Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Nam Cường xã về đích sớm trong xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Thái Bình

  |   Viết bởi : Lê Thành Ý

...

Mặc dù chưa được lựa chọn làm điểm xây dưng nông thôn mới, song Đảng bộ và Nhân dân xã Nam Cường huyện Tiền Hải đã được công nhận là một trong những xã đầu tiên đạt chuẩn Nông thôn mới của tỉnh Thái Bình trong năm 2.013. Vì sao Nam Cường có được kết quả đột phá này là câu hỏi ngỏ buộc chúng tôi phải về đây tìm để hiểu được rõ ngọn nguồn.

Khắc ghi lời Bác, giữ vững khối đoàn kết toàn dân để xây dựng quê hương giầu đẹp

Ngay sau đêm cơn bão số 3 tràn qua Hải Phòng và các tỉnh duyên hải, sớm ngày 17 tháng 9 đoàn chúng tôi lên đường về Tiền Hải, khi trời Hà Nội còn mưa nặng hạt.Theo quốc lộ 10, những cung đường tỉnh lộ và đê biển bao quanh ruộng đồng ngập nước với những cây lúa đang gồng mình trụ vững, hứa hẹn cho một vụ mùa bội thu, chúng tôi đến Nam Cường trong không gian yên tĩnh, thanh khiết của vùng ven biển.

Đi trên đường làng khoáng đãng, không bị cản trở giữa 2 làn xe; đoàn công tác đến UBND xã, được xây dựng trong không gian của Trung tâm văn hóa với sân vận động, trường học, nhà mẫu giáo, trạm y tế, trạm xử lý nước sạch, nhà tưởng niệm…  đạt chuẩn quốc gia. Tiếp chúng tôi, Phó Bí thư Đảng ủy Lương Xuân Điển, Chủ tịch Hoàng Ngọc Sang và lãnh đạo địa phương chân thành, cởi mở như đón người thân về nhà. Từ nhiệt huyết của lớp trẻ thuộc thế hệ thứ 3 đang tiếp bước ông, cha “quai đê, lấn biển” các anh cho biết: Thực hiện chủ trương Đại hội Đảng III (năm 1.960) “ phá xiềng 3 sào” trong sản xuất nông nghiệp, năm 1.961 những người dân đầu tiên của 23 xã thuộc huyện Tiền Hải đã về vùng đất chua mặn này lập nghiệp;  họ cùng sinh hoạt trong đơn vị tình nguyện do tiểu đoàn trưởng Ngô Đăng Ký phụ trách để lập nên xã Nam Cường.  Nam Cường  có diện tích tự nhiên 372,3 ha với 208 ha đất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Xã gồm 3 thôn được xây dựng theo quy hoạch ngay từ bước khởi đầu; đến nay, toàn xã có trên 3.230 nhân khẩu, cả 3 thôn đều đạt chuẩn làng văn hóa.

Là vùng đất nhiều khó khăn, từ những ngày đầu lập nghiệp, lãnh đạo nhà nước đã rất quan tâm. Đầu năm 1.962, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đồng chí Bùi Quang Tạo và Nguyễn Khang đã thay mặt Đảng và Chính phủ về đây thăm hỏi đồng bào. Trong buổi họp mặt với dân sáng ngày 26 tháng 3/1.962 Bác đã chỉ ra “ Đồng bào Nam Cường đi khai hoang gian khổ không kém gì các chiến sĩ ngoài mặt trận. Lúc đầu có gian khó, mọi người phải đoàn kết; giống như dây chão được xe lại bằng nhiều sợi nhỏ thành dây lớn sẽ không đứt được”. Người căn dặn “ Mọi việc mới bắt đầu làm đều khó, phải có quyết tâm thật lớn, vượt mọi khó khăn thì mới đạt được những điều mong muốn. Vì vậy, cán bộ, đảng viên, các cháu đoàn viên thanh niên phải gương mẫu đi đầu thực hiện việc khó; xã viên phải đoàn kết tốt với cán bộ, đảng viên thì mọi việc mới thành”.  Lời căn dặn chân tình, đơn giản, dễ hiểu của Bác đã để lại trong tâm thức của mọi người dân; họ ghi nhớ và cố gắng làm theo để tạo động lực vượt qua gian khó trong mọi thời kỳ.

