Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công - vấn đề trao đổi

  |   Viết bởi : Tác giả: Ts Lê Thành Ý - Viện nghiên cứu Phát triển nông thôn và cộng đồng IDRC

Cuối thế kỷ XX, Mê Kông là một trong những con sông chưa bị ngăn đập trên phần lớn dòng chảy. Vào những năm 1990, Trung Quốc bắt đầu lên ...

Cuối thế kỷ XX, Mê Kông là một trong những con sông chưa bị ngăn đập trên phần lớn dòng chảy. Vào những năm 1990, Trung Quốc bắt đầu lên kế hoạch xây 7 đập thủy điện trên thượng nguồn; về phía hạ lưu, Lào, Cămpuchia và Thái Lan cũng bắt đầu lập kế hoạch xây dựng 12 con đập trên dòng chính. Trên các dòng sông nhánh, nhiều công trình thủy điên đã và đang được khai thác; theo dự tính, năm 2015 có 36 đập đưa vào vận hành và năm 2030, con số này lên khoảng 70.

 
Là nơi có hệ di sản thiên nhiên độc đáo; châu thổ Mekong mang tầm quốc tế. rộng lớn. Từ vai trò quan trọng của lưu vực đối với cuộc sống của 60 trên triệu người; trước hiện trạng xây dựng ồ ạt đập thủy điên ở thượng nguồn và phía hạ lưu, các dự án thủy điện lớn đang được triển khai; Bộ Tài nguyên&Môi trường  (TN&MT) đã thực hiện hợp đồng trị giá  4,3 triệu USD với tổ chức tư vấn DHI (Đan Mach) nhằm “Nghiên cứu tác động của công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong”. Tại Hội hội thảo quốc tế đầu tháng 12 năm 2015, một dự thảo báo cáo đồ sộ với nhiều thông tin được công bố; Theo Thứ trưởng bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai, đây là báo cáo với những cơ sở khoa học vững chắc, nghiên cứu khách quan.

Khác với đánh giá của giới chức thuộc bộ TN&MT và tổ chức tư vấn DHI; các nhà khoa học trong nước và cộng đồng lưu vực đã có những nhìn nhận trái chiều. GS.TS Nguyễn Ngọc Trân cho rằng: Mặc dù việc lựa chọn nhà tư vấn, thực hiện nghiên cứu đã được đấu thầu quốc tế, nhưng do nhiều thiếu sót cần được bổ sung, sửa chữa; chưa nên vội công nhận những kết quả đưa ra. Từ những góc nhìn khác nhau, bài viết tổng hợp một số vấn đề có liên quan để cùng trao đổi.Top of Form

Bottom of Form

 
Tiềm năng sông Mekong với lợi ích khai thác của các quốc gia hạ lưu vực

Mê Kông là con sông lớn có chiều dài hơn 4800 km chảy qua 6 nước (Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Cămpuchia và Việt Nam), sông tạo thành một lưu vực rộng trên 795.000 km2. Hạ lưu gồm 4 quốc gia (Thái Lan, Lào, Cămpuchia và Việt Nam) có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, là nơi sinh sống của hơn 60 triệu người, thuộc hơn 100 dân tộc khác nhau, hầu hết dân cư trú ở vùng ven sông là những người nghèo.

Dòng chảy sông Mêkông có đặc điểm dâng cao vào mùa mưa kéo dài, cạn nước vào mùa khô ngắn ngày và chịu ảnh hưởng bởi gió mùa khu vực. Lũ lớn của sông là lý do chính đưa lưu vực thành vùng ngư nghiệp nội địa lớn nhất thế giới với sản lượng thủy sản nước ngọt đánh bắt hằng năm từ 2,1 triệu tấn đến 2,5 triệu tấn(chưa tính đến  đến 0,7 triệu tấn của vùng duyên hải phụ thuộc vào nguồn dinh dưỡng phù sa và chừng 0, 5 triệu tấn các loài thủy sản khác).

Sông Mekong có hơn 800 loài cá, đứng thứ 3 thế giới về đa dạng sinh học; biến động mức nước tự nhiên và dòng chảy là yếu tố quyết định đến sản lượng cá của sông và các vùng ngập nước ven sông. Tuy nhiên, nếu các dự án thủy điện dòng chính được xây dựng sẽ dẫn đến những thay đổi rất đáng kể. Việc các quốc gia chạy đua khai thác và sử dụng nguồn nước Mê Kông để phát triển thủy điện đã dấy lên nhiều quan ngại do những hệ lụy khó lường đến cuộc sống con người (Pan&Nature 2012).

Trong các công trình thủy điện; xét về lý thuyết, đập ngăn nước có thể giúp kiểm soát dòng chảy; điều chỉnh lưu lượng, phòng chống lũ lụt hay hạn hán; giúp cho phát triển nông nghiệp. Chính vì điều này, khi các nguồn năng lượng tái tạo khác như năng lượng biển, năng lượng gió, năng lượng mặt trời... gặp trở ngại về tài chính và kỹ thuật thì thủy điện luôn là một lựa chọn không dễ bỏ qua. Đến nay, thủy điện được ADB và một số định chế tài chính khác cho là nguồn năng lượng sạch và bền vững về môi trường. Thông qua Chương trình Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS), ADB đã có nhiều dự án tài trợ và đồng tài trợ cho thủy điện ở các quốc gia thuộc lưu vực.

