Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Loại bỏ thủy điện Đồng Nai 6, 6A ra khỏi quy hoạch: Các nhà khoa học đồng tình

  |   Viết bởi : Trích dẫn tại: http://www.cand.com.vn/vi-VN/khcn/2013/10/210633.cand

Việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý với kiến nghị của Bộ Tài nguyên - Môi trường, giao Bộ Công Thương xem xét loại bỏ dự án thủy điện Đồng ...

Việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý với kiến nghị của Bộ Tài nguyên - Môi trường, giao Bộ Công Thương xem xét loại bỏ dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6 A ra khỏi quy hoạch đã được phê duyệt đồng thời xem xét, rà soát lại quy hoạch thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai, đã nhận được sự đồng thuận lớn trong nhân dân cũng như giới khoa học… Như vậy, 11 năm tranh luận kéo dài về chuyện “được - mất” của dự án đã khép lại…

20130930124248-envir2

Là đơn vị chịu trách nhiệm thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án Đồng Nai 6, 6A, TS Mai Thanh Dung, Cục trưởng Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường (Bộ Tài nguyên – Môi trường) khẳng định: “Chủ đầu tư dự án cũng có nhiều nỗ lực tuy nhiên báo cáo ĐTM có nhiều điểm không rõ và tác động tiêu cực của dự án là rõ ràng. Cục dừng thẩm định và chủ đầu tư cũng không phải tiếp tục làm báo cáo ĐTM”.

Ông Dung cho biết thêm: “Bất cứ dự án thủy điện nào cũng không tránh khỏi tổn hại tới môi trường, do vậy phải cân đối hài hòa lợi ích giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học. Đã có thời gian, có nhiều dự án gây tổn thất môi trường rất lớn nhưng do bối cảnh khi đó đang thiếu điện nên vẫn chấp nhận đánh đổi. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam không thiếu điện, lại có khả năng phát triển nhiều nguồn năng lượng thay thế nên cần phải cân nhắc kĩ lưỡng. Nhiều nước trên thế giới đã loại bỏ thủy điện”.

Về việc chủ đầu tư đã phải chi phí khá lớn trong suốt 11 năm chuẩn bị cho dự án, ông Dung cho rằng, bất cứ chủ đầu tư nào cũng phải lập báo cáo đầu tư, khả năng rủi ro luôn có thể xảy ra khi dự án đó bị điều chỉnh, thậm chí không được thông qua. Trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Bộ Tài nguyên - Môi trường kiến nghị quy trình lập ĐTM hai bước: ĐTM ban đầu và ĐTM chi tiết. Theo đó, chỉ những dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư mới phải lập ĐTM chi tiết. Quy trình này được áp dụng cho các dự án phải lập báo cáo tiền khả thi, phải xin chủ trương đầu tư và có nhiều rủi ro.

“ĐTM hai bước sẽ giúp giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp, bởi lẽ có nhiều doanh nghiệp phải chi rất nhiều tiền cho giai đoạn lập báo cáo tiền khả thi nhưng cuối cùng dự án không được thông qua, gây tốn kém, lãng phí. Sau câu chuyện thủy điện Đồng Nai 6, 6A, các nhà đầu tư cũng có vẻ lo ngại. Từ đầu năm tới giờ Cục chưa nhận được hồ sơ xin thẩm định ĐTM nào gửi về” - ông Dung cho hay.

Là người kịch liệt phản đối việc triển khai dự án Đồng Nai 6, 6A từ những ngày đầu tiên, TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam bày tỏ: “Nếu dừng dự án vĩnh viễn thì là tin vui cho hàng triệu người và giới khoa học. Tôi chỉ sợ, dự án chỉ bị dừng tạm thời rồi lúc nào đó lại cho phép triển khai, bởi văn bản đưa ra vẫn còn chung chung, chưa rõ ràng”.

