên, nông dân cũng dễ dàng ứng phó dù có xảy ra lụt lội, còn bây giờ nông dân không biết đâu mà lường khi dòng chảy của nước thay đổi”. Theo ông Hiệp, mùa mưa thì dòng chảy tràn quá lớn, nông dân trở tay không kịp, nhưng rồi dòng chảy kiệt trong mùa khô khiến mặn xâm nhập mỗi năm một sâu hơn…
Theo các nhà nghiên cứu, về việc xây dựng đập Donsahong, các con số tính toán cho thấy khi chặn dòng sẽ khiến vùng hạ du mất đi 50% lượng nước trong mùa khô bởi dòng chảy tổng thể của Mekong (đoạn này có 17 dòng phân lưu) lúc này đều tập trung nước cho Housahong (dòng bị chặn bởi đập Donsahong). Các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy 75% lượng cá trên dòng chính Mekong đi qua dòng phân lưu Housahong do dòng này không có thác nước. Vì vậy, có rất nhiều lo ngại về việc di cư, sinh sản của chúng gặp trắc trở khi đường đi theo tự nhiên đã bị chặn lại.
Theo PGS. TS Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ - ĐHCT), Donsahong là dự án thủy điện thứ hai xây trên dòng chính Mekong thuộc lãnh thổ của Lào. Theo thiết kế, đây là đập thủy điện không hồ chứa, chiều cao khoảng 32 mét, công suất phát điện 260 MW. Cũng theo ông Tuấn, có 19 dự án thủy điện đã, đang và có kế hoạch sẽ xây trên dòng chính Mekong, trong đó trên lãnh thổ Trung Quốc có 4 dự án đang hoạt động, 4 dự án khác đã có kế hoạch xây dựng; Lào đang xây dựng đập Xayabury, chuẩn bị xây Donsahong và có kế hoạch xây thêm 7 đập khác; Campuchia có 2 dự án cũng đã có kế hoạch xây.
Tiềm năng thủy điện bậc thang trên dòng Mekong theo ước tính lên đến gần 54.000 MW. Tuy nhiên, việc xây dựng thủy điện trên dòng chính được cảnh báo là sẽ tạo ra nguy cơ diệt chủng đối với nhiều giống cá da trơn và nhiều loài cá di cư khác. Ông Tuấn cho rằng, các dự án thủy điện trên sông Mekong sẽ đe dọa mất cân bằng nguồn nước, nguồn cá, nguồn phù sa và làm suy giảm hệ sinh thái vùng ĐBSCL.
TS. Dương Văn Ni (Đại học Cần Thơ) còn cho rằng, trong điều kiện chịu tác động của biến đổi khí hậu, thủy điện trên Mekong còn mở đường cho xâm nhập mặn lấn sâu vào ĐBSCL trong mùa khô, nông dân sẽ phải vất vả hơn. Tuy nhiên, cái đáng sợ hơn nhất theo nông dân, có quá nhiều đập nước xếp liên tục theo bậc thang, nên khi các đập thủy điện đồng loạt xả lũ trong mùa mưa, vùng hạ du nông dân sẽ chết ngộp. Và khi một trong các đập bị vỡ, tác động dây chuyền sẽ sinh ra một khối nước khổng lồ, đẩy toàn bộ vùng hạ du thuộc khu vực ĐBSCL trôi ra biển.
Trích dẫn tại: http://www.thesaigontimes.vn/119209/Cac-du-an-thuy-dien-de-doa-nguon-song-va-he-sinh-thai-DBSCL.html