Thủy điện dòng chính Mê Kông là lĩnh vực được nhiều tổ chức quan tâm; song dường như mới chỉ là bề nổi của bức tranh đầy phức tạp của tiểu vùng với những động cơ và cạnh tranh lợi ích không chỉ giữa các quốc gia trong lưu vực mà còn bao gồm nhiều bên liên quan. Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược thủy điện dòng chính Mê Kông do Trung tâm Quản lý Môi trường Quốc tế (ICEM) công bố tháng 10 năm 2010, nhận định: Tăng trưởng kinh tế của lưu vực sông Mê Kông đạt tốc độ cao đi cùng nhu cầu điện gia tăng mạnh. Với đà tăng trưởng kinh tế cao so với bình quân toàn cầu; nhu cầu năng lượng của lưu vực đã tăng khoảng  8%/năm trong suốt giai đoạn 1993- 2005. Từ sự đa dạng của nhiều nền kinh tế và dân số tăng nhanh;nhu cầu năng lượng được dự báo sẽ tăng bình quân 6 -7% /năm cho đến 2025.

Tiềm năng thủy điện lưu vực Mê Kông có thể lên tới 176.350-250.000 MW; 4 nước hạ lưu (Cămpuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam) ước tính khoảng 50.000-64.750MW. Riêng hạ lưu Mê Kông có thể cung cấp khoảng 30.000MW; trong đó, thủy điện dòng chính có thể đạt 14.697 MW, chiếm 23-28% tiềm năng thủy điện quốc gia của cả 4 nước. Thủy điện được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy cho phát triển kinh tế (ICEM 2010).

Báo cáo SEA của ICEM ước tính, lượng tiền đầu tư nước ngoài đổ vào các dự án dòng chính ở Căm-pu-chia và Lào có thể lên tới 25 tỷUSD; nếu tất cả dự án thủy điện được triển khai, khả năng kích thích phát triển kinh tế của các nước sở tại và cả vùng sẽ rất đáng kể nhờ nhu cầu đầu tư bổ sung về lao động, vật liệu thi công, các nguồn lực hỗ trợ và dịch vụ kỹ thuật (ICEM1 2010).

Khi hoàn thành, đi vào khai thác vận hành và bán điện, các dự án thủy điện hạ lưu vực Mê Kông mang lại lợi ích đáng kể cho các quốc gia (khoảng 3 đến 4tỷ USD/năm).Trong đó, Lào là nước hưởng lợi lớn nhất, sẽ nhận khoảng 70%; Campuchia và Thái Lan từ 11% đến 12%, còn Việt Nam chừng 5%. Đáng lưu ý là, trong giai đoạn đầu, phần lớn lợi ích mang lại ở Lào và Campuchia không phải vào ngân sách nhà nước hoặc chính phủ mà chủ yếu là thuộc các nhà đầu tư và tổ chức cung cấp tài chính cho các dự án. Tuy nhiên, cùng với lợi ích thương mại thủy điện mang lại; một số cơ hội phát triển liên quan cũng rất đáng kể như việc làm trực tiếp có thể tạo ra 7,9 tỷ USD tiền lương (85% trong xây dựng của các nhà thầu) và chỉ khoảng 50% giá trị thiết bị phải mua từ các nước không phải chủ nhà (ICEM2  2010)

Quan điểm của Ủy hội Mê Kông và việc đánh giá tác động thủy điện dòng chính của các tổ chức nghiên cứu, tư vấn 

Ủy hội sông Mê Kông (MRC) là cơ quan liên chính phủ của vùng hạ lưu đã hình thành khung thể chế để thực hiện Hiệp định về Hợp tác Phát triển bền vững lưu vực Mê-kông; Chính phủ 4 nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam ký kết Hiệp định này từ năm 1.995. Theo đó, đã thỏa thuân cùng quản lý. chia sẻ tài nguyên nước giữa các quốc gia trên cơ sở hợp tác mang tính xây dựng , cùng có lợi và phát triển bền vững; sử dụng hợp lý, bảo vệ và quản lý tài nguyên nước và những nguồn tài nguyên khác của lưu vực. Hiệp định Mê-Kông 1.995 quy định, những dự án xây dựng đập thủy điện trên dòng chính cần được thảo luận rộng rãi trong cả 4 nước ở hạ nguồn trước khi quyết định. Với sự hỗ trợ của MRC, trong quá trình thảo luận các bên liên quan phải cân nhắc đến toàn bộ tác động về xã hội, môi trường và phát triển các ngành khác thuộc hạ lưu vực. Ở một khu vực thay đổi và tăng trưởng kinh tế nhanh, MRC coi việc phát triển thủy điện dòng chinh Mê Kông là vấn đề chiến lược quan trọng. Nhằm thực hiện chiến lược này, quan điểm nhất quán của các nhà lãnh đạo, quản lý và nghiên cứu khu vực là phải có đánh giá tác động môi trường chiến lược (SEA) trước khi xây dựng các dự án thủy điện. Báo cáo cần đánh giá toàn diện những vấn đề có liên quan, bao gồm cả sản xuất điện và an ninh năng lượng; Phát triển kinh tế và giảm nghèo; Đảm bảo tính toàn vẹn, đa dạng của các hệ sinh thái; Động thái thủy văn, thủy sinh và vận chuyển phù sa;Thủy sản và an ninh lương thực;Các hệ thống xã hội, sinh kế và những ảnh hưởng văn hóa, lối sống của cộng đồng dân cư.

