Bất kể nỗ lực của chính phủ cũng như các tổ chức tài trợ quốc tế, Việt Nam vẫn là quốc gia có nguồn nước mặt trên sông suối ao ...
Bất kể nỗ lực của chính phủ cũng như các tổ chức tài trợ quốc tế, Việt Nam vẫn là quốc gia có nguồn nước mặt trên sông suối ao hồ bị ô nhiễm cao, đa phần dân quê không có nước sạch sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày.
Nguồn nước ngày càng ít
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, chuyên gia Môi Trường Và Tài Nguyên Thiên Nhiên thuộc Viện Nghiên Cứu Biến Đổi Khí Hậu tại Đại Học Cần Thơ, đặc biệt cũng là thành viên của Mạng Lưới Sông Ngòi Việt Nam, giải thích nguyên nhân và hệ lụy từ sự ô nhiễm nguồn nước mặt đối với đời sống con người về mọi mặt:
Tôi không có số liệu cho tất cả các điểm nước mặt tại Việt Nam nhưng mà tôi có nhiều số liệu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ô nhiễm chính của đồng bằng sông Cửu Long cũng như một phần của các vùng ở phía trên, vùng miền Đông chẳng hạn, là do nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp, đồng thời cũng có một lượng nước thải từ các hoạt động như là nuôi cá, hay là nước thải từ một số các ruộng lúa mà người ta đã phun thuốc trừ sâu hay rải phân bón làm cho nguồn nước bị ô nhiễm.
Chỗ mà tình trạng ô nhiễm nhiều nhất là những nơi tập trung đông dân cư và khu công nghiệp nhiều, chẳng hạn như ngoại thành Sài Gòn hoặc là các khu công nghiệp phía Bắc. Rồi một số vùng sản xuất, cũng là khu công nghiệp và dân cư sống xen kẽ với nhau ở miền Trung. Những vùng đó thì chúng tôi ghi nhận là những điểm nóng ô nhiễm ở Việt Nam mình.
"Chúng tôi nhắm tới lớp trẻ, sẽ là chủ tương lai của đất nước, để tạo ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường hoặc hệ sinh thái"- TS. Lê Anh Tuấn
Thanh Trúc: Thưa tiến sĩ, tại sao vấn đề ô nhiễm nguồn nước mặt nghiêm trọng và nhạy cảm không chỉ riêng cho Việt Nam mà cả trên thế giới?
TS. Lê Anh Tuấn: Có thể nói hầu hết sinh hoạt của con người ta, cư trú của con người ta đều tập trung ở những vùng tập trung nguồn nước. Người ta sống dọc theo ao, hồ, sông, hoặc cửa sông hay cửa biển. Còn trong khi đó ở các vùng rừng núi hoặc các chỗ ít nguồn nước thì nó lại ít hơn. Chính cái đặc điểm đó mà con người ta phải lấy nguồn nước nào gần nhất để sinh sống, canh tác cũng như sản xuất.
Như vậy, tất cả sự liên quan giữa chất lượng nguồn nước với gia tăng dân số cũng như sản xuất đều ảnh hưởng lẫn nhau. Những ảnh hưởng này rất là nhạy cảm, liên quan tới vấn đề về chất lượng cuộc sống, sức khỏe, những sinh hoạt khác của cộng đồng, kể cả những vấn đề về văn hóa nữa.
Thanh Trúc: Thế thì cái ảnh hưởng, cái tác động ngay lập tức rồi cái đe dọa về lâu về dài của ô nhiễm nguồn nước mặt đối với dân số Việt nam như thế nào?
TS. Lê Anh Tuấn: Trước mặt thì ô nhiễm kềm hãm sự phát triển kinh tế xã hội. Mức độ này càng ngày càng tăng theo sự gia tăng của dân số và theo sự phát triển của kinh tế. Khi kinh tế phát triển nhiều thì con người ta sử dụng nguồn nước càng nhiều. Đặc biệt tất cả những nguồn nước mà chúng ta sử dụng đều là nguồn nước mặt và nước ngọt, trong khi lượng nước mặn thì người ta sử dụng không nhiều. Nước mưa thì bị hạn chế vì nó theo mùa và người ta không thể tưới nhiều được bằng nước mưa. Nước ngầm thì có những khó khăn về nguồn nước ngầm, do đó người ta tập trung nhiều về sử dụng nước mặt.
Với áp lực do dân số càng ngày càng nhiều, sản xuất càng ngày càng phức tạp hơn, trình độ cuộc sống gia tăng lên, nhu cầu nguồn nước càng ngày càng nhiều hơn. Trong khi đó, sự de dọa là nguồn nước càng ngày càng giới hạn, càng ngày càng ít đi mà lại bị ô nhiễm nhiều hơn, đồng thời có những tác nhân mang tính tiềm tàng như sự thay đổi thời tiết bất thường cũng như chất lượng nguồn nước thay đổi trong tương lai. Đó là những cái đang de dọa cuộc sống của người dân Việt Nam cũng như một số dân khác ở trên thế giới.
