8:30 AM
Do có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo từ mặt trời, sinh khối và gió... nên Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động được nguồn năng lượng trong nước, thoát khỏi việc bị phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Ngày 22/11/2016, đại biểu Quốc hội Khóa XIV tại Kỳ họp thứ hai đã biểu quyết dừng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận với 92% phiếu đồng thuận. Đây là một quyết định sáng suốt và phù hợp với bối cảnh phát triển mới. Quyết định này sẽ có tác động như thế nào tới an ninh năng lượng quốc gia và các giải pháp thay thế?
Hệ luỵ từ nhà máy nhiệt điện than
Theo nghiên cứu mới đây của Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), điện than không phải là một giải pháp thay thế phù hợp. Khai thác và đốt than gây ra những tác động nghiêm trọng tới môi trường như ô nhiễm đất, nước và không khí. Các nhà máy nhiệt điện than là nguồn phát thải lớn nhất trong lĩnh vực năng lượng và là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí.
Tất cả các giai đoạn trong vòng đời sản xuất điện than từ khai thác, chế biến, vận chuyển, đốt và xử lý tro xỉ đều thải ra các chất gây ô nhiễm không khí bao gồm các loại bụi, khí độc (SO2, NOx, CO ...) và các loại khí nhà kính (CO2, CH4 ...), đặc biệt là PM2.5 (kích thước và mật độ những hạt nổi trong không khí).
Đây là mối nguy hại lớn cho sức khỏe của người dân, là nguyên nhân gây ra các bệnh không lây nhiễm như ung thư phổi, đột quỵ, bệnh tim do thiếu máu cục bộ... Báo cáo của nhóm chuyên gia Harvard đã chỉ ra rằng điện than là nguyên nhân của 4.300 ca chết yểu năm 2011, đồng thời dự ̣báo rằng con số này sẽ tăng lên 21.100 ca nếu tất cả các nhà máy nhiệt điện than trong Quy hoạch điện VII được đưa vào vận hành.
Vấn đề tro và xỉ thải của các nhà máy nhiệt điện than là bài toán chưa có lời giải. Hiện nay các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam thải ra khoảng 15 triệu tấn tro xỉ hàng năm, trong đó mới chỉ có khoảng 10% được tái sử dụng. Đây là nguy cơ ô nhiễm môi trường lớn cần phải có giải pháp trước khi bổ sung thêm các nhà máy điện than mới.
Bên cạnh đó, nhà máy nhiệt điện than cần một lượng nước lớn cho hệ thống làm mát.
Trung bình cứ 3,5 phút một nhà máy nhiệt điện than 500MW sẽ hút lên một lượng nước đủ để chứa trong một bể bơi tiêu chuẩn Olympic (2.500 m3). Sau quá trình làm mát nước được xả trở lại hồ, sông hoặc biển với nhiệt độ cao hơn nước đầu vào từ 5,6 – 11 độ C, phá hủy môi trường sống của cá và các loài thủy sinh.
Những tác động của nhà máy nhiệt điện than đến môi trường và sức khỏe con người sẽ không thể giải quyết triệt để bằng các công nghệ tiên tiến hiện đại. Báo cáo mới đây nhất của Tổ chức Kiko Network vào ngày 14/11/2016 đã chỉ ra thất bại trên toàn cầu của công nghệ điện than hiện đại nhất - Chu trình hỗn hợp khí hóa phát điện (IGCC).
Công nghệ này có thể giảm tối đa 20% lượng phát thải, nhưng lại có chi phí cao hơn 35% so với công nghệ truyền thống đồng thời rất phức tạp về mặt kỹ thuật. Câu chuyện điển hình của Mỹ, Tây Ban Nha, và Trung Quốc là minh chứng cho sự thất bại của những nỗ lực phát triển công nghệ này. Nhiệt điện than sẽ không còn là loại hình sản xuất điện rẻ nếu áp dụng các công nghệ tiên tiến, trong khi đó vấn đề phát thải vẫn không thể giải quyết triệt để.
Tăng sản xuất điện từ đốt than cũng gây ra tăng phát thải khí nhà kính, tác động nghiêm trọng tới Việt Nam, đặc biệt khi Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Thêm vào đó, nếu 2/3 lượng than cho sản xuất điện phụ thuộc vào nguồn than nhập khẩu sẽ dẫn đến mất tự chủ về kinh tế và đe dọa đến an ninh năng lượng.
