Thất bại của Xayabury cho thấy Việt Nam không đủ bằng chứng để họ nghe mình, do vậy lúc này quan trọng nhất là bằng chứng khoa học. Ông Ngô Thuần Khiết, ...
Thất bại của Xayabury cho thấy Việt Nam không đủ bằng chứng để họ nghe mình, do vậy lúc này quan trọng nhất là bằng chứng khoa học.
Ông Ngô Thuần Khiết, Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam đã chia sẻ quan điểm của mình như vậy tại tọa đàm: "Thủy điện Don Sahong và thách thức đối với Việt Nam".
18 triệu dân ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng
Các nghiên cứu đã nhiều lần chỉ ra sự ảnh hưởng của việc xây dựng các con đập thủy điện trên sông Mekong, đặc biệt là Don Sahong.
Theo TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững Tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu cho rằng: "Thủy điện Don Sahong sẽ ảnh hưởng lớn đến việc di cư, sinh sản của các loài cá ở khu vực ĐBSCL và ở Biển hồ Campuchia. Mặt khác, phía dưới vị trí đập thủy điện Don Sahong có một loài cá heo nước ngọt. Nếu làm thủy điện ở đó thì sẽ ảnh hưởng đến quần thể cá này.
Thủy điện Don Sahong còn làm thay đổi dòng chảy, thay đổi lượng phù sa đổ về hạ lưu gây tác động liên hoàn đến hệ sinh thái, sản lượng thủy sản và sản xuất lương thực phía hạ lưu. Điều này làm ảnh hưởng đến sinh kế của 18 triệu dân ở ĐBSCL (chiếm 1/3 lượng người sống trên lưu vực sông Mekong)", TS Tứ nói.
Cũng đưa ra những lo ngại không kém, ông Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập dẫn kết quả các nghiên cứu đánh giá tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong của Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Theo đó các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mekong đã gây tác động đến số lượng và chất lượng nguồn nước, tác động đến phù sa, đa dạng sinh học, thủy sản, giao thông thủy, nông nghiệp, nền kinh tế và kế sinh kế của hàng triệu người dân...
Tuy nhiên trên thực tế giới chuyên môn cũng thừa nhận: Tới nay dự án thủy điện trên dòng chính Mekong cũng chỉ mới đánh giá tác động trên một phạm vi hẹp. Trong khi đó, đồng bằng sông Cửu Long sẽ phải chịu ảnh hưởng lớn nhất nếu các dự án thủy điện được xây dựng.
Bằng chính kinh nghiệm của quốc gia mình từng nhận thấy những hệ lụy về môi trường do thuỷ điện đem lại, Mỹ đã tiến hành phá bỏ con đập lớn nhất trong lịch sử, Đại diện Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cũng đưa ra những lời tâm huyết.
Theo đó vị đại diện này chia sẻ quan điểm của Hoa Kỳ cũng như sáng kiến liên quan mà nước này từng thực hiện với các con sông. Ông cho rằng sông Mekong rất quan trọng vì liên quan đến sinh kế của cả khu vực
"Lợi ích trong thời gian ngắn hứa hẹn tốt đẹp như thế nào đi chăng nữa cũng không thể nào chúng ta không cân nhắc đến sự bền vững về kinh tế trong lâu dài cũng như về sinh thái của con sông đó.
Hoa Kỳ có kinh nghiệm trong vòng 100 năm về phát triển thủy điện nên hiểu rất rõ những tác động có thể có về những con đập. Việc phát triển đập sẽ tạo ra những hay đổi vĩnh cửu với các dòng sông nên khi xây phải không nên vội vã, tiến hành kỹ càng các tham vấn và như vậy đòi hỏi phải có các bên tham gia vào quá trình này", đại diện Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam nói.
Người dân ĐBSCL sống phụ thuộc nhiều vào sinh kế từ con sông Mekong
Lợi ích vào tay ai?
Nhìn từ thủy điện Xayabury, ông Khiết cho biết khi đó Liên hiệp hội Việt Nam đã được giao phản biện và có ý kiến chính thức bằng văn bản gửi tới nhà nước về vấn đề xây dựng thủy điện này.
Theo đó các nhà khoa học đã đưa ra thông điệp: do những tác động tích lũy khó lường tốt nhất là để yên cho sông Mekong mà không xây đập nào cả khi con kịp. Trong trường hợp không thể thì nên lùi thời gian xây đập Xayabury càng lâu càng tốt.