TS Long cũng thẳng thắn: “Tôi không ủng hộ thủy điện, phải đánh đổi 1 kWh điện bằng mấy chục hécta rừng là quá lớn. Tổn thất của dự án Đồng Nai 6, 6A có thể mãi mãi không bù đắp được. Việt Nam không thiếu điện, đánh đổi môi trường là không cần thiết. Ngay cả có thiếu điện, việc mua điện từ nước ngoài còn tốt hơn. Việt Nam chưa đủ trình độ quản lí hệ thống an toàn hồ chứa, chưa nói đến quản lí thảm họa sinh thái. Dù có phải đền bù rủi ro cho doanh nghiệp cũng kiên quyết phải dừng dự án”.

Các thành viên thuộc Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) đánh giá cao những nhận định khách quan, thấu đáo trong báo cáo của Bộ Tài nguyên - Môi trường gửi Thủ tướng ngày 30/8/2013 về những tác động tiêu cực của dự án. VRN cho rằng, việc loại bỏ hai dự án trên là việc làm đúng đắn, thể hiện bước đi thận trọng của cơ quan quản lí có liên quan. Trong bối cảnh công nghệ năng lượng tái tạo phát triển vượt trội, Việt Nam hoàn toàn có thể bổ sung nguồn năng lượng sạch, thay thế cho các công trình thủy điện gây tổn thất lớn cho môi trường sinh thái và an sinh xã hội như 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A.

Khái quát toàn cảnh 11 năm chuẩn bị cho dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A.

Ngày 19/11/2002, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch bậc thang Thủy điện Đồng Nai 6 với công suất 180 MW, sản lượng điện bình quân năm là 773,6 kWh, diện tích ngập hồ chứa 1.954ha, trong đó có 732ha thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên và 1.222ha đất thuộc rừng phòng hộ.

Sau đó, chủ đầu tư là Tập đoàn Đức Long Gia Lai đã đề xuất chia bậc thang Thủy điện Đồng Nai 6 thành 2 bậc là Đồng Nai 6 (135 MW) và Đồng Nai 6A (106 MW).

Năm 2007, chủ đầu tư bắt đầu thuê Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 1 (PECC1) lập báo cáo ĐTM cho dự án.

Ngày 27/6/2012, chủ đầu tư đã gửi báo cáo ĐTM tới Bộ Tài nguyên - Môi trường thẩm định. Bộ đã thành lập Hội đồng thẩm định để xem xét báo cáo ĐTM, đồng thời tổ chức đoàn khảo sát thực tế nơi dự kiến thực hiện dự án cùng Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Ngày 28/11/2012, sau phiên họp kĩ thuật của Hội đồng thẩm định, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã trả lại báo cáo ĐTM để chủ đầu tư hoàn thiện.

Ngày 28/6/2013, Tập đoàn Đức Long Gia Lai lại tiếp tục gửi bản báo cáo ĐTM chỉnh sửa tới Hội đồng thẩm định. Trên cơ sở thẩm định, Bộ Tài nguyên - Môi trường khẳng định, việc thực hiện các dự án sẽ gây những tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái, đặc biệt là sự toàn vẹn của Vườn quốc gia Cát Tiên, khu ngập nước Bàu Sấu…

Bộ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương rà soát lại quy hoạch đối với hai dự án và quy hoạch thủy điện trên sông Đồng Nai.

Ngày 1/8/2013, Tập đoàn Đức Long Gia Lai đề nghị xin rút hồ sơ báo cáo ĐTM để bổ sung nội dung.

Liên quan đến chủ đề thủy điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cũng cho biết đã nhận được văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc xem xét loại khỏi quy hoạch 2 dự án thủy điện 6 & 6A trên hệ thống sông Đồng Nai do ảnh hưởng tiêu cực đến Vườn quốc gia Cát Tiên. Bộ Công thương đang tiến hành các bước và sẽ sớm báo cáo kết quả lên Chính phủ.

Thứ trưởng Lê Dương Quang cũng cho biết thêm hiện Bộ Công Thương đã cơ bản làm xong việc rà soát tất cả các dự án thủy điện trên cả nước và cũng đã trình dự thảo báo cáo lên Thủ tướng. Sau khi được thông qua, Bộ Công Thương sẽ thừa ủy quyền đề báo cáo trước Quốc hội trong kỳ họp tới.

Trích dẫn tại: http://www.cand.com.vn/vi-VN/khcn/2013/10/210633.cand