Xét về mặt tài chính, việc xây dựng thêm các nhà máy điện than sẽ đẩy Việt Nam tới nguy cơ về “tài sản ứ đọng” (stranded asset). Đó là khi các nhà máy nhiệt điện than được xây lên nhưng không được vận hành, hoặc vận hành không hết công suất. Nhiệt điện than không phải là sự lựa chọn hợp thời khi nhiều nước trên thế giới đang ngừng xây mới, thậm chí đóng cửa các nhà máy điện than đang xây dựng và vận hành. Pháp tuyên bố từ nay tới năm 2023 sẽ đóng cửa tất cả các nhà máy nhiệt điện than tại quốc gia này. Cùng với Pháp, các quốc gia như Phần Lan, Canada, Hà Lan, Úc, Đan Mạch… đều tuyên bố nỗ lực xóa bỏ điện than trong cơ cấu nguồn điện quốc gia từ nay cho tới 2030.
Những giải pháp phù hợp
Cân nhắc những bất lợi của phương án trên, VSEA và Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm (NCDs-VN) cho rằng giải pháp thay thế tối ưu, hiệu quả và rẻ nhất cho Việt Nam chính là sử dụng năng lượng hiệu quả và phát triển năng lượng tái tạo.
Hệ thống cột phong điện tại huyện Tuy Phong (Bình Thuận). Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN
Theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm phát triển xanh GreenID, Việt Nam có thể giảm được 208 tỉ kWh vào năm 2030 so với Quy hoạch điện VII nếu có những biện pháp quản lý hiệu quả năng lượng, kết hợp với các dự báo nhu cầu năng lượng sát thực tế. Quản lý nhu cầu có thể giúp cắt giảm 30.000 đến 42.000 MW tổng công suất lắp đặt, trong đó bao gồm 20.000 – 32.000 MW công suất lắp đặt điện than và 10.000 MW điện hạt nhân vào năm 2030, trong khi vẫn hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu.
Giải pháp này đồng thời giúp tiết kiệm tới 45 – 50 tỷ USD đáng lẽ phải dành cho việc xây dựng các nhà máy điện mới. Thêm vào đó, tái cấu trúc mô hình phát triển theo tăng trưởng các-bon thấp sẽ góp phần không nhỏ giúp tăng khả năng thành công của các biện pháp sử dụng hiệu quả năng lượng.
Do có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo từ mặt trời, sinh khối và gió...nên Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động được nguồn năng lượng trong nước, thoát khỏi việc bị phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thậm chí cả khi không có gió và ánh sáng mặt trời thì năng lượng vẫn được cung cấp đủ nhờ những tiến bộ trong công nghệ lưu trữ điện.
Năng lượng tái tạo là một công nghệ tiến bộ, ít rủi ro, ít gây ra tác động xấu đến môi trường và sinh kế của người dân. Những công nghệ này tương đối đơn giản, nên có thể tạo ra nhiều việc làm mới cho những lao động có trình độ thấp ở vùng nông thôn, cũng như những lao động làm quản lý và các công việc liên quan đến sản xuất, lắp đặt và bảo trì hệ thống. Ví dụ ở Đức, từ năm 2000, ngành năng lượng tái tạo đã tạo ra rất nhiều công việc ổn định, với khoảng 380.000 công việc so với 38.000 công việc trong ngành hạt nhân.
Nhà máy điện năng lượng tái tạo có thể đưa vào vận hành nhanh hơn năng lượng than hay hạt nhân, vì thời gian xây dựng chỉ mất khoảng hai năm. Phát triển năng lượng tái tạo giúp tạo ra chuỗi giá trị và ngành công nghiệp nội địa, đồng thời phát triển các khu vực nông thôn, lồng ghép được với các mục tiêu phát triển nông thôn mới và chiến lược tăng trưởng xanh. Ví dụ, với kế hoạch phát triển 6000MW điện gió vào năm 2030 sẽ cung cấp điện cho 12,4 triệu người, giảm 3,4 triệu tấn CO2, tiết kiệm 17 triệu USD phí môi trường và thuế các-bon...
Theo kinh nghiệm từ các quốc gia khác cho thấy với các chính sách đúng đắn, năng lượng tái tạo đã thu hút được nhiều đầu tư đến từ các khu vực tư nhân hơn, trong khi năng lượng hạt nhân, hóa thạch đỏi hỏi nguồn đầu tư chủ yếu là từ nhà nước và trong một thời gian dài. Hiện chi phí cho sản xuất năng lượng mặt trời và năng lượng gió trên thế giới có xu thế giảm mạnh (mới đây tại thành phố Dubai thuộc Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) chỉ còn khoảng 670 đồng/1kWh) và sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
“Chúng tôi khuyến nghị Chính phủ cân nhắc đẩy mạnh sử dụng năng lượng hiệu quả và phát triển năng lượng tái tạo - là trụ cột chính trong phát triển ngành năng lượng. Với các ưu điểm về công nghệ, lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường, giá thành giảm nhanh và khả năng dễ dàng tiếp cận nguồn tài chính, đây sẽ là giải pháp tối ưu để thay thế cho điện hạt nhân ở Việt Nam”. Bà Ngụy Thị Khanh nhấn mạnh.
Thắng Trung (TTXVN)