8:30 AM
Theo đường tỉnh lộ 284, chúng tôi về xã Tư Mại, thuộc huyện vùng cao Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang vào một chiều thu nắng ấm. Trên những con đường nông thôn mở rộng cho xe cơ giới vận hành, bao quanh là những cánh đồng lúa xanh mát mắt, bên những cổng làng mới xây, tạo nên một cảnh quan vừa chân quê vừa hiện đại, đã tạo cho người mới đến những ấn tượng tốt lành. Tìm hiểu tình hình sau ngày đạt chuẩn NTM quốc gia chúng tôi được biết, lãnh đạo và người dân địa phương đã không thỏa mãn với những gì đạt được mà đang tìm một hướng đi mới, nhằm phát triển nông thôn bền vững trước những thách thức môi trường để tạo đà, tạo thế đi lên.
1. Xây dựng nông thôn mới bước khởi đầu đầy hứa hẹn
Là xã phía Nam của huyện Yên Dũng; xã Tư Mại có diện tích tự nhiên 1.156,4 ha, gồm 9 thôn với 2.432 hộ và trên 9.100 nhân khẩu (bình quân 787 người/km2). Địa bàn xã có hệ thống đường giao thông thuỷ, bộ với 02 tuyến đường huyện chạy qua (từ Cảnh Thụy đi Tư Mại và từ Thị Trấn Neo đi Thắng Cương), tạo thuận lợi cho giao lưu, trao đổi hàng hóa, phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội; đáp ứng yêu cầu cơ bản của sản xuất và dân sinh trên một địa bàn rộng lớn.
Đầu năm 2011, Tư Mại được chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) trong giai đoạn 2011-2015 của tỉnh Bắc Giang. Nhận thức được đây là trách nhiệm, song cũng là cơ hội để thu hút các nguồn lực, phát huy sức mạnh đoàn kết nhằm thay đổi diện mạo và nâng cao mức sống cho người dân ở nông thôn; Đảng bộ và toàn dân xã Tư Mại đã tích cực tham gia thực hiện cuộc vận động này.
Từ thực tế của một huyện vùng cao; trong khởi đầu xây dựng NTM, xã Tư Mại đã gặp không ít khó khăn. Do chậm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, vùng sản xuất nông sản hàng hoá phân tán; ruộng đất manh mún, nhiều ô thửa nhỏ, việc áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất bị giới hạn nên hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp; ngân sách xã và các nguồn thu còn rất hạn chế. Rà đi soát lại nhiều lần, song với cơ sở vật chất và điều kiện địa phương, toàn xã chỉ đạt được 6 tiêu chí xây dựng NTM. Thông qua hoạt động tuyên truyền vận động, người dân của cả 9 thôn đã nhận thức được xây dựng NTM là việc làm đem lại lợi ích cho chính mình nên rất đồng tình, sẵn sàng đóng góp công, sức vào thực hiện mọi việc cần làm nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM.
Nhờ sự đồng thuận của các tầng lớp dân cư; lãnh đạo Đảng bộ và chính quyền đã xác định: xây dựng nông thôn mới tạo điều kiện thuận lợi, cũng là cơ hội để Tư Mại có thể phát triển cơ sở hạ tầng, tạo môi trường sống xanh, sạch, đẹp; nâng cao đời sống dân cư và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Qua hơn 4 năm thực hiện Chương trình NTM, xã đã xây dựng được 10 mô hình phát triển sản xuất với tổng kinh phí 975 triệu đồng, trong đó có 4 mô hình cánh đồng sản xuất lúa mẫu có diện tích 145 ha với hơn 1.350 hộ nông dân tham gia; xã đã duy trì được mô hình khoai tây chế biến Atlantic trên diện tích là 45 ha hàng năm. Ngoài ra, đông dảo hộ dân đã tích cực chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp sang xây dựng trang trại, gia trại chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; nhiều mô hình chuyển đổi đã mang lại lợi nhuận từ 100 triệu đến 800 triệu đồng/năm.