Trao đổi cùng những người từng gắn bó với vùng đất này, chung tôi được biết; như đã  thành thông lệ, cứ 2 năm, dân làng lại mở hội kéo dài trong 3 ngày tại nhà tưởng niệm được xây dựng trên khu đất Bác Hồ về nõi chuyện năm xưa. Trong phần lễ các tổ chức chính quyền, đoàn thể xã hội và người dân báo công lên Bác bằng những việc làm và kết quả mang lại. Ở phần Hội, ngoài hoạt động văn hóa thể thao; tại các thôn và trong từng cụm dân cư, người dân đã giữ lại nét đẹp truyền thống góp gạo ăn cơm đoàn kết.  Đoàn kết là nét thấm đậm của dân Nam Cường trong đời sống cộng đồng, họ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm sản xuất; giúp đỡ, cảnh báo từng vấn đề xã hội có thể nảy sinh trong mỗi gia đình để cùng tìm giải pháp khắc phục, tạo nên nét đầm ấm ở một vùng quê .Trên 53 năm đã qua, Đảng bộ và Nhân dân Nam Cường luôn giữ vững khối đoàn kết toàn dân; cần cù lao động với ý chí năng động, sáng tạo; lớp trẻ đã đi tiên phong trong chuyển đổi phương hướng sản xuất, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát huy thế mạnh địa phương để vươn lên xóa đói giảm nghèo và làm giầu cho quê hương, đất nước.

Từ lợi thế và những hạn chế của vùng đât biển chua mặn; người dân đã nhận ra muốn làm giầu phải tìm được phương hướng sản xuất phù hợp; vừa làm vừa rút kinh nghiệm để rồi nhân rộng. Thực tế sản xuất nhiều năm giúp người dân nhận ra lợi thế của vùng; nhiều khu đất trồng lúa ít sinh lợi được chuyển sang  làm trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cả nước ngọt lẫn nước lợ. Trang trại chăn nuôi của doanh nhân Bảo Thủy trên diện tích 3 ha đất trũng, đã đưa đàn lợn xuất chuồng lên 2.400 con nặng hơn 100 Kg sau 4,5 tháng tuổi.  Cũng như Bảo Thủy, doanh nhân Phạm Văn Thiên ở thôn Chí Cường đã mở rộng quy mô, đưa số lợn xuất chuồng mỗi lưa lên 6.000 con. Ngoài ra, trên 53 hộ gia đình trong xã cũng đang mở rộng cơ sở chăn nuôi theo quy mô lớn.

Trong nuôi trồng thủy sản, với cách làm sáng tạo của từng hộ gia đình; lợi thế hồ đầm nước ngọt và nước lợ đã giúp nghề nuôi cá chắm đen, cá vược , ngao dắt, cua xanh, tôm thẻ, tôm xú…không ngừng phát triển; đưa thủy sản trở thành ngành có vị trí thu nhập hàng đầu. Những hộ gia đình chuyên nuôi ngao giống như Lê Văn Sử, tôm xú Đoàn Văn Nam, cá vược Trần Văn Đăng … có thu nhập từ hàng trăm triệu đến con sổ tỷ đồng/ năm.

Với hướng phát triển của kinh tế hộ, trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng mở rộng, việc làm và thu nhập dân cư ngày một gia tăng (đạt bình quân trên 23 triệu đông/ người trong  năm 2013). Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn 2,9% và số hộ cận nghèo chiếm khoảng 4%. Kết quả sản xuất kinh doanh đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống tinh thần để Nam Cường được trở thành là điểm sáng văn hóa nhờ kết quả sạch về tệ nạn, không phát sinh tệ nạn xã hội trong nhiều năm qua.

