Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Đập thủy điện và số phận sông Mekong

  |   Viết bởi : Trích dẫn tại: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ScienceAndEnvironment/fate-of-mekong-river-06292014060522.html

Hội đồng Ủy hội Sông Mê kong- Mekong River Commission- MRC, vào ngày 26 tháng 6 tiến hành kỳ họp lần thứ 20 tại thủ đô Bangkok, Thái Lan. Chương trình ...

Hội đồng Ủy hội Sông Mê kong- Mekong River Commission- MRC, vào ngày 26 tháng 6 tiến hành kỳ họp lần thứ 20 tại thủ đô Bangkok, Thái Lan.

Chương trình nghị sự được nhiều giới quan tâm theo dõi là vấn đề Lào tiến hành xây dựng thêm một đập thủy điện trên Sông Mê kong là đập Don Sahong, sau đập Xayaburi.

Diễn tiến xoay quanh vấn đề này là đề tài chuyên mục Khoa học- Môi trường hôm  nay.

Kêu gọi

Một tuần trước khi diễn ra cuộc họp như vừa nêu, tổ chức bảo vệ thiên nhiên WWF ra thông cáo báo chí cảnh báo thời gian không còn nhiều nữa để buộc phải dừng hai dự án xây đập thủy điện gây nhiều tranh cãi của Lào gần đây là Xayaburi và Don Sahong.

WWF nhắc nhở chính phủ của bốn quốc gia thuộc Ủy hội Sông Mê kong là Lào, Kampuchia, Thái Lan và Việt Nam phải cùng nhau bàn luận những mối đe dọa đối với an ninh lương thực và con người từ kế hoạch đề nghị triển khai một chuỗi bậc thang 11 đập trên dòng chính Sông Mê kong đoạn đi qua những nước này.

Ông Marc Goichot, chuyên gia về thủy điện và phát triển bền vững lưu vực sông, phát biểu với Đài Á Châu Tự Do:

Vẫn có thể ngưng dự án lại và tìm cách bồi thường, xây dựng ở nơi khác. Đến tháng 2 sang năm sẽ thấy rõ tác động, đã đến lúc khẩn cấp phải hành động rồi.

WWF nói rõ không thể vì quyền lợi riêng mà gây cản trở hợp tác và quản trị chung một trong những dòng sông lớn nhất thế giới, đó là Sông Mê kong.

Theo chuyên gia Marc Goichot của WWF thì Lào khi xúc tiến thử nghiệm xây đập trên dòng chính Sông Mê kong cho rằng mọi nguy cơ xuất phát từ dự án có thể sẽ được giải quyết trong tiến trình xây dựng.

Tuy nhiên theo WWF cần phải ngưng triển khai trong vòng 10 năm các dự án thủy điện được đưa ra như thế. Đó là khoản thời gian cần thiết nhằm có thể thu thập đầy đủ dữ liệu thiết yếu. Sau khi có được những dữ liệu như thế rồi sẽ bắt đầu tiến hành phân tích khoa học rồi mới có được quyết định đúng đắn.

Tại Thái Lan, chỉ hai ngày trước khi cuộc họp MRC diễn ra, Tòa Hành chính Tối cao Thái Lan ra phán quyết về đơn của những người dân Thái sống dọc Sông Mê kong đệ nạp từ năm 2012 phản đối dự án đập Xayaburi.

Bà Ngụy Thị Khanh, chuyên gia thuộc Mạng lưới Sông Ngòi Việt Nam và tổ chức môi trường GreenID, cho rằng đây là một kết quả của các nhóm xã hội dân sự trong việc đấu tranh duy trì tính bền vững cho dòng song:

Một tin vui là Tòa án Hành chính Tối cao của Thái Lan đã xem xét đơn kiện của nông dân Thái Lan về tác động của thủy điện. Và cho rằng việc ký mua điện ( từ đập thủy điện bên Lào) là vi hiến. Đó là một nổ lực rất quan trọng của các tổ chức, các liên minh.

Một ngày trước khi Hội đồng MRC họp ở Bangkok, Liên minh Cứu Sông Mê Kong cũng ra thông cáo báo chí.  Liên minh này cũng đồng quan điểm với WWF là cần phải bảo đảm những quyết định đưa ra trong tương lai liên quan đến dòng sông chung Mekong phải được căn cứ trên những kiến thức khoa học, phải có đánh giá những tác động xuyên biên giới, phải có tư vấn tích cực, phải tôn trọng quyền của những quốc gia khác cũng như công chúng thông qua một qui trình ra quyết định minh bạch và có sự tham dự của nhiều phía.

 

Vị trí đập Xayaburi trên sông Mê Kong

Vị trí đập Xayaburi trên sông Mê Kong

Theo ông Youk Senglong của Nhóm Liên minh Hành động Ngư nghiệp Kampuchia thì đã đến lúc lãnh đạo của những quốc gia tiểu vùng Mekong nhận thấy mức độ nghiêm trọng của  tình hình và có hành động. Hằng trăm ngàn người dân trong khu vực cũng như khắp nơi trên thế giới lâu nay tiến hành kiến nghị, gửi thư cũng như biểu tình yêu cầu phải dừng những dự án xây đập thủy điện trên dòng chính hạ lưu sông Mê kong. Những con đập như thế đang đánh cược với an ninh lương thực vì chúng gây hại không thể nào đảo ngược lại được đối với đường di cư của cá, chặn phù sa bồi lắng cần thiết cho những cánh đồng lương thực.