Cách giải quyết
Công nhân vệ sinh thu dọn rác bờ kênh Nhiêu Lộc. AFP photo
Thanh Trúc: Từ những điểm ông vừa trình bày, thưa tiến sĩ Lê Anh Tuần, Mạng Lưới Sông Ngòi Việt Nam có đề xuất với chính phủ là làm cách nào để giảm thiểu vấn đề nguồn nước mặt bị ô nhiễm bởi cách này cách khác?
TS. Lê Anh Tuấn: Mạng Lưới Sông Ngòi Việt Nam là tổ chức được thành lập để vận động chính phủ và ý thức người dân nhằm bảo vệ nguồn nước, đặc biệt là sông ngòi, được trong sạch hơn. Chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo chuyên đề, xuất bản ra những tài liệu, những ấn phẩm, khuyến cáo tình trạng ô nhiễm hiện tại và những cách để có thể giám bớt hành động hoặc là những hoạt động gây ô nhiễm nguồn nước.
Thí dụ chúng ta phải có những cơ chế kiểm soát chất thải trong sản xuất và sinh hoạt đi ra những giòng sông. Chúng ta phải có phương pháp bảo vệ chất lượng nước rồi tiết kiệm nước, cách xử lý những nguồn nước sao cho đơn giản mà có hiệu quả, khuyến khích người ta sử dụng nguồn nước một cách cẩn thận .
Chúng tôi cũng thường xuyên có những cuộc họp, chúng tôi vận động các cấp, đặc biệt các chính quyền địa phương, lưu ý những vấn đề này. Kêu gọi người dân để họ ý thức hơn trong chuyện bảo vệ nguồn nước. Chúng tôi đồng thời cũng tham gia vận động chính sách, thí dụ khi làm Luật về tài nguyên nước thì chúng tôi đóng góp rất nhiều trong những điều khoản để tạo ra một cơ chế pháp lý cho mọi người có ý thức nhiều hơn, dùng những biện pháp về chính sách hoặc về pháp luật để kiểm soát chất lượng nguồn nước cho hiệu quả hơn. Đây là vấn đề khó khăn, phải làm lâu dài và liên tục.
"Với áp lực do dân số càng ngày càng nhiều, sản xuất càng ngày càng phức tạp hơn, trình độ cuộc sống gia tăng lên, nhu cầu nguồn nước càng ngày càng nhiều hơn" - TS. Lê Anh Tuấn
Chúng tôi cũng có những phản biện đối với những công trình mà sử dụng nguồn nước nhiều như thủy điện, các khu công nghiệp hoặc những hình thức khai thác nguồn nước khác thí dụ như mở rộng diện tích canh tác lúa lên hai hoặc ba vụ thì cái đó ảnh hưởng nguồn nước như thế nào. Hoặc làm để bao hoặc vấn đề nguồn nước xuyên biên giới chẳng hạn. Chúng tôi đều có những quan tâm đó đó để giúp cho chất lượng nước tốt hơn hoặc là ít ra đừng xấu đi nhiều.
Thanh Trúc: Những biện pháp, nếu có, mà chính phủ áp dụng và đáp ứng sự quan ngại của các tổ chức như Mạng Lưới Sông Ngòi Việt Nam, thì cho tới lúc này ông thấy có thực tế có cụ thể hay không?
TS. Lê Anh Tuấn: Thực ra những đáp ứng của chính phủ cũng chưa đạt như sự mong muốn của Mạng Lưới Sông Ngòi Việt Nam. Chúng tôi vẫn tiếp tục nỗ lực cho chính phủ cấp trung ương và các cấp địa phương thấy được vấn đề. Chúng tôi cũng đã tạo ra những tiếng vang hay những dư luận trên báo chí hay cộng đồng để chính phủ quan tâm hơn.
Thực sự cũng không thể nào đòi hỏi là chính phủ đi theo mình 100% như mong muốn, nhưng ít ra là mọi quyết định của chính phủ người ta phải xem xét cẩn thận và dè dặt hơn trong chính sách cũng như sự phê duyệt các công trình hay là các biện pháp. Vấn đề này phải làm liên tục, vận động chính quyền, vận động các cơ quan, đoàn thể, trường học nông dân, người nuôi cá.
Chúng tôi cũng liên kết với các tổ chức phi chính phủ cùng quan tâm vấn đề này ở trong nước cũng như ngoài nước. Chúng tôi nhắm tới lớp trẻ, sẽ là chủ tương lai của đất nước, để tạo ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường hoặc hệ sinh thái. Đây là công việc đòi hỏi sự lâu dài, nhiệt tình và kiên trì của các thành viên Mạng Lưới Sông Ngòi Việt Nam.
Thanh Trúc: Xin cảm ơn Giáo sư Lê Anh Tuấn về thời giờ của ông.
Trích dẫn tại: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-river-network-clean-water-f-rural-07232013131841.html