Nhìn về tương lai để tìm giải pháp phát triển bền vững

Kinh tế phát triển, công nghiệp hóa nông thôn mở rộng luôn gắn với ô nhiễm môi trường và rủi ro BĐKH; nhận thức được vấn đề này, Đảng bộ và Nhân dân xã Nam Cường đã dành sự quan tâm lớn đến cho việc bảo vệ môi trường, coi trọng nguồn nước sạch và tìm giải pháp sử dung năng lượng bền vững dựa trên sức mạnh cộng đồng.

Ở nước ta, quá trình phát triển năng lượng đang còn khép kín, theo hướng tiếp cận từ trên xuống và tập trung nhiều ở cấp trung ương. Với tiếp cận này, dường như nguồn năng lượng phi thương mại và ở khu vực nông thôn chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến nhiều nan giải trong đáp ứng nhu cầu năng lượng nông thôn. Được Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh Thái Bình giúp đỡ, năm 2012 Nam Cường đã đến với Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (Green ID) để cùng tìm hướng khắc phục.

Bằng nhiệt tình và tâm huyết của các nhà nghiên cứu, Green ID đã giúp cán bộ địa phương khởi đầu công việc điều tra khảo sát tại các hộ dân để có cơ sở xây dựng đề án giải quyết vấn đề năng lương bền vững ở cấp địa phương. Với cách tiếp cận từ dưới lên, xuất phát từ nhu cầu và thực tiễn cuộc sông đặt ra, lãnh đạo địa phương và chuyên gia nghiên cứu đã phát hiện nhiều vấn đề cơ bản nhằm giải quyết nhu cầu năng lượng theo một quy hoạch bền vững của một xã trong vùng nông thôn đang đà phát triển.

Trước thực trạng của trang trại chăn nuôi Bảo Thủy ngập sâu trong những lớp phân không còn bể chôn lấp; dự án BIOGAS ra đời nhưng không nơi tiêu thụ lại trở thành một nguồn phát thải độc hại. Từ kết nối cộng đồng với những sáng kiến phát huy vai trò chủ thể của người dân, một đường ống dẫn khí Biogas đến 25 hộ tiêu dùng được khởi tạo, đã đáp ứng nhu cầu bức xúc về năng lượng của khu dân cư đồng thời với bảo vệ môi trường doanh nghiệp.

Nhận thức kế hoạch năng lượng địa phương chính là quá trình người dân và chính quyền cùng xây dựng; lãnh đạo xã Nam Cường đã chú trọng vận động sự tham gia của cộng đồng, coi người Dân là chủ thể quyết định vấn đề cần làm (từ lựa chọn ưu tiên đến giải pháp thực hiện cả trước mắt và lâu dài).  Với kết quả phân tích tư liệu điều tra tại các hộ dân, được chuyên gia Green ID tư vấn, hỗ trợ, một quy hoạch năng lượng địa phương của Nam Cường đã được hình thành, định rõ mục tiêu và những ưu tiên, giải pháp đồng thời với tổ chức trao đổi biện pháp thực hiện trong cộng đồng. Theo đó, kế hoạch phát triển được tập trung vào nguồn năng lượng tái tạo phi thương mại có ở địa phương; trước hết là mở rông khai thác sử dụng khí Biogas và năng lượng mặt trời.

Triển khai nhiêm vụ đề ra, lãnh đạo xã đã thành lập nhóm đặc nhiệm với đại diện của thường trực UBND, các đoàn thể chính trị xã hội, trưởng thôn và người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Thành viên trong nhóm được tập huấn kiến thức, đào tạo kỹ năng; chịu trách nhiệm nghiên cứu điều tra, xây dựng và phối hợp triển khai thực hiện quy, kế hoạch được cộng đồng thông qua.

