Với sự hỗ trợ của UNDP, Trung tâm phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) phối hợp với các chuyên gia trong Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) đã thực ...
Với sự hỗ trợ của UNDP, Trung tâm phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) phối hợp với các chuyên gia trong Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) đã thực hiện nghiên cứu dự án “Phân tích chi phí môi trường và xã hội và những rủi ro của thủy điện với trường hợp nghiên cứu thủy điện Sông Tranh 2”. Dự án được diễn ra từ ngày 01 tháng 11 năm 2012 đến 31 tháng 03 năm 2013. Mục tiêu nghiên cứu của dự án là tìm hiểu các chi phi môi trường và xã hội đã được tính toán hiện nay như thế nào; và những chi phí nào vẫn chưa được tính toán vào mức tổng chi phi đầu tư thủy điện cũng như tìm hiểu khung pháp lý lên việc giảm thiểu và giảm bớt những rủi ro liên quan đến thủy điện.
Những thông tin thu thập được từ chuyến đi thực địa đã phác họa ra 1 bức tranh tổng thể về những mất mát và chi phí tổn thất gây ra bởi việc xây dựng dự án thủy điện Sông Tranh 2:
Việc xây dựng công trình thủy điện sông Tranh 2 đã làm ngập một lượng lớn các công trình cơ sở hạ tầng và các diện tích đất của 8 xã thuộc huyện Bắc Trà My và Nam Trà My của tỉnh Quảng Nam. Cụ thể làm ngập khoảng 16 km đường tỉnh lộ 616 và một số cơ sở hạ tầng, công trình công cộng và 2.856 ha đất các loại, trong đó, đất sản xuất bị ảnh hưởng gồm 1042,1 ha đất nông nghiệp, 781ha đất cây hàng năm, 256,3ha đất cây lâu năm, 5ha đất ao hồ nuôi thủy sản; và 851,14 ha đất rừng.
Thứ 2, người dân lâm vào cảnh thiếu đất màu mỡ để sản xuất do diện tích đất được cấp đa phần ở trên đồi cao, bạc màu nên năng suất cây trồng giảm, chi phí cho phân bón và sức lao động của người dân tăng. Bên cạnh đó, người dân bị thu hồi đất và được cấp đất đã đi phá rừng làm nương rẫy làm cho diện tích đất rừng thêm phần bị thu hẹp. Ba hộ thuộc xã Trà Bui đã bị khởi tố và 15 hộ đã bị xử phạt cảnh cáo vì phá rừng già lấy gỗ và làm nương rẫy.
Việc xây dựng thủy điện, kèm với việc xây dựng các con đường giao thông là một trong những điểm tích cực mà thủy điện mang lại. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều công trình hạ tầng của nhà nước cũng bị ảnh hưởng, hư hỏng do nhiều xe tải trọng lượng lớn chở vật liệu lên công trình.
Xây dựng thủy điện không những làm mất đi tính đa dạng loài, ảnh hưởng đến sự bảo toàn của hệ sinh thái mà còn gây ô nhiễm môi trường do khí CH4 từ cây cối và và rác thải ngập trong lòng hồ. Một vấn đề nữa là việc thủy điện tích nước đã làm giảm lưu lượng dòng chảy trong các khúc sông nên đã xuất hiện một khúc sông chết trên địa phận xã Trà Đốc.
Qua chuyến thực địa này, Đoàn cũng đã thu thập những thông tin quan trọng liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư như:
Công tác đền bù, tái định cư của dự án kéo dài từ năm 2006 – 2009 và chỉ trong 2 năm mà UBND tỉnh Quảng Nam có đến 2 văn bản về đền bù tái định cư là quyết định 55/2006 và Quyết định 18/2007 nên nhiều hộ không di dời. Bên cạnh đó còn gây ra tình trạng tái định cư sau lại được hưởng mức giá cao hơn gây khiếu kiện, khiếu nại trong cộng đồng dân cư.
Cơ chế phối hợp giám sát để tăng cường chất lượng nhà ở của các khu tái định cư cũng chưa được thực hiện tốt. Nhà tái định cư được xây dựng mà không có giám sát của người dân, chính quyền địa phương xã. BQLDA chọn nhà thầu sau đó để tự họ xây dựng nên bây giờ có những khu vực nhà dân xuống cấp trầm trọng. Nhà chất lượng kém nên khi động đất nhà nứt nhiều hơn còn BQLDA thì cứ đỗ lỗi cho động đất. (NĐT, cán bộ xã Trà Bui).
Theo UBND xã Trà Bui, tỉ lệ hộ nghèo của xã tăng lên đáng kể từ 0,4% năm 2012 lên 8,76%, năm 2013. Nguyên nhân là do đa phần các hộ đồng bào thiểu số sau 4 đến 6 năm tái định cư đã trở nên tái nghèo khi số tiền có được do bồi thường tái định cư đã được sử dụng hết. Theo kết quả thảo luận của nhóm người dân tái định cư ở xã Trà Bui, nhiều hộ sau khi được bồi thường không trở về khu tái định cư mà tiến vào rừng sâu hơn khai hoang làm nhà hoặc một số trở về khu vực đất ngoài vạch để sinh sống. Điều này ảnh hưởng đến việc quản lý nguồn nhân lực của địa phương cũng như cản trở việc học hành của các em nhỏ.
Ngoài ra, việc tái định cư tập trung theo mô hình hiện nay đang làm ảnh hưởng đến việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Ca Dong. Trước đây, người dân tộc Ca Dong chỉ sống rải rác và gắn liền với diện tích đất sản xuất của họ. Nhưng bây giờ hầu hết các khu tái định cư thiết kế nhà dân sát nhau 2 bên đường vào thôn. Vì nhiều lý do mà đã có 11 hộ trên tổng số 321 hộ dân tái định cư do thủy điện tại xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam bỏ nhà về nơi ở cũ hoặc xây dựng nhà khác để ở vì nhà xuống cấp hoặc không thích ở nhà xây của dự án.
Hơn nữa, vấn đề động đất xảy ra trong vùng cũng đã gây nhiều ảnh hưởng lớn đến nguồn nhân lực và cơ hội phát triển của địa phương. Theo một đại diện lãnh đạo của Huyện Bắc Trà My cho biết nhiều nhà đầu tư quay về Tam Kỳ và không muốn đầu tư cơ sở vật chất trên địa bàn huyện. Lo lắng về trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, nhiều cán bộ đã chuyển công tác về Tam Kỳ, nhiều gia đình chuyển con cái về quê hoặc gửi họ hàng để đảm bảo an toàn. Nhiều hộ đồng bào dân tộc hoang mang, dao động cho rằng vỡ đập, động đất thì trước sau gì cũng chết nên không muốn đi làm kiếm tiền, hoặc nếu đi làm được bao nhiêu thì cũng dùng để mua thức ăn hết chứ không dành tiết kiệm như trước nữa. Đối với việc hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi động đất, tùy theo mức độ thiệt hại, mỗi nhà dân sẽ được BQLDA hỗ trợ từ 2- 4 triệu đồng. Tuy nhiên, theo nhiều hộ dân, số tiền này là không đủ với tình trạng nứt toàn hệ thống tường nhà như hiện tại. Cùng với đó, nhiều hộ dân cho rằng động đất vẫn tiếp tục xảy ra nên việc sửa chữa hoàn toàn không có ý nghĩa.
Hoàng Thanh Bình