"Thế nhưng có một điều được vỡ lẽ ra từ chính các ý kiến của chuyên gia cho dù thỏa thuận sông Mekong như vậy, cơ chế tham vấn như vậy nhưng cuối cùng Lào vẫn xây dựng Xayabury.
Vậy câu hỏi đặt ra là rõ ràng chúng ta không thể ép buộc Lào không thể xây và thủy điện Xayabury đã chứng minh sự thất bại về thỏa thuận sông Mekong hay là bởi ý kiến tư vấn, phản biện của chúng ta chưa đủ bằng chứng khiến cho Lào tâm phục khẩu phục", ông Khiết nói.
Cho nên ông Khiết cho rằng trong cách tham vấn cộng đồng và ý kiến chính thức thì quan trọng nhất là bằng chứng khoa học. Ví dụ ảnh hưởng tới cá heo, hay ảnh hưởng đến sinh kế, chuẩn bị hiện trạng và các kịch bản để họ tâm phục khẩu khục để có thể dừng lại hoặc thay đổi quy mô xây dựng.
Bà Huỳnh Kim Duyên, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Cần Thơ cho biết bà vừa tham gia đoàn thực hiện tham vấn đối với đại diện cộng đồng của ĐBSCL khi xây đập thủy điện.
Theo đó đã tổ chức 12 tham vấn tại cộng đồng của 6 tỉnh ĐBSCL trong đó 6 cuộc tham vấn với cộng đồng và 6 cuộc với phụ nữ tại đây.
"Khi nghe các đánh giá nghiên cứu về tác động của thủy điện nhưng người dân tại 12 tham vấn này thấy hầu hết họ chưa biết đến việc đập thủy điện sẽ được xây. Do đó 100% người dân đều phản ứng không đồng thuận trong việc các quốc gia xây dựng thủy điện trên dòng sông vì họ sống chính bằng nông nghiệp, nguồn lợi thủy sản.
Sau khi tham vấn tất cả đại biểu đều kiến nghị với các cơ quan chức năng tham mưu cho Chính phủ cố gắng trong công tác ngoại giao giữ nguyên môi trường thiên nhiên không nên phát triển ào ạt ngày hôm nay còn người dân con cháu sau này chịu ảnh hưởng", bà Duyên cho biết.
TS Đào Trọng Tứ cũng chỉ thẳng: Ngay cả việc phát triển thủy điện quá nóng, quá nhanh và quá lớn nhìn lại sẽ thấy tác động rất kinh khủng mà không thể khắc phục được. Lợi ích sẽ chỉ có một nhóm người đạt được còn ảnh hưởng thì sẽ tới nhiều người.
"Các nước đã hợp tác và có luật chơi thì phải chơi theo luật. Rất tiếc là Xayabury không làm được điều đó và sự lo ngại về việc đây là phát đại bác khởi đầu và đúng như dự báo điều đó đã xảy ra", TS Tứ lo lắng.
Bà Ngụy Thị Khanh, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cũng cho rằng, với việc xây đập ngăn sông sẽ là mất mát lớn và không thể có giải pháp nào khắc phục cải thiện được.
Nếu không có thông tin và phản ứng kịp thời chúng ta sẽ rất khó kiển soát.
Ngược lại lợi ích lớn nhất sẽ về tay ai? Có phải là người dân Lào hay không? Câu trả lời là nó sẽ chỉ rơi vào tay nhà đầu tư nhưng vấn đề an ninh quốc gia cần đặt ra ở đây.
"Tất cả các công trình thủy điện trên sông Mekong đều là do các công ty của Trung Quốc đầu tư. Theo phân tích của Mạng lưới sông ngòi Việt Nam thì Trung Quốc phát triển thủy điện để khống chế nguồn nước. Đây là câu chuyện rất lo lắng về an ninh nguồn nước quốc gia. Người dân ven sông và người dân hạ lưu sẽ được hưởng lợi rất ít", bà Khanh nói.
Theo đó bà cho rằng tiếng nói và quan tâm của cộng đồng ven sông cần phải được đưa vào cơ chế ra quyết định, sử dụng nước và phát triển thủy điện.
Bích Ngọc
Trích dẫn tại: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/quan-diem/lao-muon-xay-thuy-dien-don-sahong-phia-my-canh-bao-thang-3218305/