Đánh giá tác động môi tường chiến lược (SEA) cũng cần nhận dạng được cơ hội và những rủi ro tiềm tàng, khả năng đóng góp của các dự án cho phát triển vùng đồng thời với việc xem xét các chiến lược thay thế, nhằm phân phối chi phí và lợi ích, đảm bảo phát triển bền vững cả về kinh tế, bình đẳng xã hội và bảo vệ môi trường.

Từ đề xuất phát triển thủy điện bền vững (ISH), một sáng kiến liên ngành với sự phối hợp nhiều chương trình, SEA là cách thức MRC có thể tăng cường hỗ trợ, giúp các nước thành viên tiến hành quy trình tham vấn bắt buộc theo Hiệp định Mê Kông 1.995 đối với từng đề xuất trên dòng sông chính (bao gồm thủ tục thông báo, tham vấn trước và thỏa thuận).SEA còn phải cung cấp thông tin về các bước thực hiện của chương trình để MRC xem xét trong chu kỳ kế hoạch tương lai, nhằm bổ sung kiến thức và nhận rõ yếu tố bất định hoặc rủi ro liên quan đến hoạt động phát triển được đề xuất.

Trên quan điểm nhất quán của MRC, năm 2010 Ban thư ký Ủy hội sông Mê Kông (MRCS) đã phối hợp cùng Trung tâm Quốc tế về Quản lý Môi trường (ICEM) trình lên MRC báo cáo cuối cùng “ Đánh giá Môi trường chiến lược về thủy điện dòng chính sông Mê Kông”. Báo cáo này đã đánh giá sâu sắc về tác động của các dự án thủy điện đến tổng thể môi trường của con sông, đưa ra khuyến nghị đối với các nước thành viên trong trường hợp quyết định tiến hành các dự án phát triển thủy điện. Sau báo cáo này, Trung tâm nghiên cứu, đào tạo quản lý môi trường và tài nguyên ở Chiang Rai Thái Lan đã có báo cáo “ Nghiên cứu tác động của việc phát triển thủy điện đến kinh tế, môi trường và xã hội ở hạ lưu Mêkông” nhằm bổ sung và làm rõ thêm một số vấn đề nổi bật trong chương trình phát triển lưu vực giai đoạn 2 (BDP2) của MRC.  Gần đây, chính phủ Việt Nam đã thuê cơ quan tư vấn DHI (Đan Mach) nghiên cứu, xây dựng báo cáo đánh giá tác động của thủy điện dòng chính sông Mê Kông  liên quan đến một số vùng lãnh thổ thuộc Việt Nam và Capuchia.

Khác biệt trong các báo cáo SEA thủy điện dòng chính từ góc nhìn nghiên cứu

“Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mêkông” đã được Ủy ban Sông Mekong Việt Nam (VNMC) cùng đơn vị tư vấn trình bày tại phiên hội thảo đặc biệt trong khuôn khổ Diễn đàn Nước, Lương thực và Năng lượng tiểu vùng Mêkông mở rộng tại Phnôm Pênh (Campuchia) từ 21 đến 23-10-2015. Nghiên cứu này dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2015 và báo cáo cuối cùng sẽ được đưa ra tham vấn rộng rãi trong thời gian gần nhất.

Từ nhận định của VNMC và cơ quan tư vấn DHI (Đan Mach) trong dự thảo báo cáo, có thể thấy: Nghiên cứu được thực hiện trên không gian 10,5 triệu héc ta thuộc 13 tỉnh, thành của Việt Nam và 14 tỉnh, thành của Campuchia; kéo dài từ Kratie (cách Phnompenh về phía thượng lưu gần 300 km) cho đến các vùng cửa biển thuộc ĐBSCL. Trong đó, phần lãnh thổ ĐBSCL được trải rộng trên diện tích hơn 3,9 triệu héc ta. Với việc đánh giá đơn lẻ 11 công trình thủy điện dự kiến xây dựng trên dòng chính, nhóm nghiên cứu bỏ qua tác động tổng hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng để đưa ra một nguồn tư liệu rất phong phú. Qua đó có thể rút ra, so với điều kiện cơ sở (baseline), ảnh hưởng của 11 con đập trên dòng chính Mêkông đến mực nước của ĐBSCL không đáng kể (khoảng 2 cm); thậm chí trong điều kiện đập thủy điện Sambor ở Campuchia bị vỡ ,thì đỉnh lũ tại ĐBSCL cũng chỉ lên tới 0,4 mét. Cùng với mức ngập nước này, tác động do thay đổi độ mặn tại ĐBSCL cũng chỉ trên dưới 1g/l.

