Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo hơn 1 trong 4 trẻ em tử vong do nguyên nhân từ ô nhiễm, thiếu vệ sinh và các điều ...
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo hơn 1 trong 4 trẻ em tử vong do nguyên nhân từ ô nhiễm, thiếu vệ sinh và các điều kiện môi trường nguy hại khác.
Khoảng 1.7 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong hàng năm bởi các bệnh viêm nhiễm hô hấp gây nên một phần do ô nhiễm không khí, ảnh hưởng gián tiếp từ khói thuốc, không được sử dụng nguồn nước sạch, bị ngộ độc hay các vấn đề môi trường khác.
Trẻ em phơi nhiễm với ô nhiễm không khí có nguy cơ mắc bệnh viêm phổi cao hơn và cũng sẽ dễ mắc các bệnh hô hấp mãn tính như hen trong suốt cuộc đời của chúng.
Giáo sư Margaret Chan, Tổng giám đốc WHO đã phát biểu: “Một môi trường bị ô nhiễm là nơi tiềm ẩn những rủi ro chết người – đặc biệt đối với trẻ em. Các cơ quan và hệ thống miễn dịch đang phát triển, cũng như thể chất và đường thở nhỏ hơn, đã khiến trẻ em trở thành một đối tượng đặc biệt yếu ớt trước nguồn không khí và nguồn nước bẩn.”
Trong một báo cáo có tên là “Kế thừa một thế giới bền vững?”, WHO đã cho biết số lượng trẻ dưới 5 tuổi đáng lẽ ra có thể được cứu sống là một “cơ hội bị bỏ lỡ đầy kinh hoàng”
Báo cáo cũng chỉ ra rằng 531.000 trẻ em đã tử vong do ô nhiễm không khí trong nhà, nhiễm trùng hệ hô hấp mãn tính, các bệnh về phổi, ung thư và các ảnh hưởng sức khỏe khác.
Vào năm 2012, khoảng 361.000 trẻ em cũng tử vong vì bệnh tiêu chảy đáng lẽ có thể tránh được nếu các trẻ em được sử dụng nước sạch.
Các bệnh truyền vector như sốt xuất huyết cũng sẽ được giảm thiểu nhờ các hành động về môi trường như giảm các môi trường mà muỗi có thể sinh sản.
“Một mối nguy hại khác đối với sức khỏe trẻ em là những hiểm họa môi trường đang ngày càng tăng lên, như các chất hóa học, chất thải điện tử và biến đổi khí hậu. Mức độc hại của rất nhiều chất hóa học nhìn chung không được hiểu rõ. Qui định yêu cầu cho các chất hóa học là các nhà sản xuất phải thực hiện bài kiểm tra an toàn và kết quả phải được kiểm chứng bởi các nhà chức trách có thể bị giới hạn đối với một vài dạng và cách sử dụng các chất hóa học. Các chất hóa học từ thuốc trừ sâu, nhựa, và các hàng hóa được sản xuất khác, cũng như từ ô nhiễm môi trường cuối cùng sẽ tìm được cách thâm nhập vào chuỗi thức ăn của chúng ta. Những chất hóa học này bao gồm arsen, fluoride, chì, thủy ngân, PBDEs, PCB và các chất ô nhiễm hữu cơ khác. Cụ thể ở đây là các chất hóa học gây tổn thương nội tạng, có thể tìm thấy trong các thực phẩm từ các dạng đóng hộp và có liên quan đến gan, giáp trạng và ảnh hưởng đến phát triển hệ thần kinh. Ảnh hưởng của các chất hóa học này có thể đặc biệt nguy hại đối với trẻ em, khi mà cơ thể vẫn đang phát triển.”
Chất thải điện tử lại là “một vấn đề đang nổi lên khác”. Khi những đồ điện tử không được xử lý đúng cách, chúng có khiến trẻ em tiếp xúc với “một loạt các chất hóa học và chất độc, rất nhiều chất gắn liền với việc giảm trí thông minh, giảm tập trung, hại phổ và ung thư”
Báo cáo cũng cho biết “biến đổi khí hậu, gây ra bởi đốt nhiên liệu hóa thạch, là một trong những mối nguy hại mới đối với sức khỏe môi trường của trẻ em. Nhiệt độ cao hơn và mức độ carbon dioxide cao hơn thích hợp cho sự phát tán của phấn hoa, góp phần gây nên tỷ lệ hen suyễn cao hơn. Mức độ lan truyền của các bệnh vector rộng lên sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm của trẻ em”
“Nguồn cung cấp nước sạch và thu hoạch vụ mùa bị gián đoạn sẽ làm tình hình suy dinh dưỡng và còi cọc ở trẻ em tăng lên. Các song nhiệt nhiều hơn sẽ gây ra cho trẻ em căng thẳng nhiệt, các bệnh về thận và bệnh về đường hô hấp.”
Một báo cáo khác của WHO, có tên là “Đừng làm ô nhiễm tương lai của tôi!” đưa ra danh sách các bệnh khác và các mối nguy hại chết người có khả năng xảy ra với trẻ em do các vấn đề môi trường.
Về bệnh hen suyễn, báo cáo cho biết đây là “một trong những bệnh mãn tính nghiên trọng nhất với trẻ em, với khoảng 11-14% số trẻ trên 5 tuổi trên toàn cầu đang mắc các triệu chứng của hen suyễn”.
“Hen suyễn đang lan rộng trên toàn cầu với trẻ em trong một thập kỷ qua với những khác biệt tại mỗi quốc gia và vùng miền. Ô nhiễm không khí xung quanh, như từ các phương tiện giao thông thải ra, gắn liền với sự phát triển của bệnh hen suyễn ở trẻ em. Cả ô nhiễm không khí xung quanh lẫn trong nhà và ảnh hưởng gián tiếp từ khói thuốc đều có thể dẫn tới việc tăng cường mức độ hen suyễn và làm tình trạng hen tệ hơn ở trẻ em. Ảnh hưởng gián tiếp từ khói thuốc lá trước khi sinh có thể ảnh hưởng xấu tới phát triển phổi và tiếp xúc trước và sau khi sinh có thể tăng các triệu chứng thở khò khè, hen suyễn nặng hơn và các rắc rối khác liên quan đến hen suyễn. Các tiếp xúc môi trường khác liên quan tới tăng và phát triển hen suyễn bao gồm ẩm mốc và dị ứng nguyên trong nhà, như từ bụi, phấn hoa, gián hay chuột.”
Nguồn: Independent
Dịch: Hà Diệp