Ngày 30 tháng 05 năm 2013 tại thành phố Cần Thơ Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) cùng phối hợp với Liên Hiệp các hội Khoa học kỹ ...
Ngày 30 tháng 05 năm 2013 tại thành phố Cần Thơ Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) cùng phối hợp với Liên Hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt nam (VUSTA), Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Trung tâm Phát triển Bền vững Tài nguyên Nước và Thích nghi với Biến đổi khí hậu (CEWAREC) tổ chức hội thảo “Khía cạnh pháp lý trong hợp tác quản lý lưu vực sông Mê Công”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường quản trị tốt việc phát triển các đập thuỷ điện trên dòng chính Mê Công với ưu tiên trọng tâm ở Đồng bằng sông Cửu Long” được tài trợ bởi Quỹ Đối tác Hệ Sinh thái trọng yếu (CEPF) thông qua Quỹ Bảo tồn Chim quốc tế (BirdLife).
Mục tiêu của hội thảo là nhằm chia sẻ thông tin giữa các bên về những cơ sở pháp lý liên quan đến hợp tác quản lý lưu vực sông Mê Công và thảo luận để tăng cường vai trò tham gia của các bên liên quan tại đồng bằng sông Cửu Long vào quá trình quản lý lưu vực sông Mê Công.
Hội thảo có sự tham gia của 50 đại biểu từ các cơ quan trung ương và địa phương. Về phía cơ quan trung ương, có đại diện của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao, Chánh văn phòng Ủy ban sông Mê Công Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) và đại diện nhà tài trợ CEPF, tổ chức WWF. Về phía địa phương, có đại diện các chi cục thủy lợi, sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, đoàn luật sư, trường đại học, hội phụ nữ, các tổ chức xã hội, các cơ quan thông tấn báo chí và các cơ quan liên quan khác của một số tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, sự tham gia của các chuyên gia Mê Công đã góp phần vào thành công của hội thảo. Hội thảo diễn ra trong thời gian một ngày dưới sự chủ trì của lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Hội thảo khía cạnh pháp lý trong hợp tác quản lý lưu vực sông Mê Công - - Ảnh: Hoàn Ngụy
Mở đầu hội thảo, ông Huỳnh Minh Đoàn, phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, đã có lời phát biểu khai mạc. Theo lời ông Đoàn: Lưu vực sông Mê Công đã trở thành điểm nóng thu hút sự quan tâm của các chính phủ, người dân trong khu vực và quốc tế kể từ khi Chính phủ Lào đệ trình đề xuất dự án thủy điện Xayaburi lên Ủy hội sông Mê Công và chính thức khởi động lần đầu tiên Thủ tục “thông báo, tham vấn trước và thỏa thuận”. Quá trình thực hiện thủ tục này đã cho thấy những lỗ hổng trong thực thi và bài học thực tế để các quốc gia trong Ủy hội nắm bắt và cải tiến quy trình thực hiện.
Quá trình Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận (PNPCA) làmột phần của Quy chế sử dụng nước và chuyển nước ra ngoài lưu vực và được phê chuẩn bởi các nước thành viên Ủy hội sông Mê Công vào ngày 30 tháng 11 năm 2003. Nó quy định tất cả dự án phát triển trên dòng chính sông Mê Công cần phải áp dụng PNPCA đảm bảo mục tiêu thỏa thuận sử dụng nước tối ưu.
Tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Hữu Thiện-Chuyên gia độc lập đã trình bày về “Thực tiễn áp dụng thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa Thuận (PNPCA) lần đầu tiên đối với trường hợp dự án thủy điện Xayaboury”.