Từ những nhận định nêu ra, báo cáo dự thảo nêu ra kết luận chính trên các măt:
(1). Về lưu lượng nước có tác động vừa phải, trừ khi xảy ra vỡ đập tức thời;
(2). Có một số thay đổi chỉ số xâm nhập mặn tùy thuộc vào việc vận hành đập thủy điện;
(3). Di chuyển trầm tích, chủ yếu là phù sa, có tác động đáng kể bởi suy giảm nồng độ và hạ thấp mức độ bồi lắng do lũ lụt;
(4). Chất lượng nước với hàm lượng các chất dinh dưỡng bị giảm đáng kể;
 (5). Trầm tích ven biển suy giảm chủ yếu diễn ra tại các vùng phụ cận cửa sông

"Nhìn tổng thể, kết luận được đưa ra khiến người đọc cảm thấy những tác động của thủy điện trên dòng chính sông Mê Công không đáng kể, không nghiêm trọng như từng được đánh giá trước đây"

Kết luận đưa ra dường như ngược với nhận định do ICEM đưa ra năm 2010. Báo cáo SEA thủy điện dòng chính Mekong của tổ chức ICEM từng chỉ ra; các công trình thủy điện trên dòng chính gây tác động mạnh đến dòng chảy và chế độ lũ, phù sa bùn cát và dinh dưỡng, xâm ngập mặn; từ đó tác động đến cả sáu lĩnh vực có liên quan như: Thủy sản, đa dạng sinh học, giao thông thủy, nông nghiệp, sinh kế và kinh tế. Báo cáo lưu ý; mặc dù năm có mực nước trung bình, các đập thủy điện dòng chính gây tác động ở mức thấp; nhưng chế độ vận hành phủ đỉnh hàng ngày và tích nước trong mùa khô của các con đập có thể gây ảnh hưởng từ lớn đến nghiêm trọng đến chế độ dòng chảy; tổng lượng phù sa bùn cát và dinh dưỡng bị giảm tới 65% tại Kratie và Tân Châu - Châu Đốc;  dẫn đến giảm mạnh năng suất sinh học và sản lượng nông nghiệp, gia tăng xói lở và ảnh hưởng đến việc bồi lắng phù sa ở các vùng ven sông và ven biển. Ngoài ra, xâm ngập mặn sẽ gia tăng ở hầu hết các vùng ven biển (ICEM 2010).

Điều quan trọng là, các đập thủy điện trên dòng chính tác động rất lớn đến các loài cá trắng di cư xa; ước tính tới 74% sản lượng của 10 loài cá có giá trị kinh tế lớn sẽ bị cản trở di cư hoàn toàn. Nhìn chung, các đập thủy điện gây sụt giảm mạnh sản lượng đánh bắt thủy sản (tới 50% ở cả Việt Nam và Campuchia). Tổn thất này gây tác động bất lợi đến an ninh lương thực, sinh kế, phúc lợi xã hội và kinh tế của phần lớn người dân sống trong các vùng đồng bằng ngập lũ ở Campuchia và ĐBSCL của Việt Nam.

Báo cáo SEA năm 2010 ghi nhận, tác động bất lợi của các đập thủy điện lên sản xuất nông nghiệp ở mức đáng kể; đối với sinh kế của người dân trong vùng chịu tác động lớn do gia tăng xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL. Nhiều tổ chức đã nhấn mạnh khi đưa ra khuyến cáo, phát triển thủy điện trên dòng chính ở hạ lưu vực sông Mekong có thể gây tổn thất lâu dài và không thể phục hồi được đối với vùng đồng bằng ngập lũ, tác động xấu đến đời sống của hàng triệu người dân, từ đó tạo ra gánh nặng lên các nền kinh tế địa phương và khu vực.

Với những nhận định đưa ra, nhóm tư vấn DHI cho rằng, tác động của việc xây dựng 11đập thủy điện trên dòng chính lên khu vực châu thổ sông Mekong là không đáng kể. Đối với  ngành thủy sản, tổng sụt giảm sản lượng cá của đồng bằng sông Mê Kông, vùng đồng bằng ngập nước của Campuchia và Tonle Sap lần lượt chỉ là 1.206 tấn, 2.572 tấn và 56 tấn; mức tổn thất các loài thủy sinh khác “cũng không lớn”, lần lượt chỉ là 227 tấn, 462 tấn và 10,5 tấn đồng nghĩa với không có thay đổi lớn về sản lượng thủy sản đánh bắt…Đây là điểm rất khác biệt so với nhận định của MRC, báo cáo SEA 2010 của ICEM và báo cáo mới đây của Trung tâm nghiên cứu, đào tạo quản lý môi trường và tài nguyên ở Chiang Rai Thái Lan

Báo cáo “ Nghiên cứu tác động của việc phát triển thủy điện đến kinh tế , môi trường và xã hội hạ lưu sông Mekong” do Trung tâm nghiên cứu, đào tạo quản lý môi trường và tài nguyên Chiang Rai Thái Lan công bố tháng 11 năm 2015; được xây dựng trên cơ sở hiệu chỉnh và chắt lọc từ “Phương hướng hoạch định việc phát triển nguồn tài nguyên nước ở hạ lưu sông Mekong” do Đại học bang Portland và Đại học MacFaluang, Chiang Rai thực hiện dựa trên dữ liệu đánh giá các kịch bản phát triển lưu vực sông Mekong-chương trình phát triển lưu vực giai đoạn 2 (BDP2) của MRC công bố vào tháng 10 năm 2011.