Kết quả cuộc họp

Cuộc họp lần thức 20 của Hội đồng Ủy hội Sông Mê Kong kết thúc với kết quả được cho biết là phía Lào đồng ý theo qui trình làm việc là chuyển từ phương thức ‘thông báo’ sang ‘tiền tư vấn đối với dự án đập thủy điện Don Sahong.

Trước đây Lào chỉ đồng ý thông báo cho các nước thành viên Ủy hội Sông Mê kong về diễn tiến phát triển đập thủy điện này mà thôi.

Bà Ngụy Thị Khanh đưa ra đánh giá về kết quả của cuộc họp Hội đồng Ủy hội Sông Mê kong vào ngày 26 tháng 6 vừa qua như sau:

Theo ông Youk Senglong của Nhóm Liên minh Hành động Ngư nghiệp Kampuchia thì đã đến lúc lãnh đạo của những quốc gia tiểu vùng Mekong nhận thấy mức độ nghiêm trọng của tình hình và có hành động...Những con đập như thế đang đánh cược với an ninh lương thực vì chúng gây hại không thể nào đảo ngược lại được

Kết quả cuộc họp là Lào đồng ý tiến hành tham vấn dự án thủy điện Don Sahong. Chúng tôi nghĩ đó cũng là một bước tiến trong việc Lào đã xem xét và tuân thủ theo Hiệp định Mekong 95; tuy nhiên họ vẫn tuyên bố tiến hành dự án này theo cách bền vững.

Chúng tôi thấy như vậy cũng chưa được, vì chưa tiến hành xong việc tham vấn thỏa thuận, rồi mới xây dựng. Chứ làm song song hai việc như vậy là không đúng theo tinh thần của hiệp định.

Kết quả chỉ đạt bước ban đầu thôi, điều cần thiết là phải dừng các hoạt động xây dựng và tiến hành tham vấn triệt để nhằm thực sự nghe và xem xét những vấn đề của tác động.

Đánh giá

Chuyên gia Marc Goichot thuộc tổ chức WWP đưa ra đánh giá về nhận thức của các nước đối với tình trạng Lào tiến hành xây đập thủy điện trên dòng chính Sông Mê kong chảy qua địa phận của nước này:

Có nhận biết về những tác động tiềm tàng của đập Xayaburi trên trên dòng chính Sông Mekong đối với những nước hạ lưu và đặc biệt đối với vùng đồng bằng của Việt Nam. Khi dự án đập thủy điện đầu tiên được đề nghị trên dòng chính phần hạ lưu song Mekong, có một số nghiên cứu, đánh giá đã được tiến hành do Ủy ban Sông Mekong thực hiện, đặc biệt đánh giá chiến lược đối với những đập trên dòng chính con sông do ASEAN thực hiện cho Ủy hội. Nghiên cứu xem xét đến những điều có thể nhận thấy và những điều chưa thể nhận thấy.

Theo ông này thì tình trạng không có đũ dữ liệu, không có đủ hiểu biết chắc chắn dẫn đến không thể có được những quyết định khôn ngoan khi hoạch định ra những dự án thủy điện. Và đã có những kêu gọi từ chính quyền Việt Nam và Kampuchi từ năm 2011 phải hoãn dự án đó lại cho đến khi những khoảng trống như thế không còn nữa.

Ông cũng nhấn mạnh rằng hiện có hiểu nhầm về tiến trình phê chuẩn tham vấn của Ủy hội Sông Mê kong theo như đòi hỏi của thỏa thuận hồi năm 1995.  Quốc gia đưa ra dự án mà gây hại cho nước phía dưới phải đạt được thỏa thuận về vấn đề việc triển khai thực hiện dự án. Trong trường hợp của đập Xayaburi, dự án đập thủy điện đầu tiên trên dòng chính hạ lưu sông Mê kong, các quốc gia bất đồng về qui trình. Việt Nam và Kampuchia yêu cầu phải hoãn lại và tiến hành nghiên cứu thêm nữa. Chính phủ Lào, nước phát triển dự án và Thái Lan là nước đồng hổ trợ dự án qua các ngân hàng cho vay tại Thái đề nghị tiến hành dự án và cho rằng đã hoàn thành tiến trình tư vấn. Các nước vẫn bất đồng về điều này, và Việt Nam nói cần có thêm dữ liệu.