Trong bài trình bày, ông Thiện nêu rõ những vấn đề chính trong PNPCA như thời gian mà quy trình PNPCA cần được kích hoạt và thời gian quy trình tham vấn kết thúc không được nêu rõ, và 1 số quy định chưa rõ ràng về sự tham gia các bên liên quan trong quá trình thực hiện PNPCA. Một số kết luận chính cũng đã được đưa ra như: Rất ít bên liên quan tham gia vào quy trình PNPCA,, đặc biệt là không có sự tham gia của cộng đồng tại đồng bằng sông Cửu Long, những người phải trực tiếp gánh chịu tác động từ việc xây dựng đập Xayabourti, và không có quá trình chuẩn bị nào để người tham gia hiểu được các khái niệm và vấn đề liên quan, đặc biệt là các vấn đề kỹ thuật; thông tin cung cấp cho người dự tham vấn không đầy đủ và chất lượng kém.
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID đưa ra phát biểu: “Hợp tác quốc tế dựa vào Hiệp định Mê Công 1995. Sau dự án Xayabouri, việc áp dụng những quy định trong Hiệp định cũng như PNPCA đã lộ ra những bất cập, vậy những dự án sắp tới có nên sửa đổi không? Chúng ta cần có nghiên cứu lượng hóa về các tác động do thủy điện gây ra, vậy về cơ sở pháp lý thế nào? Nếu không có bất kỳ chỉnh sửa nào, các đập khác cũng sẽ được thông qua giống như trường hợp của Xayaburi”. Nhìn chung quá trình áp dụng PNPCA vẫn còn gặp nhiều vấn đề như lúng túng trong cách giải thích các định nghĩa và những quy định không rõ ràng như phạm vi áp dụng của PNPCA ‘đối với bất kỳ dự ánphát triển nào đề xuất cho dòng chínhchứ không chỉ riêng thủy điện’. Qua định nghĩa này cũng lộ ra điểm hở trong PNPCA. Cụ thể, theo định nghĩa, PNPCA không được áp dụng cho các thủy điện trên dòng nhánh, nơi cũng tập trung rất nhiều thủy điện đã và đang được xây dựng (ví dụ: Lào đang xây dựng thủy điện ở Don Sahong).
Ông Đào Trọng Tứ, Giám đốc CEWAREC cho biết “Trong quá trình xây dựng PNPCA sẽ vướng vào những lợi ích của quốc gia. Do vậy, chúng ta cần phải xác định tính chất quy mô của dự án, phải xác định phạm vi hợp lý trước khi tiến hành PNPCA”. Việc áp dụng PNPCA không chỉ nên tập trung áp dụng cho mỗi dòng chính mà cũng nên áp dụng cho cả dòng nhánh bởi vì rất nhiều thủy điện đang được xây dựng tại đây và tác động của những con đập này cũng rất đáng kể. Tóm lại, xây dựng 1 khung pháp lý là vô cùng cần thiết. Chúng ta phải đặt ra 1 cái gì cụ thể hơn như về thời gian, tại sao là 6 tháng; hay về quy trình ít nhất phải có sự phê duyệt của cấp bộ, phải đi vào quy hoạch rồi từ đó mới có cơ sở để xây dựng cơ sở pháp lý vững chắc.
Ông Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung Tâm CEWAREC - Ảnh: Hoàn Ngụy
Kết thúc hội thảo, ông Trần Việt Hùng đã đưa ra 1 số kiến nghị như sau:Cần xây dựng một dạng quy định như Hiệp định Mê Công 1995 về hợp tác phát triển bền vững lưu vực cho các dòng sông trong nước nhằm tránh sự xung đột giữa các tỉnh và quản lý dòng sông hiệu quả. Tập hợp các ý kiến của học giả, đại diện của địa phương, các cơ quan chức năng, NGOs thành tiếng nói chung để góp vào nỗ lực thúc đẩy hợp tác phát triển bền vững ở vùng Mê Công. Đồng thời, ông cũng ghi nhận đây là 1 buổi làm việc vô cùng tích cực và sôi nổi với 26 ý kiến từ Quý đại biểu trong thời gian ngắn diễn ra hội thảo. Buổi thảo luận đã diễn ra thành công với sự trao đổi rất thẳng thắn của các Quý đại biểu.
Hoàng Vân