Từ nhận định, các dự án thủy điện đề xuất xây dựng trên sông Mekong và các dòng nhánh sẽ ngăn chặn lộ trình di cư của cá, thay đổi khu vực ngập lụt, thay đổi các dòng chảy mang phù sa dinh dưỡng và giảm sảm lượng đánh bắt thủy sản; với việc thay đổi một số giả định chính trong kế hoạch BDP2 nhằm đảm bảo tính khả thi về mặt kinh tế của các dự án thủy điện (như tỉ lệ giảm giá đối với nguồn lợi tự nhiên, giá cả, được tính toán theo giá trị hiện tại), công trình nghiên cứu của Đại học Portland và Mac Faluang Chiang Rai đã rút ra, về mặt kinh tế của các dự án thủy điện xây dựng trên dòng chính đã chuyển từ dương sang âm. Đặc biệt báo cáo của tổ chức này đã làm nổi bật những rủi ro môi trường, xã hội và tính không chắc chắn về kinh tế của các đập trên dòng sông chính.

Tập trung vào chỉnh sửa bộ giả định và việc tính toán theo giá trị hiện tại(NPV), báo cáo của Trung tâm nghiên cứu, đào tạo quản lý môi trường và tài nguyên Chiang Rai đã rút ra, các dự án thủy điện xây dựng trên dòng sông chính không mang lại lợi ích kinh tế. Với giả định lợi nhuận thủy điện được chia 30% cho nước chủ nhà và 70% cho nước đầu tư dự án và nhập khẩu điện trong 25 năm, báo cáo đã chỉ ra, Thái Lan và Lào là nước được hưởng lợi, còn Campuchia và Việt Nam phải trả giá đắt cho việc phát triển thủy điện. Điều dễ nhận thấy là, các nhà phát triển và nhâp khẩu điện được hưởng lợi, trong khi cộng đồng ngư dân, nông dân, nông thôn nghèo phải gánh chịu hậu quả nặng nề  (Apisom Intralawan et al 2015).
Phân tích tiềm năng thủy sản của lưu vực khi xây dựng các đập thủy điện dòng chính, các nhà nghiên cứu cho rằng, công suất và diện tích của các hồ chứa nước thủy điện tăng lên nước trong điều kiện yếm khí sẽ làm mất đi nhiều loài thủy sinh vật. Mặt khác, các vùng nước tù đọng cũng góp phần tạo sự thiếu hụt oxy; phần lớn sản lượng nuôi trồng thủy sản hồ chứa phụ thuộc vào lượng thủy sản đánh bắt để làm thức ăn và chi phí nuôi trồng lớn hơn nhiều lần so với đánh bắt.
Nghiên cứu tổng quan lượng cá di cư với giả định không còn khi hoàn thành xây dựng 11 con đập, dựa vào tính toán của BDP2, A. Intralawan và cộng sự ước tính tổng sản lượng thủy sản đánh bắt bị mất đi chừng 58 vạn tấn/năm. Trong đó, nước tổn thất lớn nhất là Campuchia (34 vạn tấn/năm) tiếp sau là Việt Nam (14 vạn tấn/năm).

25% đất hạ lưu Mekong được xếp vào nhóm ngập nước, diện tích này bao gồm rừng, đầm lầy và thảm cỏ bị ngập nước trong suốt mùa mưa. Thực hiện kịch bản 11 đập, vùng thấp ở Lào và Campuchia được xây dựng sẽ gia tăng đáng kể diện tích ngập nước dẫn đến nhiều tổn thất. Kết quả tính toán kinh tế theo giá trị thực (NPV) của nhóm nghiên cứu cho thấy: Đối với phương án xây dựng 6 đập, sản lượng đánh bắt thủy sản hàng năm bị mất 58% lượng cá; thủy sản hồ chưa hàng năm thu được 2,7tỷ USD trong khi tổn thất thủy sản đánh bắt lên tới  27 tỷ USD (cao gấp 10 lần), tổn hao đất ngập nước lên tới 1,5 tỷ USD, lượng phù sa dinh dưỡng khoảng 2,7 tỷ USD và tổn thất văn hóa xã hội chừng 0,8 tỷ USD. Tổng hợp lợi ích và tổn thất của phương án xây dưng 6 đập cho phép rút ra tổng lợi ích mang lại có mức âm 2,4 tỷ USD. Đối với phương án xây dựng 11 đập, lợi ích tổng thể mang lại có mức âm 21,8 tỷ USD. Trong đó, Lào hưởng lợi 3,4tỷ USD; Campuchia chịu tổn thất nặng nề nhất âm 26,4 tỷ USD và Việt Nam âm 9,8 tỷ USD  (Apisom Intralawan et al 2015).

