8:30 AM
(HanoiTV) - Việt Nam đang cam kết phát triển mạnh năng lượng tái tạo. Nhiều chuyên gia kỳ vọng việc thực hiện tốt cam kết sẽ tạo ra "khoán 10" trong lĩnh vực năng lượng.
Theo kịch bản thông thường trên đây của WWF, sản lượng điện từ NLTT (gió, mặt trời, sinh khối...) sẽ tăng dần đều. Nguồn: WWF
Lợi ích nhiều mặt
Từ nhiều năm nay, Việt Nam (VN) lựa chọn phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), đặc biệt từ gió và mặt trời, để giải quyết bài toán an ninh năng lượng. “Phát triển NLTT góp phần giảm ô nhiễm môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”, ông Lê Tuấn Phong – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương tại Tuần lễ năng lượng tái tạo Việt Nam 2016 (ngày 18-19/11) cho biết.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia khẳng định NLTT tạo thêm việc làm cũng như cơ hội kinh doanh cho địa phương. Đơn cử như Nhà máy lắp ráp linh kiện turbin gió của GE Hải Phòng có tỉ lệ lao động địa phương cao. Trong gần 700 lao động, duy nhất có 1 chuyên gia nước ngoài, còn lại là người VN, theo bà Đỗ Minh Tâm, Điều phối Liên minh Năng lượng Bền vững VN.
Theo kịch bản năng lượng bền vững của WWF, sản lượng điện từ NLTT sẽ chiếm ưu thế tuyệt đối
UBND tỉnh Bạc Liêu đánh giá Nhà máy điện gió Bạc Liêu góp phần quảng bá hình ảnh và tạo sức hút đầu tư cho tỉnh. "Về lâu dài, khi được hoàn thành đồng bộ, nhất là khi kết nối với phát triển du lịch, dự án chắc chắn sẽ tạo ra được nhiều việc làm, nhiều giá trị kinh tế - xã hội cho địa phương", ông Nguyễn Tấn Khương, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết.
Sự lựa chọn trên ngày càng được chứng minh là đúng khi giá thành sản xuất NLTT có xu hướng giảm toàn cầu. Vì vậy, ngày 22/11, trong nhiều lý do dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết một phần nguyên nhân là “tiềm năng sử dụng các dạng NLTT như gió, mặt trời trở nên khả thi về kinh tế do giá thành sản xuất điện từ các dạng năng lượng này đã giảm đáng kể trong giai đoạn 5 năm qua”.
Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) đã xây dựng các kịch bản phát triển năng lượng (NL) ở Việt Nam và đồng bằng sông Cửu Long. Theo Kịch bản NL bền vững, nước ta có thể sản xuất ít nhất 81% NLTT vào 2050. Theo Kịch bản NL bền vững tối ưu, có thể đạt 100%. "Theo các kịch bản này, VN có thể giảm phát thải carbon xuống 380-450 triệu tấn/năm", TS. Rafael Senga, Cố vấn cao cấp chính sách năng lượng toàn cầu, WWF cho biết: "Việc chuyển đổi NL là khả thi về mặt kỹ thuật và có lợi về mặt kinh tế".
Trước đó, ngày 18/11, VN đã tham gia một thoả thuận quốc tế hướng đến sử dụng 100% NLTT vào năm 2050, cùng 47 nước đang phát triển, tại Diễn đàn Tổn thương Khí hậu, một hoạt động bên lề của Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP 22).
Cam kết phát triển các nguồn năng lượng mới còn được thể hiện rõ trong hai quyết định mới đây do Thủ tướng Chính phủ ban hành - Quyết định số 2068/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển NLTT của VN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (tháng 11/2015) và Quyết định số 428/QĐ-TTg về điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (hay còn gọi là Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh).
Có thể có "khoán 10" lĩnh vực năng lượng
Những quyết định trên nhận được đánh giá tích cực của các chuyên gia trong và ngoài nước. “Chiến lược trên thể hiện cam kết rất mạnh mẽ của Chính phủ trong việc phát triển NLTT nhằm cải thiện an ninh năng lượng và góp phần bảo vệ môi trường,” TS. Nguyễn Quốc Khánh, chuyên gia NLTT cho biết.
Để hiện thực hoá hai quyết định trên, vấn đề mấu chốt nằm ở cơ chế. "Nhiều bên có nguồn lực muốn tham gia phát triển NLTT như các tổ chức dân sự và doanh nghiệp. Chính phủ không cần mất thêm tiền, chỉ cần cấp cơ chế ", bà Nguỵ Thị Khanh, Giám đốc Tổ chức Green ID, đơn vị thực hiện các nghiên cứu và thực hành NLTT, cho biết. "Một cơ chế đúng giống như khoán 10 trong năng lượng. Nó tạo cơ hội mọi người sản xuất và tiêu dùng năng lượng, tạo công ăn việc làm ở địa phương".
Vì vậy, nhiều chuyên gia gợi ý chính phủ nên tiếp xúc nhiều hơn với các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học và cộng đồng để xây dựng chính sách. “Một trong các thách thức lớn nhất đối với phát triển NLTT là việc tạo ra các kênh giao tiếp hiệu quả giữa các nhà lập chính sách và các bên liên quan để trao đổi thẳng thắn và sau đó lập một cơ chế chính sách liên kết được nhu cầu cộng đồng dân cư với các mục tiêu vĩ mô về năng lượng của quốc gia”, TS. Nguyễn Trịnh Hoàng Anh, Đại học Việt Pháp cho biết.
Năm 2015, sản lượng điện từ năng lượng tái tạo bao gồm gió (135 MW), sinh khối (375 MW), biogas (2 MW), rác thải (2,4 MW), thuỷ điện lớn (14.530 MW) và thuỷ điện nhỏ (2.152 MW), theo TS. Khánh.
Theo Hanoitv.vn/Thuý Bình