Từ kết quả khởi đầu đưa năng lượng Biogas của trang trại chăn nuôi vào sử dụng trong các hộ dân, xã đã mở rộng diện khai thác sang hộ dân và trong các nhà trẻ, trường mầm non, trạm y tế có nguyên liệu đầu vào là chất thải hữu cơ và thức ăn dư thừa. Với cơ chế hỗ trợ vốn ban đầu từ ngân sách 3 triệu đồng cho 1 cơ sở, đến nay đã có 2 cộng đồng và 15 hộ xây dựng được bể sinh khí Biogas.

Cùng với Biogas, năng lượng mặt trời được sử dụng cũng mở ra triển vọng tốt đẹp trong khai thác nguồn năng lượng sạch phi thương mại trong dân. Thành công đáng kể trong hoạt động này là xây dựng được trạm xử lý R.O; cung cấp nước tinh khiết cho cư dân toàn xã. Bằng nguồn năng lượng mặt trời, 4 dây truyền lọc nước R.O có khả năng cung cấp hàng nghìn lít/ngày đóng chai, đóng bình với giá rẻ đã trở thành nhân tố quan trọng để cải thiện điều kiện vệ sinh, môi trường nâng cao đời sống dân cư. Ngoài trạm điện mặt trời của các tổ chức công quyền, trường học; xã còn hỗ trợ 1 triệu đồng trong xây dựng 1 trạm của dân; nhờ đó đến nay đã có trên 25 hộ gia đình sử dụng năng lượng mặt trời.

Lợi ích từ quy hoạch năng lượng địa phương mang tính cộng đồng đã giúp Nam Cường nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế xã hội, đã được lãnh đạo địa phương đưa vào các nghị quyết và trong kế hoạch hàng năm. Trao đổi cùng chúng tôi Chủ tịch UBND xã  Hoàng Ngọc Sang nhấn mạnh “ Mô hình Biogas cộng đồng dẫn khí từ trang trại,chăn nuôi quy mô lớn về cụm dân cư dùng để đun nấu; Biogas sử dụng phế thải của trường mầm non đã giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Biogass hộ chăn nuôi gia đình cũng là nhân tố quan trọng làm giảm ô nhiễm và dịch bệnh.  Bình nước nóng dùng năng lượng mặt trời đã tiết kiệm thời gian, tăng hiệu quả kinh tế trong hoạt động mẫu giáo nhà trẻ. Pin dùng năng lượng mặt trời giúp các hộ nuôi tôm, cá, nghêu, cua,,,nhiều thuận lợi trong việc chăm sóc, canh coi thủy sản…” .  Từ kết quả mang lại của những nhân tố mới; đến nay nhiều hộ trong xã đã tự bỏ kinh phí mua sắm lắp đặt và vận hành theo những mô hình sử dụng có hiệu quả tại địa phương. Tín hiệu thị trường từ công ty Tân Á Đại thành, một đơn vị cung cấp thiết bị sử dung năng lượng mặt trời, cũng cho biết, doanh số bán hàng của khu vực này tăng hơn 20% so với nhiều nơi .

Thay cho lời kết

Kết quả sau 17 tháng thực hiện hướng đi phát huy sức mạnh cộng đồng để tìm giải pháp phát triển bền vững,  đã giúp Đảng bộ và Nhân dân Nam Cường vững tin về con đường phát triển dựa trên sức mạnh đoàn kết toàn dân trong xây dựng nông thôn mới giầu đẹp. Hy vọng từ truyền thống làm theo lời Bác, từ kết quả bước đầu trong tìm kiếm giải pháp phát triển bền vững, Nam Cường sẽ có những đột phá mới để giữ vững vị trí hàng đầu trong xây dựng Nông thôn Mới ở một vùng đất biển còn nhiều gian nan.    

Lê Thành Ý