Cùng với lợi ích kinh tế không có, báo cáo điều chỉnh cũng rút ra nhiều bất cập về môi trường và xã hội thể hiện ở hệ sinh thái, dòng chảy phù sa, chất dinh dưỡng và tác động xã hội bất lợi. Các nhà phân tích nhìn nhận, dịch vụ sinh thái sông Mekong rất đa dạng, bao gồm những dịch vụ cung ứng ( thủy sản, thủy sinh vật, cung cấp nước ngọt cho sinh hoạt và tưới tiêu), điều tiết (kiểm soát xói lở, ổn định 2 bên bờ sông), hỗ trợ ( đất đai, chu kỳ dinh dưỡng, cung cấp môi trường sống) và các dịch vụ văn hóa cần được đánh giá, tạo sự minh bạch nhằm đạt được sự cân bằng tối ưu về xã hội và phân phối hiệu quả sản phẩm và dịch vụ công.

Với lượng phù sa ước tính từ 160 đến 165 triệu tấn, hằng  năm dòng chảy Mekong đã cung cấp trên 26.000 tấn phosphate cho vùng đất đồng bằng. Việc xây dựng những con đập chặn dòng chảy sẽ làm giảm từ 56 đên 84% tổng lượng phù sa tích tụ dẫn đến sự thay đổi rất lớn về sinh thái cốt lõi của các đồng bằng; đặc biệt là đồng bằng Cửu Long, nơi phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung cấp phù sa để duy trì địa hình ven biển và giữ cân bằng độ sụt lún. Theo Anthony, xói lở đang ảnh hưởng lớn đến vùng bãi bùn ven biển Đông, làm tổn thương trầm trọng hơn vùng đồng bằng là những mối đe dọa đến sự an toàn và đời sống của nông dân và ngư dân (Apisom Intralawan et al 2015).

Báo cáo chỉnh sửa và bổ sung cho chương trình kế hoạch phát triển lưu vực BDP2 nhấn mạnh, việc xây dựng các công trình thủy điện trên sông chính và những dòng nhánh là mối đe dọa tiềm tàng đến an ninh lương thực và sinh kế của hơn 30 triệu dân, bởi sinh kế của họ phụ thuộc hoàn toàn vào tình trạng nguyên vẹn của hệ sinh thái dòng sông. Ngoài ra, những tác động kinh tế về văn hóa xã hội chưa được tính đến trong BDP2 cũng cần được bổ sung với chi phí từ 5% đến 12 % vốn đầu tư thực hiện các dự án.

Phân tích rủi ro có thể mang lại, báo cáo bổ sung chỉnh sửa BDP2 cho rằng, nếu không có giải pháp giảm thiểu có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt đáng kể nguồn thực phẩm đặc biệt đối với đồng bằng Cửu Long, đồng bằng này cung cấp đến 50% lương thực cho Việt Nam, chiếm gần 90% sản lượng lúa gạo và 60% lượng hải sản xuất khẩu của Việt Nam (Apisom Intralawan et al 2015).
Từ kết quả nghiên cứu bổ sung chỉnh sửa BDP2 lưu ý đến đánh giá thủy điện, chi phí tác động xã hội , phù sa dưỡng chất và nhất là tác động của lượng thủy sản đánh bắt bị mất đi quá lớn; trên cơ sở rủi ro có thể gặp phải, các nhà nghiên cứu đề xuất: Cần tiếp tục xem xét việc thực hiện chi trả cho các dịch vụ sinh thái đối với các quốc gia thuộc khu vực hạ lưu;Đánh giá độ rủi ro toàn diện bằng việc yêu cầu các nhà phát triển đập thủy điện công bố phiếu bảo hiểm thu hồi đủ lớn nhằm chi trả những thiệt hại xảy ra; Yêu cầu mọi dự án phát triển thủy điện (bao gồm toàn bộ chi phí và lợi nhuận) phải có giải pháp giảm thiểu  nhằm bảo tồn môi trường và phát triển xã hội.

