Tạo nên những khu phố không rác được xem là hạt nhân xanh trong công tác bảo vệ môi trường toàn dân. Đây cũng là mô hình điểm để nhân rộng ...
Tạo nên những khu phố không rác được xem là hạt nhân xanh trong công tác bảo vệ môi trường toàn dân. Đây cũng là mô hình điểm để nhân rộng trong cộng đồng. Tuy nhiên, những hạt nhân này sẽ khó phát triển hiệu quả nếu thiếu chính vai trò tham gia góp sức của người dân.
Người dân quận 6, tp HCM quét, thu gom rác làm sạch lề đường Tháp Mười
Cùng dân xác định điểm nóng ô nhiễm
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UB MTTQVN) xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh cho biết, toàn xã có Khu công nghiệp Lê Minh Xuân với 154 doanh nghiệp đang hoạt động; một cụm tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân với hơn 100 cơ sở sản xuất, kinh doanh xen cài nhau. Ngoài ra, còn có hàng ngàn hộ gia đình đang sinh sống bằng nghề cho thuê nhà trọ. Trước đây, xã thuộc khu vực trọng điểm ô nhiễm của thành phố. Nguyên nhân chủ yếu là do chất thải chưa qua xử lý của các cơ sở sản xuất tại khu công nghiệp và cụm tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân thải ra. Mặt khác, số người tạm cư khoảng hơn 4.000 người liên tục biến động khiến cho việc tuyên truyền chấp hành chủ trương bảo vệ môi trường của xã gặp rất nhiều khó khăn.
Khác với xã Tân Nhựt, phường 14 quận 5 trong tình trạng rác xả bừa bãi trên đường do khu vực này hình thành rất nhiều chợ tự phát. Dù các chợ này bị giải tỏa nhiều lần nhưng khi lực lượng chức năng rút đi thì tình hình lại như cũ. Số người buôn bán tại đây có đến 80% từ nơi khác tới nên ý thức chấp hành quy định của địa phương rất thấp. Do vậy, cuối ngày, rác thường được đổ thành đống cộng với xe rác của các cơ sở tư nhân, nhà hàng chở đến đổ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhất là những khi trời mưa, nước không thoát được vì cống bị nghẹt rác, đọng lại thành từng vũng gây bức xúc cho người dân đang định cư tại phường. Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UB MTTQVN phường Tân Chánh Hiệp, quận 12 cho biết thêm, riêng khu phố 5 phường Tân Chánh Hiệp thì sự bức xúc của người dân không phải là rác mà chính là chất thải từ hoạt động chăn nuôi gia súc của nhiều hộ dân trên địa bàn. Các chất thải này thường được dẫn theo mương do người dân đào dẫn ra các kênh, rạch ao hồ gần đó. Không chỉ vậy, đây được xem là điểm tập kết mới của nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm khu vực nội thành di dời ra…
Ông Hà Văn Dũng, Phó chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN-MT TPHCM, khẳng định, toàn thành phố có 322 phường, xã, thị trấn và gần 200 tuyến kênh rạch lớn, nhỏ chằng chịt. Tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế nhanh vừa qua đã khiến không ít xã phường bị rác, nước thải và chất thải độc hại bủa vây. Một trong những phường xã đã trở thành điểm nóng bức xúc vì ô nhiễm được xác định là phường 2 quận 4, phường 13 và 14 quận 5, phường 5 và 6 quận 6 hoặc thị trấn Tân Túc, xã Tân Nhựt huyện Bình Chánh… Mỗi xã ô nhiễm theo một cách khác nhau. Song dù là cách nào thì việc ô nhiễm môi trường đã và đang khiến cho chất lượng cuộc sống người dân ngày càng suy giảm, bệnh tật từ nguyên nhân này trong người dân cũng ngày càng nhiều hơn.
Để xanh phố, xanh nhà
Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, khẳng định, muốn cải thiện chất lượng môi trường thành phố hiện nay, việc trước tiên là phải thay đổi tư duy của công tác quản lý môi trường. Theo đó, bảo vệ môi trường không phải do cơ quan quản lý có thể làm được mà cần có sự tham gia của cộng đồng. Và thực tế đã chứng minh điều đó. Ông Hồ Minh Hoàng cho biết, xuất phát từ thực tế trên, từ năm 2011 xã Tân Nhựt cũng như huyện Bình Chánh đã thực hiện vận động người dân tại địa phương cùng chung tay cải thiện chất lượng môi trường sống của chính mình. Chỉ sau hơn một năm vận động cho thấy, đã có hơn 500 lượt người tham gia công tác nạo vét các tuyến kênh ô nhiễm; hơn 10.000 lượt người cùng thực hiện công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng gìn giữ khu phố xanh, sạch; trồng hơn 12.000 cây xanh dọc tuyến kênh, đường. Đáng kể nhất là đã có 100% hộ gia đình ký cam kết quy ước cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, có đến hơn 98% hộ gia đình sống gần kênh rạch tham gia phong trào không xây dựng nhà ở vi phạm hành lang sông, kênh, rạch, không xả rác xuống hệ thống kênh. Hơn 95% những hộ gia đình chăn nuôi gia súc xây dựng hầm biogas, tránh thải thẳng chất thải gia súc ra môi trường. Riêng với những cơ sở sản xuất, bên cạnh việc tăng cường công tác thanh tra của các cơ quan chức năng thì cộng đồng cũng được vận động tham gia với vai trò giám sát môi trường, phát hiện và báo kịp thời cho cơ quan chức năng những trường hợp cố tình xả thải chưa qua xử lý ra môi trường. Nhờ vậy mà đã có hơn 98% cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn môi trường.
Ông Hà Văn Dũng nhấn mạnh thêm, có thể nói việc vận động cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường trong thời gian qua đã và đang phát huy những hiệu quả rất tốt. Nhiều khu phố đen về môi trường đã dần xanh hơn. Quan trọng hơn, nhận thức của người dân về việc cần phải bảo vệ môi trường sống của mình như chính bảo vệ sức khỏe của mình đã dần được cải thiện. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, để phong trào này thực sự lớn mạnh thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Đặc biệt, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của lực lượng chức năng nhất là vào những thời điểm nhạy cảm như lễ, tết - thời điểm mà doanh nghiệp thường lén xả thải ra ngoài môi trường. Về phía sở, một mặt sẽ tiếp tục duy trì và phát huy công tác kết hợp với các tổ chức đoàn thể, quận huyện thực hiện tuyên truyền, vận động cộng đồng cùng tham gia cải thiện chất lượng môi trường, nhất là tại khu vực nóng về ô nhiễm.
Minh Xuân
Trích dẫn tại: http://www.sggp.org.vn/moitruongdothi/2013/1/308649/