Tới đây Mạng lưới Sông Ngòi Việt Nam và trung tâm của chúng tôi sẽ tiến hành những hoạt động thúc đẩy để quá trình tham vấn được diễn ra đảm bảo các bên liên quan phải có tiếng nói trong quá trình ra quyết định. Đồng thời kiên trì những vận động cho việc dừng việc xây dựng - bà Ngụy Thị Khanh

Cần lên tiếng và hành động

Trước những đổi thay đã được ghi nhận tại khu vực đồng bằng nằm cuối Sông Mê kong thuộc Việt Nam hay còn gọi là Đồng bằng Sông Cửu Long mà nguyên nhân được nói chủ yếu do các đập trên dòng chính của sông Mekon ở phía trên gây ra, ông Marc Goichot của WWF cho rằng chính phủ Việt Nam và các cộng đồng dân cư tại đó phải lên tiếng mạnh mẽ. Ông nói:

Cộng đồng người Việt tại Đồng bằng Sông Cửu Long đang phải sinh sống trong điều kiện rất khó khăn vì lệ thuộc vào nhiều nguồn khác nhau, vào một hệ sinh thái rất dễ thương tổn và vì những đổi thay trên thượng nguồn; cũng có một số thay đổi từ phía hạ nguồn nhưng chủ yếu là từ thượng nguồn.

Theo ông Marc Goichot, các nhà khoa học có thể giúp cho người dân tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nhận ra vấn đề, nhưng một cách chính thức các cộng đồng và chính quyền tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long phải lên tiếng về tình trạng báo động, phải giải thích với chính phủ Lào sao cho họ hiểu những tác động của dự án xây đập trên dòng chính con sông và nếu thực hiện phải đáp ứng đầy đủ những yêu cầu cần thiết.

Ông Marc Goichot nói tiếp:

Quan trọng cần phải thấy rõ tác động của dự án rồi có quyết định đúng đắn. Về lâu về dài cần phải mang lại lợi ích cho tất cả mọi người Theo tôi điều này có thể; tuy nhiên con người cần phải hành động. Tất cả mọi thành phần trong xã hội cần có được cơ hội tham gia xẻ chia và bảo vệ nguồn lợi, và phát triển cơ sở hạ tầng.

Đối với những tổ chức như Mạng lưới Sông Ngỏi Việt Nam, hay GreenID cùng tham gia trong Liên minh Cứu Sông Mê Kong thì bà Ngụy Thị Khanh cho biết họ sẽ tiếp tục kiên trì những hoạt động lâu nay:

Liên Minh Cứu Sông Mê kong sẽ theo dõi sát tiến trình của Ủy hội Sông Mê kong và tiếp tục những tuyên bố đình các hoạt động xây dựng. Tới đây Mạng lưới Sông Ngòi Việt Nam và trung tâm của chúng tôi sẽ tiến hành những hoạt động thúc đẩy để quá trình tham vấn được diễn ra đảm bảo các bên liên quan phải có tiếng nói trong quá trình ra quyết định. Đồng thời kiên trì những vận động cho việc dừng việc xây dựng. Và kết quả nghiên cứu cũng được chia xẻ rộng rãi để người dân tham gia trong quá trình ra quyết định có tiếng nói đưa đến những nhà ra quyết định liên quan đến phát triển tiếp theo.

Hiện nay các tổ chức cũng tiến hành nghiên cứu để bổ sung thêm về vấn đề tác động. Ở từng nước đều có những hoạt động đó và hoạt động trao đổi, chia xẻ thông tin và vận động các cơ quan quản lý Nhà Nước về những nghiên cứu, và phát hiện trong liên minh và từng tổ chức để thúc đẩy có cách hiểu chung va đồng thuận về vấn đề. Vì hiện nay nhìn nhận về vấn đề này của giới khoa học cũng như các hiệp hội, các kỹ sư liên quan đến việc phát triển thủy điện ở Việt Nam cũng rất khác nhau khi nhìn nhận về vấn đề thủy điện trên dòng chính. Chúng tôi sẽ nổ lực làm vấn đề đó.

Xin được nhắc lại đập Don Sahong nằm tại vùng Siphandone ở nam Lào. Vùng này có thác Khone vĩ đại và được đánh giá có giá trị đa dạng sinh học độc đáo của một môi trường sông-đảo và chính phủ Lào đang xem xét đề nghị công nhận đây là khu RAMSAR đất ngập nước với tầm quan trọng toàn cầu. Thế nhưng việc tiến hành xây dựng đập thủy điện Don Sahong sẽ gây bất lợi cho tiêu chuẩn được công nhận như thế.

Đập Don Sahong còn bị giới khoa học cảnh báo khi đi vào vận hành sẽ chuyển nước khỏi thác Khone Phapheng, nó cũng sẽ dẫn đến sự hủy diệt loài cá heo Irrawady cón sót lại cuối cùng ở nơi đó. Ưu thế du lịch của vùng này cũng sẽ bị mất đi.

Công suất của đập được cho biết là 260Megawatt. Nguồn điện phát ra sẽ bán cho Thái Lan và Kampuchia. Mega First Corporation Berhad của Malaysia là đơn vị xây dựng phát triển đập này.  Hai công ty cung ứng dịch vụ tư vấn gồm một công ty của Australia và một của Hoa Kỳ là SMEC New Zealand và AECOM.

Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại các bạn trong chương trình kỳ tới cũng .

Gia Minh chào tạm biệt.

Trích dẫn tại: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ScienceAndEnvironment/fate-of-mekong-river-06292014060522.html