Nhìn nhận từ góc độ nghiên cứu quản lý và kiến giải của người dân địa phương

Phân tích báo cáo“Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mêkông” do Ủy ban Sông Mêkông Việt Nam (VNMC) cùng tổ chức tư vấn DHI (Đan Mạch) trình bày tại tại nhiều Hội thảo gần đây, các nhà khoa học trong, ngoài nước đã có nhiều ý kiến  không đồng tình.
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội), người đã nhiều năm chủ trì Chương trình nghiên cứu cấp nhà nước về điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long cho biết, ông nhận thấy còn rất nhiều vấn đề trong báo cáo cần được trao đổi, làm rõ; bởi mức độ tin cậy của các kết quả nghiên cứu thể hiện không cao. Cho dù việc lựa chọn nhà tư vấn, thực hiện nghiên cứu đã được đấu thầu quốc tế nhưng với chất lượng này, kết quả của Báo cáo là “một kết luận nguy hiểm”. Nguy hiểm bởi nó liên quan đến môi trường, sản xuất nông nghiệp và thủy sản, đời sống của gần 18 triệu người dân ở đồng bằng sông Cửu Long. Mặt khác, đây là dự án giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường thay mặt Chính phủ là chủ đầu tư quản lý và Ủy ban sông Mekong Việt Nam điều hành. Kết luận của dự án nếu được công bố ra quốc tế gián tiếp có thể  hiểu là Chính phủ Việt Nam đồng tình với việc xây dựng cả 11 đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong (Lê Văn 2015)      
Đồng tình với nhận định của GS Trân, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ) nhận thấy, báo cáo chưa có dẫn liệu về các đập thủy điện phía thượng nguồn của Trung Quốc, điều này dẫn đến khó dự đoán được việc xả nước về hạ lưu. Theo ông, hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng là nhân tố quan trọng ảnh hưởng lớn đến sự thay đổi nguồn nước, song các nhà tư vấn đã bỏ qua nhân tố này trong tính toán. Về số liệu đầu vào của công trình, PGS Tuấn cho rằng, nhiều số liệu cũ, không đúng với thực tế và những công trình nghiên cứu gần đây. Đặc biệt dẫn liệu về bùn cát cho tính toán đầu vào chưa đồng nhất với báo cáo của các tác giả khác. Do số liệu cũ (năm 2008) không chuẩn xác và có sự khác biệt dẫn đến kết quả đưa ra thiếu khách quan dễ dẫn đến sai lệch trong kết luận về đánh giá tác động (ĐứcTuyên 2015) .
Nhìn nhận tính đa dạng sinh học; chuyên gia sinh học, môi trường khu vực ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, về nông nghiệp nghiên cứu này chỉ mới xem xét đến ảnh hưởng của giảm lượng phù sa, dinh dưỡng đối với cây lúa và bắp mà không tính đến các loại cây màu và vườn cây ăn trái....Phân tích sâu hơn, ông còn chỉ ra, nghiên cứu của nhóm chuyên gia bị hạn hẹp, thiếu xem xét tác động toàn cảnh và đơn giản hóa vấn đề. Ông cho rằng, bản thân khung nghiên cứu chung đã không chặt chẽ, nhiều mối liên hệ bị bỏ sót; những nghiên cứu theo từng tiểu nhóm, không kết nối với nhau; được tiến hành bởi các chuyên gia thiếu am hiểu sâu sắc về ĐBSCL với phương pháp chủ yếu là chạy mô hình máy tính, dựa trên kịch bản giả định về sự vận hành các đập thủy điện, do đó, kết quả nghiên cứu chắc chắn sẽ khác rất nhiều so với thực tế (Lê Văn 2015).
Riêng về thủy sản, kết luận các đập thủy điện làm giảm nguồn cá tự nhiên mới đề cập đến cá trắng mà chưa quan tâm đến các loài cá đen. Nhận xét chung, TS Tô Vân Trường cho rằng, nhiều lĩnh vực báo cáo chưa đánh giá định lượng chắc chắn như đa dạng sinh học, bồi lấp, xói lở...Cố vấn Ủy ban sông Mekong Campuchia, TS SoKhem Peeh có nhận xét, số liệu nghiên cứu có sự mâu thuẫn với những nghiên cứu mới nhất thể hiện chưa đúng với thực tiễn diễn ra (ĐứcTuyên 2015).
Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia tư vấn DHI dựa vào phương pháp mô hình hóa để tính toán và dự báo. Mô hình toán học là sản phẩm của con người, kết quả phản ánh chính xác thực tế hay không lại tùy thuộc vào khả năng, trình độ của người thiết lập mô hình; mức độ có sẵn, tính đồng nhất, liên tục và chính xác của số liệu đưa vào mô hình. Các mô hình toán đều có sai số, song vấn đề là sai số ở mức độ chấp nhận được hay không lại phụ thuộc vào điều kiện cụ thể.Thông thường, khi có kết quả chạy thử mô hình, người ta cần có thời gian khảo sát đo đạc thực tế tại hiện trường để so sánh và hiệu chỉnh mô hình. Điều đáng tiếc của nghiên cứu này là số liệu được thu thập tại nhiều địa điểm khác hẳn nhau, vào những thời điểm khác nhau và sử dụng những phương pháp khác nhau; thiếu số liệu thô hoặc ít số liệu được phân tích dựa trên quy trình đảm bảo chất lượng  và nhiều số liệu quá cũ...
