Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Kiến nghị dừng nhiệt điện than Quỳnh Lập

  |   Viết bởi :

Kiến nghị chuyển đổi các dự án nhiệt điện than Quỳnh Lập 1 và 2 sang loại năng lượng sạch

Hà Nội, Ngày 14 tháng 11 năm 2020 – Hôm qua, Trung tâm Khuyến viên và Dịch vụ Nghề vườn Nghệ An (Vị Nông) và Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA)  đã gửi thư kiến nghị về việc Đề nghị chuyển đổi các dự án nhiệt điện than Quỳnh Lập 1 và 2 sang loại năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) hoặc điện khí đến các bên liên quan tới dự án này.

Từ những bằng chứng thực tiễn, khoa học, và pháp lý, cùng với ý kiến của gần 100% nhân dân Quỳnh Lập, Trung tâm Vị nông và VSEA đưa ra 2 kiến nghị :

  • Dừng triển khai ngay dự án nhiệt điện than Quỳnh Lập 1 và 2 và thông báo rõ bằng văn bản cho người dân biết để họ yên tâm phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và các vấn đề an sinh xã hội khác.
  • Nếu để đảm bào năng lượng điện cho khu công nghiệp Đông Hồi, cần đưa cụm nhà máy nhiệt điện than Quỳnh Lập ra khỏi Quy hoạch điện 8; thay vào đó cần tính toán chuyển sang loại hình năng lượng sạch hơn như điện gió, mặt trời,…

Xem toàn văn thư kiến nghị tại: đây

Dự án nhiệt điện than Quỳnh Lập 1 (công suất 2x600 MW) và Quỳnh Lập 2 (công suất 2x600 MW) được bắt đầu đưa vào Quy hoạch Điện VII ban hành năm 2011[1], sau đó là Quy hoạch Điện VII điều chỉnh ban hành năm 2016[2]. Dự án có tổng diện tích khoảng 283ha, thuộc quy hoạch KCN Đông Hồi - KKT Đông Nam tỉnh Nghệ An. Chủ đầu tư là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Tuy nhiên tới nay, sau gần 10 năm quy hoạch dự án được công bố, tới nay dự án gần như chưa triển khai được gì ngoài hoạt động động thổ vào năm 2015. Tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp chưa tới 10%. Do đó, Nhu cầu sản xuất và cung cấp điện cho khu công nghiệp này không còn cấp thiết như dự kiến.

Đã một thập kỷ trôi qua, người dân, cũng như chính quyền địa phương đều hàng ngày sống trong nỗi bất an Nhà máy nhiệt điện Quỳnh lập rồi sẽ đi về đâu. Cũng chính vì lẽ đó , gần như 100% người dân đề xuất dừng triển khai dự án điện than, chuyển đổi sang dạng năng lượng sạch khác do lo ngại ô nhiễm môi trường và tác động xấu tới sức khỏe của họ và con cháu mai sau. Đó là kết luận được đưa ra từ chuyến công tác vào ngày 9 và 10/11/2020 đoàn công tác của VSEA[3] đã có chuyến công tác tại Nghệ An, trao đổi với các cơ quan chính quyền và người dân địa phương về phát triển năng lượng trên địa bàn.

Ông Nguyễn Hồng Sơn – Giám đốc Trung tâm Vi Nông cho biết “Quỳnh Lập hoàn hoàn có khả năng chuyển sang năng lượng sạch hơn thay thế cho dự án nhiệt điện. Vì bằng chứng thực tiễn từ chuyến đi công tác trên đã cho thấy đã có một số chủ đầu tư đang thực hiện khảo sát và phát triển dự án năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) trên địa bàn, tức là có giải pháp thay thế”.

Bên cạnh đó, về điện mặt trời, Nghệ An thuộc khu vực có bức xạ trung bình từ 3,8-4,2 kWh/m2/ngày, tương ứng với sản lượng điện 1,2 – 1,3 triệu kWh/1WWp, bằng khoảng 76% so với vùng có bức xạ cao như Ninh Thuận. Hiện nay tỉnh cũng đang trình 02 dự án với công suất 400MW đang được xem xét bổ sung vào Quy hoạch Điện VII điều chỉnh. Ngoài ra có 08 dự án điện mặt trời với tổng công suất 722MW đã được Sở Công thương báo cáo UBND tỉnh đề xuất Chính phủ phê duyệt vào Quy hoạch Điện VIII. Đây là những nguồn năng lượng thay thế khả thi cho điện than trên địa bàn.[4]

--------------------------------------
Thông tin liên hệ:

Văn phòng Trung tâm Khuyến viên và dịch vụ nghề vườn Việt Nam (Trung tâm Vị nông)

Địa chỉ liên hệ: Số 66, Ngõ 60 – Đào Tấn, Khối 2, phường Cửa Nam-TP Vinh, Nghệ An. 

Ông Nguyễn Hồng Sơn – Giám đốc

Điện thoại: 0963016976 | Email: vinongtvn@gmail.com

Văn phòng Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA)

Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID)

Địa chỉ liên hệ gửi về: Nhà C1X3, ngõ 6 Trần Hữu Dực, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội


[2]Quy hoạch Điện VII điều chỉnh: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/thuong-mai/Quyet-dinh-428-QD-TTg-de-an-dieu-chinh-quy-hoach-phat-trien-dien-luc-quoc-gia-2011-2020-2030-2016-306608.aspx

[3] Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), Trung tâm Truyền thông Giáo dục cộng đồng (MEC), Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng (IRECO), Trung tâm nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững (LPSD), Trung tâm Khuyến viên và dịch vụ nghề vườn Việt Nam (Trung tâm Vị nông).

[4] Báo cáo của Sở Công thương Nghệ An tại tọa đàm ngày 9/11/2020.