(VTC News) - Giá điện mới sẽ áp dụng ngay từ 22/12, thêm 5%, đưa mức bình quân từ 1.369 đồng mỗi kWh hiện nay lên 1.437 đồng. Với mức tăng ...
(VTC News) - Giá điện mới sẽ áp dụng ngay từ 22/12, thêm 5%, đưa mức bình quân từ 1.369 đồng mỗi kWh hiện nay lên 1.437 đồng.
Với mức tăng bình quân 5%, giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang có mức tăng từ 66-115 đồng mỗi kWh tùy mỗi bậc, riêng bậc thang đầu tiên dành cho hộ thu nhập thấp vẫn giữ nguyên ở mức 933 đồng mỗi kWh.
Đối với các hộ thu nhập thông thường, giá điện sẽ tăng 66 đồng mỗi kWh, từ 1.284 đồng lên 1.350 đồng áp dụng cho 100kWh đầu tiên. Từ số 101 – 150kW sẽ tăng 88 đồng (từ 1.457 đồng lên 1.545 đồng mỗi kWh). Còn tiêu thụ từ 151 – 200kWh sẽ tăng 104 đồng (1.834 đồng lên 1.947 đồng mỗi kWh), từ 200 – 400kWh sẽ tăng khoảng 115 đồng mỗi kWh.
Giá bán lẻ điện cho sản xuất đối với cấp điện áp từ 110kV trở lên trong các giờ cao điểm, bình thường và thấp có giá từ 754-2.177 đồng mỗi kWh; tương tự đối với cấp điện áp từ 22kV đến dưới 110kV có giá 783-2.263 đồng mỗi kWh.
Trả lời báo chí, lãnh đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, theo Quyết định 24, giá điện 3 tháng được điều chỉnh một lần vì vậy "tăng tại thời điểm này còn là chậm so với yêu cầu".
"Năm nay EVN có lãi nhưng chưa bù được giá than, và khoản chênh lệch tỷ giá vẫn còn treo", vị đại diện này cho hay.
Còn chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long lại cho rằng, hiện tình hình giá cả ổn định, chỉ số CPI mấy tháng gần đây cũng không cao, tỷ giá khá ổn định, như vậy nói tăng giá điện vì giá nguyên liệu đầu vào tăng có hợp lý không?
Theo ông Long, việc điều chỉnh giá điện đã quy định rất rõ là 3 tháng điều chỉnh 1 lần, tức là sẽ có tăng và có giảm. Giá này sẽ căn cứ vào giá nguyên liệu đầu vào và điều chỉnh theo mùa.
Trong năm 2012, ngành điện đã điều chỉnh 2 lần, lần 1 là vào 1/7 và lần 2 là vào ngày 22/12. Mỗi lần điều chỉnh đều tăng khoảng 5%.
Theo báo cáo mới đây thì ngành điện năm nay đã có lãi. Vì vậy, việc điều chỉnh này là vô lý, Bộ Tài chính phải kiểm tra, xem xét cụ thể.
Hiện nay tình hình tỷ giá khá ổn định, mức lạm phát 11 tháng là 6,52%, 3 tháng gần đây đều tăng không cao, chỉ có tháng 9 thì mức tăng hơi cao hơn một chút.
“Tuy nhiên, ngành điện lại cho rằng, nguyên liệu đầu vào tăng vì phải nhập về, nhưng tỷ giá thực chất là rất ổn định nên việc tăng giá cần phải đặt dấu hỏi”, ông Long nói.
Ngoài ra, tính giá theo mùa thì phải xem xét cụ thể như thế nào. Năm nay lượng nước rất tốt nên tình hình sản xuất điện cũng rất tốt. Thủy điện tăng thì đồng nghĩa với giá thành nguyên liệu đầu vào giảm vì không tốn dầu.
Bên cạnh đó, phải xem xét các yếu tố khác như công suất, tổn thất điện năng. “Nếu tổn thất điện năng lớn do anh quản lý không tốt mà tăng giá điện, đẩy gánh nặng lên người tiêu dùng thì không được”, ông Long nhấn mạnh.
Trước đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẳng định, do năm nay tình hình tỷ giá tương đối ổn định, trong khi đó nước về nhiều, thủy điện tăng nên khả năng tập đoàn sẽ có lãi. Không công bố mức lãi dự kiến là bao nhiêu, song "nhà đèn" khẳng định, năm 2012, EVN dự kiến sẽ bù lỗ cho các năm trước 3.500 - 4.000 tỷ đồng.
Với mức chênh lệch giá thành và giá bán trong năm 2011, EVN lỗ 5.297 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu tính cả lãi tiền gửi, lợi nhuận từ hoạt động đầu tư vào các công ty cổ phần phát điện, thu nhập từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi năm 2011, số lỗ này giảm xuống còn 3.181 tỷ đồng.
Năm 2010, EVN lỗ 8.000 tỷ đồng. Chênh lệch tỷ giá chưa được phân bổ đến ngày 31/12/2011 là hơn 26.660 tỷ đồng.
Tại cuộc họp báo đầu tháng 12 vừa qua, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Đặng Huy Cường cho biết Liên Bộ Công Thương – Tài chính đang rà soát để trình Chính phủ lộ trình điều chỉnh giá điện giai đoạn 2013-2015. Tháng 12 sẽ trình lộ trình điều chỉnh giá điện. Việc điều chỉnh sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng để giảm tối thiểu những ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Châu Anh
Trích dẫn tại: http://vtc.vn/1-360240/kinh-te/dien-lai-tang-gia-chuyen-gia-keu-vo-ly.htm