Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Không xây dựng nhà máy nhiệt điện than mới tại đồng bằng sông Cửu Long trước năm 2020

  |   Viết bởi :

VSEA kêu gọi không xây dựng nhà máy nhiệt điện than mới tại đồng bằng sông Cửu Long trước năm 2020   Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) hoan nghênh ...

VSEA kêu gọi không xây dựng nhà máy nhiệt điện than mới tại đồng bằng sông Cửu Long trước năm 2020

 
Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) hoan nghênh tuyên bố gần đây của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc “giảm tối đa” nhiệt điện than và “phát triển năng lượng tái tạo”. Đồng thời chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam biến lời nói thành hành động bằng cách đẩy nhanh việc tạm ngừng các nhà máy nhiệt điện than mới ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2020.
Ngày 28 tháng 9 vừa qua, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhấn mạnh về việc hạn chế tối đa nhiệt điện than, nhất là một số công nghệ lạc hậu. Thủ tướng cũng cho rằng cần phải hạn chế nhiệt điện đốt than ở ĐBSCL vì nó sẽ "ảnh hưởng đến lợi ích lâu dài của địa phương.”
“Việc xây dựng các nhà máy điện than ở ĐBSCL sẽ gây ra tác động tàn phá tới một trong những hệ sinh thái quan trọng và đặc biệt nhất trên trái đất. Việc ngay lập tức dừng xây dựng các nhà máy điện than mới và thay vào đó là phát triển năng lượng tái tạo sẽ đảm bảo nhu cầu năng lượng cho đất nước cũng như bảo tồn khu vực quý giá này cho thế hệ mai sau” theo ông Trần Đình Sính, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID).
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, 14 nhà máy nhiệt điện than sẽ được xây dựng tại các tỉnh của ĐBSCL bao gồm Bạc Liêu, Hậu Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang và Trà Vinh. Ngay cả khi sử dụng công nghệ mới nhất, các nhà máy này sẽ vẫn phát thải một lượng lớn các chất gây ô nhiễm không khí độc hại, các-bon và tro xỉ. Hơn nữa, theo phân tích của GreenID, nếu tất cả các nhà máy nhiệt điện than nêu trên được vận hành tại ĐBSCL, mỗi ngày sẽ thải ra khoảng 70 triệu m3 nước nóng lên tới gần 40oC. Đây sẽ là rủi ro rất lớn đối với hệ sinh thái dưới nước và nguồn lợi thủy sản của vùng này.
VSEA hoàn toàn ủng hộ lời kêu gọi của Thủ tướng cho việc phát triển năng lượng tái tạo.
Ông Sính cho biết thêm “Năng lượng tái tạo có đủ tiềm năng đảm bảo cung cấp điện cho Việt Nam và với những chính sách đúng đắn, nguồn năng lượng này có thể cung cấp điện sạch, an toàn và đảm bảo. Chúng ta cần tập trung cho kế hoạch phát triển năng lượng sạch cho ĐBSCL, phù hợp với kế hoạch tổng thể mới về môi trường, kinh tế và xã hội của khu vực này.”
Trên khắp thế giới, giá năng lượng tái tạo (NLTT) tiếp tục giảm hơn 10% mỗi năm, đồng nghĩa với việc ở nhiều nước NLTT đã rẻ hơn nhiệt điện than. Một minh chứng rõ ràng nhất là Ấn Độ, quốc gia phải dựa vào nguồn than nhập khẩu. Tại quốc gia này, giá điện mặt trời đã giảm tới mức khiến cho các nhà máy nhiệt điện than không còn mang lại lợi ích kinh tế và chính phủ nước này đang có kế hoạch chấm dứt việc nhập khẩu than trong vòng 5 năm tới.
Tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy được sự chuyển hướng mạnh mẽ trong mối quan tâm của các nhà đầu tư đối với việc tận dụng tiềm năng năng lượng tái tạo dồi dào của Việt Nam bao gồm cả năng lượng gió và mặt trời. Hơn 10.000MW[1] các dự án năng lượng mặt trời quy mô lớn đã được đăng ký tại Việt Nam. Đó là còn chưa tính đến tiềm năng của hệ thống điện mặt trời cấp hộ và  đầu tư tư nhân cho nguồn này. Chương trình Tuần lễ Năng lượng tái tạo 2017 tại Cần Thơ do VSEA tổ chức đã cho thấy hệ thống điện mặt trời cấp hộ thực sự mang lại hiệu quả kinh tế. Đây sẽ là động lực thúc đẩy hơn nữa đầu tư tư nhân và sẽ không chỉ dừng lại ở con số 10.000 MW.
"Việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới ngày hôm nay sẽ khóa chúng ta vào ít nhất ba thập kỷ ô nhiễm với cái giá phải trả rất lớn. Chúng ta có thể tránh được điều này bằng cách dừng ngay việc xây dựng các nhà máy điện than mới. Việt Nam đang có cơ hội lớn để không phụ thuộc vào than nhập khẩu và phát triển hệ thống năng lượng tái tạo hiện đại mà không gây ô nhiễm không khí, nguồn nước và đất nông nghiệp. Chúng ta cần chắc chắn rằng chúng ta không bỏ lỡ cơ hội này." - Ông Sính khẳng định.
 
Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ: 
Văn phòng Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA)
Đơn vị điều phối: Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID)
Địa chỉ: Phòng 707, tầng 7, tòa nhà Sunrise Buiding, 90 Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: 024 795 6372 | Email: vsea@greenidvietnam.org.vn
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) thành lập năm 2012 bao gồm 12 thành viên là các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế hoạt động vì sự phát triển năng lượng bền vững của Việt Nam và khu vực Mekong thông qua thúc đẩy chính sách phát triển năng lượng bền vững, sử dụng năng lượng hiệu quả và các giải pháp năng lượng tái tạo, huy động các bên liên quan tham gia của vào quá trình xây dựng và thực thi các chính sách năng lượng bền vững góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.
 

 


[1] Ông Nguyễn Quốc Chính, Phó Giám đốc Kỹ thuật và Sản xuất, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trình bày tại Hội nghị Năng lượng Điện Việt Nam 2017