Với sự đồng tình hưởng ứng chủ trương dồn điền, đổi thửa của người dân; các thôn trong xã đã khắc phục được tình trạng manh mún ruộng đất; đưa số ô, thửa ruộng của hộ gia đình từ 8-12 thửa giảm xuống còn 1-3 thửa/hộ, tạo thuận lợi để mở mang sản xuất ngoài thực địa, đảm bảo theo quy định trên diện tich hơn 454 ha.
Hướng vào mục tiêu hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; quy gọn được vùng đất công để khoán quản; các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đã được xây dựng tập trung để hình thành vùng sản xuất chuyên canh nông sản hàng hóa và thực hiện cơ giới hóa. Đến nay, toàn xã đã có 23 máy cày lớn; 349 máy cày nhỏ; 07 máy gặt lúa liên hoàn;…Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật và đưa cơ giới vào đồng ruộng, năng suất và hiệu quả kinh tế được cải thiện đáng kể, góp phần đưa giá trị sản xuất trên diện tích đất canh tác đạt trên 80 triệu đồng/ha/năm.
Cùng với những chuyến biến trong ngành trồng trọt, chăn nuôi đã có những thay đổi. Đến hết năm 2014; đàn trâu, bò đạt 1.050 con; đàn lợn 2.789 con và 27.780 con gia cầm. Với những mô hình nuôi cá thâm canh, bán thâm canh, nuôi cá kết hợp với chăn nuôi tiếp tục mở rộng; diện tích nuôi trồng thuỷ sản đã giữ ổn định trên 58 ha với sản lượng cá thịt hàng năm đạt trên 323 tấn.
Thông qua việc xây dựng NTM, cơ sở hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa… phục vụ sản xuất và đời sống được mở rộng.Toàn xã đã cứng hóa trên 89,6 km đường giao thông, đưa tỷ lệ đường nông thôn cứng hóa lên 89,6% (riêng đường liên xã, đường thôn, xóm đạt100%). Hệ thống kênh mương nội đồng được xây cứng trên tổng chiều dài 14,7 km, chiếm 55% tổng chiều dài kênh mương xã quản lý.
Nét mới nổi bật trong xây dựng NTM ở Tư Mại là vấn đề môi trường. Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, sự nghiệp môi trường đã được quan tâm và thực hiện thường xuyên. Qua những việc làm tích cực của lãnh đạo từ xã đến cụm dân cư trong tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước; nhận thức bảo vệ môi trường trong nhân dân có những chuyển biến rõ nét. UBND xã đã xây dựng 09 bãi rác thải; số đông hộ chăn nuôi đã xây dựng hầm Biogas, các thôn trong xã đã thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên của tổ, đội thu gom rác thải. Hàng tháng, các cụm dân cư đều tổ chức tổng vệ sinh trên địa bàn thôn, xóm. Xã đã xây dựng và triển khai kế hoạch chỉnh trang đường, ngõ; mở rộng cứng hóa mặt đường, trồng cây xanh tạo cảnh quan sạch đep …;đưa số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh lên trên 98%.
Trong tổng nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới 43.3 tỷ đồng; xây dựng cơ sở hạ tầng chiếm 58,9%; vốn dùng vào phát triển sản xuất khoảng 28% và vốn lồng ghép trên 13,1%. Đáng quan tâm là, nguồn vốn do dân tự bỏ ra trong xây dựng nông thôn mới chiếm trên 48%, Ngân sách trung ương và tỉnh ở mức 35,7%. Nhờ công khai, minh bạch trong sử dụng; nguồn vốn huy động đã được dùng đúng mục đích, tiết kiệm; nâng cao hiệu quả công trình, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM .
