Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Dự án thép Cà Ná - nguy cơ tác động ô nhiễm cộng hưởng

  |   Viết bởi : Theo Đăng Nguyễn/ The Saigon Time

Ngày 6-9-2016, tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường của tập đoàn Hoa Sen, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Hoa Sen, phát biểu đại ý ...

Ngày 6-9-2016, tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường của tập đoàn Hoa Sen, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Hoa Sen, phát biểu đại ý rằng: hàng trăm tổ hợp thép trên thế giới đến nay vẫn nằm ngay giữa lòng các thành phố lớn, mặc dù các nước châu Âu có tiêu chuẩn môi trường khắt khe như thế nào. Tại sao chúng ta lại quá sợ sệt như thế? (Lao Động, 6-9-2016).
Thực tế đã cho thấy, qua dự án Formosa Hà Tĩnh, mức độ gây hại cho môi trường của các dự án thép nghiêm trọng ra sao, vì vậy những lo lắng sợ sệt của người dân là có cơ sở.


Một góc biển Cà Ná. Ảnh: Minh Tâm

Dự án thép Cà Ná phát thải ra sao?

Theo tài liệu họp đại hội đồng cổ đông của tập đoàn Hoa Sen, quy mô dự án thép Cà Ná đến 2019 là 3 triệu tấn/năm, đến 2022 là 6 triệu tấn/năm và đến 2031 đạt tổng công suất là 16 triệu tấn/năm.
Trong khi đó, theo “Hướng dẫn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án luyện gang thép” năm 2009 của Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường (Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT), hệ số phát thải các chất ô nhiễm để sản xuất 1 tấn thép thô như sau (xem bảng).
Từ hướng dẫn trên, có thể tính toán được toàn bộ lượng các chất ô nhiễm với công suất vận hành 16 triệu tấn/năm của Hoa Sen Cà Ná năm 2031 như sau (xem bảng).

Như vậy, hàng năm, dự án trên phát thải ra môi trường hơn 38 triệu tấn khí thải các loại, 48 triệu mét khối nước thải chứa gần 30 ngàn tấn chất ô nhiễm cực độc trong nước thải (có cả phenol và xyanua) và hơn 9 triệu tấn chất thải rắn.
Dù ông Lê Phước Vũ cam kết không xả thải ra biển, nhưng chưa thấy ông đề cập đến lượng khí thải và chất thải rắn.
Để dễ hình dung, với dân số Ninh Thuận (2014) là 590.377 người, trung bình hàng năm mỗi người dân Ninh Thuận sẽ “tiếp nhận” trên 65 tấn khí thải và gần 16 tấn chất thải rắn.
Trong khí thải, chỉ tính riêng lượng bụi và khí kim loại có nguy cơ rất cao gây ra các bệnh về đường hô hấp, trong đó có ung thư phổi, đã đạt đến gần 1,8 tấn/người/năm. Tức là, chỉ tính riêng lượng bụi và khí kim loại phát thải từ dự án thép Cà Ná hàng năm đã gấp gần 30 lần trọng lượng trung bình của một người lớn ở Ninh Thuận.

Cũng theo tính toán ở trên, chỉ riêng phát thải CO2 của dự án thép Cà Ná đã đạt đến 36,8 triệu tấn/năm vào năm 2031, so với tổng lượng phát thải khí nhà kính năm 2030 của tất cả các ngành sản xuất và xây dựng là 92,5 triệu tấn/năm (không kể ngành công nghiệp sản xuất năng lượng), theo báo cáo dự báo phát thải khí nhà kính của Bộ TN-MT năm 2014. Nghĩa là, chỉ riêng dự án thép Cà Ná, phát thải khí nhà kính đã chiếm đến trên 39,8% tổng lượng phát thải khí nhà kính trong toàn bộ các ngành sản xuất và xây dựng tại Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam đang cam kết với cộng đồng quốc tế trong nỗ lực cắt giảm phát thải khí nhà kính!
Đối với chất thải rắn, ước tính phát thải khi dự án thép Cà Ná vận hành đủ công suất là hơn 9.372.800 tấn/năm, tức là gấp 1,2 lần so với tổng lượng chất thải rắn công nghiệp và nguy hại của Việt Nam mà Bộ Tài nguyên và Môi trường thống kê năm 2015 là 7.800.000 tấn/năm. Bài học Formosa Hà Tĩnh chôn lấp chất thải rắn trái phép khắp nơi vẫn còn sờ sờ ra đó.

Nguy cơ tác động ô nhiễm cộng hưởng với Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân

Với khoảng cách từ dự án thép Hoa Sen Cà Ná đến Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận) chỉ là 14 ki lô mét, nguy cơ hai dự án công nghiệp quy mô lớn này gây tác động cộng hưởng đến môi trường không khí, chất lượng nước cũng như các vấn đề về quản lý chất thải rắn là rõ ràng.
Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân có tổng công suất 5.580 MW gồm bốn nhà máy nhiệt điện than, trong đó đã từng xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường không khí nghiêm trọng năm 2015 do Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 gây ra. Nhu cầu than cung cấp cho trung tâm nhiệt điện này khoảng 10 triệu tấn/năm.
Nếu lấy trung bình lượng tro xỉ tạo ra là 35% so với than nhiên liệu như đang sử dụng tại nhiệt điện Vĩnh Tân 2, thì lượng tro xỉ từ trung tâm nhiệt điện này năm 2030 là 3,5 triệu tấn. Hiện nay, việc tái sử dụng tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam còn nhiều hạn chế và do vậy, tro xỉ từ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đang được đổ trực tiếp vào bãi chứa xỉ với nguy cơ phát tán tro xỉ vào môi trường không khí, đất và nước. Chỉ trong phạm vi 14 ki lô mét, lượng chất thải rắn cần xử lý của hai cụm công nghiệp này có thể lên đến trên 12,8 triệu tấn/năm!
Trong thành phần khí thải từ ống khói các nhà máy nhiệt điện than tại Vĩnh Tân, ngoài khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính, còn tồn tại ít nhất hai loại khí gây mưa axit, đó là SO2 và NO2. Mặc dù các nhà máy nhiệt điện đều lắp đặt hệ thống khử lưu huỳnh và xử lý nitơ, nhưng dù công nghệ có hiện đại bao nhiêu, không có nghĩa là 100% các loại SO2 và NO2 được xử lý triệt để, dẫn đến việc phát tán ra môi trường. Vậy, những nhà quản lý đã tính đến đến tác động cộng hưởng do khí thải của dự án này với khí thải đốt than của Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân có thể làm tăng mức độ ô nhiễm không khí hay chưa?
Tương tự, nước thải từ dự án thép Cà Ná và nước thải từ Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân sẽ cộng hưởng với nhau để gây tác động với mức độ như thế nào cho vùng biển Nam Trung bộ trong trường hợp bình thường và khi có sự cố xảy ra?
Ngày 31-08-2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị 25/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải phináp cấp bách về bảo vệ môi trường. Chỉ thị nêu rõ: “Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường đã được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo, là một trong ba trụ cột phát triển bền vững, đã tạo được sự chuyển biến và đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng, xảy ra nhiều sự cố gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức, ý thức trách nhiệm của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người dân còn hạn chế. Nhiều địa phương còn chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt, xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường; chưa phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm và sự tham gia của các tổ chức xã hội, cộng đồng, người dân”.

 
Theo Đăng Nguyễn/ The Saigon Time