Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Cư dân Thái Lan quyết chống việc xây đập Xayaburi

  |   Viết bởi : Trích dẫn tại: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ScienceAndEnvironment/thai-mkg-ag-xaya-dam-10282014055529.html

Những cộng đồng cư dân Thái Lan sống dọc theo sông Me kong lâu nay tích cực lên tiếng phản đối việc xây đập thủy điện trên dòng chính con ...

Những cộng đồng cư dân Thái Lan sống dọc theo sông Me kong lâu nay tích cực lên tiếng phản đối việc xây đập thủy điện trên dòng chính con sông này vì họ nhận thức được cuộc sống của họ bị tác động dữ dội một khi dòng chảy bị chặn lại và môi trường bị tàn phá bởi những dự án như thế.

Hoạt động tranh đấu đó có được một số thắng lợi bước đầu và những người dân Thái tiếp tục cùng với những tổ chức dân sự trong Liên minh Cứu Sông Mê Kong tiến hành công cuộc đó.

Còn Việt Nam thì sao? Khi mà khu vực Đồng bằng Sông Mê kong ở cuối nguồn dòng sông đang bị cảnh báo sẽ phải hứng chịu nhiều tác động bất lợi do những đập trên thượng nguồn gây nên.

thai lan phan doi xayaburi 28102014

Một cuộc điều tra của International Rivers tiết lộ rằng dự án thủy điện Xayaburi, đã được tiến hành bởi tập đoàn CH KarnChang của Thái Lan

Sử dụng công cụ pháp lý

Liên minh Cứu Sông Mê kong vào trung tuần tháng 10 vừa qua cho biết Mạng lưới Người Thái thuộc 8 tỉnh lưu vực Sông Mê Kong đã gửi đến Tòa Hành chính Thái Lan lời kêu gọi ra phán quyết đình chỉ Hợp đồng Mua Bán Điện từ đập Xayaburi bên Lào khi đập này đi vào hoạt động. Hợp đồng Mua Bán Điện đó được xem như là một yếu tố đầu ra khiến cho Lào tích cực tiến hành dự án dù bị sự phản đối của cộng động cư dân dọc sông Mê Kong thuộc Thái Lan, cũng như của hai nước ở hạ nguồn là Kampuchia và Việt Nam.

Một vị đại diện cho Mạng lưới Người Thái cho biết việc gửi đến Tòa Hành chính lời yêu cầu vào ngày 15 tháng 10 vừa qua được tiến hành sau khi Tòa Hành Chính Tối cao của Thái Lan vào ngày 24 tháng 6 trước đó chuẩn thuận quyền của người dân được kiện khi tuyên bố sẽ thụ lý vụ kiện của họ.

Hợp đồng Mua bán Điện vừa nói được Cơ quan Điện lực Thái Lan- EGAT ký với phía Lào hồi năm  2011. Theo đó sẽ mua 95% sản lượng điện của nhà máy thủy điện Xayaburi bên Lào. Hợp đồng này sau đó được các cơ quan chức năng Thái Lan phê chuẩn.

Tuy nhiên Cơ quan Điện lực Thái Lan đã không tiến hành đánh giá tác động môi trường do đập thủy điện Xayaburi gây nên trên phần đất Thái Lan, cũng như không tiến hành tham vấn đầy đủ người dân liên quan.

Gần đây, Cơ quan Điện lực Thái Lan lại công khai lên tiếng thừa nhận là không cần lượng điện từ thủy điện Xayaburi. Những nghiên cứu độc lập cho thấy Cơ quan Điện lực Thái Lan đã đưa ra ước tính nhu cầu điện quá  cao so với nhu cầu thực tế. Ngoài ra cơ quan này cũng không tiến hành nghiên cứu những giải pháp phát điện rẻ hơn hoặc ‘xanh’ hơn; tức không gây ảnh hưởng đến môi trường.

Tòa Hành chính Tối cao của Thái Lan cũng đã thừa nhận những tác động xuyên biên giới của dự án đập thủy điện Xayaburi và có phán quyết rằng đập này có thể gây ra những tác động cho môi trường, cho chất và lượng nguồn nước, cho lưu lượng dòng chảy, tác động đến sự cân bằng sinh thái của lưu vực sông Mê kong. Ngoài ra là những tác động xuyên biên giới đối với những quốc gia dọc dòng sông; đặc biệt những cộng đồng dân cư địa phương tại tám tỉnh ven sông Mê kong thuộc Thái Lan. Cụ thể chất lượng môi trường sống, sức khỏe cộng đồng, tình trạng vệ sinh, sinh kế và những quyền lợi cộng đồng khác sẽ bị tác động.

image

Vị trí đập Xayaburi trên sông Mê Công

Tòa Hành chính Tối cao Thái Lan cũng tuyên bố là những cộng đồng thuộc Mạng lưới Người Thái ở 8 tỉnh lưu vực sông Mê Kong có quyền tham gia trong công tác quản lý, bảo tồn và khai thác tài nguyên thiên nhiên và môi trường ( gồm cả đa dạng sinh học của dòng sông) một cách cân bằng và bền vững để có thể sống một cuộc sống bình thường trong một môi trường không có hại cho sức khỏe, hợp vệ sinh, có phúc lợi và chất lượng.