MRC đã đề nghị Lào và Campuchia tạm hoãn việc đầu tư dự án thủy điện trên dòng chính sông Mekong trong vòng 10 năm để có những đánh giá thấu đáo hơn, Người dân sống ở hạ lưu Mekong rất chờ đợi và hy vọng vào kết quả “Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mêkông” do tổ chức tư vấn DHI (Đan Mạch) thực hiện; coi đó như lời giải khoa học chính thức đối với vấn đề tác động của công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong. Tuy nhiên, dự thảo báo cáo được công bố đã mang lại nỗi thất vọng trong giới nghiên cứu và cộng đồng dân cư sống ở ven bờ hạ lưu.
Cuối tháng 09 năm 2015, đại diện cộng đồng dân cư đến từ lưu vực sông thuộc các nước Campuchia, Thái Lan và Việt Nam đã họp mặt tại Thái Lan để bày tỏ mối quan ngại về các dự án thủy điện dòng chính Mê Kông. Tại cuộc họp này, đại diện cộng đồng đã đưa ra tuyên bố chung gửi đến Chính phủ các nước thuộc lưu vực sông Mê Công
Tuyên bố bày tỏ, là những người dân thuộc vùng hạ lưu vực sông Mê Công, sống phụ thuộc vào hệ sinh thái được kiến tạo bởi sông Mê Công và nhiều sông, hồ khác trong lưu vực như Biển Hồ Tonle Sap, sông Sê San và đồng bằng sông Cửu Long. Sông, hồ và dòng chảy tự nhiên là nguồn cung cấp thực phẩm, đem lại sức khỏe, sinh kế, văn hóa và nguồn thu nhập cho người dân. Nguồn nước và các nguồn tài nguyên khác của lưu vực Mê Công đã đảm bảo cuộc sống và nền kinh tế từ nhiều đời nay.
Đập thuy điện xây dựng trên dòng chính sông Mê Công và những dòng sông khác gây nhiều thay đổi hệ sinh thái khu vực; đe dọa cuộc sống, sinh kế và kinh tế tại hạ lưu vực. Trong đó, người dân tộc thiểu số, phụ nữ và trẻ em là những đối tương bị tác động và ảnh hưởng nặng nề nhất. Đập thủy điện dòng chính cũng là tác nhân khiến biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng hơn. Những con đập gây tác động ảnh hưởng bao gồm Pak Mun, Yali, Nam Theun 2, Theun-Hinboun, Xayaburi.. và nhất là những đập xây dựng trên sông Lan Thương ở thượng nguồn thuộc lãnh thổ Trung Quốc.
Đối mặt trực tiếp với tác động bất lợi không ngừng tăng lên của các dự án thủy điện; cộng đồng cư dân lưu vực hạ lưu đã bày tỏ môi quan ngại và cho rằng đã đến lúc Chính phủ các nước cần lắng nghe tiếng nói và tôn trọng quyền quyết định đối với tương lai của các dòng sông và cuộc sống của người dân, họ thiết tha đề nghị không nên tiếp tục xây dựng những con đập thủy điện trên dòng sông này ( VRN 2015).
Thay lời kết luận
Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (SEA) của việc phát triển các dự án thủy điện trên dòng chính Mêkông do MRC hợp tác với ICEM thực hiện, công bố tháng 10-2010 ghi nhận, việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính Mêkông gây tác động xuyên biên giới và làm gia tăng căng thẳng quốc tế do tác động nghiêm trọng đến tính thống nhất và đa dạng của hệ sinh thái mà không thể đảo ngược, làm suy giảm trầm tích và chất dinh dưỡng trong nguồn nước, làm giảm năng suất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, đe dọa an ninh lương thực và sinh kế của hàng triệu người.Việc phát triển các dự án thủy điện trên dòng chính sẽ gây tổn thất vĩnh viễn và không thể đảo ngược các tài sản về kinh tế, xã hội và môi trường. Trong những khuyến nghị đưa ra , Báo cáo SEA 2010 đã nhấn mạnh 2 nội dung quan trọng đó là:
·        “Các quyết định về việc xây dựng đập trên dòng chính Mêkông nên được hoãn lại trong khoảng thời gian 10 năm với chu kỳ đánh giá ba năm một lần để đảm bảo rằng các hoạt động cần thiết trong thời kỳ trì hoãn này đang được tiến hành một cách hiệu quả”.
·         “Dòng chính Mêkông không bao giờ được sử dụng như là một trường hợp thử nghiệm để chứng minh và hoàn thiện công nghệ về thủy điện”.
MRC đã đề nghị Lào và Campuchia tạm hoãn việc đầu tư dự án thủy điện trên dòng chính sông Mekong trong vòng 10 năm để có những đánh giá thấu đáo hơn.
Giới khoa học môi trường và cư dân sống ở hạ lưu Mekong đang mang kỳ vọng từ kết quả “Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mêkông” , coi đó là câu trả lời chính thức của các tổ chức nghiên cứu,tư vấn đối với vấn đề thủy điện trên dòng chính sông Mekong. Hy vọng với tâm huyết và việc làm khách quan của các nhà khoa học, cộng đồng dân cư lưu vực sẽ được đón nhận những kết luận trung thực và khách quan hơn từ giới nghiên cứu và các nhà khoa học./.

Tác giả: Ts Lê Thành Ý - Viện nghiên cứu Phát triển nông thôn và cộng đồng IDRC