Sự gia tăng nhiệt độ đáng kể, mùa nắng kéo dài hơn, nước biển dâng và sóng biển mạnh hơn, gió mùa Tây Nam và Đông Bắc mạnh dần lên trong tương lai… có tiềm năng trở thành lợi thế cho các dự án phát triển năng lượng tái tạo.
ĐBSCL có khí hậu gió mùa, nóng và ẩm với 2 mùa rõ rệt. Mỗi năm, vùng đồng bằng này nhận trung bình 2.200 – 2.500 giờ nắng, với năng lượng bức xạ mặt trời trung bình ngày 4,3 – 4,9 kWh/m2. Tiềm năng khai thác năng lượng ánh sáng rõ ràng rất lớn. Ước tính cứ 1m2 lắp đặt các tấm pin mặt trời có thể thu 5 kWh điện mỗi ngày. Nguồn chiếu sáng này rất ổn định, với hơn 90% số ngày trong năm đều nhận được ánh sáng mặt trời đủ mạnh để vận hành các tấm thu năng lượng mặt trời.
ĐBSCL còn là khu vực bán đảo thấp và phẳng, có đường bờ biển và các hải đảo có tổng chiều dài xấp xỉ 700 km, vùng đặc quyền kinh tế biển rộng đến 360.000 km2, rộng gấp 10 lần diện tích đất liền nội địa. Với thuận lợi về địa hình và điều kiện gió biển ven bờ mạnh khoảng 5,5 – 6 m/giây ở độ cao 80 m (chiều cao các cột điện gió hiện đã lắp đặt ở Bạc Liêu), tiềm năng khai thác năng lượng gió ven bờ biển có thể đạt từ 1.200 – 1.500 MW. Chưa kể năng lượng sóng biển, năng lượng thủy triều, năng lượng sinh khối đều rất dồi dào ở ĐBSCL mà địa phương chưa có điều kiện đầu tư khai thác.
Bạc Liêu được biết đến điện gió đầu tiên, bởi Nhà máy điện gió Bạc Liêu 1 và Bạc Liêu 2 đang hoạt động. Đây là tỉnh duy nhất tại ĐBSCL có dự án điện gió đã hòa vào lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bạc Liêu giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 đã được phê duyệt thì tổng công suất tiềm năng của tỉnh là gần 3.000 MW.
Cà Mau cũng không chịu thua kém. Theo quy hoạch được phê duyệt, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, Cà Mau phát triển năng lượng gió lên 3.600 MW, điện mặt trời nối lưới điện quốc gia khoảng 1.500 MW, điện sinh khối như điện gỗ, điện đốt rác khoảng hơn 60 MW.
Tại Trà Vinh, quy hoạch 6 dự án nhà máy điện gió tại 6 bãi bồi ven biển thuộc huyện Duyên Hải và thị xã Duyên Hải. Trong đó, có 3 nhà máy tại xã Trường Long Hòa, hai nhà máy tại xã Hiệp Thạnh và một nhà máy tại xã Đông Hải. Đến năm 2020, tổng công suất lắp đặt tích lũy đạt khoảng 270 MW, sản lượng điện gió tương ứng 634 triệu kWh.
Bạc Liêu cũng kiến nghị Chính phủ xem xét xem xét, chấp thuận cho đầu tư lưới truyền tải 500KV, 220KV đồng bộ các dự án nguồn điện trên địa bàn tỉnh theo cơ chế đầu tư xã hội hóa. Trong đó, ưu tiên cho các nhà đầu tư có dự án nguồn điện lớn trên địa bàn tỉnh tham gia (áp dụng tương tự như trường hợp đầu tư đường dây truyền tải 500KV, 220KV phục vụ các dự án điện mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận).
Đồng bằng sông Cửu Long phát triển năng lượng tái tạo
Việc truyền tải công suất các dự án nhà máy điện gió đã được phê duyệt quy hoạch và đang trình xin phê duyệt bổ sung quy hoạch gặp nhiều khó khăn do các công trình đường dây và Trạm biến áp 110 kV trong khu vực chậm thực hiện, các công trình đường dây và Trạm biến áp 220 kV theo quy hoạch dự kiến thực hiện trong năm 2023.
Trong khi đó, Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh cũng đồng loạt xin có cơ chế để phát triển điện gió theo hướng: Ưu tiên vùng thi công khó khăn, ổn định giá điện và cho tư nhân đầu tư lưới truyền tải điện. Tất cả nhằm giải phóng lượng điện gió quá lớn lên đường dây truyền tải điện quốc gia.
Để hiện thực hóa những mục tiêu nói trên, vấn đề quan trọng hiện nay là cần xây dựng và ban hành biểu giá điện gió phù hợp. Thực tế giá điện gió gần như khó cạnh tranh được với giá điện truyền thống hình thành từ năng lượng hóa thạch.
Ngọc Linh (t/h) - Môi trường & Cuộc sống