Ông Đặng Đình Bách, giám đốc Trung Tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Phát triển Bền Vững, thuộc Liên Minh Cứu Sông Mê Kong, nhắc lại việc Lào tiến hành xây dựng đập thủy điện Xayaburi trên dòng chính Sông Mê Kong và biện pháp sử dụng công cụ pháp lý của phía Thái Lan nhằm có thể chặn lại việc triển khai dự án gây ra những tác động môi trường bất lợi đó như sau:

Trong tiến trình bảo vệ Sông Mê kong, mà đập Xayaburi là một trong 12 con đập theo dự kiến, Liên Minh Bảo vệ Sông Mê kong thành lập ra một nhóm gồm các tổ chức phi chính phủ, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và các phóng viên báo chí nhằm mục đích vận động nâng cao nhận thức của các nhà hoạch định chính sách về vấn đề tác động đến môi trường sinh sống của con người và vấn đề bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và sinh vật hai bên bờ sông Mê kong. Với tiêu chí đó, chúng tôi dùng nhiều biện pháp trong đó có sử dụng công dụ pháp lý vì hiện nay ở góc độ khu vực và quốc tế đã có những qui định rất cụ thể nhằm bảo vệ, chia xẻ nguồn nước và bảo vệ môi trường nói chung. Chúng tôi mong muốn sử dụng công cụ pháp lý đó để thuyết phục các nhà hoạch định chính sách và các nhà phát triển thủy điện nhận thức được yếu tố phát triển cân bằng, bền vững. Nếu bây giờ mà không nhìn thấu đáo thì đến sau này những tác động liên quan đến lợi ích của hơn 60 triệu người dân sống theo lưu vực sông sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề.

Vậy việc tận dụng những công cụ pháp lý đó được ông Đặng Đình Bách tình bày tiếp:

Vừa rồi Tòa án Hành chính Thái Lan Tối cao chấp thuận và đưa ra xét xử thì đây là cái thắng lợi của chúng tôi. Theo tôi, ngày xưa chúng ta có tiền lệ xét xử các tội phạm chiến tranh chẳng hạn, khi ra lệnh giết người dân trong một ngôi làng thì bị đưa ra xét xử theo các điều luật quốc tế; nhưng đối với môi trường thì hiểm họa lớn hơn, chẳng hạn sông Mê kong là nơi ăn ở, nuôi sống 63 triệu người trong vùng, không những thế Đồng bằng Sông Cửu Long là một trong những vựa lúa lớn nhất cung cấp nguồn thực phẩm, an ninh lương thực cho toàn cầu; nếu sự tổn thương dẫn đến thiếu hụt lương thực thì điều này cần phải được xem xét. Nên đây là một tiền lệ ban đầu mà chúng tôi làm.

Tình trạng Việt Nam

Ngoài Thái Lan, hai quốc gia hạ nguồn khác là Kampuchia và Việt Nam được cảnh báo phải chịu tác động bởi những đập xây trên dòng chính Sông Mê Kong. Tuy nhiên, hiện chưa có những đơn vị tại Việt Nam và Kampuchia tham gia trực tiếp vào dự án xây dựng thủy điện như Xayaburi bên Lào, nên chưa thể tiến hành biện pháp tư pháp như Mạng lưới Người dân 8 tỉnh ở Thái Lan.

Ông Đặng Đình Bách trình bày về điều này:

Tức là phải có một chủ thể tham gia; tức là khi có chủ thể tham gia thì chúng ta mới có thể áp dụng luật trong nước được. Việt Nam không phải là đối tượng tham gia Xayaburi mà chỉ là đối tượng chịu ảnh hưởng. Kampuchia cũng vậy, nên khó áp dụng cơ chế pháp luật trong nước.

Hiện nay chúng ta đang cố gắng vận dụng khung pháp luật khu vực và quốc tế. Hiện nay chính phủ Việt Nam đang tìm cách để giải quyết chứ không thể theo cách như Thái Lan. Các tổ chức xã hội dân sự Thái Lan họ có thể tiến hành vụ kiện đó vì họ vì họ có văn bản vi phạm pháp luật Thái Lan; đó là hợp đồng mua 95% sản lượng điện từ Lào. Đồng thời người ta cũng chứng minh được nhu cầu sử dụng điện của Thái Lan không cần thiết phải mua điện từ Lào. Như vậy nó mang lợi ích nhóm, nên họ vận dụng được cơ chế đó để đưa ra tòa.