Thực hiện mục tiêu phát triển sản xuất, toàn xã đã.đưa giá trị tạo ra trên 1ha lên 80 triệu đồng/năm và thu nhập bình quân đầu người đạt 25,4 triệu đồng/năm (tăng 17,4 triệu so với năm 2010); giảm số hộ nghèo xuống còn 4,14% (năm 2010 trên 8,7%). Hội đồng thẩm định của Tỉnh đã rà soát kết quả thực hiện; đối chiếu với quy định, Tư Mại được đánh giá đạt 19/19 tiêu chí xây dựng NTM và ngày 25 tháng 5 năm 2015, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã Quyết định công nhận Tư Mại là xã đạt chuẩn, hoàn thành xây dựng NTM trước 6 tháng so với tiến độ đề ra (UBND xã Tư Mại 2015).
2. Nhận diện khó khăn, thách thức và chủ trương của lãnh đạo xã Tư Mại
Mặc dù đạt được thành công ấn tượng trong xây dựng NTM, song nhìn lại thực trạng địa bàn, Đảng bộ xã Tư Mại đã nhận ra, trong phát triển kinh tế-xã hội, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; sản xuất nông nghiệp bộc lộ nhiều hạn chế; nhận thức của người dân về ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất hàng hóa chưa cao; diện tích cây trồng có giá trị kinh tế thiếu tính đột phá, chậm nhân rộng, Trong ngành chăn nuôi; tổng đàn gia súc, gia cầm có xu hướng giảm; diện tích ao, hồ tuy lớn song áp dụng khoa học nuôi cá thâm canh chưa phát triển rộng.
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015 tuy đã về đích, nhưng khối lượng công việc cần khắc phục còn nhiều; chuyển dịch cơ cấu lao động chưa đáp ứng được yêu cầu, tỷ lệ lao động làm việc trong ngành nông nghiệp còn chiếm trên 67,4%; ngành nghề nông thôn được quan tâm phát triển, song chưa đủ sức giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ; những hạn chế trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, bảo vệ môi trường chậm được khắc phục. Những tồn tại hạn chế xây dựng NTM đòi hỏi lãnh đạo xã phải tìm được những giải pháp thiết thực, hướng tới nâng cao mức sống cả về vật chất và tinh thần của mọi người dân (Đảng ủy xã Tư Mại 2015).
Từ mục tiêu phát huy tiềm năng, lợi thế; Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXII đã thể hiện quyết tâm tập trung nguồn lực vào phát triển bền vững; thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; phấn đấu trở thành xã trọng điểm sản xuất nông sản hàng hóa. Cùng với phát triển kinh tế, Đảng bộ chủ trương tiếp tục duy trì mức phát triển cao trong lĩnh vực y tế, văn hóa giáo dục; phát huy dân chủ, tăng cường kỷ cương, pháp luật; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; bảo đảm an ninh, quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị- xã hội.
Trong 13 mục tiêu cụ thể cần đạt vào năm 2020; an sinh xã hội đã được nhấn mạnh. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí mới) bình quân phải giảm 2%/ năm; đưa số hộ gia đình dùng nước hợp vệ sinh lên 100%; Duy trì tiêu chí trường chuẩn quốc gia đối với các cấp học trong xã; giữ vững chuẩn quốc gia về y tế; có 90% thôn đạt làng văn hóa cấp huyện, 04 thôn đạt làng văn hóa cấp tỉnh với 95% hộ đạt gia đình; 100% cơ quan đạt hộ, cơ quan văn hóa (Đảng ủy xã Tư Mại 2015).
Quán triệt quan điểm, đường lối xây dựng NTM của Đảng trong bối cảnh hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu; từ yêu cầu phát triển bền vững ở vùng nông thôn rộng lớn còn nhiều khó khăn; Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân xã Tư Mại đã lựa chọn giải pháp cấp bách là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân để tạo bước khởi đầu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ xã lần thứ XXII. Theo đó, bảo vệ môi trường và phát triển thôn xã theo hướng xanh hóa; tiết kiệm năng lượng và sử dụng nước sạch để nâng cao sức khỏe cộng đồng là một trọng tâm lựa chọn sau ngày đạt chuẩn NTM quốc gia.
(Còn tiếp)
Tác giả: Lê Thành Ý