Hoạt động nâng cao y thức cho người dân Việt Nam

So sánh việc người dân Thái Lan với sự hướng dẫn của các tổ chức xã hội dân sự đã tiến hành mạnh mẽ hoạt động ngăn chặn việc tiến hành xây dựng đậy thủy điện Xayaburi với người dân Việt Nam tại khu vực đồng  bằng Cửu Long, nơi được cảnh báo chịu tác động nặng nề nhất từ các con đập thủy điện trên thượng nguồn; ông Trịnh Lê Nguyên, thuộc Trung Tâm Con người và Thiên nhiên ở Việt Nam đưa ra kết quả đánh giá mà Trung tâm nay thực hiện sau một cuộc hội thảo tổ chức ở An Giang:

Nói chung mọi người cũng chưa biết nhiều lắm về tình hình đập thủy điện trên sông Mê Kong cũng như tác động như thế nào đối với đời sống của họ và đối với Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung. Kể cả một số phóng viên báo chí chưa nghe nhiều, họ chỉ biết thông tin sơ bộ thôi còn chưa hiểu nhiều lắm về tác động này.

Hiện nay Trung tâm Con người & Thiên nhiên cũng như một số tổ chức khác trong Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam còn đang cố gắng tổ chức các hội thảo, hội nghị, tổ chức. Thông qua những kênh thông tin khác nhau để đưa được thông tin đến được nhiều đối tượng hơn.

Ông Đặng Đình Bách nêu ra những phương cách mà Việt Nam cần thực hiện trong việc đấu tranh yêu cầu những nước như Lào phải ngưng các dự án xây dựng đập thủy điện trên dòng chính Sông Mê Kong gây hại họ dưới hạ lưu như sau:

Trong khu vực thì Việt Nam cũng có một vị thế nhất định và thông qua quan hệ song phương và đa phương có thể có những hội thảo và những chương trình ‘action visits’- mọi người nhìn thẳng vào vấn đề và tìm ra giải pháp. Khi các nhà quản lý tại Việt Nam nhìn thấy vấn đề, quan tâm đến vấn đề pháp lý, quan tâm đến các nhà khoa học vì bản thân các nhà khoa học Việt Nam cũng có những nghiên cứu rất sâu sắc; ví dụ như Mạng lưới Sông Ngòi Việt Nam cũng có những công trình, rồi các nhà khoa học khác cũng tham gia vào Ủy ban Sông Mê kong trụ sở ở Vientiane… chúng tôi có làm việc với họ thì họ cũng có những ý kiến rất sâu sắc. Nhưng theo ý kiến cá nhân tôi thì không nên chỉ có những cuộc gặp mang tính chất đơn lẻ mà phải theo cơ chế ‘round- table’; tức là các bên liên quan cùng ngồi vào bàn gồm có các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ quốc tế, các tổ chức xã hội dân sự, các đại diện người dân. Nghĩa là tất cả các bên liên quan kể cả những nhà đầu tư cùng ngồi xuống và nhìn vào vấn đề một cách sòng phẳng.

Từ trước đến nay, các nhà khoa học khi nghiên cứu thì nói chuyện với nhau, sau đó các nhà làm luật nói chuyện với nhau, các nhà quản lý ở cấp độ chính phủ nói chuyện với nhau; hoàn toàn bị chia sẽ nên thông tin khi đến với nhau không toàn diện. Rồi bản thân người dân có được tham vấn đầy đủ hay không? Như hợp đồng mua bán điện ở Thái Lan dân đâu biết gì. Ở Việt Nam cũng vậy: những người dân ở Đồng bằng Sông Cửu Long hằng ngày đi đánh cá, trồng lúa có biết mình bị tổn hại hay không. Tôi nghĩ rằng còn một khoảng cách rất lớn giữa các bên liên quan mà nếu không lấp đầy thì đây vẫn còn là câu chuyện dài và họ vẫn cứ tiến hành xây dựng những con đập đó, dòng sông vẫn bị triệt tiêu và xung đột về nguồn nước có thể xảy ra trong tương lai gần.

Cảnh báo được nêu ra rất rõ; thế như rõ ràng phản ứng và các biện pháp tại Việt Nam vẫn chưa đủ. Trước mắt so với Thái Lan thì dân chúng bị tác động ở đó có được tiếng nói; còn biết đến khi nào người dân tại Đồng bằng Sông Cửu Long được có những lên tiếng như thế để bảo vệ cho chính họ.

Trích dẫn tại: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ScienceAndEnvironment/thai-mkg-ag-xaya-dam-10282014055529.html